Việt Nam






Friday 30 January 2015

HỒ SƠ NGUYỄN BÁ THANH: THIÊN LÔI TỶ THÍ TRƯ BÁT GIỚI



 
HỒ SƠ NGUYỄN BÁ THANH: THIÊN LÔI TỶ THÍ TRƯ BÁT GIỚI

LÊ TRỌNG HIỆP 





















Trong một cuộc nói chuyện với đảng viên tại Đà Nẵng đã được đưa lên mạng youtube, Nguyễn Bá Thanh từng ví Nguyễn Tấn Dũng như là “Trư Bát Giới”, kẻ mình “ghét nhất, bực nhất” khi xem trong phim Tây Du Ký. Thanh diễn tả nhân vật này là kẻ bất tài, dị dạng, tham ăn tục uống, bao nhiêu việc lớn đều để Tề Thiên gánh vác thế nhưng “khổ một cái” anh Trư này rất dẽo miệng, “nói cái chi Tam Tạng cũng nghe”!

Nếu sự “bất tài” ngụ ý “tài kinh tế” của Dũng thì cụm từ “tham ăn tạp uống” bóng gió đến tật tham nhũng. Còn việc “nói cái chi Tam Tạng cũng nghe” ngụ ý Dũng vận động Trung ương đảng không kỷ luật mình.

Phần Thanh thì được phe Đảng của Trương Tấn Sang và Nguyễn Phú Trọng sử dụng như là một thứ “Thiên Lôi” để đánh Dũng.
Cuộc tỷ thí giữa hai đảng viên cộng sản cao cấp này là cuộc tỷ thí giữa Thiên Lôi và Trư Bát Giới!

Thiên Lôi đánh hớ
Muôn đời Dũng sẽ không tha thứ cho Thanh cái tội tập trung toàn bộ đảng viên của Đà Nẵng để “đánh” mình vào thời điểm chuẩn bị cho Hội nghị 6 của Trung ương đảng khóa XI.

Hội nghị này được Bộ chính trị triệu tập với các mục tiêu:
1&2/ Báo cáo Trung ương đảng kết quả và thảo luận kết quả phê và tự phê của Bộ Chính trị, và Ban Bí thư theo Nghị quyết 4 về xây dựng Đảng.
3/ Bỏ phiếu để “quy hoạch” lại Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt.
“Quy hoạch” ở đây có nghĩa là sắp xếp lại, nói trắng ra là thanh trừng. Cụ thể thì hội nghị này là đòn của Sang và Trọng để nhân vụ tai tiếng Vinashin mà tước chức thủ tướng của Dũng.

Trước Hội nghị này gần hai tháng thì “Thiên Lôi” Nguyễn Bá Thanh đã ra đòn trước. Ngày 8.4.2012 Thanh triệu tập 4,500 cán bộ đảng viên tại Đà Nẵng chỉ để chửi Dũng và toàn bộ hình ảnh đã được đưa lên youtube, cho thấy Thanh nói thẳng, hụych toẹt, không hề nao núng:

“Ông tưởng ông ngon lắm. Ông tưởng họ kính nể họ chấp tay họ bái phục ông cho nên đừng có vội cứ nhìn cái mặt tốt của mình, chỉ thấy bên ngoài thôi chứ còn nhiều vấn đề lắm. Họ làm sai là từ chức chứ mình làm sai rồi cứ nhơn nhơn tỉnh queo coi như không có vấn đề gì. Cách chức thì ảnh chịu thôi chứ biểu ảnh từ chức thì ảnh không từ! Ảnh nói có bao nhiêu người phải từ đâu mà tôi từ? Có lòng tự trọng lắm đấy. Họ làm sai thì từ chức còn mình làm sai thì cùng lắm kiểm điểm rút kinh nghiệm. Cho nên không có cái dây nào nó dài hơn cái dây kinh nghiệm.”

Sau đó thì cả báo Nhân Dân, trong số ra ngày 5.10.2012 đã lôi Dũng ra chỉ trích: "Người đứng đầu là Thủ tướng, cần được tôn trọng, nhưng khi đã phạm lỗi, phạm tội thì phải được đối xử bình đẳng trước pháp luật và kỷ luật của Ðảng thì vì sao phải nể?".

Nhưng Thiên Lôi đã đánh hụt. Kết quả sau đó khiến ai cũng chưng hửng. Trung ương đảng bất chấp gợi ý của Bộ chính trị, đã bỏ phiếu ủng hộ Dũng ở lại làm thủ tướng, đúng lời Thanh: “Trư Bát Giới bất tài, tham ăn tục uống nhưng nói cái chi Tam Tạng cũng nghe”.

Nguyễn Tấn Dũng vẫn không mất chức, đâu vẫn hoàn đấy.

Trong bài phát biểu bế mạc Trọng chỉ tuyên bố chung chung “Trung ương đảng không thi hành kỷ luật một đồng chí trong Bộ Chính trị”. Ngày hôm sau thì Sang rụt rè “Đồng chí X” chứ không dám gọi thẳng tên Dũng trong buổi gặp gỡ cử tri tại Sài Gòn hôm 17.10.2012.

Trư Bát Giới phản công
Hơn hai tháng sau thì Trọng và Sang phản đòn. Ngày 28.12.2012, Bộ Chính trị đã công bố quyết định tái lập Ban Nội chính Trung ương (BNCTƯ) và bổ nhiệm Thanh làm trưởng ban. Rõ ràng đây là đòn của Sang và Trọng để kềm chế Dũng. BNCTƯ là cơ quan chống tham nhũng của đảng, song song với cơ quan Thanh Tra Chính phủ (TTCP) thuộc Văn phòng Thủ tướng.

Mới đổ ông nghè đã đe hàng tổng, chưa chính thức nhậm chức, Thanh đã mạnh miệng hăm he sẽ vạch mặt phe chính phủ. Ngày 10.1.2013, trong hội nghị “Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước” do UBND Đà Nẵng tổ chức ngày 10.1.2013, NBT đã đe dọa ngành ngân hàng: “Chỉ cần nâng khống là bắt ngay cán bộ ngân hàng trời ơi đó. Với tư cách Trưởng Ban Nội chính Trung ương, sắp tới tôi cho rà soát một số vụ, rồi điều tra, bắt vài vụ làm điểm nên hiện nay một số anh đang ngồi run!. Và: "Hiện cả nước lên tới mấy chục tỉ đô la (nợ) chứ ít à. Mấy ông đó là phải bắt ngay, không cần đợi có bằng chứng chung chi gì hết.”

Ai cũng biết rằng ngân hàng là “sân sau” của Dũng. Lúc đó con gái Dũng là Nguyễn Thị Thanh Phượng cũng đứng tên điều hành một ngân hàng. Thanh nói vậy cũng chẳng khác gì chửi vào mặt Dũng.

Nhưng Dũng không vừa, chỉ một tuần sau là đã phản công và khóa được miệng Thanh. Phe Dũng sử dụng “kết luận thanh tra” của mình để giao cho Bộ công an điều tra hành vi tham nhũng của bộ sậu lãnh đạo dưới quyền Thanh.

Ngày 17.1.2013, TTCP do Dũng trực tiếp quản lý tổ chức họp báo, tiết lộ thông tin Đà Nẵng đã “giao đất, đấu giá, chuyển quyền sử dụng đất không đúng nguyên tắc khiến ngân sách nhà nước thất thu hơn 3,400 tỷ đồng”.

Sau đòn dằn mặt này người ta thấy Thanh ít nói hơn, không còn hung hăng lớn lối như trước.

Tuy nhiên nay phe NTD vẫn không buông tha, chính thức công bố “kết luận thanh tra” nói trên. Biên bản thanh tra không nhắc tới tên ông Thanh mà chỉ có ông Trần Văn Minh, người giữ chức chủ tịch từ năm 2004-2011 và lúc đó là Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Trên thực tế thì đây vẫn là chiến thuật cổ điển mà giới lãnh đạo cộng sản vẫn áp dụng để diệt trừ lẫn nhau.Trong thập niên 60, Lê Duẫn và Lê Đức Thọ đã không trực tiếp tấn côngVõ Nguyên Giáp mà chỉ bao vây để khủng bố. Họ lần lượt bắt và bỏ tù các sĩ quan thân cận với ông ta như Cục trưởng tác chiến Đỗ Đức Kiên với tội “xét lại”. Tại Trung Quốc, Mao Trạch Đông đã không tấn công thẳng Lưu Thiếu Kỳ mà đánh từ từ: đấu tố các văn nghệ sĩ do Bành Chân (Thành ủy Bắc Kinh) nâng đỡ, từ đó lại đánh lên Bành Chân, rồi từ họ Bành đánh lên đàn anh là chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ.

Việc bán đất tại Đà Nẵng liên quan đến 3 đời chủ tịch. Gồm ông Trần Văn Minh, Huỳnh Năm hiện đã nghỉ hưu và Hoàng Tuấn Anh, hiện là bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch. Tuy nhiên trên ba đời chủ tịch này chỉ có một bí thư thành ủy là Thanh.

Thiên Lôi cũng là... Trư Bát Giới
Nếu Thanh chê Dũng là “tham ăn tục uống nhưng nói cái chi Tam Tạng cũng nghe” thì phe Dũng áp dụng chiến thuật tương tự: Thanh cũng vậy nhưng được tô vẽ thành huyền thọai!

Sự thật thì chung quanh Thanh có một vầng hào quang giả khác che lấp. Trang mạng Nó Kìa (http://clbnokia.wordpress.com/) đã đăng tải hình ảnh nhà riêng của NBT tại địa chỉ 189 Cách Mạng Tháng 8, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng và khu resort Sandy Beach, có khách sạn hạng 4 sao mà NBT có cổ phần, có cả một số phòng đặc biệt dành riêng cho mình. Đây là tài sản mà một cán bộ thanh liêm không thể nào sở hữu được cho dù ông ta nhịn ăn và dành dụm cả đời.

Mặt khác, sự “trong sạch” và “công minh” của ông ta đã bị chính ông ta tước bỏ khi sắp xếp để “cơ cấu” đứa con Nguyễn Bá Dĩnh du học từ Anh về vào vị trí Bí thư thành đoàn Đà Nẵng.

Còn thành tích của Thanh trong việc xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố “xanh, sạch, đẹp” cũng được thổi phồng quá mức. Trên thực tế ông Thanh đã bán gần như hết sạch đất đai tại thành phố này cho các công ty ngoại quốc theo các thời hạn kéo dài từ 50 năm trở lên, trong đó bán cả cho Trung Quốc.
Chính nhờ nguồn tiền này nên Thanh có thể mua lòng dân tại Đà Nẵng để vung vẩy tiền bạc vào các hành động mỵ dân như cho tiền tiêu Tết xe thồ, tặng nhà cho học sinh nghèo đoạt giải thưởng quốc tế v.v..

Thế nhưng cũng chính người Đà Nẵng đã truyền tai nhau câu chuyện tiếu lâm chính trị về Thanh: “Thanh ra Hà Nội dự đại hội đảng, đến lăng bác khấn: ‘Lạy bác, nếu bác phù hộ con, cho con làm thủ tướng, con sẽ xây dựng cả đất nước ta xanh sạch đẹp như thành phố Đà Nẵng vậy!’ Nghe Thanh khấn, Hồ Chí Minh đang nằm trong quan tài kiếng hoảng sợ bật dậy, vái Thanh như vái ông bà: ‘Thôi, thôi, chú mày về Đà Nẵng đi. Chú mày đã bán sạch đất Đà Nẵng rồi, bây giờ ra đây sợ chú mày đào cả lăng bác lên chú mày bán, bác biết yên nghỉ ở mô đây?”

Tuy là tiếu lâm, câu chuyện trên đã nói lên thực chất những hào quang mà báo chí đã tô vẽ Thanh lâu nay.
Bản thân Thanh từng bị tố cáo nhiều điều, thí dụ dùng đất công để đổi lấy bằng tiến sĩ quản lý kinh tế nông nghiệp. Quan trọng hơn, Thanh từng bị một thiếu tướng công an tố cáo tội tham nhũng.

Thiên lôi và tướng công an
Sự vụ bắt đầu từ năm 2000 nhưng chỉ gây chú ý vào 2007 khi cựu thiếu tá công an Đinh Công Sắt bị bắt vì tội "rải truyền đơn và tố cáo sai sự thật nhằm hạ uy tín lãnh đạo Đà Nẵng". Ngòai Sắt, Công an Đà Nẵng còn truy tố Nguyễn Phi Duy Linh, tướng Trần Văn Thanh, Chánh Thanh tra của Bộ Công An, và trung tá Dương Ngọc Tiến, trưởng phòng đại diện Báo Công An thành phố HCM tại Hà Nội. Nghĩa là toàn “thứ dữ”.

Các nghi can này bị truy tố với cáo buộc "lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" “tố cáo sai sự thật nhằm hạ uy tín lãnh đạo Đà Nẵng". Tuy nhiên việc “lãnh đạo của Đà Nẵng" bị ảnh hưởng uy tín, bị tố cáo sai sự thật như thế nào thì cáo trạng lò tịt, không hề nhắc đến.

Các bị đơn này phải nhờ một luật sư “thứ dữ” là Cù Huy Hà Vũ, con trai nhà thơ Huy Cận. Trong phiên xử phúc thẩm, luật sư bên bị đã xác định nhân vật bí ẩn "có dấu hiệu bị xâm hại uy tín" chính là Thanh, Bí thư Thành ủy.

Theo cáo trạng thì truyền đơn mà Sắt rải là tài liệu mà Trần Văn Thanh (TV Thanh) trao cho thông qua Tiến. Đó là “Công văn số 73/KSĐT-KT” ký ngày 31/10/2000 và “Công văn số 77/KSĐT/KT” ký ngày 01/11/2000, do Viện kiểm sát Đà Nẵng gửi Viện kiểm sát tối cao và ông Phan Diễn, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Nội dung nêu ra nhiều cáo buộc:

1. Thanh nhận của Phạm Minh Thông số tiền hối lộ 4.4 tỉ đồng trong các công trình xây dựng Cầu Sông Hàn và đường Bắc Nam ở Đà Nẵng.
2. Thanh lấy đất của dân, mỗi mét vuông đất đền bù 19,500 đồng rồi bán cho nhà thầu đất là 150,000 đồng.

LS Vũ đã tung ra báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, xác nhận các đơn tố cáo Thanh là có cơ sở. Bên cạnh là “Kết luận thanh tra số 524/KLTT-BCA” ký ngày 06/6/2008 của Bộ Công an xác định “có đủ căn cứ để truy tố vụ án và bị cáo nhưng Công an thành phố Đà Nẵng không truy tố ông Nguyễn Bá Thanh để điều tra”.

Theo luật sư Vũ thì vụ án này "được tạo nên nhằm tiêu diệt tướng Thanh" vì ông "là viên tướng chống tham nhũng". Cù Huy Hà Vũ nêu dẫn chứng là TV Thanh đã từng "chỉ đạo điều tra vụ án tham nhũng liên quan trực tiếp đến ông Nguyễn Bá Thanh lúc đó là chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và hiện nay là bí thư thành ủy Đà Nẵng." Ông Vũ cho rằng đây "là hành vi trả thù đối với việc chống tham nhũng."
Tuy nhiên phiên toà đã diễn ra với chiều hướng có lợi cho Thanh. Khi luật sư nhắc đến hành vi tham nhũng của ông Thanh thì micro của luật sư đã bị tòa án tắt đi và sau đó vụ án chìm xuồng.

Trong một cuộc phỏng vấn của RFI, luật sư Vũ nói rằng cho đến phút cuối cùng người ta đã "bí mật thay đổi Hội Đồng Xét Xử", thay một chánh án tên Diệm bằng ông Trần Mẫn mà không thông báo cho các luật sư.

Trần Mẫn là ai? Người thành thạo vấn đề “nhân sự” của Đà Nẵng cho biết Mẫn là em ruột bà Trần Thị Thủy, là vợ ông Nguyễn Văn Chi, lúc đó là ủy viên Bộ chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng.

Nguyễn Văn Chi sinh năm 1945 hơn Thanh 8 tuổi, cùng quê tại Hòa Tiến- Hòa Vang, cùng họ Nguyễn. Đáng nói hơn, con đường hoạn lộ của Thanh cũng tương tự của của Chi: xuất thân từ Hoà Tiến, Hoà Vang, tạo sức bật từ chức “phó bí thư Hoà Vang” cho đến Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, khi ra trung ương thì làm trong này chính trị nội bộ hay nội chính.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội Việt Nam khoá 12 vào năm 2008, Thanh bị bị xem xét tư cách ứng cử viên do những đơn thư tố cáo tham nhũng đất đai nói trên. Tuy nhiên, sau đó cơ quan có thẩm quyền kết luận là Thanh hoàn toàn trong sạch nên Thanh tiếp tục trúng cử.

Cấp cao nhất trong các cơ quan có thẩm quyền này là ai nếu không phải là Ủy ban kiểm tra trung ương đảng do Chi nắm. Chi phải bênh Thanh là chuyện dĩ nhiên.

Năm 2000, Thanh bị TV Thanh tố. Khi Nguyễn Bá Thanh là chủ tịch Đà Nẵng thì Trần Văn Thanh là giám đốc công an thành phố, do đó nắm hết tẩy của Thanh: hồ sơ này không thể gọi là hồ sơ vớ vẩn. VKS Đà Nẵng lâm vào thế kẹt, phải viết công văn xin ý kiến nguyên bí thư thành ủy Đà Nẵng Phan Diễn.
Tuy nhiên thực chất thì tham nhũng chỉ là cái cớ và theo nhận định thì đây là tranh chấp quyền lực trong nội bộ Đà Nẵng và xa hơn nữa là trong hàng ngũ lãnh đạo Trung ương, muốn giữ phe phái mình bên dưới.

Chính vì thế nên Nguyễn Bá Thanh được thầy của mình bao che và họ đã sắp xếp để điều Trần Văn Thanh ra làm việc ở Bộ Công An, cho làm đuôi trâu thay vì đầu gà. Nhưng Trần Văn Thanh vẫn ấm ức nên khi ra Hà Nội rồi thì tung ra toàn bộ những tài liệu liên quan đến “Hồ sơ tham nhũng Nguyễn Bá Thanh” cho báo chí và các thuộc cấp bất mãn của mình để quậy.

Nhưng vì ô dù của Thanh lớn quá nên vẫn tiếp tục chiến thắng, cho đến khi đụng vào Trư Bát Giới! (*)

Thiếu tướng công an Trần Văn Thanh ra tòa


Khi Thiên Lôi ăn đòn
Ngày 1.7.2014TTCP họp báo, tiết lộ thông tin Đà Nẵng đã “giao đất, đấu giá, chuyển quyền sử dụng đất không đúng nguyên tắc khiến ngân sách nhà nước thất thu hơn 3,400 tỷ đồng”.

Đến ngày 29.7.2014 Bộ Công an đã tiến hành bắt giữ toàn bộ ban lãnh đạo Tập đoàn Thiên Thanh, gồm chủ tịch Phạm Công Danh (cũng từng là Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Việt Nam), cựu tổng giám đốc Phan Thành Mai và thành viên Hội đồng quản trị phụ trách tài chính Mai Hữu Khương. Bộ công an cũng ra lệnh phong tỏa hàng loạt dự án của Tập đoàn này tại miền Trung.

Đây là là tập đoàn có thế mạnh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, đã đầu tư vào ba dự án có tại Đà Nẵng.

Một trong ba dự án đó là thương xá trị giá 750 triệu Mỹ kim trên nền của Sân vận động Chi Lăng, nằm giữa trung tâm Đà Nẵng. Khu đất này rộng khoảng 5,5 ha, giáp bốn con đường chình của thành phố là Lê Duẩn, Hùng Vương, Ngô Gia Tự và Chi Lăng.

Tập đoàn này đã mua sân vận động trên vào tháng 8-2010 và gây nên nhiều dư luận và tranh cãi.

Đầu tiên là thủ tục bán. Đây là “khu đất vàng” và việc bán đất này diễn ra một cách thầm lặng, không thông qua thủ tục đấu giá.

Kế đến là giá bán: giá chuyển nhượng lại rất thấp, thấp hơn cả giá đất tối thiểu theo khung giá của địa phương. Cụ thể, giá đất giao cho Thiên Thanh bằng với giá đất TP Đà Nẵng kêu gọi đầu tư (25,3 triệu đồng/m2), thấp hơn 2-3 lần giá đất giao dịch trên thị trường. Ðó là chưa kể đến cả hệ thống sân bãi bóng đá, nhà điều hành vừa mới đầu tư xây dựng trị giá nhiều tỉ đồng phải đập bỏ.

Cùng thời gian này, thông tin Thanh bị đầu độc lan truyền. “Thiên Thanh bị bắt” còn “Bá Thanh bị bệnh”, hai vụ xảy ra một lúc cho thấy Trư Bát Giới đã cao tay ấn hơn hẳn Thiên Lôi!

Chú thích:
(*) Trong vụ này chỉ các đàn em của Trần Văn Thanh là Dương Tiến, Nguyễn Phi Duy Linh và Đinh Công Sắt. TV Thanh được Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Đà Nẵng tuyên bố đình chỉ vụ án ngày 22.6.2012.


__._,_.___

Posted by: truc nguyen 

No comments:

Post a Comment

Featured post

Bản Tin buổi sáng22/4/2024

My Blog List