Việt Nam






Tuesday 31 May 2016

OBAMA - TẬP CẬN BINH - VÀ LÒNG DÂN Việt Nam


OBAMA - TẬP CẬN BINH - VÀ LÒNG DÂN Việt Nam



Kha Lương Ngãi



Kể từ ngày 20/5 tôi luôn được một nhóm an ninh “quan tâm chăm sóc” ngày đêm. Đặc biệt, 6g sáng nay, 25/5/2016 khi vừa mở cửa, chưa kịp bước ra khỏi nhà thì các bạn an ninh bám trụ từ đêm qua, vội bước đến mép cửa rào nhà tôi nhũn nhặn, lễ phép: “Mấy bửa trước thì chú tự do đi, tụi cháu theo bảo vệ chú, nhưng riêng hôm nay thì chú vui lòng ở nhà nghĩ ngơi, tụi cháu có nhiệm vụ bảo vệ chú tại nhà”. Tôi không ngăn được bực bội, vặn hỏi: “Tại sao hôm nay tôi lại bị mất tự do kỳ cục, lạ lùng vậy?”. Vào nhà, cố nén cơn tức giận, biết rằng đây là bổn phận phải thi hành của nhân viên an ninh, tôi quay trở ra mời “giao lưu cà phê”, nhóm an ninh vui vẽ nhận lời và câu chuyện với chủ đề: Obama - Tập Cận Bình - Lòng dân Việt Nam, được tôi đem ra cùng nhau luận bàn.



- Tôi mở đầu: Vì sao hôm nay chú được “bảo vệ tại nhà” vậy?


- An ninh: Vì hết buổi sáng hôm nay “ông ấy” mới rời khỏi thành phố của mình.


- Tôi giả vờ: “ Ông ấy” là ông nào? chú có liên quan gì tới cái “ông ấy” đó đâu mà chú phải được “bảo vệ” dữ vậy!


- An ninh: Chú thừa biết mà! Mấy hôm nay vì bận làm nhiệm vụ, chỉ nghe kể lại thôi, nhưng tụi cháu cũng biết: Cái ông Tổng thống Obama này đang làm cho dân chúng cả nước mình đều phải biết đến ông ấy .


- Tôi hỏi: Biết thế nào? Có khác với biết về Tập Cận Bình Không?


- An ninh (ngập ngừng): Tụi cháu nghe có lẽ khác nhiều đó chú!


- Tôi: Như vậy là các cháu cũng đã hiểu lòng Dân của mình đối với Tập Cận Bình và Obama khác nhau như thế nào rồi ?!


- An ninh: Vâng! Tụi cháu có biết


- Tôi: Chắc các cháu còn nhớ: Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam, được lãnh đạo Việt Nam long trọng đón tiếp với quốc lễ bắn 21 phát đại bác, nhưng rồi ông ta lại chỉ vội vàng phán mấy câu hứa hẹn xã giao, dối trá ở Quốc hội ta, không dám ló mặt ra đường, không dám tiếp xúc các nhóm XHDS, không dám tiếp xúc nhân dân Việt Nam; hấp tấp như trốn chạy, để rồi sang đến Singapore ông ta lếu láo, ngạo ngược tuyên bố: “Biển đảo Nam Trung Hoa (biển Đông) là lãnh thổ thuộc chủ quyền thiêng liêng của tổ tiên người Trung Hoa xác lập từ ngàn năm (!)”. 


Còn Tổng thống Obama thì ngược lại hoàn toàn, không có 21 phát đại bác, không có quan chức cấp cao Việt Nam ra sân bay chào đón ông… Nhưng ông Obama lại đường hoàng mang đến cho Việt Nam thông điệp: Xóa bỏ cấm vận vũ khí hoàn toàn, tái xác nhận tạo điều kiện cho Việt Nam gia nhập TPP… kèm theo đó là những cam kết giúp Việt Nam phát triển kinh tế lành mạnh để thoát lệ thuộc nước khác, tăng cường an ninh quốc phòng để bảo vệ biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ; Tăng cường đối thoại, hợp tác để giúp Việt Nam phát triển văn hóa giáo dục, tư pháp… theo chuẩn mực quốc tế ...v…v. Và cũng chính vì là người mang “quà tặng” cho Việt Nam nên Tổng thống Obama đã hết sức chủ động, đĩnh đạc, giản dị, thân tình tại lễ tiếp đón của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng chính phủ. Đặc biệt ông Obama cũng đã hết sức dân dã, đường hoàng, thưởng thức bún chả Hà Nội, tiếp xúc, nói chuyện hòa đồng với các nhóm Xã Hội Dân Sự, với hàng ngàn Thanh niên, SV, doanh nhân, đi thăm đó đây… mà không hề e ngại vấn đề an ninh… 


Đặc biệt, từ khi đáp xuống sân Nội Bài, trên đường về Hà nội, cũng như trên đường từ sân bay Tân Sơn Nhất vào TP.HCM hình ảnh ghi nhận được trên các trang báo cả lề trái, lề phải đều cho thấy rừng người nồng nhiệt với panô, khẩu hiệu, chân dung Obama rợp trời, kèm theo với tiếng hô: Obama, Obama, Obama! vang lên liên hồi! liên hồi! Ông Tập Cận Bình có được đón tiến như thế không các cháu?


Như vậy, lòng Dân muốn gì? Dân muốn Việt Nam kết bạn với ai? Dân coi ai là thù? Dân muốn đất nước đi về đâu? Qua sự kiện Tập Cận Bình và Obama thăm Việt Nam thì “lòng Dân” đã quá rõ. Nhưng “ý Đảng” thì như thế nào? Mà Đảng lại bắt mấy cháu phải dầm mưa, dãi nắng, ngủ bờ, ngủ bụi để theo dõi, “bảo vệ các chú tại nhà” như mấy hôm nay? 


- Đến đây thì tôi dằn giọng: Mà chú nói hết lẽ với các cháu nhé, tại sao các cháu lại xâm phạm đến quyền đi lại đã được Hiến pháp, pháp luật quy định đối với các chú? Chú sẽ lên tiếng phản đối vụ xâm phạm quyền công dân này đấy. 


- An ninh: Nhiệm vụ phải làm mà chú! Mong các chú thông cảm.


Biết là có tranh cãi với nhóm thừa hành này cũng vô ích, tôi dịu lại, nói nhấn từng câu: “Ờ.., Đúng là vì nhiệm vụ, ăn lương nên phải làm. Nhưng dù sao mấy cháu cũng cần phải nhớ: Lòng Dân, ý Dân là - ý - Trời đấy



Sài Gòn, chiều 25.5.2016

K.L.N

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

Monday 30 May 2016

Thấy gì giữa những cuộc đón tiếp: Ý đảng và lòng dân

-------- Original message --------
From: Van duy Dinh <>
Date: 30/05/2016 7:06 am (GMT+08:00)
To: Ái Vân <b
Subject: Fw: Fwd: NGUYỄN HỮU VINH : Thấy gì giữa những cuộc đón tiếp: Ý đảng và lòng dân



Thấy gì giữa những cuộc đón tiếp:
        Ý đảng và lòng dân
Sáu tháng sau khi ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư Đảng CS Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thăm Việt Nam, ngày 22/5/2016, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Obama cũng đã đến Hà Nội, mở đầu chuyến thăm Việt Nam.

Cả hai chuyến thăm đều là của những nhân vật đứng đầu quốc gia.

donObamataisanbaynoibai
Việt Nam đón Tổng thống Obama tại sân bay Nội Bài
Một là “đàn anh trong phe Xã hội Chủ nghĩa’, là “bạn 16 chữ vàng và 4 tốt” của Đảng và nhà nước Việt Nam, đến từ một đất nước “núi lền núi, sông liền sông”. Trung Quốc hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam.

Một là cựu thù của Việt Nam cộng sản, từng là “kẻ thù trước mắt và lâu dài”, là “sen đầm quốc tế”, là “kẻ thù của hòa bình nhân loại” và là một “đế quốc xâm lược” – theo hệ thống tuyên truyền xưa nay của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Ông Hồ Chí Minh đã nói: “đế quốc chủ nghĩa là nguồn gốc chiến tranh”– (Ngày 17 tháng 11 năm 1950, Thư gửi Hội nghị hòa bình ở Việt Nam, Hồ Chí Minh)

Đến Việt Nam, ông Tập Cận Bình hứa hẹn TQ viện trợ 1 tỷ NDT trong 5 năm cho VN. Đúng như lời ông Hồ Chí Minh đã dặn dân Việt Nam: “Các nước anh em, giúp đỡ nhiều” (Trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.543)
dontapcanbinhNOibai
Việt Nam đón Tập Cận Bình ở sân bay Nội Bài.
Đến Việt Nam, ông Obama nói về nhân quyền cho Việt Nam, điều mà nhà cầm quyền Việt Nam ghét cay ghét đắng và thường xuyên cho rằng đó là công việc nội bộ của Việt Nam. 

Không những không mang một khoản viện trợ tiền tỷ nào, lại thực hiện vai trò “anh chàng lái súng” (nói theo ngôn ngữ tuyên truyền của Đảng xưa nay), ông ta chỉ hứa bỏ cấm vận vũ khí sát thương với các điều kiện về nhân quyền.

Có lẽ vì những khác biệt như vậy, nên sự đón tiếp của Đảng đối với hai nguyên thủ quốc gia cũng khác nhau nhiều.

Đón ông Tập Cận Bình ở sân bay là hàng quân danh dự đứng im như phỗng.
Đón ông Obama ở sân bay là một cô gái ôm bó hoa tặng rồi ông Obama lủi thủi đi vào xe.

Đón ông Tập Cận Bình là một dàn đại bác bắn 21 phát đinh tai nhức óc người dân.
Đón ông Obama là sự im lặng ngờ vực và hồi hộp từ phía nhà nước.

Đón ông Tập Cận Bình là hàng ngũ an ninh, công an và các loại quân Việt Nam được tung ra dày đặc.
Đón ông Obama, đặc vụ Mỹ soi từng góc sân bay và mọi ngóc ngách.

Đón ông Tập Cận Bình, hàng đoàn công an, an ninh, mật vụ và các loại lực lượng khác nhau được tung ra để canh nhân dân.
Đón ông Obama, công an chỉ cần đứng dẹp trật tự bên đường.

Thế nhưng, đó là cách đón tiếp của ĐCS và nhà nước đối với những vị mà họ gọi là khách quý. Còn đối với  nhân dân thì sao?

Người dân Việt Nam đón ông Tập Cận Bình bằng những băng rôn, khẩu hiệu, những chiếc áo với hình của ông Tập và dòng chữ như “Tập Cận Bình, hãy cút đi!”, “Tập Cận Bình, têm xâm lược bẩn thỉu, cút khỏi Việt Nam!”.
tapvatrong
Ông Tập Cận Bình và ông Nguyễn Phú Trọng
VinhdonTapCanBinh

donTapCanBinh_dan
Dân Hà Nội đón ông Tập Cận Bình ngày 5/11/2015
tranbang
Người dân Sài Gòn đổ máu bởi công an khi đón ông Tập Cận Bình

Người dân Việt Nam đón ông Obama bằng cách đi xa từ cả trăm cây số, ăn ngủ vật vờ qua đêm, đứng bên đường vẫy tay, vẫy hoa chào mừng ông Obama đến Việt Nam. Hàng ngàn người dân xếp dọc hai bên đường đoàn xe chở ông Obama đi, vẫy tay, hân hoan với những chiếc điện thoại, máy ảnh tự chụp. 

Họ đón ông Obama với một sự yêu mến và kính trọng thật sự. Ở đó không có khái niệm bạn, thù mà là sự nô nức hào hứng. Nếu so với “ngày hội non sông” bầu cử hôm qua, thì quả là hai trạng thái tinh thần khác biệt hoàn toàn.

Người dân đi đón ông Tập Cận Bình được nhà nước xử đãi bằng công an, canh gác bởi an ninh, côn đồ, bắt nhốt vào đồn ngồi cả ngày bỏ đói, thậm chí được tặng dùi cui, nắm đấm và đổ máu. Thế nhưng họ vẫn kiên quyết phản đối tên xâm lược, dù là bạn vàng của đảng.

Người dân đón ông Obama cũng được canh gác bởi công an, an ninh… nhất là đối với những người đấu tranh dân chủ, dày đặc và quyết liệt. Vậy nhưng họ vẫn kiên quyết đi bằng nhiều cách, không phải phản đối, mà để hân hoan chào đón Tổng thống Mỹ.

Người dân Việt Nam chen chúc nhau để được chụp ảnh cùng với ông Tổng thống Mỹ, trong khi ông Chủ tịch nước Việt Nam đứng vô đơn bơ vơ bên cạnh chẳng ai đoái hoài.
donObamadocduong
donObamadocduong1
DonObamatrenduong
Người dân Hà Nội chào đón Tổng Thống Obama
ObamavaTrandaiquanggapdan
Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp dân

Đến Việt Nam, ông Tập Cận Bình “lén lút – bí mật” chui vào rao giảng cho Quốc hội Việt  Nam.

Đến Việt Nam, ông Obama tiếp xúc với người dân cách công khai và nói chuyện với dân trước hội trường.

Đến Việt Nam, ông Tập Cận Bình vào lăng viếng ông Hồ Chí Minh, một đồng đội và là đồng chí của ông ta.

Đến Việt Nam, ông Obama đến thăm một ngôi chùa, tỏ lòng kính trọng nét văn hóa, tâm linh của người Việt.

Đến Việt Nam, ông Tập Cận Bình dự chiêu đãi của những người lãnh đạo ĐCS tiếp bạn vàng bằng sơn hào hải vị từ tiền thuế người dân.
Đến Việt Nam, ông Obama vào ăn bún chả bình dân rồi trả bằng tiền của mình.
Obamaanbuncha
TT Obama ăn bún chả ở Lê Văn Hưu, Hà Nội
Nhìn những dòng người đông đúc, vui mừng, thân ái và rạng rỡ khi đón Tổng thống Mỹ Obama, chợt nhớ khi đón ông Tập Cận Bình, nhóm chúng tôi, mấy chục người bị bắt vào Sở Công an Hà Đông, và những hình ảnh anh chị em Sài Gòn bị đánh đập bỏ lên xe đổ máu… khi họ Tập đến nhà, chúng tôi tự hỏi: Vì sao vậy?

Đó phải chăng là sự chứng minh rõ nét ý đảng và lòng dân là hai khái niệm đang đi ngược chiều nhau? Một đảng chính trị tự soán ngôi cầm quyền, tự xưng là lãnh đạo đất nước mà đi ngược lại nguyện vọng của người dân, liệu họ có là “đảng của giai cấp công nhân và dân tộc” như họ tuyên bố hào sảng?

Đó cũng chính là nỗi đau, là sự bất hạnh của dân tộc Việt Nam hôm nay.

Khi một đảng phái, một tổ chức đi ngược lại ý nguyện của người dân, đi ngược lại tiến trình tiến bộ của đất nước, thì đích thị đó là một nhóm phản động – phản động đúng với ý nghĩa chân chính nhất của từ này.

Hà Nội, ngày 23/5/2016
J.B Nguyễn Hữu Vinh







--
DuyTrac-AuOanh




__._,_.___

Posted by: loc huong 

Saturday 28 May 2016

Vì sao Mỹ bất ngờ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam?

 

Vì sao Mỹ bất ngờ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam?

25.05.2016
Bạn Phạm Chí Dũng thân mến,
Bài bạn viết trên VOA sáng nay gợi một ý tưởng hay, đọc rất thích thú, thỏa mãn được tâm nguyện hầu hết người đọc Việt Nam, dù không phải không có những người cũng đã cảm nhận ra nó một cách lờ mờ.  Một bài viết ít nhiều gây cảm hứng lạc quan và xua bớt đi những ám ảnh bi quan nếu chỉ nhìn vào cách thức hai đối tác ứng xử với nhau trên sân khấu chính trị trong hai ngày ròng rã. Một vài chuyên gia quân sự Trung Quốc cũng đã nhanh nhẩu dự đoán: “Sớm hay muộn tàu chiến Hoa Kỳ cũng sẽ được phép vào Vịnh Cam Ranh, một cảng nước sâu từng được sử dụng như một căn cứ hải quân quan trọng của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam”.
Thế nhưng, tôi vẫn có cảm tưởng bạn giải đáp chưa thật lọn nghĩa 5 hiện tượng nổi cộm sau đây mà chẳng cần tinh ý ai cũng nhận thấy, vì thế đọc xong bài của bạn, trong đầu nhiều người chúng vẫn cứ còn nguyên là ẩn số. Xin tạm lược kể để bạn xem: 
1) Chỉ thả vẻn vẹn 1 tù nhân đấu tranh dân chủ là Linh mục Nguyễn Văn Lý (đã gần mãn hạn tù) vài hôm trước ngày ngài Tổng thống xuất hiện, trong khi những Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Văn Đài… vẫn không hề được hai bên nhắc nhở gì, còn Trần Huỳnh Duy Thức thì bắt đầu bước vào ngày đầu tiên của quyết định tuyệt thực không kỳ hạn chứ không chịu chung số phận bị tống xuất sang Mỹ như một Cù Huy Hà Vũ, một Nguyễn Văn Hải, một Tạ Phong Tần…
2) Thả được một người thì cùng lúc lại bắt một người khác, mà lại là công dân Hoa Kỳ là Nancy Nguyễn, tính lại là huề, song là huề trong cái thế đòn cân nhỉnh hơn về phía Việt Nam.
3) Việc đón tiếp ngài Tổng thống tổ chức giản dị đến đơn sơ, không có 21 phát đại bác thôi cũng được đi, nhưng ra sân bay sao chỉ là một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chưa ai nghe tên tuổi mà không là Bộ trưởng kiêm Phó thủ tướng Phạm bình Minh? Nên nhớ đây là siêu cường đứng trên tất cả chứ đâu có bình thường.
4) Ngăn chặn và trấn áp nhiều thành viên XHDS đến với ông Obama trong buổi sáng 24-5 phải chăng là một “cái vỗ” làm cho ông bẽ mặt? Hay là trong “bài tính được thua” mới nhất, chuyện nhân quyền đã bị chính các vị chính khách tiêu biểu cho sứ mệnh dân chủ tự do đẩy xuống hàng cuối trong việc cân nhắc thứ tự ưu tiên?
5) Rồi việc ông Obama và phái đoàn Mỹ đến thăm chùa Ngọc Hoàng vào chiều 25-5 – một ngôi chùa nằm ngoài vùng phủ sóng của văn hóa Việt – ngay khi ông ấy vừa đặt chân đến Sài Gòn làm ai nấy ngơ ngác, phân vân.
Mấy câu kết luận trong bài viết của bạn có vẻ như còn mập mờ quá, tôi chưa nắm được tinh thần sâu xa của nó:
“Thỏa thuận quân sự” cũng có thể là lý do để giải đáp việc Tổng thống Mỹ lại chọn đến thăm “chùa lạ” ngôi chùa có tên “Ngọc Hoàng” do người Trung Quốc lập, toàn thờ người Trung Quốc và chẳng hề tiêu biểu cho “truyền thống văn hóa Việt Nam” như một số ai đó trong “bộ tham mưu liên quân Mỹ – Việt” tư vấn cho Obama.
Và càng có thể là lý do để khiến thể diện Mỹ xuống cấp đến thê thảm khi có đến hơn phân nửa khách xã hội dân sự do chính Tổng thống Obama mời vào buổi sáng ngày 24/5 đã bị công an Việt Nam dùng nắm đấm nhốt ở nhà hoặc ở đồn một sự thật “được ăn, được nói, được gói mang về” dành cho vị thế người đứng đầu cường quốc số 1 thế giới mà có lẽ Quốc hội và người dân Mỹ kiêu hãnh không thể tưởng tượng nổi.
Bạn có thể bật mí thêm cho tôi biết vài điều “ngập ngừng” không tiện nói hết lẽ được không, bởi tôi nghĩ, nếu có một sự đánh đổi bằng Cam Ranh chẳng hạn thì cũng cần gì phải ngụy trang đến thăm một ngôi chùa Tàu (hoặc hạ thấp nghi lễ đón tiếp) trong khi đã sử dụng câu thơ Lý Thường Kiệt đàng hoàng trong diễn văn của ngài Tổng thống? Thiếu gì ngôi chùa đẹp không phải chùa quốc doanh nhưng là chùa Việt Nam hoặc là chùa mang biểu tượng Việt Nam thời VNCH, chẳng hơn một ngôi chùa ngoại lai sao, vì cuộc viếng thăm này là của một chính khách bậc nhất đã hiểu thấu linh hồn cốt tủy của dân tộc Việt như bộc lộ trong diễn văn, và sẽ là một trong những điểm son tồn tại lâu dài trong lịch sử quan hệ Mỹ-Việt? Cũng cần gì phải “diễn trò” như cái trò bắt Nancy Nguyễn? Mặt khác, về phía đối tác của Hoa Kỳ trong cuộc đón tiếp thì mặt ai cũng có vẻ đăm chiêu, căng thẳng, không thấy lộ nét vui mừng như phía ông chủ Nhà Trắng và đoàn quan khách tháp tùng? Hơn nữa, sự nhịn nhục mà bạn coi là “được gói mang về” nếu chỉ là một cách tảng lờ của anh chàng vừa đánh xong canh bạc phất to, phải ngậm thinh để không làm cho lũ sói lang đang rình rập xung quanh dòm ngó, thì làm sao lại gây nên một làn sóng phản ứng dữ dội trong ngày hôm nay 25-5, từ nhiều thành viên Thượng viện Mỹ đến vậy?
Tất nhiên tôi khẳng định lại đây là một bài rất đáng đọc.
Nguyễn Huệ Chi

clip_image001
Tổng thống Obama loan báo quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội, ngày 23/5/2016.
Tháng Năm 2016. Dù Tết nguyên đán đã trôi qua từ lâu, nhưng Bộ chính trị mới ở Việt Nam hoàn toàn có lý do để sung sướng khi hát lại một điển ngữ “Mùa xuân ấm áp sẽ đến sau mùa đông lạnh giá”.

Mùa xuân ấm áp sẽ đến sau mùa đông lạnh giá’
Chỉ ít giờ đồng hồ sau khi đặt chân đến Hà Nội, Tổng thống Mỹ Obama đã tuyên bố một quyết định gây chấn động: Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam sau 41 năm dựng rào chắn.

Khỏi phải nói, chính quyền còn lâu mới biết tôn trọng nhân quyền đã thỏa mãn đến choáng váng. Nước Mỹ quá đẹp. Mỹ từ ca ngợi tuôn ra như suối chảy. Việt – Mỹ đã hoàn toàn bình thường hóa quan hệ… Mỹ tràn đầy cơ hội bán vũ khí cho Việt Nam… Vai trò của Mỹ được nâng tầm… Obama trong lòng người dân Việt Nam… Lòng tin chiến lược, v.v.
Nhưng không tờ báo nhà nước nào đả động nguồn cơn chính yếu vì sao Việt Nam đang tha thiết muốn được dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí: có những dấu hiệu nào đó cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị một kế hoạch tập kích đất “Giao Chỉ”, không phải ở thì tương lai xa mà có thể ngay trong vài năm tới, thậm chí ngay trong một số tháng tới.

21/5/2016, chỉ một ngày trước khi Tổng thống Obama đến Hà Nội, Tổng cục 2 thuộc Bộ Quốc phòng đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập một đơn vị tình báo mới mang tên T1.
Tình báo Quốc phòng phải phục vụ đắc lực, hiệu quả hơn nữa cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội kịp thời phát hiện, đánh giá đúng tình hình để xác định chủ trương, sách lược và biện pháp xử lý đúng đắn, kịp thời, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, nhất là bị động, bất ngờ về chiến lược” – một yêu cầu gần như điều lệnh quân sự được giới lãnh đạo đảng đặt ra.
Việc công bố trên báo chí về thành lập một đơn vị tình báo của Bộ Quốc phòng có thể được xem là bất thường, nếu đối chiếu với truyền thống bảo mật tuyệt đối về thông tin của những cơ quan đặc biệt, nhất là cơ quan tình báo thuộc tầm “chiến lược”.
Hầu như tương tự với sự kiện trên, kịch bản người Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương là khó hình dung nhất trong tất cả các kịch bản đã được nêu ra trước chuyến công du Việt Nam của Obama.
Từ ‘chưa có quyết định nào’…
Tại cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 10 Tháng Năm, 2016, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã bắn một tín hiệu đủ rõ khi nói rằng “chưa có quyết định nào” về lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Trước chuyến đến Hà Nội của Obama chỉ vài ngày, Phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống – ông Ben Rhodes – còn cho rằng “Chúng tôi đã không thực hiện quyết định cuối cùng liên quan đến vấn đề này, chúng tôi hy vọng rằng đây sẽ là chủ đề thảo luận với Việt Nam“. Dựa theo tin tức đó, một tờ báo của Việt Nam bình luận “Như vậy gần như chắc chắn lệnh cấm vận vũ khí mà Mỹ áp đặt lên Việt Nam sẽ chưa thể được dỡ bỏ ngay trong chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama. Diễn biến mới chắc chắn sẽ làm không ít người phải cảm thấy thất vọng, vì đa phần các dự đoán đều cho rằng đây chính là “món quà” Tổng thống Obama dành tặng riêng Việt Nam”.

Với khá nhiều chuyên gia quốc tế và quốc nội, khả năng triển vọng nhất là Mỹ sẽ chỉ gỡ bỏ thêm một phần lệnh cấm vận, nhưng kèm theo những điều kiện cụ thể về nhân quyền. Việc dỡ bỏ hoàn toàn, nếu có, chỉ có thể diễn ra vào cuối năm 2016 hoặc sang năm 2017.

Trong bối cảnh đó, sự kiện Tổng thống Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đã có cái gì đó phi logic khi có đến nửa trăm nhà hoạt động nhân quyền và xã hội dân sự độc lập ở hai miền Bắc – Nam Việt Nam bị công an thẳng tay ngăn chặn “không cho đi đón Obama”.
Vậy khi đột ngột quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương, người Mỹ nhận được gì từ chính quyền Việt Nam? Cải thiện nhân quyền, gia tăng hiện diện quân sự tại Đà Nẵng và Cam Ranh, hay cả hai?

… đến giả thiết nào?
Giả thiết đầu tiên là đơn giản nhất nhưng khó tin nhất: Washington cảm thấy lệnh cấm vận đã tồn tại quá lâu và “đã đến lúc gỡ bỏ”. Nhưng có lẽ chỉ vài phần trăm trong giới quan sát tin rằng Mỹ – quốc gia khởi nguồn chủ thuyết thực dụng – làm điều này một cách ngẫu hứng.
Giả thiết thứ hai là cuộc mặc cả về cải thiện nhân quyền với Hà Nội.
Trước chuyến công du Việt Nam, khó có thể cho rằng Tổng thống Obama và đoàn tùy tùng của ông có thể dễ dàng bỏ qua áp lực từ Quốc hội Mỹ về vấn đề nhân quyền. Khi đó, phần lớn giới nghị sĩ Mỹ đã quyết liệt yêu cầu Obama phải tỏ thái độ với Hà Nội, và Mỹ sẽ không thể có nhân nhượng nào nếu Việt Nam vẫn tiếp tục bắt bớ bất đồng, sách nhiễu các nhà hoạt động nhân quyền và gần đây đánh đập dã man nhiều người dân đi biểu tình vì môi trường.
11 tháng Năm, 2016 – Ngày Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 22, Phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Scott Busby còn khẳng định trước cộng đồng người Việt tại Washington: “Trong khi xây dựng mối liên hệ mạnh mẽ hơn với Việt Nam, tôi xin cam đoan với quý vị rằng nhân quyền vẫn là hàng đầu trong lịch trình của chúng tôi”.
Với giả thiết thứ hai này và nếu Mỹ không thay đổi quan điểm về ưu tiên nhân quyền ngay tại thời điểm Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí, hẳn chính quyền Việt Nam đã phải có một nhượng bộ đủ lớn về cải thiện nhân quyền để có thể nhận được “món quà” từ phía Mỹ. Trong trường hợp khả quan, sự nhượng bộ đó phải là một cam kết có lộ trình rất chi tiết của Việt Nam về cải thiện nhân quyền, bao gồm cải cách luật pháp, tự do tôn giáo, tự do báo chí, Công đoàn độc lập và Xã hội dân sự.
Thế nhưng hàng loạt biểu hiện rõ như ban ngày khi công an Việt Nam chỉ trả tự do trước thời hạn án tù giam có 3 tháng cho duy nhất trường hợp Linh mục Nguyễn Văn Lý – trước khi Obama đến Hà Nội, còn giới hoạt động nhân quyền Việt Nam bị công an ngăn cấm thô bạo và còn bị bắt cóc – khi Obama đã đến Hà Nội…, cho thấy giả thiết về cải thiện nhân quyền là quá khó để đứng vững.
Cùng lúc, nhiều tổ chức quốc tế như Ân xá quốc tế, Theo dõi nhân quyền quốc tế và một số nghị sĩ Mỹ phải bày tỏ phản ứng bất lợi cho Tổng thống Mỹ: cho đến tận bây giờ, Việt Nam vẫn chưa có bất cứ một cải thiện nào “có thể chứng minh được” về nhân quyền mà đủ để Mỹ dang tay tự hủy bỏ một trong những đòn bẩy dân chủ then chốt là lệnh cấm vận vũ khí.
Một phóng viên của đài BBC có mặt tại Hà Nội là Jonathan Head bình luận: việc cân nhắc về nhân quyền với khả năng bỏ cấm vận vũ khí dường như đã được để sang một bên. Điều trớ trêu là phóng viên này đã trở nên một nhân chứng sống cho bình luận của mình khi ông bị chính quyền Việt Nam tước quyền tác nghiệp báo chí ngay vào ngày đầu tiên Obama có mặt tại Hà Nội.
Sau hết, chỉ còn là chủ đề lợi ích – giả thiết thứ ba. Đến lúc này và nếu có thể, hãy nhớ lại triết lý của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát ra vào năm 2013: Nơi nào Mỹ và Việt Nam có lợi ích chung, nơi đó hai bên có thể làm việc cùng với nhau”.
Nơi nào vậy?
Biển Đông!
Còn Cam Ranh?
Không quá khó đoán là lợi ích lớn nhất của Mỹ ở Biển Đông là bảo đảm an ninh an toàn hàng hải cùng tàu bè kinh thương của Mỹ. An ninh Biển Đông lại liên quan mật thiết với các căn cứ quân sự của Việt Nam ở Cam Ranh và Đà Nẵng. Vài ngày trước khi Tổng thống Obama đến Hà Nội, đã xuất hiện tin tức về “có khả năng Mỹ được đặt thiết bị quân sự ở Đà Nẵng để giúp phòng tránh thiên tai”. Phải chăng đó là tiền đề cho sự hiện diện cao hơn và dày hơn của đội ngũ cố vấn và binh lính Mỹ ở vùng duyên hải miền Trung Việt Nam?
Nếu quả thật Mỹ nhận được cam kết của Việt Nam về tăng cường hiện diện quân sự Mỹ ở khu vực Biển Đông, thậm chí có cả một thỏa thuận ngầm nào đó về việc tàu chiến Mỹ có thể ra vào quân cảng Cam Ranh, đó sẽ là lý do đủ lớn và đủ vững để Mỹ thấy “đã đến lúc” dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương.
Bên lề giả thiết trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bất ngờ có chuyến làm việc ở nước Nga của Putin chỉ ít ngày trước khi Obama đặt chân đến Việt Nam. Trong thời gian Thủ tướng Phúc lưu lại Moscow, vài tờ báo Việt Nam phóng tác “Nga có thể trở lại Cam Ranh”. Nhưng sau khi ông Phúc trở về, đã không có bất cứ tin tức nào được công bố trên báo chí về sự “trở lại” ấy. Kết hợp với nhiều thông tin trước đây, có thể xác nhận rằng nước Nga hầu như không còn mặn mà với Cam Ranh, cũng như Việt Nam không nằm trong sơ đồ chiến lược của “Sa hoàng mới”.
Một chi tiết khác cũng rất đáng chú tâm: ngoài Ngoại trưởng John Kerry, có cả Cố vấn an ninh Susan Rice cũng tháp tùng Tổng thống Mỹ trong chuyến thăm Việt Nam. Sự có mặt cùng lúc của bộ ba quyền lực này cho thấy những vấn đề an ninh quan trọng như có bỏ lệnh cấm vận vũ khí hay không chỉ được quyết định vào phút cuối, căn cứ vào một hệ thống kịch bản đã được soạn sẵn.
Thể diện Mỹ: ‘được ăn, được nói, được gói mang về’
Tất nhiên khi công bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí, Tổng thống Obama có lưu ý việc bán từng mặt hàng vũ khí sẽ được xem xét căn cứ vào tình hình nhân quyền của Việt Nam cũng như mục đích sử dụng vũ khí. Nhưng nhiều dư luận cho rằng đây là một câu thòng “cho có” và ý nghĩa của câu này là khá tối nghĩa.
Nếu giả thiết về “thỏa thuận quân sự” giữa Mỹ và Việt Nam là có cơ sở, đó có thể là lý do giải thích vì sao chuyến đến sân bay Nội Bài của ông Obama lại phải dời lại đến đêm 22/5, thay vì buổi sáng hoặc buổi chiều 22/5 là thời gian diễn ra bầu cử Quốc hội và cũng là thời gian có thể nổ ra nhiều cuộc biểu tình môi trường. Đến Hà Nội khi màn đêm đã đen đặc, Obama đã không được hưởng không khí đón tiếp nồng hậu vào ban ngày ban mặt của người dân chứ không phải chính quyền Việt Nam.
“Thỏa thuận quân sự” cũng có thể là lý do để giải đáp việc Tổng thống Mỹ lại chọn đến thăm “chùa lạ” – ngôi chùa có tên “Ngọc Hoàng” do người Trung Quốc lập, toàn thờ người Trung Quốc và chẳng hề tiêu biểu cho “truyền thống văn hóa Việt Nam” như một số ai đó trong “bộ tham mưu liên quân Mỹ – Việt” tư vấn cho Obama.
Và càng có thể là lý do để khiến thể diện Mỹ xuống cấp đến thê thảm khi có đến hơn phân nửa khách xã hội dân sự do chính Tổng thống Obama mời vào buổi sáng ngày 24/5 đã bị công an Việt Nam dùng nắm đấm nhốt ở nhà hoặc ở đồn – một sự thật “được ăn, được nói, được gói mang về” dành cho vị thế người đứng đầu cường quốc số 1 thế giới mà có lẽ Quốc hội và người dân Mỹ kiêu hãnh không thể tưởng tượng nổi.
P.C.D.
* Blog của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ
__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

Friday 27 May 2016

“Món quà” Tổng thống Barack Obama dành tặng Việt Nam


“Món quà” Tổng thống Barack Obama dành tặng Việt Nam

Thứ năm, 26/05/2016, 16:59 (GMT+7)

(Chính trị) - Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến công du chính thức đến Việt Nam trong ba ngày 23-25/05. Thành công của chuyến công du này có thể nói đã “vượt ngoài kỳ vọng” của người dân cả nước, không chỉ trên phương diện ngoại giao, kinh tế mà còn trải dài ở nhiều lĩnh vực khác. 

·         >> Diplomat: Mỹ bỏ cấm vận vũ khí không chỉ “hot” với Việt Nam

·         >> Mật vụ Mỹ, an ninh Việt và người dân đều mất ngủ

·         >> Mật vụ Mỹ, an ninh Việt và người dân đều mất ngủ

·         >> Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nói gì với Tổng thống Obama trong tiệc chiêu đãi ?

·         >> Bảo vệ Tổng thống là tiền thuế dân Mỹ nhưng ăn tối thì ông Obama tự lo

Không thể bàn cãi rằng, thành công lớn nhất từ chuyến công du của Tổng thống Mỹ là tuyên bố hoàn toàn dỡ bỏ lệnh cấm vận mua bán vũ khí kéo dài hàng thập kỷ. Quyết định này đã gây bất ngờ không chỉ cho thế giới, người dân Việt Nam mà cả nước Mỹ, bởi lẽ nó được quyết định chỉ trong một tiếng đồng hồ hội đàm ngắn ngủi với Chủ tịch nước Trần Đại Quang hôm 23/05. Nhưng kết quả không dừng lại ở đây…
Khi những rào cản, nghi ngại cuối cùng trong mối quan hệ Việt – Mỹ đã được tháo gỡ cũng là lúc Mỹ bày tỏ quan điểm ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. Lời khẳng định “Chủ quyền của một quốc gia, dù lớn hay nhỏ, cần được tôn trọng. Và lãnh thổ của họ là không thể xâm phạm” của Tổng thống Obama như một cam kết Mỹ đứng về phía Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng trên Biển Đông.
Mỹ sẽ luôn là đối tác, là bạn của Việt Nam bất kỳ vấn đề nào
Qua tuyên bố “Người Việt sẽ quyết định tương lai người Việt”, Mỹ không chỉ khẳng định quan điểm tôn trọng lập trường, thể chế chính trị Việt Nam, mà còn cam kết luôn là đối tác thân thiết, là bạn của Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu, bao gồm bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, và trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. Việc Mỹ ủng hộ Việt Nam có thể ví như “tấm thẻ thông hành” đưa nước ta đến gần hơn các đồng minh, đối tác của Mỹ khắp thế giới, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Không những vậy, còn lời quảng bá du lịch, “chào hàng” nào giá trị hơn hình ảnh vị Tổng thống quyền lực nhất thế giới tham quan phố phường Hà Nội, ăn bún chả, uống bia Hà Nội trong một quán bình dân được truyền thông quốc tế đăng tải liên tục trên trang nhất? Hay việc ông nhắc lại 200 năm trước, một bậc tiền bối của người Mỹ đã đến Việt Nam và “tìm thấy giống gạo trắng, ngon, năng suất rất cao”? 
Cùng với chuyến thăm của Tổng thống Obama, Mỹ đã mang đến Việt Nam hàng loạt cam kết hợp tác thương mại, giáo dục, y tế… Ngoài hai hợp đồng tổng giá trị 14,7 tỷ USD giữa Vietjet Air với Tập đoàn Boeing và Công ty Pratt&Whitney thuộc Tập đoàn United Technologies Corp.; còn có hàng loạt thoả thuận hợp tác, Biên bản ghi nhớ khác giữa doanh nghiệp và Chính phủ Mỹ với các đối tác Việt Nam được ký kết, chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường…
vietjet-ky-hop-dong-mua-100-may-bay-cua-boeing-tri-gia-113-ty-usd
Cùng với Tổng thống Obama, hàng chục hợp đồng kinh tế đã được ký kết trong chuyến công du này
Một tin vui khác đối với nông dân Việt, trong diễn biến mới nhất đêm 25/05 (giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết hủy bỏ Chương trình Giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) được công bố từ cuối năm 2015. Mặc dù để có hiệu lực, Nghị quyết này cần được Hạ viện thông qua và Tổng thống Mỹ Barack Obama ký thành luật. Nhưng chúng ta có quyền hy vọng về một tương lai tốt đẹp, như tiêu đề bài viết đăng trên tờ Wall Street Journal cùng ngày: “Kết thúc cuộc chiến cá da trơn”.
Mở cánh cửa đến tương lai
Không chỉ có tác động tích cực đến kinh tế – chính trị, quân sự và ngoại giao, chuyến công du của Tổng thống Obama còn kéo theo hàng loạt hiệu ứng lan truyền khác.
Đội Hòa bình (Peace Corps) sẽ đến Việt Nam nhưng không phải để chiến đấu, như hàng chục năm trước, mà để đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị hai nước. Các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp hàng đầu, đại học danh tiếng của Mỹ sẽ lần lượt vào Việt Nam tìm cơ hội hợp tác, đào tạo về KHCN, toán học, y tế… không chỉ mở ra nhiều cơ hội học tập, tiếp cận nguồn tri thức, những thành tựu mới của nhân loại mà còn giúp thế hệ trẻ Việt Nam phát huy tối đa năng lực bản thân.
tuan_zing
Người dân chào đón nồng nhiệt khi đoàn xe của Tổng thống Barack Obama đi ngang qua
Một loạt nhà đầu tư Mỹ, khi biết tin Tổng thống Barack Obama sẽ thăm Việt Nam, cũng bay đến Việt Nam để đưa ra đề nghị hợp tác đầu tư. Điển hình như nhóm các nhà đầu tư Mỹ từng có đề xuất đầu tư xây dựng khu phức hợp, trung tâm tài chính tại Khu đô thị Thủ Thiêm (Q.2, TPHCM) trị giá 4 tỷ USD hồi đầu tháng 05/2016 cũng “vội vội vàng vàng” sang Việt Nam để khẳng định thiện chí đầu tư. Được biết, dự án có quy mô khoảng 11 hecta với tòa tháp văn phòng kỳ vọng sẽ là trung tâm tài chính, chứng khoán của khu vực, thu hút không chỉ nhà đầu tư Mỹ mà còn hàng trăm doanh nghiệp hàng đầu thế giới khác đến Việt Nam. Hiện khâu chuẩn bị vốn, thiết kế, xây dựng cho dự án cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn chờ giấy phép đầu tư của TP.HCM.
“Là thành phố năng động, TP.HCM cần nhiều nguồn lực để phát triển. Xây dựng một tòa tháp trung tâm tài chính hiện đại cũng sẽ giúp nâng tầm TP.HCM lên so với các đô thị khác trong khu vực”, Bí thư Đinh La Thăng khẳng định.
Bi thu Thanh uy Dinh La Thang
Trước thiện chí của nhà đầu tư, Bí thư TP.HCM Đinh La Thăng cam kết sẽ tạo điều kiện để các nhà đầu tư Mỹ nhanh chóng triển khai dự án Tháp tài chính tại Quận 2.
Không những thế, thông qua chuyến công du 3 ngày của Tổng thống Mỹ, các cơ quan bộ ngành, cơ quan an ninh Việt Nam đã phối hợp tốt với đặc vụ Mỹ và tiếp thu nhiều bài học quý giá, từ tác phong làm việc chuyên nghiệp, phối hợp với lực lượng đặc nhiệm quốc tế, sự ứng biến nhanh nhạy của các đặc vụ Mỹ khi xảy ra diễn biến bất ngờ. Chắc chắn, đây cũng chính là kinh nghiệm thực tế quý báu cho các lực lượng an ninh và phái đoàn hộ tống ngoại giao của Việt Nam trong thời gian tới.
Để khép lại bài viết, người viết xin mượn đôi dòng thơ của bạn đọc về sự kiện này:
Sáu mươi bốn giờ Ông đến Việt Nam
Đã làm nên biết bao điều kỳ diệu
Đã chạm đến triệu trái tim người Việt
Bằng ứng xử nhân văn thân thiết chân thành.
Một con người cả thế giới vinh danh
Mà bình dị như người anh người bạn
Sáu mươi bốn giờ đã lùi vào dĩ vãng
Nhưng chẳng thể nào người dân Việt lãng quên!
Lan Anh
__._,_.___

Posted by: truc nguyen 

Featured post

Lisa Pham 15.04.2024

Popular Posts

My Blog List