Việt Nam






Saturday, 28 May 2016

Vì sao Mỹ bất ngờ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam?

 

Vì sao Mỹ bất ngờ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam?

25.05.2016
Bạn Phạm Chí Dũng thân mến,
Bài bạn viết trên VOA sáng nay gợi một ý tưởng hay, đọc rất thích thú, thỏa mãn được tâm nguyện hầu hết người đọc Việt Nam, dù không phải không có những người cũng đã cảm nhận ra nó một cách lờ mờ.  Một bài viết ít nhiều gây cảm hứng lạc quan và xua bớt đi những ám ảnh bi quan nếu chỉ nhìn vào cách thức hai đối tác ứng xử với nhau trên sân khấu chính trị trong hai ngày ròng rã. Một vài chuyên gia quân sự Trung Quốc cũng đã nhanh nhẩu dự đoán: “Sớm hay muộn tàu chiến Hoa Kỳ cũng sẽ được phép vào Vịnh Cam Ranh, một cảng nước sâu từng được sử dụng như một căn cứ hải quân quan trọng của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam”.
Thế nhưng, tôi vẫn có cảm tưởng bạn giải đáp chưa thật lọn nghĩa 5 hiện tượng nổi cộm sau đây mà chẳng cần tinh ý ai cũng nhận thấy, vì thế đọc xong bài của bạn, trong đầu nhiều người chúng vẫn cứ còn nguyên là ẩn số. Xin tạm lược kể để bạn xem: 
1) Chỉ thả vẻn vẹn 1 tù nhân đấu tranh dân chủ là Linh mục Nguyễn Văn Lý (đã gần mãn hạn tù) vài hôm trước ngày ngài Tổng thống xuất hiện, trong khi những Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Văn Đài… vẫn không hề được hai bên nhắc nhở gì, còn Trần Huỳnh Duy Thức thì bắt đầu bước vào ngày đầu tiên của quyết định tuyệt thực không kỳ hạn chứ không chịu chung số phận bị tống xuất sang Mỹ như một Cù Huy Hà Vũ, một Nguyễn Văn Hải, một Tạ Phong Tần…
2) Thả được một người thì cùng lúc lại bắt một người khác, mà lại là công dân Hoa Kỳ là Nancy Nguyễn, tính lại là huề, song là huề trong cái thế đòn cân nhỉnh hơn về phía Việt Nam.
3) Việc đón tiếp ngài Tổng thống tổ chức giản dị đến đơn sơ, không có 21 phát đại bác thôi cũng được đi, nhưng ra sân bay sao chỉ là một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chưa ai nghe tên tuổi mà không là Bộ trưởng kiêm Phó thủ tướng Phạm bình Minh? Nên nhớ đây là siêu cường đứng trên tất cả chứ đâu có bình thường.
4) Ngăn chặn và trấn áp nhiều thành viên XHDS đến với ông Obama trong buổi sáng 24-5 phải chăng là một “cái vỗ” làm cho ông bẽ mặt? Hay là trong “bài tính được thua” mới nhất, chuyện nhân quyền đã bị chính các vị chính khách tiêu biểu cho sứ mệnh dân chủ tự do đẩy xuống hàng cuối trong việc cân nhắc thứ tự ưu tiên?
5) Rồi việc ông Obama và phái đoàn Mỹ đến thăm chùa Ngọc Hoàng vào chiều 25-5 – một ngôi chùa nằm ngoài vùng phủ sóng của văn hóa Việt – ngay khi ông ấy vừa đặt chân đến Sài Gòn làm ai nấy ngơ ngác, phân vân.
Mấy câu kết luận trong bài viết của bạn có vẻ như còn mập mờ quá, tôi chưa nắm được tinh thần sâu xa của nó:
“Thỏa thuận quân sự” cũng có thể là lý do để giải đáp việc Tổng thống Mỹ lại chọn đến thăm “chùa lạ” ngôi chùa có tên “Ngọc Hoàng” do người Trung Quốc lập, toàn thờ người Trung Quốc và chẳng hề tiêu biểu cho “truyền thống văn hóa Việt Nam” như một số ai đó trong “bộ tham mưu liên quân Mỹ – Việt” tư vấn cho Obama.
Và càng có thể là lý do để khiến thể diện Mỹ xuống cấp đến thê thảm khi có đến hơn phân nửa khách xã hội dân sự do chính Tổng thống Obama mời vào buổi sáng ngày 24/5 đã bị công an Việt Nam dùng nắm đấm nhốt ở nhà hoặc ở đồn một sự thật “được ăn, được nói, được gói mang về” dành cho vị thế người đứng đầu cường quốc số 1 thế giới mà có lẽ Quốc hội và người dân Mỹ kiêu hãnh không thể tưởng tượng nổi.
Bạn có thể bật mí thêm cho tôi biết vài điều “ngập ngừng” không tiện nói hết lẽ được không, bởi tôi nghĩ, nếu có một sự đánh đổi bằng Cam Ranh chẳng hạn thì cũng cần gì phải ngụy trang đến thăm một ngôi chùa Tàu (hoặc hạ thấp nghi lễ đón tiếp) trong khi đã sử dụng câu thơ Lý Thường Kiệt đàng hoàng trong diễn văn của ngài Tổng thống? Thiếu gì ngôi chùa đẹp không phải chùa quốc doanh nhưng là chùa Việt Nam hoặc là chùa mang biểu tượng Việt Nam thời VNCH, chẳng hơn một ngôi chùa ngoại lai sao, vì cuộc viếng thăm này là của một chính khách bậc nhất đã hiểu thấu linh hồn cốt tủy của dân tộc Việt như bộc lộ trong diễn văn, và sẽ là một trong những điểm son tồn tại lâu dài trong lịch sử quan hệ Mỹ-Việt? Cũng cần gì phải “diễn trò” như cái trò bắt Nancy Nguyễn? Mặt khác, về phía đối tác của Hoa Kỳ trong cuộc đón tiếp thì mặt ai cũng có vẻ đăm chiêu, căng thẳng, không thấy lộ nét vui mừng như phía ông chủ Nhà Trắng và đoàn quan khách tháp tùng? Hơn nữa, sự nhịn nhục mà bạn coi là “được gói mang về” nếu chỉ là một cách tảng lờ của anh chàng vừa đánh xong canh bạc phất to, phải ngậm thinh để không làm cho lũ sói lang đang rình rập xung quanh dòm ngó, thì làm sao lại gây nên một làn sóng phản ứng dữ dội trong ngày hôm nay 25-5, từ nhiều thành viên Thượng viện Mỹ đến vậy?
Tất nhiên tôi khẳng định lại đây là một bài rất đáng đọc.
Nguyễn Huệ Chi

clip_image001
Tổng thống Obama loan báo quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội, ngày 23/5/2016.
Tháng Năm 2016. Dù Tết nguyên đán đã trôi qua từ lâu, nhưng Bộ chính trị mới ở Việt Nam hoàn toàn có lý do để sung sướng khi hát lại một điển ngữ “Mùa xuân ấm áp sẽ đến sau mùa đông lạnh giá”.

Mùa xuân ấm áp sẽ đến sau mùa đông lạnh giá’
Chỉ ít giờ đồng hồ sau khi đặt chân đến Hà Nội, Tổng thống Mỹ Obama đã tuyên bố một quyết định gây chấn động: Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam sau 41 năm dựng rào chắn.

Khỏi phải nói, chính quyền còn lâu mới biết tôn trọng nhân quyền đã thỏa mãn đến choáng váng. Nước Mỹ quá đẹp. Mỹ từ ca ngợi tuôn ra như suối chảy. Việt – Mỹ đã hoàn toàn bình thường hóa quan hệ… Mỹ tràn đầy cơ hội bán vũ khí cho Việt Nam… Vai trò của Mỹ được nâng tầm… Obama trong lòng người dân Việt Nam… Lòng tin chiến lược, v.v.
Nhưng không tờ báo nhà nước nào đả động nguồn cơn chính yếu vì sao Việt Nam đang tha thiết muốn được dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí: có những dấu hiệu nào đó cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị một kế hoạch tập kích đất “Giao Chỉ”, không phải ở thì tương lai xa mà có thể ngay trong vài năm tới, thậm chí ngay trong một số tháng tới.

21/5/2016, chỉ một ngày trước khi Tổng thống Obama đến Hà Nội, Tổng cục 2 thuộc Bộ Quốc phòng đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập một đơn vị tình báo mới mang tên T1.
Tình báo Quốc phòng phải phục vụ đắc lực, hiệu quả hơn nữa cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội kịp thời phát hiện, đánh giá đúng tình hình để xác định chủ trương, sách lược và biện pháp xử lý đúng đắn, kịp thời, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, nhất là bị động, bất ngờ về chiến lược” – một yêu cầu gần như điều lệnh quân sự được giới lãnh đạo đảng đặt ra.
Việc công bố trên báo chí về thành lập một đơn vị tình báo của Bộ Quốc phòng có thể được xem là bất thường, nếu đối chiếu với truyền thống bảo mật tuyệt đối về thông tin của những cơ quan đặc biệt, nhất là cơ quan tình báo thuộc tầm “chiến lược”.
Hầu như tương tự với sự kiện trên, kịch bản người Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương là khó hình dung nhất trong tất cả các kịch bản đã được nêu ra trước chuyến công du Việt Nam của Obama.
Từ ‘chưa có quyết định nào’…
Tại cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 10 Tháng Năm, 2016, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã bắn một tín hiệu đủ rõ khi nói rằng “chưa có quyết định nào” về lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Trước chuyến đến Hà Nội của Obama chỉ vài ngày, Phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống – ông Ben Rhodes – còn cho rằng “Chúng tôi đã không thực hiện quyết định cuối cùng liên quan đến vấn đề này, chúng tôi hy vọng rằng đây sẽ là chủ đề thảo luận với Việt Nam“. Dựa theo tin tức đó, một tờ báo của Việt Nam bình luận “Như vậy gần như chắc chắn lệnh cấm vận vũ khí mà Mỹ áp đặt lên Việt Nam sẽ chưa thể được dỡ bỏ ngay trong chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama. Diễn biến mới chắc chắn sẽ làm không ít người phải cảm thấy thất vọng, vì đa phần các dự đoán đều cho rằng đây chính là “món quà” Tổng thống Obama dành tặng riêng Việt Nam”.

Với khá nhiều chuyên gia quốc tế và quốc nội, khả năng triển vọng nhất là Mỹ sẽ chỉ gỡ bỏ thêm một phần lệnh cấm vận, nhưng kèm theo những điều kiện cụ thể về nhân quyền. Việc dỡ bỏ hoàn toàn, nếu có, chỉ có thể diễn ra vào cuối năm 2016 hoặc sang năm 2017.

Trong bối cảnh đó, sự kiện Tổng thống Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đã có cái gì đó phi logic khi có đến nửa trăm nhà hoạt động nhân quyền và xã hội dân sự độc lập ở hai miền Bắc – Nam Việt Nam bị công an thẳng tay ngăn chặn “không cho đi đón Obama”.
Vậy khi đột ngột quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương, người Mỹ nhận được gì từ chính quyền Việt Nam? Cải thiện nhân quyền, gia tăng hiện diện quân sự tại Đà Nẵng và Cam Ranh, hay cả hai?

… đến giả thiết nào?
Giả thiết đầu tiên là đơn giản nhất nhưng khó tin nhất: Washington cảm thấy lệnh cấm vận đã tồn tại quá lâu và “đã đến lúc gỡ bỏ”. Nhưng có lẽ chỉ vài phần trăm trong giới quan sát tin rằng Mỹ – quốc gia khởi nguồn chủ thuyết thực dụng – làm điều này một cách ngẫu hứng.
Giả thiết thứ hai là cuộc mặc cả về cải thiện nhân quyền với Hà Nội.
Trước chuyến công du Việt Nam, khó có thể cho rằng Tổng thống Obama và đoàn tùy tùng của ông có thể dễ dàng bỏ qua áp lực từ Quốc hội Mỹ về vấn đề nhân quyền. Khi đó, phần lớn giới nghị sĩ Mỹ đã quyết liệt yêu cầu Obama phải tỏ thái độ với Hà Nội, và Mỹ sẽ không thể có nhân nhượng nào nếu Việt Nam vẫn tiếp tục bắt bớ bất đồng, sách nhiễu các nhà hoạt động nhân quyền và gần đây đánh đập dã man nhiều người dân đi biểu tình vì môi trường.
11 tháng Năm, 2016 – Ngày Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 22, Phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Scott Busby còn khẳng định trước cộng đồng người Việt tại Washington: “Trong khi xây dựng mối liên hệ mạnh mẽ hơn với Việt Nam, tôi xin cam đoan với quý vị rằng nhân quyền vẫn là hàng đầu trong lịch trình của chúng tôi”.
Với giả thiết thứ hai này và nếu Mỹ không thay đổi quan điểm về ưu tiên nhân quyền ngay tại thời điểm Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí, hẳn chính quyền Việt Nam đã phải có một nhượng bộ đủ lớn về cải thiện nhân quyền để có thể nhận được “món quà” từ phía Mỹ. Trong trường hợp khả quan, sự nhượng bộ đó phải là một cam kết có lộ trình rất chi tiết của Việt Nam về cải thiện nhân quyền, bao gồm cải cách luật pháp, tự do tôn giáo, tự do báo chí, Công đoàn độc lập và Xã hội dân sự.
Thế nhưng hàng loạt biểu hiện rõ như ban ngày khi công an Việt Nam chỉ trả tự do trước thời hạn án tù giam có 3 tháng cho duy nhất trường hợp Linh mục Nguyễn Văn Lý – trước khi Obama đến Hà Nội, còn giới hoạt động nhân quyền Việt Nam bị công an ngăn cấm thô bạo và còn bị bắt cóc – khi Obama đã đến Hà Nội…, cho thấy giả thiết về cải thiện nhân quyền là quá khó để đứng vững.
Cùng lúc, nhiều tổ chức quốc tế như Ân xá quốc tế, Theo dõi nhân quyền quốc tế và một số nghị sĩ Mỹ phải bày tỏ phản ứng bất lợi cho Tổng thống Mỹ: cho đến tận bây giờ, Việt Nam vẫn chưa có bất cứ một cải thiện nào “có thể chứng minh được” về nhân quyền mà đủ để Mỹ dang tay tự hủy bỏ một trong những đòn bẩy dân chủ then chốt là lệnh cấm vận vũ khí.
Một phóng viên của đài BBC có mặt tại Hà Nội là Jonathan Head bình luận: việc cân nhắc về nhân quyền với khả năng bỏ cấm vận vũ khí dường như đã được để sang một bên. Điều trớ trêu là phóng viên này đã trở nên một nhân chứng sống cho bình luận của mình khi ông bị chính quyền Việt Nam tước quyền tác nghiệp báo chí ngay vào ngày đầu tiên Obama có mặt tại Hà Nội.
Sau hết, chỉ còn là chủ đề lợi ích – giả thiết thứ ba. Đến lúc này và nếu có thể, hãy nhớ lại triết lý của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát ra vào năm 2013: Nơi nào Mỹ và Việt Nam có lợi ích chung, nơi đó hai bên có thể làm việc cùng với nhau”.
Nơi nào vậy?
Biển Đông!
Còn Cam Ranh?
Không quá khó đoán là lợi ích lớn nhất của Mỹ ở Biển Đông là bảo đảm an ninh an toàn hàng hải cùng tàu bè kinh thương của Mỹ. An ninh Biển Đông lại liên quan mật thiết với các căn cứ quân sự của Việt Nam ở Cam Ranh và Đà Nẵng. Vài ngày trước khi Tổng thống Obama đến Hà Nội, đã xuất hiện tin tức về “có khả năng Mỹ được đặt thiết bị quân sự ở Đà Nẵng để giúp phòng tránh thiên tai”. Phải chăng đó là tiền đề cho sự hiện diện cao hơn và dày hơn của đội ngũ cố vấn và binh lính Mỹ ở vùng duyên hải miền Trung Việt Nam?
Nếu quả thật Mỹ nhận được cam kết của Việt Nam về tăng cường hiện diện quân sự Mỹ ở khu vực Biển Đông, thậm chí có cả một thỏa thuận ngầm nào đó về việc tàu chiến Mỹ có thể ra vào quân cảng Cam Ranh, đó sẽ là lý do đủ lớn và đủ vững để Mỹ thấy “đã đến lúc” dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương.
Bên lề giả thiết trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bất ngờ có chuyến làm việc ở nước Nga của Putin chỉ ít ngày trước khi Obama đặt chân đến Việt Nam. Trong thời gian Thủ tướng Phúc lưu lại Moscow, vài tờ báo Việt Nam phóng tác “Nga có thể trở lại Cam Ranh”. Nhưng sau khi ông Phúc trở về, đã không có bất cứ tin tức nào được công bố trên báo chí về sự “trở lại” ấy. Kết hợp với nhiều thông tin trước đây, có thể xác nhận rằng nước Nga hầu như không còn mặn mà với Cam Ranh, cũng như Việt Nam không nằm trong sơ đồ chiến lược của “Sa hoàng mới”.
Một chi tiết khác cũng rất đáng chú tâm: ngoài Ngoại trưởng John Kerry, có cả Cố vấn an ninh Susan Rice cũng tháp tùng Tổng thống Mỹ trong chuyến thăm Việt Nam. Sự có mặt cùng lúc của bộ ba quyền lực này cho thấy những vấn đề an ninh quan trọng như có bỏ lệnh cấm vận vũ khí hay không chỉ được quyết định vào phút cuối, căn cứ vào một hệ thống kịch bản đã được soạn sẵn.
Thể diện Mỹ: ‘được ăn, được nói, được gói mang về’
Tất nhiên khi công bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí, Tổng thống Obama có lưu ý việc bán từng mặt hàng vũ khí sẽ được xem xét căn cứ vào tình hình nhân quyền của Việt Nam cũng như mục đích sử dụng vũ khí. Nhưng nhiều dư luận cho rằng đây là một câu thòng “cho có” và ý nghĩa của câu này là khá tối nghĩa.
Nếu giả thiết về “thỏa thuận quân sự” giữa Mỹ và Việt Nam là có cơ sở, đó có thể là lý do giải thích vì sao chuyến đến sân bay Nội Bài của ông Obama lại phải dời lại đến đêm 22/5, thay vì buổi sáng hoặc buổi chiều 22/5 là thời gian diễn ra bầu cử Quốc hội và cũng là thời gian có thể nổ ra nhiều cuộc biểu tình môi trường. Đến Hà Nội khi màn đêm đã đen đặc, Obama đã không được hưởng không khí đón tiếp nồng hậu vào ban ngày ban mặt của người dân chứ không phải chính quyền Việt Nam.
“Thỏa thuận quân sự” cũng có thể là lý do để giải đáp việc Tổng thống Mỹ lại chọn đến thăm “chùa lạ” – ngôi chùa có tên “Ngọc Hoàng” do người Trung Quốc lập, toàn thờ người Trung Quốc và chẳng hề tiêu biểu cho “truyền thống văn hóa Việt Nam” như một số ai đó trong “bộ tham mưu liên quân Mỹ – Việt” tư vấn cho Obama.
Và càng có thể là lý do để khiến thể diện Mỹ xuống cấp đến thê thảm khi có đến hơn phân nửa khách xã hội dân sự do chính Tổng thống Obama mời vào buổi sáng ngày 24/5 đã bị công an Việt Nam dùng nắm đấm nhốt ở nhà hoặc ở đồn – một sự thật “được ăn, được nói, được gói mang về” dành cho vị thế người đứng đầu cường quốc số 1 thế giới mà có lẽ Quốc hội và người dân Mỹ kiêu hãnh không thể tưởng tượng nổi.
P.C.D.
* Blog của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ
__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Featured post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

My Blog List