Việt Nam






Sunday, 15 May 2016

Hậu quả của một cuộc xâm lăng



   

Hậu quả của một cuộc xâm lăng

Lâm Văn Bé
Xin nói ngay cuộc xâm lăng nầy là cuộc chiến tranh mà nguời Tây Phương thường gọi là Chiến tranh Việt Nam (1960-1975) hay Chiến Tranh Đông Dương 2 ( để phân biệt với Chiến Tranh Đông Dương 1 từ 1945 đến 1955) và Cộng sản Việt Nam gọi là «Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước». Thực sự đó là một cuộc chiến tranh xâm lăng miền Nam do Cộng Sản miền Bắc phát động với sự hỗ trợ của hai đồng minh là Trung Cộng và Liên Sô, đúng như lời thố lộ của tên trùm cộng sản Lê Duẩn : « ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Sô và Trung Quốc». Đó là một cuộc chiến tranh xâm lăng, phải gọi chính danh như vậy.

Bởi lẽ Chính phủ Quốc Gia Việt Nam không ký vào Hiệp định Genève (20-07-1954) mặc dù có tham dự Hội nghị 9 quốc gia tại Genève thảo luận về vấn đề hòa bình Đông Dương (Mỹ, Liên Sô, Anh, Pháp, Trung Cộng, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Quốc Gia VN, Lào, Cao Miên) nên không chấp nhận cuộc tổng tuyển cử dự trù vào tháng 7 năm 1956. Mỹ cũng không có ký tên và Mỹ ủng hộ lập trường của Quốc Gia Việt Nam (tên gọi cho đến 1956 trước khi đổi lại là Việt Nam Cộng Hòa)

Đoán biết như vậy, Cộng Sản đã chuẩn bị cuộc xâm lăng miền Nam ngay từ khi Hiệp định Genève chưa ráo mực. Hà Nội đã gởi nhiều cán bộ trí vận, chuyên viên tình báo đi theo dòng người di cư, ẩn mình trong số giáo dân các họ đạo hay gài cán binh ở lại miền Nam không đi tập kết, len lỏi trong guồng máy công quyền để chờ ngày hành động. Không kể những cán bộ hạ tầng ở xã ấp bắt đầu chiến dịch ám sát khủng bố từ những năm 1958-59, những cán bộ trung cấp lợi dụng chính sách gia đình trị của Ngô Đình Diệm để thoát ly ra khu, gia nhập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, những tên tình báo chiến lược như Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng, Phạm Xuân Ẩn là điển hình của kế hoạch xâm lăng nầy.
Một quyển địa phương chí của cộng sản đã ghi : «Đồng Tháp Mười là nơi được lịnh bí mật của cấp trên chôn lại nhiều hầm võ khí, đạn dược, máy móc binh công xưởng. Riêng huyện Mộc Hóa có bốn hầm bí mật ở Kinh Bùi, Nồi Gọ, Thạnh Phước và Thủy Đông với hơn 300 súng các loại, hai hầm ở Tân Hóa và Cà Dâm (Mỹ Phước) toàn là súng tốt. 

Các huyện xã của Tân An, Chợ Lớn và MỹTho, mỗi nơi cũng chôn giấu lẻ tẻ súng, phần lớn là súng ngắn, một ít súng trường. Theo chủ trương chung, xã đội và du kích ở lại, bộ đội đi hết nhưng nhiều cán bộ đại đội, tiểu đoàn và cả trung đoàn, huyện đội và cả tỉnh đội và các cán bộ quân sự cấp khu trên đường về Cao Lãnh hoặc đã tới khu tập kết cũng được lịnh bí mật quay trở lại địa phương. Anh em ở lại Khu 8 được tổ chức thành 3 tiểu đoàn. Các tỉnh Tân An, Chợ Lớn, MỹTho mỗi tỉnh một khung đại đội phân tán về sống trong dân để khi cần có thể tập trung thành đơn vị. » (Nguyễn Đức Phương. Chiến tranh VN toàn tập, tr. 19 , trích từ Gởi người đang sống : Lịch sử Đồng Tháp Mười – NXBTPHồ Chí Minh, 1993). Chứng cớ Cộng Sản chuẩn bị chiến tranh xâm lược Miền Nam là điều không chối cãi. Theo tài liệu của Bộ Quốc Phòng Mỹ, số người cộng sản ở lại trong Nam không đi tập kết khoảng 100 000 người. (The Pentagon Paper, vol. 1, chapter 5 : Origins of the Insurgency in South VN, 1956-1960)

Tháng Tư năm 1975, sau khi dùng lừa dối và bạo lực để cưỡng chiếm miền Nam và sau khi bắt giam hàng trăm ngàn quân cán chính của chánh thể Việt Nam Cộng Hòa, đảng Cộng sản đã tổ chức ngay kế hoạch cướp giựt tài sản của nhân dân miền Nam một cách đại qui mô. Chiến dịch đánh tư sản (chiến dịch X2) thực hiện ngày 10 /09/75 và đổi tiển (chiến dịch X3) liền sau đó 2 tuần, rồi cướp nhà cướp đất của người dân miền Nam là một cuộc ăn cướp vĩ đại và thô bạo nhứt chưa từng thấy trong các thể chế chính trị cận đại. Tổng kết sơ khởi của Ủy Ban ăn cướp như sau : « Về tiền mặt ta thu được 918 triệu đồng tiền miền Nam, 134 578 mỹ kim… ; vàng : 7691 lượng, hột xoàn : 4040 hột, kim cương : 40 hột, nữ trang các thứ : 267 chiếc…

Trong các kho, ta thu được : 60 000 tấn phân, 8 000 tấn hóa chất, 3 triệu thước vải, 2500 tấn sắt, 27 460 bao ciment, 644 ô tô, 2 cao ốc, 457 căn nhà phố, 4 trại gà khoảng 30 000 con và một trại trị giá 800 triệu, 4150 con heo… ; 1,5 triệu thiết bị tiêu dùng, 19 công ty, 6 kho, 65 xí nghiệp, 4 rạp hát, 1 đồn điền cà phê, nho, táo ….» (Huy Đức, Bên Thắng cuộc, q.1, tr. 80-81).

Dĩ nhiên dó là loại báo cáo láo, bởi thực sự hàng ngàn dép râu nón cối «có chức» đã chiếm cứ các nhà cửa ở các khu phố sang trọng tại Saigon và các tỉnh, hốt hết của cải, vàng bạc còn cất giữ trong các ngôi nhà nầy. Đó là thành tích «đầu tiên» của bọn xâm lược trong sự nghiệp ăn cướp và bán nước Việt Nam.
Hậu quả các tội ác của cộng sản bắt đầu như vậy và tiếp diễn theo nhịp lũy tiến trong 41 năm qua, nhưng không phải là chủ đề của bài viết nầy. Trong bài viết, chúng tôi muốn đề cập đến những hậu quả kinh khủng của giai đoạn 15 năm chiến tranh, những thiệt hại về sinh mạng và tài sản của Việt Nam mà cả hai miền Nam Bắc phải gánh chịu. 

Cuộc chiến cũng đã đưa đến một thảm họa khổng lồ cho một quốc gia đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa muốn cùng chung ngăn chặn làn sóng đỏ trong vủng Đông Nam Á (thuyết Domino), nhưng sau cùng đã phải thất bại chua cay với nhiều thiệt hại về người và của.

Miền Bắc Cộng Sản
Tìm hiểu thống kê về thiệt hại sinh mạng và tài sản của miền Bắc cộng sản thật điên đầu. Gần như tất cả sách vở, báo chí của cộng sản viết về chính trị, lịch sử liên quan đến cuộc «chiến tranh cứu nước, chống Mỹ-Ngụy», kể cả văn thơ tiểu thuyết đều có những con số. Họ vo tròn bóp méo tùy theo mục tiêu và đề tài, thổi phồng hay giảm thiểu hoặc để ca tụng chiến thắng của họ, hoặc để hạ nhục địch thủ. Đọc những tài liệu cộng sản thấy nóng mặt, chóng mặt vì ngôn ngữ gian trá và thù hận.

Lấy thí dụ như Đặng Thùy Trâm, một bác sĩ vừa tốt nghiệp rồi đi theo đoàn quân xâm nhập vào Nam, chỉ biết ghi lại từ đầu đến cuối trong quyển sách gọi là Hồi Ký Đặng Thùy Trâm những «cas» cưa cắt tay chân thương binh và kể lê thê những mối tình dang dở đan xen vào những thành tích láo khoét của đạo quân xâm lược, vậy mà báo chí cộng sản ca tụng như một kiệt tác của một liệt sĩ cách mạng. «…Đường về đi bên bờ suối nhỏ bỗng nhiên mình nhớ và thương Thuận lạ lùng. Thuân ơi, em có xứng đáng với tình thương của chị hay không ?…. Đại hội huyện đoàn Thanh niên, sống giữa niềm vui của lớp thanh niên lớn lên trong chiến đấu. Được gặp và nghe các em thiếu nhi báo cáo điễn hình. Em Hoàng 14 tuổi trong 6 tháng đầu năm giết được 6 lính Mỹ, đánh lật 2 xe tăng bằng vũ khí tự tạo, lấy được 7 súng giặc trong đó có 2 cối cá nhân và các loại khác. Em An lấy 5 súng, có 2 cối cá nhân, một đài RC…» (Nhật Ký Đặng Thùy Trâm, t. 83). Cứ như vậy, Chị Trâm thương nhớ các em, các anh chiến sĩ, và các thiếu nhi con cháu bác Hồ diệt được đoàn quân của « loài quỹ dữ Mỹ»
  • Về thiệt hại quân số
Phải chờ đến ngày kỷ niệm 20 năm chiến thắng (03/04/1995), Hà Nội mới chính thức công bố thống kê quân nhân miền Bắc và quân Giải phóng Miền Nam chết 1.1 triệu người, bị thương 600 000 người, bị bắt là 26 000 người. Thống kê trên còn nói rõ là số người chết không phải chỉ tử trận trên chiến trường mà còn do các lý do khác như đuối sức, bịnh tật, bị thương không được săn sóc và đường mòn Hồ Chí Minh là mồ chôn tập thể cán binh miền Bắc xâm nhập vào Nam. Chính phủ Cộng Sản cũng xác nhận là cứ 2 người khởi hành từ miền Bắc thì chỉ có 1 người vào đến miền Nam và có 300 000 người chết chưa tìm được hài cốt.
Nghiên cứu của Rudolf Joseph Rummel phỏng định 1 011 000 người. (Vietnam democide : estimates, calculations and sources. University of Hawaii). Ngoài ra, trang thevietnamwar.info/vietnam-casualties lập lại thống kê của cộng sản, nhưng thêm vào 100 511 cán binh cộng sản và GPMN hồi chánh trong số người bị bắt.
  • Về thiệt hại tài sản,
Những chiến dịch Mỹ dội bom trên đất Bắc thực sự đã làm miền Bắc bị tiêu hao nhiều hạ tầng cơ sở, nhưng không có thống kê rõ rệt. Về tổn phí chiến tranh, nghiên cứu của Will E. Coyote nêu lên con số 3.6 tỉ USD trong đó Liên Sô giúp 1.6 tỉ và Trung Quốc 670 triệu và số còn lại là các nước Xã hội chủ nghĩa. Đó là con số khó tin đối với trang bị và khí giới cho một đạo quân hơn 1 triệu người đi từ Bắc vào Nam trong 15 năm. Tổng kết lại, theo Coyote, trong suốt cuộc chiến tranh, quân đội VNCH chi tiêu gấp 17 lần miền Bắc (Will Coyote. Guerre du VN . Bilan et coût du conflit).
Theo Wikiwand, tiền viện trợ của Trung Quốc, Liên Sô và các nước Xã hội Chủ nghĩa khoảng 7 tỉ.

– Về thiệt mạng của thường dân, theo ước đoán của Guenther Lewy trong America in Vietnam (p. 450-453), số thường dân miền Bắc bị chết trong các chiến dịch Mỹ dội bom khoảng 65 000, theo Bộ Quốc Phòng Mỹ chỉ độ 30 000, nhưng theo Stanley Karnow, lên đến khoảng 100 000 (Karnow. Vietnam, a history. New York : Viking Press,1983. p. 458).

Mặc dù cộng sản kết án Mỹ đã dội bom phá vở hệ thống đê làm thiệt hại tài sản và sinh mạng người dân, nhưng cho đến nay, không tài liệu nào, kể cả tài liệu đã giải mật xác nhận Mỹ thực sự có thực hiện điều nầy. Tuy nhiên, một tài liệu giải mật cho biết những cuộc dội bom và đặt mìn đã làm tê liệt 2/3 hải cảng Hải Phòng và tại nhiều vùng, số thực phẩm và nhiên liệu dự trử chỉ có thể cầm cự được 6 tháng (John Prados. La guerre du VN, p. 637). Về số thường dân, Hà Nội công bố số là trong «suốt thời kỳ chiến tranh » có 2 triệu thường dân chết ở hai phía một con số lấp lửng và lừa đảo (để đòi Mỹ bồi thường chiến tranh) vì cộng sản tính luôn cả người chết trong các cuộc đấu tố, cải cách ruộng đất do chính họ sát hại.

Miền Nam VNCH
Bởi lẽ VNCH đã tan hàng sau ngày 30 tháng tư nên các thống kê về cuộc chiến của Việt Nam Cộng Hòa phải dựa vào các tài liệu Tây Phương hay cộng sản.
  • Quân lực VNCH
– Năm 1965, VNCH có 717 000 quân gồm 365 000 quân chủ lực, số còn lại là 185 000 địa phương quân và 167 000 nghĩa quân.
– Đến cuối năm 1973, quân số nầy tăng lên đến 1.1 triệu người trong đó có phân nửa là quân chủ lực.
-Năm 1975, theo số liệu từ hồi ký Đại thắng mùa xuân của  Văn Tiến Dũng, toàn bộ Quân lực Cộng Hòa gồm có 1.351.000 quân, trong đó có 495.000 quân chủ lực, 475.000 quân địa phương, 381.000 quân “Phòng vệ dân sự” có vũ trang, gồm 13 Sư đoàn chủ lực, 17 Liên đoàn biệt động quân.
-Theo Walter J. Boyne, toàn bộ Quân lực Cộng hòa gồm có 750.000 người (chưa kể quân dân vệ), trong đó 229.000 là Lực lượng chiến đấu nòng cốt để chống lại gần 500.000 quân Giải phóng ở miền Nam, bao gồm cả các Lực lượng chính quy và du kích, trong đó có hơn 200.000 bộ đội chính quy mà hơn 80.000 quân đã ở lại miền Nam sau Hiệp định Paris.
– Theo đánh giá chung về trang bị và quân số, Quân lực VNCH có Bộ binh và Không quân đứng thứ 4 thế giới, Hải quân đứng thứ 9 thế giới. So với Quân đội Bắc Việt, quân VNCH có ưu thế 2 lần về quân số, 4 lần về xe tăng và đại bác, hơn tuyệt đối về Không quân và Hải quân.
(Nguồn : Wikiwand.com/vi/chien_tranh_viet_nam)
  • Về số quân nhân tử vong
– Từ năm 1961 đến 1973 là năm ký Hiệp định Paris, theo Bộ Quốc Phòng Mỹ, mỗi năm VNCH mất trung bình 2.5% quân số (chết, bị thương và đào ngũ), tổng cộng khoảng 180 000 người.
– Theo Spencer Tucker trong Encyclopedia of Vietnam War (p.175), số quân nhân VNCH chết từ 184 000 đến 250 000.
– Theo John Prados trong La guerre du VietNam, số quân nhân tử trận từ 220 000 đến 244 000 ( p. 698)
– Theo trang mạng thevietnamwar.com, số quân nhân tử trận là 223 748 người và bị thương là 1 169 000. Thống kê nầy được xác nhận bởi Combined Action Combat Casualty File.
* Chiến tranh Việt Nam đã giết nhiều sĩ quan cao cấp của VNCH
Sau đây là số tướng lãnh nhiệm chức hay được truy thăng sau khi tử trận, phần lớn là tử nạn trực thăng.
– 1 trung tướng (Đỗ cao Trí) được truy thăng đại tướng.
– 3 thiếu tướng (Nguyễn Viết Thanh, Trần Thanh Phong và Nguyễn Văn Hiếu) được truy thăng trung tướng.
– 3 chuẩn tướng (Trương Quang Ân, Nguyễn Huy Ánh KQ, Phan Đình Soạn) được truy thăng thiếu tướng.
-12 đại tá (Lưu Kim Cương KQ, Nguyễn Bá Liên, Nguyễn Văn Phước, Đỗ Văn An, Nguyễn Văn Khương, Nguyễn Trọng Bảo, Lê Đức Đạt, Ngô Hán Đồng, Trương Hữu Đức, Lý Đức Quân, Bùi Quý Cảo, Huỳnh Công Thành) được truy thăng chuẩn tướng.

* Ngoài ra, phải kể 5 vị tướng đã tự sát khi Dương Văn Minh ra lịnh đầu hàng: 2 thiếu tướng là Nguyễn Khoa Nam và Phạm Văn Phú; 3 chuẩn tướng là Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng và Lê Nguyên Vỹ; đại tá Hồ Ngọc Cẩn, trung tá Đặng Sĩ Vĩnh, trung tá Nguyễn Văn Long .

* Có 34 tướng lãnh bị đi tù học tập cải tạo (6 trung tướng, 11 thiếu tướng, 17 chuẩn tướng) trong đó có nhiều người đã giải ngủ, 24 người bị giam từ 10 đến 17 năm ( Nguyễn Chấn Á, Lý Tòng Bá, Văn Thành Cao, Huỳnh Văn Cao,Trần Văn Cẩm,Trần Văn Chơn HQ, Nguyễn Hữu Có,Trần Bá Di, Lê Minh Đảo, Đỗ Kế Giai, Vũ Văn Giai, Hồ Trung Hậu, Trần Quang Khôi, Hoàng Văn Lạc, Nguyễn Vĩnh Nghi, Bùi Văn Nhu (thiếu tướng cảnh sát, chết ở trại Nam Hà) Đoàn Văn Quảng, Phạm Ngọc Sang, Phạm Duy Tất, Lê Văn Thân, Lê Văn Tư, Phan Đình Thứ, Lê Trung Trực, Mạch Văn Trường).

– Về thường dân
Nếu thường dân miền Bắc chết trong «chiến tranh chống Mỹ cứu nước» không nhiều, thì trái lại số thường dân miền Nam chết ít nhất 1 triệu người, bởi miền Nam là trận địa của chiến tranh khủng bố và du kích mà quân chính quy cộng sản miền Bắc phối hợp với quân Giải phóng miền Nam đã làm tiêu hao sinh mạng và tài sản miền Nam suốt 15 năm trong 20 năm hiện hữu của chánh thể VNCH.
Tại thành phố, để khủng bố thị dân, quân cộng sản đặt chất nổ, pháo kích bừa bãi vào các khu đông dân, trường học, nhà thương, tàn phá các cơ quan quân sự và công quyền rất ít nhưng giết hại lương dân thật nhiều. Tại nông thôn, chúng lùa dân đi trước để đánh đồn bót, trà trộn trong xóm ấp để tấn công quân đội VNCH và Mỹ để khi bị phản công, bị phi cơ oanh tạc, chúng dùng những xác chết của người dân vô tội nhưng thực sự đa số có tội (cán bộ giao liên, hậu cần, ủy viên chính trị…) để rêu rao tội ác của «Mỹ Ngụy». Cộng Sản đã thắng trận nhờ sự lừa dối lật lọng nầy mà thế giới Tây phương ngây thơ với cái hội chứng huyễn hoặc người cộng sản. Theo thống kê của trang mạng vietnamwar.com và CACCF (Combined Action Combat Casualty File), số thường dân miền Nam chết khoảng từ nửa triệu đến 1.2 triệu người.
  • Đại họa da cam/dioxin tại miền Nam
Ngoài thiệt hại khổng lồ về tài sản (1/3 nhà cửa, hạ tầng cơ sở bị hư hại, 5 triệu người dân phải di dời), cuộc chiến tranh xâm lược của Cộng sản còn để lại một thảm họa là nhiều bom, mìn chưa nổ còn tồn đọng trong lòng đất và chất độc da cam hủy hoại môi trường và sức khỏe của người dân. Từ 1965 đến 1973, phi cơ Mỹ đã dội khoảng 7.85 triệu tấn bom (gấp 3 lần thế chiến II), đặc biệt với bom napalm làm tiêu hủy nhà cửa và sinh vật. Cũng thời gian nầy, khoảng 75 triệu litres (45 000 tấn) chất độc da cam/dioxin đã được phun ra để khai hoang lùm bụi, làm rụng lá rừng với mục đích tiêu diệt những nơi trú ẩn của đối phương. Hậu quả là có khoảng 5% rừng cây và 30% đất canh tác bị hư hại, và có khoảng 3 triệu người dân miền Nam bị nhiểm độc mang nhiều bịnh tật, khuyết tật và thai nhi dị hình. Đó là một thảm họa kinh hoàng cho người dân Việt Nam, nhiều nhứt ở vùng đất VNCH, phải gánh chịu dai dẳng sau một cuộc chiến do người Mỹ gây ra để đối phó với một cuộc xâm lăng do Cộng sản phát động. Hôm nay, người cộng sản, thay vì lên giọng đạo đức giả nguyền rủa kẻ thù, họ cũng phải tự vấn, nếu họ không gây chiến thì thảm họa nầy có xảy ra hay không ?
Hoa Kỳ
  • Sự có mặt của Hoa Kỳ tại VN
Hoa Kỳ có mặt ở Việt Nam từ ngày 1 tháng 11 năm 1950 khi Tổng Thống Harry Truman gởi đến VN một phái bộ Cố Vấn Quân Sự MAAG (Military Assistant Advisory Group) để giúp Pháp chống lại Phong trào Việt Minh. Cho đến khi chiến tranh giữa Pháp và Việt Minh chấm dứt năm 1954, Mỹ đã tốn 78% chiến phí cho Pháp, và ngay trong trận Điện Biên Phủ, phi công của Mỹ cũng có tham dự. Do đó, Bộ Quốc Phòng Mỹ xem ngày 1/11/1950 như ngày bắt đầu của chiến tranh VN và chấm dứt khi người Mỹ cuối cùng rời VN vào ngày 30/04/1975.
Sau khi Pháp ra đi và chế độ Việt Nam Cộng Hòa được thành lập (1956), MAAG tiếp tục hoạt động, tăng cường viện trợ quân sự và dân sự. Từ 1954 đến 1960 tổng số tiền viện trợ lên đến 7 tỉ mỹ kim trong đó có khoảng 414 triệu để huấn luyện và trang bị cho quân đội và cảnh sát. Sự can thiệp của Mỹ càng lúc càng gia tăng vào nội tình của VNCH theo đà gia tăng áp lực quân sự của cộng sản khiến Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tuy không hài lòng, nhưng phải miễn cưởng chấp nhận vì VNCH cần sự giúp đỡ của Mỹ để chống lại áp lực của quân cộng sản bắt đầu uy hiếp miền Nam, nhứt là sau khi Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được thành lập (ngày 20/12/1960 tại xã Tân Lập, quận Châu Thành, tỉnh Tây Ninh). Số cố vấn và quân nhân Mỹ tăng lên mỗi năm : năm 1960 là 900, năm 1962 là 11 300, năm 1963 là 16 300, tăng lên 23 300 năm 1964 và họ bắt đầu tham dự tác chiến.

Trước tình thế mới, tháng 2 năm 1962, Mỹ thành lập MACV (Military Assistance Command Vietnam) để chỉ huy các lực lượng quân sự Mỹ tại VN. Từ vai trò quân viện, huấn luyện và chống chiến tranh du kích, MACV lần lần trở thành cơ quan phối hợp chỉ huy quân sự cho cả quân đội VN và quân Đồng Minh (Úc, Tân Tây Lan, Đại Hàn, Thái Lan).

 Đại tướng Paul Harkins là vị Tư Lệnh đầu tiên của MACV, sau đó là William Westmoreland, Creighton Abrams và người cuối cùng là Frederick Weyand trước khi MACV giải tán khi có hiệp định Paris năm 1973. Từ năm nầy đến 30 tháng tư, DAO (Defense Attaché Agency) thay thế MACV dưới sự chỉ huy của tướng J. Murray và Homer Smith để phối hợp với Tòa Đại sứ phụ trách vấn đề điều hợp nhân sự và thông tin tình báo.

Từ năm 1964, chiến tranh đã đi vào giai đoạn quyết liệt. Nhiều tướng cộng sản như Trần Văn Trà, Nguyễn Chí Thanh, Lê Trọng Tấn, Trần Độ, Hoàng Cầm, Hoàng Văn Thái, Đoàn Khuê, Đặng Vũ Hiệp, Nguyễn Nam Khánh,…đã lần lượt xâm nhập vào Nam để điều khiển trực tiếp cuộc chiến tranh. Cũng từ đầu năm 1964 đến giữa 1965, quân VNCH đã đụng độ với các đơn vị chủ lực của cộng sản tại các trận đánh lớn như Bình Giả, Đồng Xoài, Ba Gia mà số thiệt hại về thương vong cả hai bên rất nặng, kể cả về phía Mỹ.

Ngày 08/03/1965, Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đổ bộ ở Đà Nẳng mở đầu cuộc tham chiến đại qui mô của Mỹ tại VN. Số quân nhân và quân cụ gia tăng nhanh chóng theo mức độ leo thang của chiến trường, lúc cao điểm (cuối 1968) quân số Mỹ lên đến 536 000 người và cũng là năm Mỹ thiệt hại nhiều nhất về số tử vong (16 899 người).
– Thiệt hại nhân mạng của Mỹ
* Số quân tham chiến ở VN : 2 594 000 quân lần lượt tham chiến tại VN từ tháng 1/1965 đến tháng 3/1973 mà 2/3 là quân tình nguyện. Có 183 tướng bộ binh từ cấp chuẩn tướng (119), thiếu tướng (44), trung tướng (15) và đại tướng (5).
* Số quân nhân chết : 58 220 người trong đó có 47 434 tử trận (kill in action) và 10 786 chết vì những lý do khác (nonhostile deaths). Về số sĩ quan tử vong có 7 878 người trong đó có 238 đại tá và 12 tướng; 65% sĩ quan không quân và 55% sĩ quan hải quân mang cấp thiếu tá trở lên khi tử trận; hơn 50% sĩ quan cấp úy trong Bộ binh và Thủy Quân Lục Chiến thiệt mạng dưới 24 tuổi.

* Bị thương : 304 704 người trong đó có 153 329 người phải nằm nhà thương và 23 000 tàn tật vĩnh viển. Tỉ lệ tổng số người chết và bị thương so với tổng số người tham chiến là 14%.

– Tuổi trung bình của quân nhân tử thương và bị thương là 22 tuổi. (61% chết dưới 21 tuổi trong đó có 5 binh sĩ chỉ có 16 tuổi).
– Trái với định kiến theo đó những quân nhân tham chiến ở VN là thành phần nghèo khổ, thất học và đa số là da đen nên số tử vong thuộc các thành phần nầy rất cao, thực tế số quân nhân da trắng tử vong lên đến 85.6% trong khi tỉ lệ nầy đối với dân da đen chỉ có 12.4%.(Sources: American War and Military Casualties: Lists &Statistics Table 7, Dec 22, 2014 ; The Vietnam war)
Phí tổn chiến tranh
_68613427_vietnam_apChiến tranh VN là một cuộc chiến tranh lịch sử về cường độ quân lực, võ khí và phí tổn. Chỉ đan kể vài thí dụ. Trong trận đánh Dakto, từ ngày 4 đến 23 tháng 11 năm 1967, Mỹ đã sử dụng 151 000 đại pháo, bay 2096 phi vụ chiến thuật, 257 phi vụ B52. Số tổn thất : về phía Mỹ : 344 chết, 1441 bị thương; về phía cộng sản : 3 trung đoàn bỏ lại 1644 xác chết. Tính theo kinh tế chiến tranh : 92 viên đạn đại bác và 1.5 phi vụ oanh tạc chỉ giết được 1 cán binh cộng sản.
Nhưng vũ khí và tiếp liệu hùng hậu của Mỹ cũng làm quân cộng sản thiệt hại nặng nề trong các trận đánh lớn. Để bảo vệ quân phòng thủ căn cứ Khe Sanh trong 77 ngày chiến đấu, không quân Mỹ đã dội xung quanh căn cứ 110 000 tấn bom, bắn 142 000 viên đại bác, và mỗi ngày phải thả xuống căn cứ 182 tấn quân nhu. Số quân Thủy quân lục chiến Mỹ tử trận khoảng 500 người trong khi 4 sư đoàn cộng sản thiệt hai hơn 10 000 người. Dưới mưa bom, nhiều đơn vị bị tiêu diệt đến 90%, làm rúng động quân cộng sản khiến Hà Nội phải gởi Võ Nguyên Giáp vào tận chiến trường tháng 1/1968 để chỉ huy và cũng rất may Giáp thoát chết khi 38 phi cơ B52 dội 1000 tấn bom chung quanh bộ tư lệnh của Giáp. Với mức độ như trên, chiến tranh Việt Nam được xem như khốc liệt nhất thế giới (Karnow, s đd, p.540)
Phí tổn của chiến tranh là 150 tỉ mỹ kim (thời giá 1975, 950 tỉ thời giá 2011)). Nếu phải kể thêm phụ cấp, chi phí cho các cựu chiến binh, tổng số kinh phí lên đến từ 1200 đến 1800 tỉ mỹ kim. ( the vietnamwar.info/how-much-vietnam-war).
Nhưng hậu quả nặng nề và dai dẳng nhất là vấn đề xã hội : 700 000 cựu quân nhân bị rối loạn thần kinh trong đó có từ 70 000 đến 300 000 người có hội chứng tự hủy hoại bằng tự tử hay đắm chìm trong ma túy (Asia Resource Center. Indochina Newsletter, special issue, p. 93).
Bảng 1. Lực lượng quân đội Hoa Kỳ và Đồng Minh tham chiến tại VN
Quốc gia
1964
1965
1966
1967
1968
1969
1970
1971
1972
Hoa Kỳ
23 300
184 000
385 300
485 600
536 100
475 200
334 600
156 800
24 200
Đại Hàn
200
20 620
45 566
47 829
50 003
48 869
48 537
Úc
200
1 557
4 525
6 818
7 661
7 672
6 763
T.T.Lan
30
119
155
534
516
552
441
Thái Lan
16
244
2 205
6 005
11 568
11 586
Phi L. Tân
17
72
2 061
2 020
1 576
189
74
Đài Loan
20
20
23
31
29
29
31
T. B. Nha
13
13
12
10
07
Tổng số
23 467
206 404
437 887
545 050
601902
544 089
402 039
Nguồn :
– Strength of Free World Military Assistance Force 1964-1970 /US Army Center of Military History. Table 1
– Nguyễn Đức Phương. Chiến tranh VN toàn tập, tr. 886 ( thống kê về quân Mỹ)
Bảng 2.Tổng kết thiệt hại cuộc chiến tranh xâm lăng của cộng sản Bắc Việt
Quốc gia
Chết
Bị thương
Thường dân
Mất tích
Bị bắt
VNCH
223 748
1.169 000
độ 1 triệu
Cộng Sản +GPMN
1 100 000
600 000
độ 100 000
26 000 *
Hoa Kỳ
58 220
304 704
2 338
766 **
Hàn Quốc
4 407
17 060
6
Úc
500
3 120
Tân Tây Lan
83
212
Thái Lan
350
1 358
Chú thích : * không kể 101 511 hồi chánh
** 114 chết trong tù
Kết luận
Một cách tổng quát, cuộc chiến tranh xâm lược mà cộng sản ngông nghênh tuyên bố là chiến tranh giải phóng đã giết chết và gây thương tích cho ít nhứt 4 triệu người Việt từ hai phía.
Nếu thực sự những cái chết và những vết thương suốt đời của bao nhiêu chiến sĩ đã trải thảm đỏ vinh quang và giải phóng đất nước, chắc hẳn những người nằm trong lòng đất lạnh mỉm cười và những người lê lết tật nguyền vơi bớt nỗi đau vì họ nghĩ là họ đã cống hiến thân xác cho tổ quốc. Nhưng sự thật phũ phàng không phải như vậy.
Từ 41 năm qua, mặc dù những người lãnh đạo đảng cộng sản và 4 triệu đảng viên đã thay hình đổi dạng, trút bỏ khăn rằn và nón cối dép râu, nhưng họ vẫn không gột rửa được bùn đất chất chứa trong đầu và cát sạn trong tim giống như thời họ chui rúc trong rừng, trong hầm hố. Bằng ngu dốt và tham tàn, họ đã đưa đất nước đến chỗ tụt hậu về mọi phương diện. Trừ những cao ốc và xa lộ, những khu thương mại và phố thị mà họ tự hào là «văn minh, tiên tiến», nhưng thực sự là tài sản đầu tư và cho vay của ngoại bang mà các thế hệ người Việt phải gồng lưng trả nợ truyền kiếp, 80% người dân hôm nay phải sống trong nghèo khó và bóng tối của tự do. Một thiểu số đảng viên và đám người làm ăn với đảng sống trong giàu sang một cách lố bịch, cộng thêm với một số người tị nạn mất lương tri quay về sống phè phỡn bên cạnh những đồng bào, đồng cảnh tang thương như họ khi xưa và hôm nay lại càng tang thương hơn, bối cảnh nầy đã tạo cho đất nước một vẻ phồn vinh giả tạo tại một số đô thị, che giấu phía sau những cảnh đời bất hạnh cùng cực của đại đa số người dân từ vùng ven biên đến làng xã.
Hãy nhìn đến những lân bang như Đại Hàn, Thái Lan, Singapore, Mã Lai khi xưa đồng đẳng hay thua kém Việt Nam thì nay đã trở thành những quốc gia thực sự tiến bộ về kinh tế và quyền làm người, trong khi VN vẫn còn chậm tiến, thua cả Cao Miên đã sản xuất được chiếc xe hơi con. Đất nước suy đồi đạo đức, đâu đâu cũng nghe bêu riếu những điều quái đản của đảng cộng sản, những thói hư tật xấu của người dân, trong khi các hải đảo bị xâm chiếm, lãnh thổ bị khai thác thành từng đặc khu kinh tế da beo, thì trong thảm trạng như vậy, những cái chết và vết thương của 4 triệu người năm xưa quả tình là một hi sinh quá đau đớn.
Thư mục tham khảo & trích dẫn
  • John Prados. La guerre du VN. – Paris : Perrin, 2011
  • Spencer Tucker. Encyclopedia of Vietnam War.- Santa Barbara : ABC-CLIO, 2011.
  • Stanley Karnow. VietNam : a History . – New York : The Viking Press, 1983.
  • Guenther Lewy. America in Vietnam. – New York : Oxford University Press, 1978.
  • Huy Đức. Bên thắng cuộc. q. 1. Giải phóng. – Boston : Osinbook, 2012
  • Nguyễn Kỳ Phong. Vũng lầy của Bạch Ốc. – Virginia : Tiếng Quê Hương, 2006.
  • Đặng Thùy Trâm. Nhật Ký Đặng Thùy Trâm. – Hà Nội : NXBHội Nhà Văn, 2006.
  • Nguyễn Đức Phương. Chiến tranh Việt Nam toàn tập.- Toronto : Làng Văn, 2001.
  • Các trang mạng : wikiwand.com; the vietnawar.info : american war and military casualties…
Lâm Văn Bé – 05/2016

       

__._,_.___

Posted by: truc nguyen 

No comments:

Post a Comment

Featured post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

My Blog List