B. Obama, người hoàn tất tiến trình bình thường hóa quan hệ
Mỹ-Việt
Khi khởi sự chuyến công du Việt Nam vào hôm nay, 23/05/2016, ông
Barack Obama đã trở thành vị tổng thống thứ ba của Mỹ đến thăm Việt Nam từ khi hai
nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995. Chuyến thăm diễn ra trong
bối cảnh Hà Nội và Washington được cho là đang chia sẻ cùng một mối quan tâm
chiến lược và ngày càng vun bồi lòng tin chiến lược trước một Trung Quốc hung
hăng.
Đối với Việt Nam, vấn đề là làm sao bảo vệ chủ quyền biển đảo trên
Biển Đông đang bị Trung Quốc đe dọa, còn đối với Hoa Kỳ, mối quan tâm là đẩy
mạnh chiến lược xoay trục qua vùng châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường trọng
lượng của Mỹ tại Đông Nam Á, duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không tại
Biển Đông.
Chuyến thăm Việt Nam của ông Obama khác biệt ra sao với các lần
công du trước đây của hai người tiền nhiệm là Bill Clinton và G.W. Bush ? Liệu
ông Obama có đáp ứng hay không yêu cầu của Việt Nam là gỡ bỏ hoàn toàn cấm vận
vũ khí nhân dịp này, trở thành vị tổng thống Mỹ hoàn tất tiến trình bình thường
hóa quan hệ với Việt Nam khi giải tỏa cản lực cuối cùng trong địa hạt quốc
phòng ?
Về các vấn đề trên, RFI đã được giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc
trường Đại Học George Mason (Hoa Kỳ) giải thích trong bài phỏng vấn sau đây,
được thực hiện trước ngày tổng thống Mỹ lên đường qua Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn
Mạnh Hùng, Đại Học George Mason (Hoa Kỳ) 23/05/2016 - Trọng Nghĩa Nghe
Bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ : Ba tổng thống Mỹ, ba lãnh vực
RFI : Từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa bang giao (năm 1995)
đến nay, ông Barack Obama là tổng thống đương nhiệm thứ ba của Mỹ đi thăm Việt Nam.
Theo giáo sư, ý nghĩa chuyến công du này so với hai lần trước đây như thế nào ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Những chuyến thăm đó có hai đặc tính, thứ nhất là ý nghĩa biểu
tượng : Mỗi khi Mỹ có tổng thống mới thì Việt Nam cũng muốn được ông ghé thăm
để Việt Nam tăng uy tín. Về thực chất thì phải thấy là mỗi tổng thống Mỹ đều đi
thăm Việt Nam vào những thời điểm khác nhau, với những nhiệm vụ khác nhau…
Ông Bill Clinton là tổng thống Mỹ đầu tiên đi thăm Việt Nam vào
năm 2000, sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam chấm dứt. Ông thăm Việt Nam vào
cuối nhiệm kỳ, khi cuộc bầu cử tổng thống mới ở Mỹ đã kết thúc, (nghĩa là không
còn ở tư thế đưa ra những quyết định lớn), nhưng vì ông là người quyết định bình
thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm năm trước đó, nên khi đến Hà
Nội, ông được người dân Việt tiếp đón rất niềm nở.
Nhưng ngược lại, ông lại có một cuộc đối thoại khá gay gắt với
tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Lê Khả Phiêu. Điều đó có nghĩa là vào giai
đoạn đó, lòng tin chiến lược giữa hai bên còn thấp, và trong giới lãnh đạo Việt
Nam vẫn còn sự nghi ngờ ý định của Hoa Kỳ.
Chuyến thăm của tổng thống Bush diễn ra tốt đẹp hơn. Ông thăm Việt
Nam lúc còn ở đỉnh cao quyền lực, hai năm trước khi nhiệm kỳ chấm dứt. Ông thăm
Việt Nam để dự hội nghị thượng đỉnh APEC. Chuyến thăm đó có thể được coi là
thành công, vì trước đó tình trạng nhân quyền ở Việt Nam được coi là đã cải
tiến đủ để chính quyền Mỹ rút Việt Nam ra khỏi danh sách các nước « Cần quan
tâm đặc biệt » (về vi phạm tự do tôn giáo).
Rồi sau khi ông Bush về nước, Quốc Hội Mỹ đồng ý cấp cho Việt Nam
quy chế « quan hệ mậu dịch bình thường » (Normal Trade Relations), tức là hoàn
tất tiến trình bình thường hóa quan hệ kinh tế với Việt Nam.
Như vậy, ông Bill Clinton là người bình thường hóa quan hệ ngoại
giao, ông Bush là người bình thường hóa quan hệ kinh tế, còn bây giờ ông Obama
cũng thăm Việt Nam, cũng vào cuối nhiệm kỳ, nhưng với nhiệm kỳ còn dài hơn ông
Clinton, ông còn làm tổng thống 8 tháng nữa với đầy đủ quyền hành của một cường
quốc mạnh số một trên thế giới.
Ông Obama đến Việt Nam trong khi tình hình Biển Đông căng thẳng và
quan hệ quốc phòng giữa hai nước đã đạt được tiến bộ trông thấy. Nhưng bởi vì
có vụ « cá chết », rồi sự chống đối, và một số vụ bắt bớ, điều đó đã tạo ra một
hoàn cảnh khá bất lợi cho việc hoàn tất tiến trình bình thường hóa quan hệ quốc
phòng bằng việc Mỹ bãi bỏ toàn phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam…
Bỏ cấm vận vũ khí thể hiện bước đột phá
RFI : Có nhà phân tích gọi đây là một bước "đột phá" mới
trong quan hệ Mỹ-Việt ? Ý kiến giáo sư ra sao ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Người ta rất kỳ vọng là ông Obama sẽ tuyên bố bãi bỏ toàn phần
cấm vận vũ khí Việt Nam, tức là hoàn tất việc bình thường hóa quan hệ về mặt quốc
phòng.
Nhưng mà như tôi nói, khung cảnh hiện nay tương đối khá bất lợi
cho việc ông Obama làm chuyện đó. Dĩ nhiên ông Obama có quyền làm, nhưng ông sẽ
phải trả giá chính trị rất lớn. Mà ông Obama lại đang trong giai đoạn để ý đến
di sản mà ông để lại cho sau này.
Tuy nhiên, nếu hai bên dàn xếp được – tôi thấy có những bước, thí
dụ như vụ thả cha Lý – để tiến đến việc ký kết các cam kết quan trọng trong
cộng tác quốc phòng giữa hai nước, hay là đến tuyên bố bỏ toàn phần cấm vận bán
vũ khí cho Việt Nam, thì người ta có thể coi đó là môt bước « đột phá ».
Từ Clinton đến Obama, lòng tin chiến lược ngày càng nẩy nở
RFI : Việc xây dựng lòng tin chiến lược giữa hai bên thường được nhắc
đến như là chìa khóa để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ song phương Mỹ-Việt, đặc biệt trong
bối cảnh Việt Nam cần hậu thuẫn của Mỹ để đối phó với các thủ đoạn bành trướng
của Trung Quốc tại Biển Đông. Giáo sư nhận xét sao về vấn đề này ? Có thuận
buồm xuôi gió hay không ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Tôi nghĩ là có tiến bộ trong việc xây dựng lòng tin chiến lược
giữa hai nước. Khái niệm lòng tin chiến lược đã được thủ tướng trước của Việt Nam
Nguyễn Tấn Dũng đưa ra rất nhiều lần và được Việt Nam nhắc lại nhiều lần.
Một chỉ dấu đầu tiên cho thấy lòng tin chiến lược được tăng tiến
là khi ông Obama bỏ qua các thủ tục ngoại giao thông thường để đặc biệt đón
tiếp tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Mỹ. Việc này được Việt Nam coi là một tiến
bộ lớn trong việc xây dựng lòng tin chiến lược.
Với hành động này, người Mỹ cho Việt Nam cái chỉ dấu rằng họ nhìn
nhận không chống lại thế chế chính trị của Việt Nam, và cũng không có ý định can
thiêp vào nội bộ chính trị của Việt Nam.
Tuy nhiên sự khác biệt về thể chế và giá trị chính trị luôn luôn
là cản lực không cho hai nước đi đến « lòng tin chiến lược » hoàn toàn.
Gần đây, ngoài việc ông Trọng, còn có một cuộc phỏng vấn cựu đại
sứ (Việt Nam tại Mỹ) Lê Văn Bàng, trong đó ông ấy nói đến « hội chứng Mỹ » của
Việt Nam, tức là nếu phía Mỹ có « hội chứng Việt Nam », thì bên Việt Nam cũng
có « hội chứng Mỹ », tức là tâm lý rất nghi ngờ ý định của Mỹ. Nhưng theo ý ông
Bàng,chuyện đó đã bớt đi nhiều, mà chỉ còn một bộ phận còn nghi kỵ thôi.
Và ông Bàng nghĩ rằng nếu hai nước muốn tiến lên hơn nữa thì phải
đẩy mạnh lòng tin chiến lược, mà ở Việt Nam thì phải bỏ bớt cái « hội chứng Mỹ
».
Nhân quyền vẫn là cản lực
RFI : Phải chăng nhân quyền tiếp tục là cản lực trong tiến trình xây
dựng lòng tin chiến lược đó ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Điều đó đúng. Thật ra, những người có trách nhiệm về vấn đề nhân
quyền của hai nước đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc xử lý vấn đề nhân quyền.
Nhưng trong khung cảnh hiện tại, với những diễn biến tôi vừa nói
(bầu cử Quốc Hội, sự bắt bớ một số người,vụ chết cá ở miền Trung, các cuộc biểu
tình chống đối...) thì vấn đề xử lý nhân quyền trong khung cảnh hiện tại gặp
nhiều khó khăn hơn, và sẽ tiếp tục gặp khó khăn vì một số lý do như sau đây :
(1) Trào lưu thời đại đã biến nhân quyền thành một vấn đề không
thể hoàn toàn gạt bỏ trong quan hệ quốc tế ; (2) càng ngày càng có thêm các
đoàn thể, cá nhân, quan tâm và hoạt động cổ vũ cho vấn đề nhân quyền ; (3) các
tiến bộ kỹ thuật khiến việc vi phạm nhân quyền không những khó giấu kín, mà còn
được khuếch đại và phổ biến rộng rãi và nhanh chóng qua internet, blog,
facebook, và text messages (tin nhắn)..., làm cho vấn đề khó giải quyết ; (4)
tiến bộ kỹ thuật này cũng khiến cho chính quyền gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn
chặn những lời kêu gọi hoặc tổ chức những cuộc biểu tình chống đối, hoặc có quy
mô lớn, hoặc có tính cách du kích.
Mỹ : Đối trọng khả tín duy nhất cho Việt Nam
RFI : Theo giáo sư, Mỹ có thể mang lại cho Việt Nam điều gì trong đối
sách kháng lại bành trướng Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh Nga
có dấu hiệu « về hùa » với Trung Quốc trên hồ sơ này ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Mỹ đã tuyên bố rõ rằng sẽ giúp Việt Nam tăng cường khả năng phòng
thủ và cũng đã cung cấp cho Việt Nam ngân khoản và tàu để gia tăng khả năng cảnh
sát biển Việt Nam.
Trong bối cảnh gần đây chúng ta thấy Nga có thể nói một cách nào
đó là « về hùa » với Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông, thì Mỹ ngày càng
trở nên một đối trọng quan trọng cho Việt Nam. Mà ngay cả trước khi Nga có dấu
hiệu đó, thì Mỹ vẫn là một đối trọng khả tín duy nhất trước sức mạnh của Trung
Quốc.
Nhưng việc Mỹ giúp đỡ Việt Nam tới mức độ nào, và việc cộng tác
quốc phòng giữa hai nước đi đến đâu, thì còn tùy thuộc rất nhiều vào sự tính
toán và các hành động cụ thể của Việt Nam nhằm đẩy mạnh sự giúp đỡ ấy.
Gs Ngô Vĩnh Long: Biển Đông là chất keo gắn
kết Mỹ và Việt Nam
Tổng thống Mỹ Obama và chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang. Ảnh tại
Hà Nội ngày 23/05/2016.Reuters
Quyết định giải tỏa hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam được
Tổng thống Mỹ Barack Obama loan báo tại Hà Nội vào hôm nay quả là đã đánh dấu
một bước tiến mới trong bang giao Việt Mỹ, với việc hai bên hoàn toàn bình thường
hóa quan hệ quốc phòng. Theo giới quan sát, chính vấn đề Biển Đông, với tham
vọng độc chiếm ngày càng rõ nét của Trung Quốc, là chất keo gắn kết Mỹ và Việt
Nam, với nhân tố an ninh và quốc phòng ngày càng nổi bật.
Trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long,
trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ) đã không ngần ngại cho rằng chính tham vọng Biển
Đông của Trung Quốc đã thúc đẩy ông Obama gỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối
với Việt Nam:
Ngô Vĩnh Long: Tổng thống Barack Obama, trong chuyến đi này, đã củng cố
quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam trên nhiều mặt. Và như tuyên bố chung cho biết thì
hai bên nhất trí lấy hợp tác phát triển làm trọng tâm trong quan hệ giữa hai nước.
Vấn đề Biển Đông, với tham vọng độc chiếm càng ngày càng rõ nét
của Trung Quốc, rõ ràng là lý do thúc đẩy tổng thống Obama tuyên bố gỡ bỏ hoàn
toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Nhưng ông đã rất khéo léo khi trả
lời báo chí rằng quyết định đó không nhằm vào Trung Quốc hay dựa trên bất cứ
một tính toán gì khác, mà là dựa trên tiến trình rất lâu dài của việc bình thường
hoá quan hệ với Việt Nam.
Lợi ích của Mỹ, về lâu về dài, là bảo vệ an ninh trên biển cả để
duy trì vị thế toàn cầu của Mỹ, mà sức mạnh trên biển trong thế kỷ vừa qua là
yếu tố tối quan trọng. Biển Đông là nơi mỗi năm hơn một nửa trọng lượng mậu dịch
trên biển của toàn cầu được di chuyển qua lại. Những thách thức càng ngày càng
mạnh bạo của Trung Quốc ở Biển Đông đe doạ an ninh của toàn thế giới cũng như
xói mòn uy thế của Mỹ và làm suy yếu vị thế của Mỹ trong khu vực và trên toàn
cầu.
Vì Việt Nam là nước bị thiệt thòi lớn nhất trước sự đe doạ và bành
trướng của Trung Quốc, Biển Đông là chất keo gắn kết Mỹ với Việt Nam trong hiện
tại và trong tương lai.
RFI: Chuyến thăm này của ông Obama, theo giáo sư, sẽ mang lại cho Việt
Nam điều gì trên hồ sơ Biển Đông?
Ngô Vĩnh Long: Chuyến đi này, ngoài việc gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí
vừa được đề cập đến, Mỹ và Việt Nam đã ký cam kết trên nhiều lãnh vực để tạo “lòng
tin chiến lược” với nhau.
Việc thúc đẩy phê chuẩn và thi hành hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương
(TPP), ngoài ảnh hưởng tích cực về thương mại và kinh tế cho Việt Nam, còn nối
kết 12 nước thành viên trong quan hệ an ninh và quốc phòng để bảo vệ lợi ích
chung trên biển. Do đó, những cam kết vừa đạt được trong chuyến thăm này của
ông Obama cũng góp phần đáng kể cho hồ sơ Biển Đông về xa về dài.
Trước mắt thì tổng thống Obama tuyên bố ngày hôm qua là: “Hoa Kỳ
sẽ tiếp tục cử máy bay đến các vùng biển mà luật pháp quốc tế cho
phép. Chúng tôi hy vọng các bên tranh chấp giải quyết tranh chấp hòa bình".
RFI: Việt Nam nên làm gì để tận dụng cơ hội Mỹ đang hết sức quan tâm
đến Việt Nam? và dư luận thế giới đang chú ý theo dõi chuyến công du của ông
Obama?
Ngô Vĩnh Long: Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên bố sau khi đã hội đàm
với tổng thống Obama là chính phủ Việt Nam “tôn trọng nhân quyền… đang tiếp
tục thể chế hóa cụ thể quyền con người… quyền công dân…” Những cam kết
này được dư luận thế giới theo dõi.
Vì lợi ích của Việt Nam về lâu về dài, các cơ quan của chính phủ
Việt Nam, từ trên xuống dưới, nên cố gắng thi hành triệt để những cam kết đó.
Giáo sư Ngô Vĩnh
Long, Đại Học Maine (Hoa Kỳ) 23/05/2016 - Trọng Nghĩa Nghe
Gs Thayer : Tại Hà Nội, Obama gởi tín hiệu
cứng rắn đến Bắc Kinh
Tổng thống Mỹ Barack Obama (P) bắt tay thứ trưởng bộ Quốc Phòng
Nguyễn Chí Vịnh, trong lễ đón tiếp tại Phủ chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày
23/05/2016REUTERS/Kham
Ngay tại Hà Nội, nhân ngày công du đầu tiên, tổng thống Mỹ Barack
Obama vào hôm nay 23/05/2016 đã công khai loan báo quyết định dỡ bỏ lệnh cấm
vận vũ khí đối với Việt Nam. Theo nhận định của giáo sư Carl Thayer, Học Viện
Quốc Phòng Úc, ông Obama như vậy đã gởi đi một thông điệp cứng rắn hướng về cả
Trung Quốc lẫn Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn nhanh của RFI qua thư điện tử, giáo sư Thayer
trước hết nêu bật ý nghĩa của quyết định vừa được tổng thống Mỹ và chủ tịch
Việt Nam loan báo trong cuộc họp báo tại Hà Nội :
Thayer :
Quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam là một trong những hòn đá tảng
của chính sách tái cân bằng lực lượng của Mỹ qua châu Á nói chung và Việt Nam
nói riêng.
Việt Nam là một trong những ví dụ thành công của Obama. Ngay từ
rất sớm, Việt Nam đã tham gia đàm phán hiệp định TPP. Cả tổng thống Mỹ lẫn chủ
tịch Việt Nam đã ký kết Thỏa Thuận Đối Tác Toàn Diện vào năm 2013.
Quan hệ quốc phòng đã được nâng lên một cấp độ mới vào giữa năm
2015, khi bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter và đồng nhiệm Việt Nam Phùng
Quang Thanh ra Tuyên Bố Tầm Nhìn Chung về quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ. Một đoạn
trong văn kiện này dự trù các khả năng mua bán thiết bị quốc phòng trong tương
lai và hợp tác trong công nghệ quốc phòng.
Việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí không có nghĩa là sẽ không có
hạn chế trong tương lai. Việt Nam phải tuân thủ luật lệ Mỹ như đã nêu lên trong
bản Tuyên Bố Tầm Nhìn Chung. Hoa Kỳ cũng có thể từ chối các yêu cầu đối với hệ
thống và phương tiện vũ khí quá nhạy cảm hoặc có khả năng gây mất ổn định trong
khu vực. Việt Nam có lẽ không có khả năng để mua các mặt hàng quốc phòng như
vậy.
Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã nhắc đi nhắc lại yêu cầu Mỹ bãi bỏ
cấm vận vũ khí. Chủ đích của Việt Nam là muốn chấm dứt điều mà Việt Nam coi là một
hành động phân biệt đối xử về mặt chính trị. Đây là một đòi hỏi mà phe bảo thủ
tại Việt Nam luôn đẩy mạnh. Bây giờ họ đã được xoa dịu.
Việt Nam có rất nhiều khả năng là sẽ tiến hành (việc mua vũ khí
Mỹ) một cách từ từ và thận trọng. Việt Nam sẽ tập trung vào các hệ thống kỹ
thuật liên quan đến thông tin và tình báo, giám sát và trinh sát trong lĩnh vực
hàng hải. Hợp tác giữa các ngành công nghiệp quốc phòng kể từ nay có thể được
tiến hành với việc phát triển các công nghệ mới và hợp tác sản xuất.
Tổng thống Obama đã thông báo quyết định của mình trong một cuộc
họp báo. Cần phải chờ đợi bản thông cáo chung để xem chi tiết.
RFI : Phải
chăng ông Obama đã tung ra một tín hiệu rất mạnh nhắm vào Trung Quốc ?
Thayer : Quyết
định của tổng thống Obama bãi bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam là một tín
hiệu mạnh mẽ cho cả Việt Nam lẫn Trung Quốc. Nhưng việc Việt Nam mua vũ khí của
Mỹ sẽ không tác động gì đến tương quan lực lượng hải quân của Trung Quốc ở Biển
Đông trong tương lai gần.
Trung Quốc sẽ phải lưu ý đến yếu tố trong chính sách của họ là
Việt Nam và Hoa Kỳ đang trên con đường xích lại gần nhau do quyền lợi trùng hợp
ở Biển Đông. Hoa Kỳ bán vũ khí cho Việt Nam sẽ giúp Việt Nam tăng khả năng tự vệ
và qua đó có tác dụng răn đe đối với Trung Quốc.
RFI : Theo
giáo sư, Trung Quốc có thể phản ứng ra sao ?
Thayer : Truyền
thông Trung Quốc có lẽ sẽ chỉ trích quyết định này và trách cứ ông Obama. Họ sẽ
cho rằng Hoa Kỳ không thể mua Việt Nam. Tôi nghĩ là các quan chức Trung Quốc sẽ
thận trọng hơn. Dù sao thì Việt Nam cũng đã mua vũ khí sát thương từ Nga mà
không gây phản ứng chính thức nào từ phía Trung Quốc.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment