Lợi dụng người xưa để đánh bóng tên tuổi là thủ đoạn bất lương!
Dâu bể tang thương (Danlambao) - Thiết nghĩ "đá cứng có thể đập vỡ nhưng không thể uốn
cong, kẻ sĩ có thể chịu chết chứ không chịu nhục". Dù là ở thời đại nào,
xã hội nào đi nữa, người có khí tiết, danh dự luôn can đảm đối diện với sự thật
và khẳng khái chịu trách nhiệm về những việc làm của mình. Đúng hay sai thể
hiện bằng kết quả và sự đánh giá của những người xung quanh. Tự ca tụng, bào
chữa hay mượn tay người khác làm giùm chỉ thêm phần lố bịch và vô liêm sỉ. Sẽ
càng bỉ ổi hơn nữa nếu dùng tên tuổi người khác để đánh bóng hoặc che giấu cho
sự tồi tệ của mình, nhất là một nhân vật lẫy lừng như thái sư Trần Thủ Độ.
Bài viết đầu tiên có sự so sánh và nói về Trần
Thủ Độ mà tôi được đọc là một"Bản di chúc viết tay của Hồ Chí
Minh" (1). Trong đó có một đoạn trích như sau:
- ...Tôi thường đọc
lịch sử nước Việt Nam ta, thấy có ông Trần Thủ Độ là một tay hào kiệt hiếm có
trên đời, đã không quản ngại làm việc ác, làm phản mà gây nên cơ nghiệp hiển
hách của nhà Trần, đuổi giặc Nguyên, đem lại vinh quang cho cả dân tộc về cả
văn minh và đời sống. Không lường sức mình, không đo tài mình, tôi đã hành động
như ông Trần Thủ Độ nên đất nước mới tan nát, nhân dân ta mới điêu linh, mà đầu
mình thì nặng nề không biết bao nhiêu tội ác, không thể nào tha thứ được...
Bài viết thứ hai cũng đề cập đến Trần Thủ Độ
là "Đồng chí X và Trần Thủ Độ"của tác giả Nguyễn
An Dân (2). Cũng xin trích đăng lại một vài đoạn để mọi người dễ theo dõi:
- ...Dù rằng dư luận
có những đánh giá ông là người tàn nhẫn, mưu mô xảo quyệt, tham nhũng… nhưng
sau 1000 năm bia miệng, điều đọng lại vẫn là Trần Thủ Độ là người có công hoạch
định ra những nước cờ chiến lược lớn để bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền đất
nước, còn những khía cạnh khác của ông thì quần chúng cũng bỏ qua, khi công của
ông lớn như thế, những lỗi lầm kia chỉ còn là vặt vãnh...
-...Bàn cờ dân tộc lúc
này cần hơn bao giờ hết một Trần Thủ Độ nữa và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng là một
ứng viên nặng ký. Trong suốt cuộc đời chính trị của Ba Dũng, có nhiều dư luận
ồn ào về ông tham nhũng thế này, ông tàn ác thế kia... Bất kể những điều đó là
hư hay thực, nhưng chỉ cần Ba Dũng đứng ra làm một Trần Thủ Độ thứ hai lúc
ngoại xâm nội loạn này, giải quyết những hậu quả tai hại hiện hữu cho đất nước
đã phát sinh sau một thời gian dài cầm quyền sai lầm của đảng...
Tôi thật không hiểu tác giả của hai tài liệu
nêu trên am tường lịch sử Việt Nam và nghiên cứu về Trần Thủ Độ thấu đáo đến
mức nào mà dám to gan phạm thượng đặt ông ngang hàng với hai tên gian hùng đại
bịp như Hồ Chí Minh và Nguyễn Tấn Dũng. Chúng ta hãy cùng nhìn lại đôi nét về
chân dung của vị anh hùng dân tộc Trần Thủ Độ để thấy rõ hơn sự xảo trá, lộng
ngôn tô vẽ cho hai tên tội đồ dân tộc kia.
Chân
dung Trần Thủ Độ
Đây là một nhân vật có thể nói là hiếm hoi
trong lịch sử Việt Nam lại có nhiều ý kiến đánh giá trái ngược nhau. Tiểu sử và
sự nghiệp của ông được viết lại khá chính xác và đầy đủ ở trang thông tin tỉnh
Thái Bình (3). Do vậy tôi sẽ không lặp lại quá nhiều để tránh rườm rà bài viết
không cần thiết, chỉ nêu những điểm nổi bật nhất.
Trần Thủ Độ (1194-1264) quê gốc ở tỉnh Thái
Bình nhưng sinh sống ở Nam Định là con nuôi của Trần Lý, một gia đình làm nghề
đánh cá khá giàu có. Trần Lý có hai người con trai là Trần Tự Khánh và Trần
Thừa, một người con gái là Trần Thị Dung (Trần Thị Ngữ). Cuối triều Lý, triều
chính suy đồi, loạn lạc khắp nơi, thái tử Sam (vua Lý Huệ Tông sau này) chạy
đến nương nhờ nhà Trần Lý và đã kết hôn cùng Trần Thị Dung. Nhờ sự trợ giúp về quân
sự của Trần Tự Khánh và Trần Thủ Độ nên vua Lý Huệ Tông đã lên ngôi. Tuy nhiên
sau đó vua đi tu và nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng. Trần Thủ Độ đã
sắp đặt một cuộc đảo chính êm thắm để đoạt ngai vàng về cho chồng của Lý Chiêu
Hoàng là Trần Cảnh, con trai Trần Thừa. Lúc này Trần Tự Khánh đã mất vì bệnh
nên một tay Trần Thủ Độ gánh vác cơ nghiệp nhà Trần. Ông được phong tước thái
sư và được vua tôn là Thượng quốc phụ. Ông cũng là người đóng vai trò chủ chốt
trong chiến thắng giặc Nguyên-Mông lần thứ nhất. Sau khi mất, ông được chôn cất
tại quê nhà và được nhân dân tôn thờ là một trong những vị anh hùng của dân tộc
Việt Nam.
1. Công lao và ưu điểm
của Trần Thủ Độ
Như đã nêu, có rất nhiều ý kiến trái ngược
nhau về Trần Thủ Độ tùy theo thời kỳ và quan niệm xã hội. Tuy nhiên tựu chung
vẫn đồng thuận với nhau ở những điểm sau:
- Trần Thủ Độ là người tài ba xuất chúng. Về
mặt quân sự, ông cùng Trần Tự Khánh đã dẹp yên các cuộc bạo loạn để giúp vua Lý
Huệ Tông lên ngôi. Ông là người chỉ huy quân dân Đại Việt đánh bại quân xâm
lược Nguyên-Mông lần thứ nhất bảo vệ toàn vẹn bờ cõi nước nhà. Về mặt chính
trị, ông đã thực hiện một cuộc chuyển giao quyền lực êm thắm không đổ máu từ
triều Lý sang triều Trần. Suốt 40 năm cầm quyền ông đã giúp vua Trần Thánh Tông
ổn định triều chính, trị quốc an dân, đặt nền móng cho một vương triều Trần huy
hoàng, rực rỡ nhất trong lịch sử.
- Trần Thủ Độ là người nặng tình nghĩa. Ông
rất yêu người em gái họ Trần Thị Dung nhưng vì chữ hiếu đã nghe lời cha nuôi
Trần Lý để bà kết hôn với vua Lý Huệ Tông vì tiền đồ gia tộc họ Trần. Ông đã
chờ đợi bà suốt nhiều năm trời cho đến ngày bà trở về bên ông. Khi vợ mất, ông
đau buồn đến lâm bệnh và không lâu sau cũng mất theo. Trong xã hội quân chủ
phong kiến, thật hiếm thấy một người đàn ông chung tình như vậy.
- Trần Thủ Độ là người công tư, ân oán phân
minh. Tuy yêu vợ nhưng ông không bao giờ để tình riêng lẫn vào việc chung. Khi
vợ ông muốn xin một chức quan cho người họ hàng thì ông đòi chặt tay người đó
để làm dấu hiệu nhận diện. Khi một người lính gác cửa làm nhiệm vụ ngăn không
cho vợ ông đi qua thì ông trọng thưởng vì biết giữ phép công. Khi có người can
gián vua rằng ông có dấu hiệu lạm quyền thì ông thẳng thắn nhận lỗi và cũng
trọng thưởng cho người biết nói lời thật. Phùng Tá Chu là quan triều Lý nhưng
có công giúp đỡ nhà Trần đã được ông đối xử trọng vọng như là bậc khai quốc
công thần.
- Trần Thủ Độ là người biết trọng nhân tài. Dù
bất hòa với cháu ruột là Trần Liễu, ông vẫn hết lòng bồi dưỡng, nâng đỡ cho con
trai của Trần Liễu là Trần Quốc Tuấn. Nếu không có ông cũng sẽ không có đức
thánh Trần Hưng Đạo về sau.
- Trần Thủ Độ là người khí khái, dám làm dám
chịu. Trong thời gian cầm quyền ông đã làm một số việc đáng chê trách nhưng ông
chưa bao giờ chối bỏ hành vi của mình.
- Hơn tất cả Trần Thủ Độ là người yêu nước
nồng nàn, cuộc đời ông dành cho nhà Trần nhưng thật ra là dành cho tổ quốc. Câu
nói bất hủ của ông khi trả lời câu hỏi của vua Trần Thánh Tông nên tiếp tục
đánh hay hòa: "Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo" chính
là minh chứng hùng hồn nhất cho tấm lòng của một người con trung hiếu với sơn
hà, xã tắc. Sử sách cũng chưa từng ghi chép Trần Thủ Độ đàn áp nhân dân hay
cướp bóc, vơ vét cho bản thân ông.
2 Khuyết điểm của Trần
Thủ Độ
Dĩ nhiên Trần Thủ Độ không phải là thần thánh,
nên ông cũng mắc phải một số lỗi lầm. Những lỗi lầm này xuất phát từ tư tưởng
làm tất cả vì nhà Trần, nhiều lúc trở nên cực đoan và độc ác.
- Trần Thủ Độ đã ép vua Lý Huệ Tông phải đi tu
và nhường ngôi cho con gái dẫn đến việc vua đã tự tử. Cho đến nay vẫn không có
bằng chứng nào cho thấy Trần Thủ Độ trực tiếp ra tay bức tử vua Lý Huệ Tông.
- Trần Thủ Độ lấy vợ góa của vua Lý Huệ Tông
là em họ mình. Việc làm này bị sử sách phê phán rất nặng nề. Tuy nhiên chúng ta
cũng cần công tâm đánh giá là hai người không hề có hành động ô hợp trước đó.
Họ vốn đã quen biết nhau từ thuở thiếu thời và chỉ sống bên nhau sau khi chồng
bà đã mất.
- Trần Thủ Độ đã ép gả Thuận Thiên công chúa,
vợ của Trần Liễu cho Trần Cảnh vì Chiêu Thánh công chúa (Lý Chiêu Hoàng) không
có con sau khi sinh một người con trai chết non. Đây là việc làm trái với luân
thường nên đáng phê phán.
- Trần Thủ Độ cho truy sát tôn tộc họ Lý để
loại trừ hoàn toàn âm mưu báo thù, hoặc khôi phục nhà Lý. Đây cũng là một việc
ác không thể chối bỏ, nhưng vì buổi đầu lập quốc còn nhiều rối ren nên thủ đoạn
tàn nhẫn là điều có thể hiểu được.
Kết
luận
Sau khi đã điểm lại những nét chính trong cuộc
đời và sự nghiệp của Trần Thủ Độ, chúng ta có thể đưa ra được những đánh giá
chính xác hơn về ông. Những bài viết về tội ác của hai tên vô lại Hồ Chí Minh
và Nguyễn Tấn Dũng nhiều vô kể nên tôi không cần phải lặp lại. Chúng ta tạm làm
một bảng đối chiếu như sau:
Trần Thủ Độ
|
Hồ Chí Minh & Nguyễn Tấn Dũng
|
Vì nước, vì dân
|
Bán nước, hại dân
|
Uống nước, nhớ nguồn
|
Lấy oán báo ân
|
Dám làm, dám chịu
|
Ném đá, giấu tay
|
Tài ba lỗi lạc
|
Bất tài, vô tướng
|
Liêm khiết, giản dị
|
Lòng tham vô đáy
|
Chí tình, chí nghĩa
|
Vô tình, vô nghĩa
|
Công tư phân minh
|
Luật rừng trên hết
|
Anh hùng dân tộc
|
Tội đồ dân tộc
|
Lưu danh muôn thuở
|
Tiếng xấu
ngàn năm
|
Sự thật thì nhân dân vốn rất công bằng đã sớm
biểu dương công trạng của Trần Thủ Độ bằng một câu đối (4):
Công đáo vu kim, bất
đán Trần gia nhị bách tải
Luận định thiên cổ, kỳ
tại Nam thiên đệ nhất lưu.
(Công đức của ông để mãi đến ngày nay, không
chỉ bó hẹp trong hai trăm năm đời nhà Trần. Sau nghìn đời, công luận đã định,
ông đáng liệt vào bậc thứ nhất dưới trời Nam)
Trái lại, một tên đã chết (Hồ Chí Minh) và một
tên còn sống nhăn (Nguyễn Tấn Dũng) thì luôn là đề tài để cho thiên hạ giễu
cợt, nguyền rủa. Ấy thế mà ông Nguyễn An Dân và một ông vô danh nào đó lại cao
hứng đi tung hô, bào chữa cho hai tên đầu trâu mặt ngựa này và nâng giá chúng
lên ngang tầm bậc hào kiệt Trần Thủ Độ. Chẳng biết nói gì hơn nên xin để lại
một lời nhắn gửi đến các tác giả đại văn hào kiêm chính trị gia này:
Quạ đen so sánh đại
bàng
Rỉ đồng so sánh bạc
vàng sao anh?
Ngày 12/01/2015
No comments:
Post a Comment