Việt Nam






Saturday, 7 February 2015

Vì sao hàng loạt doanh nhân bị bắt?

Vì sao hàng loạt doanh nhân bị bắt?

Anh Vũ - Thông tín viên RFA
2015-02-06

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
nguyen-quang-a
Ts. Nguyễn Quang A
RFA photo



Vài năm trở lại đây, hiện tượng các quan chức lãnh đạo cao cấp nhà nước VN dấu mặt, đứng sau các nhóm lợi ích là hiện tượng hết sức phổ biến.

Các doanh nhân thuộc các nhóm lợi ích đó có thể chi phối, thao túng, điều khiển cán bộ quản lý, để từ đó có những quyết định, chủ trương tạo ra siêu lợi nhuận cho nhóm của mình mà bất chấp thiệt hại của Nhà nước và nhân dân.

Theo Thời báo KTSG, một quan chức Quốc hội cho biết: “Các đại gia là hiện thân của chủ nghĩa tư bản thân hữu. Họ tận dụng được thời cơ, mối quan hệ, sự khiếm khuyết trong hệ thống pháp luật, tận dụng được thời điểm lịch sử, và Nhà nước thì buông lỏng quản lý. Dù có trở nên giàu có, những doanh nhân như thế “không phải tài ba gì”.

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 30.1.2015 vừa qua, nói về tình trạng “có khá nhiều doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp lớn bị bắt giữ trong thời gian vừa qua”. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho rằng “Mặc dù không muốn, nhưng chúng ta không còn cách nào khác”

TS. Phạm Chí Dũng cho rằng, phát biểu này có liên quan đến việc gần đây cơ quan CA đã bắt giữ ông Hà Văn Thắm và ĐBQH Châu Thị Thu Nga, và theo ông việc tổ chức họp báo để thông báo việc này là điều hết sức bất thường.
Từ Sài gòn, TS. Phạm Chí Dũng cho biết:
“Việc bắt các doanh nhân, chủ doanh nghiệp vì họ liên quan đến vấn đề tội phạm kinh tế thì Bộ CA đã tiến hành bắt thường xuyên. Nhưng chỉ có điều cho tới gần đây, thì mới xuất hiện lời thanh minh  của một quan chức cấp cao, cho rằng “Phải bắt doanh nhân vì không còn cách khác”. Thì đấy là điều đặc biệt, có nghĩa là đến bây giờ thì họ mới nói ra, họ mới thanh minh. Tại sao họ không thanh minh từ trước đây? Và tại sao chỉ thanh minh đối với các trường hợp của ông Hà Văn Thắm hay bà Châu Thị Thu Nga mà không phải là những trường hợp khác? Hay là vì do ông Hà Văn Thắm bị đồn đoán là có liên quan đến một quan chức cấp cao, còn bà Châu Thị Thu Nga cũng liên quan đến một quan chức cấp cao khác?”
Đây là một việc mang đậm tính chính trị nhằm biện minh cho việc làm của chính phủ, song cũng là cách để họ thông báo tới các ông “kễnh” đứng đằng sau các nhân vật vừa bị bắt một cách chính thức. 

TS. Nguyễn Quang A, Nguyên Viện trưởng Viện phản biện IDS khẳng định:
“Những vụ án đối với doanh nhân như thế cho thấy đấy là bàn tay của chính trị, bởi vì những doanh nghiệp của các đại gia thì đằng sau nó bao giờ cũng có một ông “kễnh” nào đó bảo kê. Và trong các cuộc đánh nhau về chính trị, thì người ta thường dùng các con tốt như thế, theo kiểu rung cây dọa khỉ. Để cho các ông “kễnh”đứng đằng sau đó biết mặt để mà chùn các hành động này, hành động kia”
Người bên này bắt người của bên kia để tạo ra một cái sức ép, sau đó là một sự dàn xếp trước mắt về nhân sự trong nội bộ. Tới khi không thể dàn xếp với nhau được nữa thì lúc đó họ sẽ làm tung tóe lên, khi đó sẽ là một cuộc chiến công khai.
TS Phạm Chí Dũng

Việc bắt bớ các doanh nhân không nhằm mục đích trừng trị và các đại gia chỉ là nạn nhân trong cuộc chiến phe phái mà thôi, TS. Nguyễn Quang A nhận định:
“Tôi nghĩ rằng việc gọi là triệt hạ sân sau thì cũng có một cái lý của nó, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là một lý do phụ mà thôi. Mà lý do thực sự là họ muốn đánh thẳng vào các ông “kễnh”đứng đằng sau đó. Chứ còn các đại gia đó họ chỉ là những kẻ theo đóm ăn tàn bị vạ lây thôi.”

Trước các sự kiện quan trọng của Đảng, đặc biệt là vấn đề có liên quan đến vấn đề nhân sự, thì sẽ xảy ra tình trạng bắt một số doanh nhân là sân sau thuộc phe ông nọ ông kia. TS. Phạm Chí Dũng nói:
“Việc bắt các doanh nhân không phải là một đòn của Đảng và Nhà nước nhắm vào khối doanh nhân, tại vì chẳng ai đi làm cái trò như thế cả. Mà ở đây, họ chỉ xoáy vào một số ít các doanh nhân nào đó, mà các doanh nhân đó theo dư luận đồn đoán thì họ là sân sau, sân trước của một số chính khách nào đó. Việc đó nó liên quan đến sự kiện về nhân sự, vỉ chỉ có nhân sự mới có thể xảy ra tình trạng bắt bớ như thế này, nếu không vì nhân sự thì chưa chắc có chuyện này. Cho nên dư luận đồn đoán hay các chuyên gia đánh giá thì tôi thấy cũng có lý. Người bên này bắt người của bên kia để tạo ra một cái sức ép, sau đó là một sự dàn xếp trước mắt về nhân sự trong nội bộ. Tới khi không thể dàn xếp với nhau được nữa thì lúc đó họ sẽ làm tung tóe lên, khi đó sẽ là một cuộc chiến công khai.”
Trả lời câu hỏi, việc bắt các doanh nhân vào những thời điểm nhạy cảm như thế là sự vô tình hay chủ ý và nhằm mục đích gì?

Đây thực chất là việc đấu đá, là vấn đề đã trở thành quy luật và thường xảy ra vào những thời điểm được coi là nhạy cảm. TS. Nguyễn Quang A cho biết:
“Việc này tôi nghĩ rằng là hoàn toàn có chủ ý và đã diễn ra khá thường xuyên, lặp đi lặp lại ở VN nhiều lần rồi chứ không phải chỉ đến bây giờ. Chúng ta hãy nhớ lại kể từ vụ MPU18 cũng là đấu đá trên thượng đỉnh, rồi đến các vụ gọi là xôn xao dư luận thí dụ như vụ Bầu Kiên hay vụ ông (Hà Văn) Thắm chẳng hạn. Tất cả đều theo một hình mẫu khá là dễ hiểu.”
pham-chi-dung
TS. Phạm Chí Dũng
Tình trạng trên sẽ xảy ra liên tiếp từ nay cho tới khi công tác nhân sự của Đại hội Đảng XII được các phe phái trong Đảng thỏa thuận ngã ngũ xong xuôi, và đây là điều nguy hiểm. TS. Phạm Chí Dũng ghi nhận:
“Các trường hợp Ngân hàng Xây dựng, bà Châu Thị Thu Nga hay ông Hà Văn Thắm… đều liên quan đến thời gian trước các HN quan trọng về nhân sự. Tôi cho rằng đây là một hiện tượng đặc thù về chính trị mới xuất hiện ở VN từ năm 2012 tới nay, với một tần suất tương đối dày đặc. Đây có lẽ là một chiêu thức chính trị mà các chính khách, những người được coi là cầm cân nảy mực và những nhà kỹ trị ở VN sẽ áp dụng từ nay đến Đại hội XII, để họ thanh toán nốt những gì mà họ cần phải thanh toán. Nhưng điều đó hoàn toàn không có lợi gì cho dân chúng cả.”
Theo UB Kiểm tra TƯ Đảng cho biết, xung quanh một số nhân vật chủ chốt có vai trò quan trọng trong các quyết sách về kinh tế của Nhà nước hiện nay, đã thấp thoáng sự hiện diện của các doanh nhân. Sự hoạt động của các nhóm lợi ích là sự cấu kết giữa những Doanh nhân với các quan chức trong bộ máy Đảng và  Nhà nước là nguyên nhân làm cho kinh tế đất nước suy kiệt.

Việt Nam 2015: Nguy cơ xâm lược kinh tế

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2015-02-06

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
namnguyen02062015.mp3Phần âm thanh Tải xuống âm thanh
vncb-622.jpg
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây dựng (VNCB).
Photo courtesy of NLĐ
Thời sự kinh tế tài chính tuần qua khá sôi nổi với hai sự kiện, thứ nhất Ngân hàng Nhà nước mua lại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây dựng (VNCB) với giá 0đ và được cho là một hình thức quốc hữu hóa; thứ hai một gói kích cầu bất động sản 50.000 tỷ đồng sắp được tung ra. Cùng lúc báo chí nhà nước đặt nhiều dấu hỏi về tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế tài chính, thì lại nổi bật sự kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội năm 2015 đạt 6,2%.

Khả năng phục hồi mong manh

Trò chuyện với Nam Nguyên trước thềm năm mới Ất Mùi, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành từ Hà Nội nhận định rằng, với tình trạng lạm phát ở mức 3%-4% và một chính sách tiền tệ tương đối mở rộng hơn một chút thì có cơ sở để nền kinh tế phần nào phục hồi, nhưng khả năng rất là mong manh, hiện nay nền kinh tế Việt Nam không có mảng nào có thể gọi là có sức để bùng lên. Các lĩnh vực đầu tư nước ngoài như may mặc hay là điện thoại … thì đó là đầu tư nước ngoài là chính, chứ còn đầu tư trong nước chưa thấy triển vọng phục hồi, trong khi hàng trăm nghìn doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, vì không đủ vốn tự có, đi vay với lãi suất 10% trở lên thì doanh nghiệp cũng không thể nào phát triển được. 

Chuyên gia Bùi Kiến Thành nhấn mạnh:
Tình hình kinh tế Việt Nam chưa ra khỏi tình trạng bế tắc cho nên việc nói sẽ là tăng 6,2% GDP thì những cái đó từ đâu đến. Các chuyên gia nhìn khắp mọi nơi chưa thật sự  rõ những nguồn ấy là như thế nào.
-Bùi Kiến Thành
“Tình hình kinh tế Việt Nam chưa ra khỏi tình trạng bế tắc cho nên việc nói sẽ là tăng 6,2% GDP thì những cái đó từ đâu đến. Các chuyên gia nhìn khắp mọi nơi chưa thật sự  rõ những nguồn ấy là như thế nào. Nguy hiểm hơn nữa sẽ có những hiệp định thương mại tự do được ký kết, được áp dụng có nghĩa hàng rào thuế quan sẽ bị xóa bỏ. có nghĩa hàng Việt Nam sẽ được xâm nhập trên thị trường thế giới và hàng hóa thế giới sẽ xâm nhập thị trường Việt Nam một cách mạnh hơn. Nhưng mà khổ một nỗi là Việt nam không có hàng để bán cho thế giới, còn thế giới thì ào ạt hàng hóa đủ thứ với chất lượng tốt với giá tốt đi vào Việt Nam như sóng thần. Thế thì doanh nghiệp trong nước có cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu hay không. Doanh nghiệp trong nước có gì để bán ra nước ngoài, tình hình kinh tế Việt Nam rất khó khăn ở chỗ, mình mở cửa cho người ta vào trùng trùng điệp điệp, trong khi người ta mở cửa thị trường cho mình thì mình chẳng có gì để bán.

Tình hình đó là một vấn đề rất nguy hiểm, nguy cơ Việt Nam sẽ bị hàng hóa nước ngoài, cũng như tài chánh nước ngoài vào Việt Nam đầu tư và phát triển có thể nói là khống chế, hay có thể nói là một cách xâm lược kinh tế đối với Việt Nam. Nguy cơ rõ ràng ở trước mắt.”
Vietnam-economy-032309-305.jpg
Ảnh minh họa kinh tế Việt Nam.
Trên Saigon Times Online, ngày 1/2/2015 chuyên gia TS Trần Du Lịch nhận định rằng, nền kinh tế Việt Nam trong năm qua giống như con người ở trong tình trạng ốm không ra ốm mà khỏe không ra khỏe, vẫn cứ ở trong trạng thái mà ông gọi là dầm dừ. Điều TS Trần Du Lịch bày tỏ sự e ngại nhiều nhất là thị trường nội địa, trong bối cảnh quản lý chưa tốt, cách kinh doanh của doanh nghiệp chưa sòng phẳng với nạn hàng gian hàng giả, hàng nhái gia tăng.
Vẫn theo TS Trần Du Lịch và Saigon Times Online, tình trạng hàng lậu qua biên giới, thật giả lẫn lộn đang làm cho doanh nghiệp chân chính trong nước gặp nhiều khó khăn. Vị chuyên gia nêu thí dụ hàng Trung Quốc giả nhãn hiệu Việt Nam có thể tiêu thụ được ngay chính ở thị trường trong nước đang gia tăng ngày càng cao. TS Trần Du Lịch cho rằng đây là trách nhiệm của nhà nước và nếu không giải quyết được vấn đề này thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ sớm chết.

Quốc hữu hóa ngân hàng thương mại để ổn định?

Ngày 5/2/2015 báo điện tử Dân Trí đưa tin, Ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây Dựng với giá 0 đồng. Một ngày trước hôm 4/2/2015, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh nhìn nhận với báo Đầu tư Chứng khoán, việc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây Dựng trở thành 100% vốn nhà nước có thể hiểu là trường hợp quốc hữu hóa đầu tiên với một ngân hàng thương mại ở Việt Nam. Phó Thống Đốc nhấn mạnh là câu chuyện quốc hữu hóa ngân hàng cũng đã được triển khai ở các quốc gia khác trên thế giới.

Nhận định về sự kiện Ngân hàng Xây dựng đã mất hết vốn sở hữu được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, chuyên gia Tài chánh Bùi Kiến Thành phát biểu:
“Theo tôi, chính sách của nhà nước muốn tránh việc phá sản ngân hàng, muốn tránh sự đổ vỡ dây chuyền xảy ra nếu những người chủ tài khoản ở những ngân hàng yếu kém khác lo sợ. Trong luật của Việt Nam bảo hiểm tiền gởi chỉ có 50 triệu đồng thôi, tức là nếu một ngân hàng phá sản thì tất cả những người chủ tài khoản chỉ được đền bù mỗi người 50 triệu đồng, còn lại có thể nói là mất tất cả, những ai gởi 1 tỷ, 5 tỷ hay 7 tỷ cũng đều bị mất hết. Không hiểu với trường hợp quốc hữu hóa như thế này thì Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm với các chủ tài khoản như thế nào. Nếu không phải là phá sản mà Ngân hàng Nhà nước là sở hữu chủ của ngân hàng ấy thì theo tôi ngân hàng ấy vẫn còn tồn tại trên pháp lý.”
Ông Bùi Kiến Thành nói rằng, với tư cách một người quan sát ông chưa thấy sự rõ ràng về khung pháp lý, xử lý rốt ráo về vấn đề này. Ngân hàng Nhà nước là ông chủ mới, nhưng những người chủ cũ có còn trách nhiệm gì không đối với những việc đã qua, thí dụ các khoản nợ xấu chẳng hạn. Và cần chờ xem những quyết định mới từ Ngân hàng Nhà nước về vụ này.
Theo Dân Trí Online, Phó Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh giải thích là việc quốc hữu hóa VNCB không phải là mục tiêu kinh doanh mà là ổn định chính trị, xã hội. Để ổn định chính trị, xã hội thì phải có tiền trả cho người gửi tiền. VNCB đang ngập trong nợ chưa thể cho sáp nhập vào ngân hàng khác, khi tình hình ổn định Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai việc sáp nhập vào một ngân hàng khác và không loại trừ việc bán VNCB cho một ngân hàng khác để thu hồi vốn nhà nước về. Phó Thống đốc nhấn mạnh, sẽ có những ngân hàng phải phá sản, nhưng trong bối cảnh hiện tại chính phủ chưa muốn một ngân hàng nào phá sản cả.
Ngân hàng xây dựng VNCB là một minh chứng về việc này, qua hình thức mua bán sáp nhập ngân hàng họ có thể mua với giá 0 đồng hay 1 đô la như ở nước ngoài. Cái đó chỉ là về hình thức thôi, thực chất nợ xấu của VNCB ai phải gánh chịu, cũng như tất cả nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện nay ai phải gánh chịu.
-TS Phạm Chí Dũng
Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, một nhà phản biện độc lập ở TP.HCM từng tiên đoán sớm muộn sẽ diễn ra tình trạng phá sản hàng loạt ngân hàng thương mại cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đang bắt đầu việc bắt buộc, thay vì tự nguyện tái cơ cấu của các ngân hàng yếu kém.
“Ngân hàng xây dựng VNCB là một minh chứng về việc này, qua hình thức mua bán sáp nhập ngân hàng họ có thể mua với giá 0 đồng hay 1 đô la như ở nước ngoài. Cái đó chỉ là về hình thức thôi, thực chất nợ xấu của VNCB ai phải gánh chịu, cũng như tất cả nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện nay ai phải gánh chịu. Tất cả các ngân hàng hiện nay theo chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước là tới 30/6/2015 phải bán ít nhất 60% nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC). Nhưng vấn đề là sau khi mua được số nợ xấu đó rồi Ngân hàng Nhà nước và VAMC sẽ xử lý số nợ xấu đó như thế nào, thì đối với Ngân hàng Xây dựng cũng tương tự như vậy thôi. Mặc dù sáp nhập như vậy hay là quốc hữu hóa hoặc một cách nào đó để giải quyết Ngân hàng Xây dựng, nhưng mà cuối cùng cũng chưa giải quyết được vấn đề thực chất nợ xấu và nợ của Ngân hàng Xây dựng là như thế nào.”

Một trong những diễn biến tài chính khác diễn ra trước thềm năm mới Ất Mùi, ngày 1/2/2015 Đất Việt Online đưa tin Ngân hàng Nhà nước đang chờ Chính phủ phê duyệt gói tín dụng 50.000 tỷ đồng hỗ trợ phân khúc nhà ở thương mại. Theo đó lãi suất cho vay sẽ là 7%/ năm kéo dài trong 10 năm, sau đó người vay sẽ chịu lãi suất điều chỉnh theo lãi suất ngân hàng thương mại.

Điểm đáng nói là đề xuất gói 50.000 tỷ được đưa ra trong khi đã có gói 30.000 tỷ kích cầu nhà ở xã hội hết hiệu lực vào 1/6/ 2016. Các chuyên gia cho là gói 30.000 tỷ đã thất bại vì chỉ giải ngân được 1/3 gói, trong đó chỉ có 12.000 hộ gia đình được vay tồng cộng 6.000 tỷ; các công ty bất động sản vay được 4.000 tỷ.

Nhận định về gói 50.000 tỷ nhằm hỗ trợ nhà ở thương mại, chuyên gia Bùi Kiến Thành nói rằng gói này kỳ vọng giúp các nhà đầu tư hoàn tất các dự án tạm gọi là phân khúc nhà ở cao cấp và người mua nhà có phương tiện tài chánh.

 Ông nhấn mạnh:
“Như vậy cũng chỉ giải quyết được một phần nào của phân khúc bất động sản đương đóng băng thôi. Chứ không giải quyết được vấn đề bất động sản một cách cơ bản, là mình có sản xuất ra cái mà thị trường cần hay không và sản xuất ra rồi thì thị trường đấy có nguồn tài chính để mua hay không. Ai mua ai có tiền mua, điều này chưa có lời giải, hiện giờ bất động sản chất lượng cao tồn kho rất là lớn, 50.000 tỷ đồng chưa giải quyết được vấn đề gì cho bất động sản cao cấp cả. Có thể nó trở thành những món nợ xấu nữa, tại vì những người sau này đi vay 50.000 tỷ ấy người ta có khả năng hoàn trả nợ hay không. Điều kiện cho vay thời hạn tương đối ngắn lãi suất hơi cao ai có mức thu nhập đủ khả năng vay và hoàn trả vốn; hay là lại có tầng lớp đầu cơ mua đi bán lại khi bán không được thì có khả năng tạo ra nợ xấu nữa. Đây là vấn đề nghiêm trọng Nhà nước cần suy nghĩ tính toán chu đáo.”


Tình hình kinh tế tài chánh của Việt Nam đầu năm 2015 vẫn còn nhiều vướng mắc tồn tại, liệu những người cầm trịch có đủ khả năng gỡ cuộn chỉ rối để ổn định tình hình và thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,2% như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề ra hay không. Theo các chuyên gia tiến độ tái cơ cấu nền kinh tế vừa chậm vừa không thực chất, cho nên năm mới Ất Mùi, guồng máy Nhà nước sẽ vẫn còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết.

No comments:

Post a Comment

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official-20/1/2025

My Blog List