Việt Nam






Friday, 20 February 2015

Cộng sản: nói dối để tồn tại, nói thật sẽ tiêu vong



 

Cộng sản: nói dối để tồn tại, nói thật sẽ tiêu vong
 (Đầu năm Ất Mùi đọc bài viết đầu năm 2015 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang)

 Lê Quế Lâm   
(Sydney -Mùng Một Tết Ất Mùi 2015)
Tuyển tập những bài thơ chúc Tết Ất Mùi 2015 hay nhất 6
                                                                                                                    
Bản chất của những người cộng sản là gian dối. Lúc đầu chúng còn lừa mỵ được dân, nhưng qua thời gian dài, người dân đã nhận chân được bản chất thật của chúng. Vì thế khi nói đến cộng sản, thì người dân phản ứng ngay “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm”. Có người nói, đó là câu nói của Thượng tá Tám Hà (Trần Văn Đắc) khi ông ra hồi chánh hồi tháng 4/1968. Trong thời gian theo CS, ông đã thấy được sự dối trá của chúng, nên khi quay về chính nghĩa quốc gia, ông lấy kinh nghiệm bản thân để cảnh giác đồng bào Miền Nam. Có người cho rằng TT Nguyễn Văn Thiệu lúc sinh thời đã nói câu đó để nhắc nhở đồng bào đừng tin những gì cộng sản tuyên truyền để khỏi mắc mưu gian trá của chúng. 

Câu nói trên chí lý, nhưng CS không thể gian dối mãi. Theo qui luật có sinh ắt có tử, hết thịnh đến suy, đến lúc cận kề bên bờ vực của sự sụp đổ, những người CS sẽ nói thật để cứu mình.Vã lại, trong thời đại tin học ngày nay, mọi sự thật lịch sử đều được phơi bày. Đó là chỉ dấu báo hiệu chế độ CS sắp cáo chung. Điều này đã xảy ra ở Liên Sô hồi cuối thập niên 1980, trong thời điểm thoái trào của chủ nghĩa CS.

Trong buổi thuyết trình về đề tài “Nga Xô: hiện tại và tương lai” (Russia: Today and the Future) do tổ chức Harriman Institute bảo trợ, diễn ra tại trường Columbia University vào ngày thứ ba mùng 2 tháng giêng 2007. Trước hàng ngàn cử tọa, thuộc nhiều thành phần và chủng tộc, ông Mikhail Gorbachev cựu tổng thống Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Liên bang Sô Viết kiêm Tổng bí thư Đảng Cộng  sản Liên Sô đã nói “Chế độ CS mà tôi đã mang cả đời ra phục vụ, chỉ toàn là sự tuyên truyền và các cán bộ đảng trong đó có tôi chỉ điều hành quốc gia bằng sự gian dối”.

Nhờ cả đời phục vụ đất nước bằng sự gian dối, Gorbachev đã ngoi lên ngôi vị lãnh đạo tối cao vào thời điểm chế độ Liên Sô đang gặp muôn vàn khó khăn. Ba tổng bí thư tiền nhiệm của ông là những người cực đoan bảo thủ không giải quyết nổi các bế tắc, lần lượt qua đời chỉ trong vòng 28 tháng (10/11/1982 Brezhnev chết, tiếp theo là Andropov 9/2/1984 và Chernenko 13/3/1985) Đảng CSLS đưa Gorbachev lên thay thế để cứu đảng. Với tư cách tổng bí thư  đảng CS, Gorbachev đã có những lời nói thật.

Cuối tháng 6/1988 ông kêu gọi 5 ngàn đảng viên tham dự đại hội đảng đặc biệt hảy ủng hộ chính sách cải cách của ông. Ông cho rằng hệ thống Sô Viết sẽ sụp đổ nếu họ không kịp thời nhận thức bài học của lịch sử và nhìn nhận những sai lầm trầm trọng mà các lãnh tụ đảng đã theo đuổi trong mấy chục năm qua. Ông nhấn mạnh: “Sự sống còn của chủ nghĩa xã hội đang nằm trong tay của đảng. Nó sẽ chết nếu chúng ta không trao quyền cho nhân dân”. Một năm rưởi sau, BCH TƯ Đảng CSLS chấp nhận đề nghị của Gorbachev xóa bỏ quyền độc tôn lãnh đạo của đảng được qui định trong điều 6 của hiến pháp

Trước đó, để cứu vãn nền kinh tế LS đang suy sụp, Gorbachev đề ra kế hoạch Glassnot, chủ trương mở cửa và minh bạch các hoạt động của nhà nước, giảm bớt vai trò của đảng đối với các cơ quan của chính phủ. Và perestroika là trào lưu chính trị mới của ông, cổi mở để người dân có nhiều quyền tự do hơn, được tự do ngôn luận, báo chí ít bị kiểm soát. Dân chủ hóa các cuộc bầu cử, để người dân thành lập “Đại hội các đại biểu do nhân dân ủy quyền” trở thành một cơ quan lập pháp.

Người xưa có câu “”Con chim sắp chết, tiếng hót bi thương. Con người sắp chết, lời nói chân thành”. Đó là tiếng nói của sự hối lỗi. Đối với những người cộng sản cao cấp VN, những lời dối trá của họ đã gây biết bao thảm họa cho dân tộc, nhưng giúp họ giành và duy trì được quyền lực. Giờ đây quyền lực của họ đang bị thử thách, đe dọa nặng nề. Đã đến lúc họ phải nói thật như Gorbachev để sống còn. Nhân dịp đầu năm âm lịch Ất Mùi 2015, người viết xin nhắc lại bài viết đầu năm 2015, coi như thông điệp đầu năm dương lịch của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Có thể nói, phần lớn bài viết là lời lẽ chân tình của một người dân ưu tư đến vận nước, và phần nhỏ còn lại đề cập đến những lời tuyên truyền của cộng sản. Bài viết của ông TTS có khả năng vận động được lòng người vì lợi ích của dân tộc, nhưng rất tiếc dính dáng đến hơi hướng cộng sản, khiến người đọc bực mình, nhắc nhở nhau: “đừng bao giờ nghe nhưng gì cộng sản nói”. Tuy nhiên, những lời lẽ truyên truyền của cộng sản từng giúp họ thành công trong quá khứ, nhưng nay khiến họ bị động, tiến thoái lưỡng nan.

Bài viết của ông TTS có ba phần. Phần nhập đề, ông viết “Cùng nhân loại chúng ta tạm biệt năm 2014, năm Giáp Ngọ. Đối với chúng ta, năm 2014, một năm với biết bao cam go, sóng gió và những khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta đã vượt qua. Dù ngoảnh nhìn lại, vẫn còn đó những ấm lạnh, buồn vui xen lẫn, vẫn còn nhiều điều canh cánh bên lòng mà không ai không thấy và đang đồng tâm, nỗ lực khắc phục, sửa chữa’.

Góp ý của người viết: CSVN đang hợp tác gắn bó với TQ qua phương châm 16 chữ và 4 tốt, thì sóng gió nổi lên. Tháng 5/2014 TQ đưa giàn khoan HD 981 vào hải phận VN. Bị Hà Nội phản bác, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của TQ trả lời: Biển Đông cùng hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của VN, nhưng qua công hàm năm 1958, TT Phạm Văn Đồng đã công nhận thuộc TQ. Hai tháng sau, Bắc Kinh tự động rút giàn khoan ra khỏi khu vực tranh cấp sau khi có nghị quyết của Thượng Viên Mỹ và Ngoại trưởng John Kerry đến TQ gặp Tập Cận Bình. Sự kiện giàn khoan giúp TQ có cớ nói chuyện với Mỹ về nguy cơ xung đột ở biển Đông khi cường quốc này trở lại Châu Á. Sự việc TQ nhắc tới công hàm năm 1958 và sự thỏa thuận cấp cao giữa hai đảng trong quá khứ.

 Điều đó chứng tỏ CSVN đã bán nước, khiến sự mâu thuẫn trong nội đảng giữa Chính phủ có khuynh hướng thân Mỹ và phe Đảng thân TQ càng trở nên gay gắt. TT Nguyễn Tấn Dũng được phiếu tín nhiệm cao, cao nhất của Hội nghị TƯ 10 cho thấy phe chính phủ có uy tín phe đảng.

*Ông TTS viết tiếp “Khi mùa xuân năm mới 2015 đang tới trước thềm, cả dân tộc Việt Nam ta lại phấn khởi, có thêm sinh lực mới, quyết tâm mới, tiếp tục cố gắng vì những thành công trong Năm của những sự kiện lớn: 85 mùa xuân Đảng ta ra đời, 70 mùa thu cách mạng và Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 40 năm giải phóng miền Nam và thống nhất nước nhà, 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, 30 năm đất nước đổi mới trên con đường xã hội chủ nghĩa, tiến tới Đại hội XII của Đảng... với tầm nhìn mới, sứ mệnh mới, thực lực mới, phương cách hành động mới và niềm tin vào những thành công mới. Trước thềm Xuân mới, nhìn lại chặng qua, chúng ta soát xét lại mình, ngẫm thời cuộc lớn, mở rộng tầm nhìn, chuẩn bị hành trang, tiếp tục chủ động và kiên định đi tới

Góp ý của người viết: Sóng gió, cam go của năm 2014 vẫn còn đè nặng, CS đang đồng tâm, nổ lực khắc phục, sửa chữa...Nhưng ông Sang tin tưởng những sự kiện lớn của năm 2015 sẽ có thêm sinh lực mới, quyết tâm mới. Xin nhắc các sự kiện lớn: Đầu thập niên 1920, ông HCM đã đến LS tìm đường cứu nước và gia nhập quốc tế CS. Từ đó ông khẳng định “giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và tiến lên xã hội chủ nghĩa là con đường sống của nhân dân ta” Năm 1930 ông thành lập Đảng CSVN với khẩu hiệu “Trí, phú, địa, hào. Cào tận gốc, trốc tận rễ”. Khẩu hiệu này được CS triệt để thực hiện hồi năm 1945-46 để giành chính quyền, trong Cải cách ruộng đất năm 1953-1956 ở miền Bắc, ở Huế năm 1968 và ở MN sau năm 1975.

- Còn chiến tranh giải phóng dân tộc: Năm1946 Pháp đã công nhận nước VNDCCH là một nước cộng hòa tự do từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc. Ông Hồ phát động toàn quốc kháng chiến, sau đó nhờ Nga Hoa giúp đánh Pháp. Chiến tranh giải phóng dân tộc kết thúc. Tại hội nghị Genève 1954, Nga Hoa thỏa thuận với Mỹ chia cắt VN ở vĩ tuyến 17.

- Trong chiến tranh thống nhất đất nước, TQ thỏa hiệp với Mỹ để MNVN, Cam Bốt và Lào trung lập. Để tiến lên XHCN, Hà Nội xé bỏ HĐ Paris 1973, thôn tính MNVN, đưa cả nước vào quỹ đạo XHCN của LS, sau đó xâm lược Campuchia, bị TQ dạy cho một bài học. Cuối cùng xã hội chủ nghĩa LS sụp đổ.

- Còn đổi mới dưới thời TBT Nguyễn Văn Linh từ năm 1986 là đổi chủ từ LX sang TC. Hợp thức hóa bằng Thỏa ước Thành Đô 1990, CSVN theo con đường của Đặng Tiểu Bình “Kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa”, mở đầu thời kỳ Bắc thuộc mới như nhận định của nguyên Ủy viên Bộ chính trị -ông Nguyễn Cơ Thạch.

Kết luận: Những sự kiện lớn kể trên không thể nói đó là thành tựu để có thêm sinh lực mới, quyết tâm mới. Trái lại, phải can đảm thừa nhận đó là tính toán sai lầm của ông HCM, dẫn đến sự thảm bại chua cay của Đảng CSVN trong 70 năm qua, để từ đó có “tầm nhìn mới, sứ mệnh mới, thực lực mới, phương cách hành động mới và niềm tin vào những thành công mới” trong năm 2015. Đó là 4 chủ đề chính trong bài viết của ôngTTS được trích dẫn nguyên văn với sự góp ý và nhận xét của người viết.
 
“Phát triển bền vững - sự lựa chọn mang tầm chiến lược. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa với tất cả sự phức tạp của thời cơ và nguy cơ, vận hội và thách thức đan xen, chuyển hóa khôn lường; hoặc là tụt hậu, tức là bị bỏ rơi hoặc là bứt phá, vươn lên để bắt nhịp cùng thời cuộc, làm chủ vận mệnh của mình, mà nếu dừng lại chính là tụt hậu. Mà tụt hậu, nhất là về kinh tế, đó là nguy cơ mà tròn hai mươi năm trước, tháng 1-1994, Đảng ta đã cảnh báo và suốt hai thập niên cả dân tộc nỗ lực không ngừng để vượt qua.

Do đó, hơn bao giờ hết, con đường duy nhất đúng đắn là chúng ta phải vươn lên, đưa đất nước phát triển bền vững, khi nhịp chân nhân loại không chờ đợi bất cứ ai, cuộc cạnh tranh toàn cầu luôn tiềm ẩn nguy cơ “mất còn”, không quốc gia, dân tộc nào là ngoại lệ, làm cho tương quan lực lượng giữa các quốc gia, các khu vực trên thế giới thường xuyên thay đổi. Tụt hậu là bị toàn cầu hóa lướt qua, nhấn chìm, tất yếu khó tránh khỏi rơi vào lệ thuộc, trở thành “sân sau” của người khác, sẽ không thể nào cải thiện, nâng cao được đời sống của nhân dân. “Thực túc, binh cường”, nếu tụt hậu thì khó có thể bảo vệ được độc lập, chủ quyền của đất nước, khó có thể có được chỗ đứng xứng đáng trên trường quốc tế, huống chi là vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu.

Phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, là trách nhiệm không thể thoái thác, sứ mệnh thiêng liêng, là danh dự của mỗi chúng ta, con Lạc cháu Hồng hôm nay. Vì thế, trong năm 2015 và những năm tới, với bản lĩnh, trí tuệ, tiềm năng đất nước và con người Việt Nam, chúng ta phải tập trung xử lý, tháo gỡ những cản trở, ách tắc, khắc phục những hạn chế, yếu kém, nhanh chóng đưa nền kinh tế đất nước thoát khỏi tình trạng suy giảm đã kéo dài mấy năm nay, phục hồi lại đà tăng trưởng; tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế đầy sáng tạo và hiệu quả; hoàn thành tốt nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng để tạo ra một chất lượng mới, trình độ mới, cao hơn cho nền kinh tế đất nước, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Phát triển bền vững là sự lựa chọn mang tầm chiến lược của đất nước ta hiện nay. Phát triển là thước đo bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trong cuộc cạnh tranh toàn cầu vì mục tiêu phát triển đất nước. Phát triển sẽ quyết định hình ảnh tương lai của đất nước ta, sẽ định vị vai trò, vị thế của Việt Nam trên thế giới trong những thập niên tới”.

Góp ý của người viết: Tháng Giêng năm 1994, đảng đã cảnh báo về nguy cơ tụt hậu. Điều này chứng tỏ: 20 năm sau khi đất nước đã thống nhất và xây dựng XHCN theo mô hình của hai nước đàn anh, nhưng đất nước không phát triển mà lại tụt hậu. Vì thế, ông Võ Văn Kiệt, lúc đó là thủ tướng, chủ trương hội nhập với thế giới bên ngoài, thiết lập bang giao với các nước ASEAN đồng thời vận động Mỹ chấm dứt cấm vận và bình thường hóa bang giao với VN năm 1995. Năm nay đánh dấu “20 năm bang giao Việt-Mỹ”, nhưng không thấy ông TTS liệt kê trong những sự kiện lịch sử lớn. Ông chỉ nhấn mạnh trong năm 2015 là “phải tập trung xử lý, tháo gỡ những cản trở, ách tắc, khắc phục những hạn chế, yếu kém, nhanh chóng đưa nền kinh tế đất nước thoát khỏi tình trạng suy giảm kéo dài và tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế đầy sáng tạo và hiệu quả”. Phải chăng những cản trở, ách tắc hiện nay của đất nước, xuất phát từ những sự kiện lớn mà ông TTS đã đề cập, nay phải được tập trung xử lý, tháo gỡ. Còn nhiệm vụ của năm 2015 là đẩy mạnh hội nhập quốc tế đầy sáng tạo và hiệu quả để kỷ niệm 20 năm bang giao với Mỹ và khối ASEAN.

Sở dĩ trước đây đảng CSVN không dám mạnh dạn hội nhập với thế giới, nhất là hợp tác với Mỹ vì sợ “diễn biến hòa bình” vì sợ “theo Mỹ mất đảng”. Nay ông TTS chủ trương “con đường duy nhất đúng đắn là phải vươn lên, đưa đất nước phát triển bền vững” vì “nếu tụt hậu thì khó có thể bảo vệ được đôc lập chủ quyền của đất nước’. Muốn đất nước vươn lên và phát triển thì phải hội nhập, nhưng “cuộc cạnh tranh toàn cầu luôn tìm ẩn nguy cơ “mất còn”, không quốc gia, dân tộc nào là ngoại lệ”. Phải chăng ông TTS muốn khẳng định: đất nước phát triển là ưu tiên, là chiến lược. Còn việc “mất còn” của đảng không quan trọng.Vì còn đảng, đất nước tụt hậu, mất đảng, đất nước phát triển vươn lên. Người viết xin đề cập tiếp chủ đề thứ hai trong bài viết của ông TTS.

Bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu tối thượng. Trải qua đã mấy ngàn năm, ông cha ta, dẫu cho trước bất cứ ai, dù trong bất cứ tình huống nào, bao giờ cũng quyết lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu tối thượng trong mọi hành xử của mình cho nên mới tạo dựng được cơ đồ vững vàng để lại cho con cháu hôm nay. Lịch sử từng cho thấy, làm trái đi là tự rước lấy tai họa, không mất nước, trở thành nô lệ thì cũng đẩy đất nước, đẩy nhân dân vào cảnh thống khổ, lầm than.

Trong thời đại ngày nay, giữa biển rộng toàn cầu hóa tranh đua sinh tử, chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, hơn bao giờ hết, càng tỏa sáng. Đất nước ta hội nhập với thế giới, với bạn bè năm châu, bốn bể là để học hỏi, tiếp thu tinh hoa của nhân loại, của thời đại, làm giàu thêm, phong phú hơn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam; để tranh thủ ngoại lực, khơi dậy nội lực, biến ngoại lực thành nội lực, xây dựng đất nước ta hùng cường, giàu mạnh, sánh vai cùng với các cường quốc năm châu, nhân dân ta có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, chứ quyết không đánh mất mình, không rơi vào tụt hậu, lệ thuộc.

Giang sơn, xã tắc mấy nghìn năm ông cha ta truyền lại, thế hệ con cháu chúng ta hôm nay và mãi mãi sau này có nghĩa vụ và trách nhiệm thiêng liêng là phải giữ gìn, quyết không để tổn thất một ly lai. Dân tộc ta đã mấy nghìn năm nối đời dựng nước, giữ nước, đã đi qua hàng trăm cuộc khởi nghĩa, kháng chiến chống xâm lăng, ở mọi quy mô, với biết bao hy sinh, xương máu; trong những giờ phút hiểm nghèo, đã nêu cao ý chí “dù phải tát cạn biển Đông”, “dù phải đốt cháy dãy Trường Sơn” cũng quyết giành lại và giữ gìn vững chắc độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ngày nay, hơn 90 triệu đồng bào ta nguyện làm hết sức mình, nguyện đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải, sẵn sàng hiến dâng tới giọt máu cuối cùng vì những điều thiêng liêng vô giá đó.

Lợi ích quốc gia - dân tộc của chúng ta là cụ thể: Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; chế độ xã hội chủ nghĩa, sự giàu mạnh, hùng cường của đất nước, ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đây là mục tiêu mà chúng ta sẵn sàng vượt qua mọi chông gai, quyết phấn đấu thực hiện cho bằng được, cũng là cơ sở để chúng ta phân định những việc cần phải làm và những việc cần phải tránh, như lời Bác Hồ dạy: Cái gì có lợi cho dân, cho nước thì phải hết sức làm, cái gì có hại cho dân, cho nước thì phải hết sức tránh; là tiêu chuẩn để chúng ta nhận diện ai là bạn, ai là thù, ai là đối tác, ai là đối tượng trong từng lĩnh vực, từng tình huống, hoàn cảnh cụ thể; những quan điểm của Đảng ta: Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập quan hệ hữu nghị và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta; bất kỳ thế lực nào có âm mưu, hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh. Làm trái thế, xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc là vong thân, hại quốc, là có tội với tổ tiên, các thế hệ cha ông, là phụ lại lòng tin và sự ủy thác của hơn 90 triệu đồng bào!”

Góp ý của người viết: Ai là thù, ai là đối tượng đấu tranh của VN? Mọi người đều đã rõ. Còn ai là bạn, ai là đối tác? Người viết xin ghi lại 3 điều khoản trong HĐ Paris 1973:

-Điều 1: Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Geneva năm 1954 về Việt Nam đã công nhận.

–Điều 21: Hoa Kỳ mong rằng Hiệp định nầy sẽ mang lại một thời kỳ hòa giải với Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa cũng như với tất cả các dân tộc ở Đông Dương. Theo chính sách truyền thống của mình, Hoa Kỳ sẽ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và công cuộc xây dựng sau chiến tranh ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và toàn Đông Dương”.

-Điều 22: Việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và việc thực hiện triệt để Hiệp định nầy sẽ tạo điều kiện thiết lập quan hệ mới, bình đẳng và cùng có lợi giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Đồng thời những việc đó sẽ bảo đảm hòa bình vững chắc ở Việt Nam và góp phần giữ gìn hòa bình lâu dài ở Đông Dương và Đông Nam Á.

Phần cuối của chủ đề nầy ông TTS kết luận: “Làm trái thế, xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc là vong thân, hại quốc, là có tội với tổ tiên, các thế hệ cha ông, là phụ lại lòng tin và sự ủy thác của hơn 90 triệu đồng bào!” Người viết tán thưởng lời kết khẳng khái của ông chủ tịch nước. Một thời gian quá dài, nhầm lẫn bạn thù: coi bạn là thù, coi thù là bạn, gây biết bao đau thương tang tóc cho cả dân tộc. Người viết xin đề cập tiếp đến chủ đề 3 của ông TTS: Phát huy Quốc bảo lòng dân là bài học gốc rễ:

Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, cũng như lịch sử của các quốc gia, dân tộc đông, tây, kim, cổ trên thế giới đều xác nhận và khẳng định chân lý: Nhân dân là người làm nên lịch sử, sức dân là vô địch. Chính những người dân chân lấm, tay bùn, biết bao đời lao động cần cù, hai sương một nắng đã khai sơn, phá thạch dựng nên hình hài Tổ quốc và đã biết bao lần mang xương máu của mình tạo nên bức tường thành vững chắc để giữ gìn, bảo vệ quê hương, đất nước, bảo vệ những thành quả do mình tạo dựng nên. Ông cha ta, từ sự hưng vong của các triều đại, từ các cuộc kháng chiến oanh liệt chống ngoại xâm đã đúc rút, khẳng định và nhắc nhở các thế hệ cháu con: chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân; khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc là thượng sách để giữ nước; nước phải lấy dân làm gốc, gốc có vững thì cây mới bền. Có dân là có tất cả, mất dân là mất tất cả”.

Nhận xét của người viết: Ông chủ tịch nước nhận định rất đúng. Ông ý thức được “có dân là có tất cả, mất dân là mất tất cả”, nhưng tại sao đảng CSVN không tôn trọng dân, trao quyền cho dân qua các cuộc bầu cử dân chủ tự do. Cứ đòi làm đầy tớ nhân dân để có quyền uy, cuộc sống đế vương, còn ông chủ thì đói rách. Xin đừng dối trá nữa, con nít nó cười. Người dân bây giờ đã thức tỉnh, chỉ mong có dịp để “lật thuyền” mà thôi.

*Ông TTS viết tiếp: “Và, nguyên vẹn hôm nay, trong thời đại Hồ Chí Minh, tư tưởng dân là gốc, sức dân là vô địch, dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong, được thấm nhuần, vận dụng nhuần nhuyễn và phát huy đến đỉnh cao đã tạo sức mạnh làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam gần 85 năm qua. Cách mạng mùa Thu năm 1945 là cuộc tổng khởi nghĩa của toàn dân. Các cuộc kháng chiến thần thánh của chúng ta, tưởng chừng như “châu chấu đá voi”, nhưng đã đánh bại những đội quân xâm lược tàn bạo, hùng mạnh nhất trên thế giới. Đó là những cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân tham gia, toàn dân đánh giặc mà lực lượng chủ lực, nòng cốt là quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Những thành tựu to lớn mà đất nước ta đạt được trong 30 năm đổi mới vừa qua là do công lao đóng góp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Nhận xét của người viết: Lợi dụng nhiệt tình yêu nước của đồng bào, tán dương họ lên tận mây xanh, nào là “sức dân là vô địch”, nào là “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Để rồi, dùng bạo lực đẩy hàng chục triệu đồng bào chiến đấu cho cách mạng, tham gia ba cuộc chiến tranh kéo dài gần suốt nửa thế kỷ (1946-1989) Hậu quả là 6 triệu người chết, đất nước tụt hậu tang thương. Tổn thất sinh mạng khổng lồ của đồng bào chỉ được đền bù bằng hai chữ Tự Do. Có tự do là có tất cả: Đất nước độc lập, Đồng bào hạnh phúc, Dân tộc phú cường.

Còn thành tựu to lớn trong 30 năm đổi mới là từ chỗ theo LS, rồi theo TQ, đưa đến nguy cơ đất nước bị Hán hóa. Xin ông chủ tịch nước đừng cho đó “là công lao đóng góp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Đó là chủ trương của đảng chớ không phải của dân. Nhân dân VN luôn hy sinh xương máu để bảo vệ độc lập dân tộc, chớ không bao giờ cam tâm phủ phục trước ngoại bang, dù được trọng dụng là một tên thái thú quyền cao lộc cả.

*Ông TTS viết tiếp “Thuyền lớn ra biển xa thì tất yếu sẽ gặp phải sóng to, gió lớn. Ngày nay, sự nghiệp đổi mới tiếp tục xây dựng đất nước ta “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và bảo vệ vững chắc vùng đất, vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo mà cha ông ta đã để lại, bảo vệ thành quả cách mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân. Thời gian tới, có thời cơ, thuận lợi lớn, nhưng khó khăn, thách thức cũng vô cùng gay gắt, quyết liệt. Vẫn có kẻ muốn kìm chân, cản phá làm ta suy yếu để dễ bề chi phối; có kẻ lăm le lấn đất, lấn biển, chiếm đảo của ta. Chỉ có sự đồng lòng, nhất trí của toàn dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc mới là sức mạnh vô địch để chúng ta vượt qua mọi sóng to, gió lớn của thời cuộc.

Nhận xét của người viết: Đảng CSVN đã dâng hiến những vùng đất, vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo của cha ông ta để lại cho ngoại bang, thì đảng phải chịu tội với quốc dân và rút lui. Lúc đó, mới có thể tạo khối đại đoàn kết dân tộc, mới mong thu hồi và bảo vệ giang sơn gấm vóc của tiền nhân để lại.

*Ông TTS viết tiếp: “Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, chăm lo việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân là nghĩa vụ, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta, là bổn phận của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chúng ta, như lời Bác Hồ dạy: “Dân không đủ muối, Đảng phải lo. Dân không có gạo ăn đủ no, dân không có vải mặc đủ ấm, Đảng phải lo. Các cháu bé không có trường học, Đảng phải lo” (1); “Chế độ ta là chế độ dân chủ, là Nhân dân là chủ. Chính phủ là đày tớ của nhân dân” (2), “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi” (3).
Mỗi tổ chức đảng, mỗi cơ quan nhà nước, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải ghi sâu, thực hiện tốt lời Bác dạy; ngăn chặn, đẩy lùi các tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, ức hiếp nhân dân, vô cảm với những bức xúc của nhân dân thì nhất định sẽ được nhân dân tin yêu, hết lòng ủng hộ, khối đại đoàn kết toàn dân sẽ được củng cố, tăng cường. Chúng ta không sợ bất cứ kẻ thù nào dù là hung bạo nhất, chỉ sợ mất lòng dân. Lòng dân, đó là Quốc bảo dựng nước và giữ nước Việt Nam!”

Nhận xét của người viết: Đoạn này có 3 chú thích, trích trong “Hồ Chí Minh Toàn Tập” xuất bản năm 1996. Đừng nghe, đừng đọc những gì cộng sản nói và viết, đó là những lời gian dối, mỵ dân. Người viết xin đề cập chủ đề cuối cùng trong bài viết của ông TTS.

Hành xử chân thành, giữ gìn và nâng niu hòa bình, hòa hiếu là đạo lý Việt Nam. Dân tộc ta yêu hòa bình, luôn mong muốn được sống trong hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước; luôn mong muốn hòa hiếu, hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng và tất cả các nước trên thế giới…Đặc biệt là trước những diễn biến phức tạp trong khu vực, những âm mưu và hành động xâm chiếm, gây nên tranh chấp trên Biển Đông, đe dọa chủ quyền biển, đảo của đất nước ta, chúng ta kiên quyết phản đối. Với chúng ta, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, là tài sản vô giá của cha ông ta để lại, thế hệ chúng ta hiện nay có nghĩa vụ giữ gìn, bảo vệ để truyền cho các thế hệ con cháu. Kế thừa truyền thống yêu hòa bình, hòa hiếu, nhân nghĩa của dân tộc, chúng ta kiên trì giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, các thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc, thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam - Trung Quốc, để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; đồng thời bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển đất nước ta, hòa bình, ổn định trong khu vực; bảo đảm tự do, an ninh, an toàn trên tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu thế giới. Chính nghĩa, lẽ phải thuộc về dân tộc ta. Chúng ta nêu cao chính nghĩa sáng ngời để đoàn kết, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, đồng bào trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài; để tranh thủ, thu hút sự ủng hộ rộng rãi, mạnh mẽ của các nước, của cộng đồng quốc tế đối với cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Đồng thời chúng ta luôn tích cực chuẩn bị cho những giải pháp phù hợp khác, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”

Nhận xét của người viết: Đảng đã bán và nhường đất đai, đảo biển cho TQ, sau đó được “sự thỏa thuận giữa cấp cao hai nước VN-TQ” thì làm sao TQ chấp nhận nói chuyện với đảng CSVN về tranh chấp biển đảo. Trong năm qua, Tập Cận Bình đã nhiều lần khước từ, không tiếp TBT Nguyễn Phú Trọng. Chỉ có chính phủ mới có khả năng thương thảo với TQ về chủ quyền biển đảo, biên giới…Nhưng chính phủ không phải do đảng CSVN chỉ định mà do nhân dân trực tiếp bầu chọn, mới thực sự bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Ông chủ tịch nước đã viết “Phát huy Quốc bảo lòng dân là bài học gốc rễ” để “dựng nước và giữ nước Việt Nam” thì thời điểm năm 2015 này, phải trao cho nhân dân trách nhiệm để thực hiện hai mục tiêu lớn mà ông Chủ tịch nước đã đề ra: Một là: “vươn lên, phát triển bền vững mới bảo vệ được độc lập và chủ quyền của đất nước”. Hai là: “bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng”.

*Phần cuối của bài viết đầu năm 2015, Chủ tịch nước kết luận: “Với sức mạnh Phù Đổng, hào khí Đông A, tinh thần Bạch Đằng, Đống Đa bất diệt, bằng sự quật khởi của Cách mạng Tháng Tám, của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu và khí thế thần tốc của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, dân tộc Việt Nam kiên định, tự tin và mạnh mẽ vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục đưa công cuộc đổi mới của chúng ta tới bến vinh quang, cập bờ hạnh phúc, cùng nhân loại tiến bộ chung sức xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, phồn vinh, thịnh vượng”.

Người viết xin góp ý với ông Chủ tịch nước ba điểm trong nhận định kể trên để làm sáng tỏ giữa nói dối và sự thật. Từ đó có thể tiên liệu được những gì sẽ xảy ra từ năm 2015.

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sau khi chiếm được Hoa Lục, Mao Trạch Đông ủng hộ CS Bắc Triều Tiên vượt Vĩ tuyến 38 xâm lăng Nam Triều Tiên. Đồng thời ủng hộ CSVN đánh Pháp để giành độc lập. Ngày 27/7/1953 Hiệp định đình chiến Triều Tiên được ký kết tại Bàn Môn Điếm (Panmunjom). Triều Tiên trở lại nguyên trạng cũ -vẫn bị chia cắt tại Vĩ tuyến 38, như các nước Đồng minh đã quyết định tại hội nghị Potsdam (7/1945) Gần một tháng sau, TT Chu Ân Lai tuyên bố: “Đình chiến Triều Tiên có thể dùng làm mẫu mực để giải quyết các cuộc xung đột khác”. Ông muốn ám chỉ cuộc chiến đang diễn ra ở Đông Dương. Ý kiến của họ Chu được các các cường quốc tán đồng. Rồi đây, VN cũng bị chia cắt ở Vĩ tuyến 16 như đồng minh đã quyết định ở hội nghị Potsdam. Lúc đó, quân Trung Hoa vào giải giới Nhật ở bắc Vĩ tuyến 16, thực chất là chia ảnh hưởng cho Trung Hoa ở miền Bắc VN.

Đầu tháng 3/1954, trong khi các cường quốc đã thỏa thuận gặp nhau tại Genève để giải quyết cuộc chiến ĐD, thì Việt Minh tung hết lực lượng bao vây cứ điểm ĐBP với quân số gấp 4 lần quân Pháp trú đóng tại đây. Ngày 7/5/1954 -hai ngày trước khi hội nghị Genève 54 chính thuận thảo luận về vấn đề ĐD, ĐBP thất thủ.Việt Minh kỳ vọng lấy chiến thắng này để gây áp lực trên bàn hội nghị…Nhưng hai đồng minh của CSVN là Nga Hoa lại thỏa thuận với Mỹ chia cắt VN ở Vĩ tuyến 17. Trong quyển Bên Thắng Cuộc, tác giả Huy Đức tiết lộ: “Theo ông Hoàng Tùng, ngày 3/7/1954, sau khi đạt được thỏa thuận với Mỹ và Pháp, Chu Ân Lai rời Geneva về gặp HCM và Võ Nguyên Giáp ở Liễu Châu, thông báo ý kiến của Molotov và của ông ta, dự định chia cắt VN thành hai miền ở Vĩ tuyến 17. Võ Nguyên Giáp và HCM nhất quyết đòi, dẫu có lùi cũng chỉ Vĩ tuyến 15, hoặc tối thiểu là 16. Chu Ân Lai ‘dọa’, HK có thể nhảy vào vòng chiến và khi đó, Liên Sô và Trung Quốc sẽ không thể hỗ trợ cho HCM”.

Nếu không có “chiến thắng ĐBP chấn động địa cầu”, thì VN có thể bị chia cắt ở Vĩ tuyến 16 chớ không phải ở Vĩ tuyến 17. Nhắc đến ĐBP, đó là nổi đau, chớ không phải niềm tự hào. Có phải nhờ chiến thắng ĐBP mà Pháp rút khỏi VN? Điều này không đúng, vì từ năm 1953, cả Pháp lẩn Trung Cộng đều tìm cách chấm dứt cuộc chiến đã làm cho họ hao tài tốn của quá nhiều. Vì thế cả hai đã nhờ hai đồng minh thân cận là Anh và Nga đứng ra làm đồng chủ tịch hội nghị Genève, giúp họ chấm dứt chiến tranh và rút khỏi ĐD.

Chiến dịch Hồ Chí Minh: Sau khi áp lực được CSVN ngồi vào bàn đàm phán ở Paris (1968) Mỹ chuẩn bị chấm dứt chiến tranh VN, nên khi HĐ Paris 1973 ra đời, họ chấm dứt dần viện trợ cho VNCH. Đến giữa tháng 3/1975, TT Thiệu ra lịnh rút bỏ phân nửa lãnh thổ phía bắc. Ngày 23/4/1975 TT Ford tuyên bố “đối với Mỹ cuộc chiến VN đã chấm dứt”. Đến cuối tháng 4/1975, ông Dương Văn Minh, người chủ trương hòa bình, hòa giải hòa hợp dân tộc lên làm tổng thống VNCH và mời MTGPMN vào Sàigòn để ông bàn giao chính quyền. Chủ trương của MTGPMN (1960) là hòa bình trung lập ở miền Nam để tiến đến hòa bình thống nhất tổ quốc…Nhưng CSVN dùng vũ lực buộc ông DVM đầu hàng, sau đó giải tán MTGPMN, thống nhất đất nước, đưa cả nước vào quỹ đạo XHCN. Đầu tháng 9/1978, TBT Lê Duẩn đến Mạc Tư Khoa cùng Brezhev ký hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt-Sô. Ba tháng sau CSVN đưa quân sang Cam Bốt lật đổ chế độ Pol Pot.

Vậy, “khí thế thần tốc của chiến dịch HCM lịch sử” có phải là hy sinh lợi ích quốc gia, hy sinh tình nghĩa đồng bào -những người yêu chuộng hòa bình, hòa giải hòa hợp dân tộc và Mặt trận Giải phóng Miền Nam để giúp LS bành trướng xã hội chủ nghĩa. Những hành động bán nước (công hàm năm 1958), hy sinh lợi ích đất nước, phản bội MTGPMN chưa bị đồng bào chất vấn thì bị đàn anh TQ trừng phạt vì tội vong ân bội nghĩa. Thử hỏi, một đảng bán nước, hại dân, vong ân bội nghĩa, thì có gì tự hào để rầm rộ kỷ niệm hàng năm và còn đòi độc quyền lãnh đạo dân tộc?

Xây dựng xã hội chủ nghĩa: Tiến lên xây dựng XHCN theo mô hình LS thì LS sụp đổ. Thực hiện “kinh tế thị trường, định hướng xã hội” của Đặng Tiểu Bình thì bị TQ chèn ép nặng nề, mất đất mất biển qua hai hiệp ước biên giới trên bộ và trên biển ký với TQ hồi cuối năm 1999 và 2000. Còn ở VN, để xây dựng xã hội chủ nghĩa có lẽ không ai hơn TT Nguyễn Tấn Dũng, ông đã thúc đẩy sự lớn mạnh các cơ sở quốc doanh bằng cách thành lập nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực. Ông bố trí những cán bộ cao cấp CS vào các chức vụ đầu não. Đó là những người xã hội chủ nghĩa để xây dựng xã hội chủ nghĩa. Nhưng hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở quốc doanh, công trình lớn của nhà nước đều làm ăn lụn bại. Điển hình là Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Vinashin mắc nợ hơn 4 tỷ đôla.

Qua kiểm điểm phê và tự phê, Bộ chính trị đổ lỗi cho TT Nguyễn tấn Dũng là tác giả của các tập đoàn kinh tế nhà nước và khuyết điểm lớn của Dũng là đã để một bộ phận lớn cán bộ đảng viên tha hóa, biến chất. TT Dũng phản bác, cho đó là những chính sách lớn của Đảng đã được Bộ chính trị nhất trí thông qua. Còn một bộ phận lớn cán bộ tha hóa biến chất, là khuyết điểm do cái sai có hệ thống, từ cơ chế của Đảng. Cuối cùng, tập thể Bộ chính trị và “đồng chí X” ám chỉ TT Nguyễn Tấn Dũng xin chịu một hình thức kỷ luật của Ban chấp hành TƯ. Sự kiện nầy chứng tỏ Đảng CSVN không thể nào tiến lên xã hội chủ nghĩa được, vì đảng dành quá nhiều đặc quyền đặc lợi cho đảng viên, đưa đến tệ trạng tham nhũng, cán bộ đảng viên biến chất, tha hóa. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng thừa nhận “Xây dựng xã hội chủ nghĩa còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này, không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở VN hay chưa”.

Đảng viên càng cao, chức vụ càng lớn, tham nhũng càng khủng kiếp. Trang mạng Chân Dung Quyền Lực đã công bố một số nhân vật điển hình. Có thể nói, đảng CS ngoài bản chất độc tài, nói dối còn gắn liền với tham nhũng. Cán bộ đảng viên tham nhũng, họ càng tích cực bảo vệ đảng. Còn bên ngoài thì nhượng bộ TQ để được đàn anh bảo vệ. Nhưng thế trận của các cường quốc luôn biến đổi. Năm 1975, Mỹ cần TQ hợp lực để hạ LS, chấm dứt chiến tranh lạnh, nên bỏ rơi VNCH. Bốn mươi năm sau, TQ cần Mỹ hợp lực để đương đầu với hiểm họa Hồi giáo cực đoan. Trước sau gì, các nhóm Hồi giáo cực đoan, khủng bố cũng đến TQ, vì đây là môi trường vô cùng thuận lợi giúp chúng sinh sôi nẩy nở và phát triển tại khu vực rộng lớn này. Vì thế, sẽ đến lượt TQ phải hy sinh CSVN để hợp tác với Mỹ.

Một chế độ vừa độc tài, vừa tham nhũng muốn tồn tại phải nói dối và dựa vào ngoại bang. Nhưng ngày nay mọi sự thật đã được phô bày, ngoại bang cũng quay mặt, thì chế độ đó tất phải tiêu vong. Còn nếu dùng bạo lực chống lại trào lưu đòi đổi mới của nhân dân, thì đàn anh TQ sẽ “thế thiên hành đạo” dạy cho một bài học thứ hai. Lần trước vì phản bội TQ, lần này vì phản bội nhân dân Việt Nam. 

 Lê Quế Lâm (Sydney -Mùng Một Tết Ất Mùi 2015)

__._,_.___

Posted by: truc nguyen 

No comments:

Post a Comment

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official-20/1/2025

My Blog List