Việt Nam






Thursday, 19 February 2015

Ảnh vệ tinh vạch trần việc Trung Quốc cải tạo đảo đá ở Trường Sa


Đăng ngày 18-02-2015

Ảnh vệ tinh vạch trần việc Trung Quốc cải tạo đảo đá ở Trường Sa

mediaCác ảnh chụp Đá Gaven từ vệ tinh của Airbus Defence and SpaceCNES 2014/Distribution Airbus DS/IHS
Hình ảnh vệ tinh chụp được vào cuối tháng Giêng vừa qua đã nêu bật các hoạt động cải tạo bồi đắp đảo đá rầm rộ mà Trung Quốc đang tiến hành tại vùng quần đảo Trường Sa. Trong bản tin ngày 15/02/2015, chuyên san quốc phòng IHS Jane’s Defence Weekly đã công bố nhiều bức ảnh vệ tinh, cho thấy rõ kết quả công việc bồi đắp và xây dựng của Trung Quốc trên ba thực thể tại quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc đã chiếm từ tay Việt Nam vào năm 1988 : đá Tư Nghĩa, đá Gaven, đá Gạc Ma.
Yếu tố mới được các chuyên gia của Jane’s phân tích liên quan đến đá Tư Nghĩa – tên quốc tế là Hughes Reef. Tại đấy, trên nền một bãi đá ngầm diện tích chỉ khoảng 380 m2, Trung Quốc đã nạo vét lòng biển, bồi đắp lên thành một hòn đảo nhân tạo rộng 75.000 m2.
Jane’s Defence Weekly đã so sánh ảnh chụp đá Tư Nghĩa ở ba thời điểm khác nhau. Trên tấm ảnh chụp ngày 30/3/2014 Đá Tư Nghĩa vẫn là một bãi đá ngầm bé li ti. Hình ngày 07/08/2014 cho thấy bãi đá ngầm này đã biến thành một hòn đảo nhân tạo. Tấm hình mới nhất ngày 30/1/2015 cho thấy các cơ sở đang được xây dựng trên đảo, như bãi đáp trực thăng, phi đạo, cầu tàu, và các tòa nhà.
Trả lời đài Truyền hình Mỹ CNN vào hôm qua, James Hardy, chuyên gia phụ trách châu Á Thái Bình Dương của Jane’s Defence nhận định « Nơi mà trước đây chỉ có một vài công trình xây cất nhỏ, ngày nay đã biến thành cả một hòn đảo với bãi đáp trực thăng, phi đạo cho máy bay, bến cảng, và cơ sở phục vụ cho một số lượng lớn binh sĩ ».
Điều đáng nói, theo chuyên gia James Hardy, những gì thấy trên Đá Tư Nghĩa, cũng được thấy trên Đá Gaven (Gaven Reef) và Gạc Ma (Johnson South Reef), mà Trung Quốc cũng chiếm của Việt Nam vào năm 1988. Chuyên gia này kết luận « Chúng ta có thể thấy rằng đây là cả một chiến dịch bài bản, được lên kế hoạch kỹ lưỡng, nhằm tạo ra một chuỗi pháo đài phòng thủ trên không và trên biển xuyên qua phần trung tâm của quần đảo Trường Sa ».
Các bức ảnh vệ tinh cho thấy tòa nhà trên đảo nhân tạo ở Đá Tư Nghĩa và Gaven đều có cấu trúc như nhau. Như vậy, theo chuyên gia Hardy, Trung Quốc đã chuẩn hóa thiết kế của các kiến trúc để triển khai trên các đảo nhân tạo họ mới bồi đắp. 
Theo Jane’s Defence Weekly, Đài Loan, Việt Nam và Philippines cũng tiến hành công việc cải tạo đảo đá mà họ trấn giữ, nhưng không trên một quy mô rầm rộ như Trung Quốc.
Đối với chuyên gia Hardy, việc cải tạo địa hình mà Bắc Kinh đang thực hiện tại Trường Sa không có giá trị nhiều trong việc giúp Trung Quốc củng cố các yêu sách của Trung Quốc chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh cho quân đội võ trang hùng hậu lên đóng tại các đảo đá đó, thì khó có nước nào dám tìm cách đánh bật họ đi, và luật quốc tế trở thành vô nghĩa.

Trung Quốc chuẩn bị gia tăng ngân sách quân sự

mediaPhi cơ tiêm kích tàng hình J-31, có khả năng oanh kích bằng bom, được trưng bày tại một triển lãm hàng không, Quảng Đông, 11/11/2014.Reuters/Alex Lee
Hãng tin Reuters, ngày 16/02/2015, dẫn lời một số chuyên gia, theo đó chính quyền Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng, bất chấp tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sụt giảm. Quyết định này dự kiến sẽ được công bố vào dịp Quốc hội Trung Quốc họp đầu tháng 3/2015.
 
Ngân sách quân sự của Trung Quốc tăng liên tục trong hai thập niên qua. Năm ngoái, chi phí quốc phòng của quốc gia này tăng 12,2%, đạt 130 tỷ đô la, đứng hàng thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ. Bắc Kinh thường biện minh là việc hiện đại hóa quân sự gia tăng tỷ lệ thuận với đà tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc năm qua là 7,4%, mức thấp nhất kể từ 24 năm nay, và dự đoán sẽ giảm xuống còn khoảng 7% trong năm 2015.
Ngân sách quân sự khổng lồ của Trung Quốc có thể khiến căng thẳng và nguy cơ xung đột gia tăng tại vùng Châu Á - Thái Bình Dương, nơi nhiều quốc gia khác cũng đang nỗ lực hiện đại hóa quân sự. Nhật Bản phê chuẩn một ngân sách quốc phòng 42 tỷ đô la hồi năm ngoái. Ấn Độ cũng tăng ngân sách quốc phòng lên 12% trong niên khóa 2014-2015 với 38,35 tỷ đô la. Tổng chi phí quân sự của các quốc gia khu vực Đông Nam Á dự kiến là khoảng 40 tỷ đô la vào năm 2016.
Ngân sách quân sự của Trung Quốc tiếp tục tăng nhanh trong lúc Hoa Kỳ dự kiến giảm các chi phí quân sự trong những năm tới. Vào tháng trước, cơ quan phụ trách ngân sách của Quốc hội Mỹ (CBO) công bố dự toán ngân sách quân sự sẽ giảm xuống còn 2,5% GDP vào năm 2025, mức thấp nhất kể từ nhiều thập niên.
Một số nhà quan sát cho rằng việc gia tăng ngân sách quốc phòng là một biện pháp của ông Tập Cận Bình nhằm xoa dịu giới lãnh đạo quân sự, mà nhiều người trong số họ là đối tượng của chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn.
Báo cáo do một ủy ban Quốc hội Mỹ đặt hàng cho thấy quân đội Trung Quốc hiện đang phải đương đầu với nhiều tệ nạn và khuyết tật như tham nhũng, khả năng chỉ huy và tác chiến kém cỏi. Theo một nhà tư vấn quân sự làm việc cho chính phủ Trung Quốc đề nghị không nêu tên, lĩnh vực tàu ngầm của Trung Quốc vẫn còn rất lạc hậu. Ông Rory Medcalf, một chuyên gia quân sự Úc, dự báo Trung Quốc sẽ đầu tư nhiều cho máy bay không người lái quốc phòng và máy bay tuần tiễu biển, đồng thời giới quân sự diều hâu Trung Quốc cũng sẽ viện lý do vai trò toàn cầu gia tăng của Trung Quốc để đòi hỏi đầu tư nhiều hơn cho tàu ngầm, chiến hạm lưỡng cư và hàng không mẫu hạm.



__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Featured post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

My Blog List