TOÀN
CẢNH BỨC TRANH VỀ BÔ XIT TÂY NGUYÊN
TS Tô Văn Trường
Ban
chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học KC08/11-15 Bộ KHCN
Khai thác tài nguyên
trong nước và hy sinh môi trường là những điều các nước phát triển đều tránh.
Chúng ta cũng đã phải trả giá trong chủ trương tự túc lương thực tại chỗ khi
đánh đổi cả 1 ha rừng nguyên sinh lấy mấy tấn sắn, hay chủ trương chuyển “rừng
nghèo” sang trồng cao su lập tức bị lạm dụng phá rừng già.
Những bài học đó làm
cho dư luận rất quan ngại với dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ mà ngay cả hiệu
quả kinh tế cũng chưa tính hết lỗ hay lãi. Sự khác biệt trong cách nhìn nhận 3
mặt bền vững (kinh tế, xã hội, môi trường) của dự án này chỉ có thể giải quyết
nếu các số liệu được công khai minh bạch và có phản biện độc lập.
Điều
kiện để sản xuất nhôm
Các nhà nghiên cứu
trên thế giới đã tổng kết kinh nghiệm việc quyết định có sản xuất nhôm
(aluminum) hay không, cần đáp ứng thỏa đáng các điều kiện như có nguồn điện,
nguồn nước dồi dào, nơi khai thác có vị trí và địa thế hoang vắng thuận lợi cho
giải quyết thỏa đáng vấn đề bảo vệ môi trường (nước thải và bùn đỏ), có khả
năng giảm xuống mức thấp nhất chi phí vận tải, có trữ lượng bauxite dồi dào với
hàm lượng cho phép đạt 4/2/1 (4 tấn quặng làm ra 2 tấn alumina rồi từ đó ra 1
tấn nhôm, nếu không giá thành sẽ quá đắt) và có nguồn lao động rẻ.
Việt Nam là một nước
đất chật người đông, tài nguyên khoáng sản đa dạng nhưng trữ lượng và khả năng
về khoa học công nghệ còn hạn chế, nếu chỉ nghĩ đến việc “đào đất” đem bán
không những hiệu quả về kinh tế thấp mà còn tác hại lớn đến môi trường. Tây
Nguyên đang thiếu điện, thiếu nước, mật độ dân số ngày càng đông, cơ sở hạ tầng
phục vụ cho khai thác bauxite nhất là về giao thông rất yếu kém. Hơn nữa, Tây
Nguyên còn là vị trí rất quan trọng về an ninh quốc phòng, không phải ngẫu
nhiên mà ngay từ năm 2008, nhiều nhà khoa học, kể cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp
đã nhiều lần kiến nghị với Trung ương xem xét lại chủ trương khai thác bauxite
ở Tây Nguyên.
Nhiều ý kiến của người
dân cho rằng con đường đi lên của nước ta là tìm cách phát huy con người Việt
Nam tự chủ, có ý chí nhẫn nại làm giầu bền vững, lâu dài trên từng thước vuông
đất của Tổ quốc chúng ta bằng trí tuệ và lao động cần cù sáng tạo, đặc biệt ở
Tây Nguyên là lựa chọn ưu tiên hướng phát triển xanh chứ không phải bằng cách
đào bới khoáng sản đem đi bán bằng bất cứ giá nào.
Quá
trình hình thành dự án bô xit Tân Rai và Nhân Cơ
Trong giai đoạn 2000-2004, Việt Nam đề nghị công ty Péchiney của
Pháp (nay đã sát nhập vào Alcan của Canada) làm Pre-FS với công suất 300.000
tấn alumina/năm. Péchiney áp dụng công nghệ hòa tách ở áp suất khí quyển
và nhiệt độ 105-107o C với nồng độ kiềm cao 200-210 g/l (công
nghệ này cũng là một dẫn suất từ công nghệ Bayer). Quá trình diễn ra khá lâu vì
vốn đầu tư không có, và cũng có một số ý kiến nghi ngờ công nghệ này và hiệu
quả (vì thế giới chỉ có hai nhà máy Fria ở Guinea và Nalco ở Ấn Độ áp dụng công
nghệ này của Péchiney), công suất nhà máy quá nhỏ. Lúc đó, nếu có tiền chắc đã
đầu tư dự án này rồi, còn Péchiney chỉ thiết kế và chuyển giao công nghệ, chứ
họ không đầu tư và thu xếp vốn.
Thực ra trong năm
1988, UNIDO cũng đã lập luận chứng “Opportunity Study” để xây dựng nhà máy
alumina có công suất 600 nghìn tấn/năm, nhưng không có đối tác, vốn đầu tư lớn
đối với Việt Nam.
Khối SEV (thực chất là
Liên Xô) cũng có ý định đầu tư vào mỏ “1/5”, nhưng lực bất tòng tâm nên không
thực hiện được, đương nhiên khi đó, họ cũng có lời khuyên là nếu khai thác sẽ
tác động đến môi trường. Trong 1996, Daewoo đã được giao làm nghiên cứu phát
triển mỏ “1/5”, nhưng Daewoo không thực hiện được vì khủng hoảng kinh tế.
Từ 1998, BHP Billiton,
Alcoa, Toshiba Chemical, Essar từ Ấn Độ, MCC, NFC và Chalco của Trung Quốc nhẩy
vào. Nhưng Việt Nam lại giao cho Chalco miếng ngon nhất là mỏ “1/5”, còn BHP và
Alcoa các vùng mỏ mới chưa được điều tra kỹ lưỡng như Quang Sơn, Đăk Song, Tuy
Đức. Tuy nhiên, Việt Nam yêu cầu phía Việt Nam có cổ phần 60 % (lại còn yêu cầu
đối tác giúp vay vốn này) trong liên doanh. Việt Nam vận hành nhà máy, xây dựng
nhà máy alumina gần mỏ, phía đối tác nước ngoài lo bao tiêu sản phẩm và xây
dựng đường sắt. Vì những yêu cầu này, các đối tác nước ngoài ngãng ra.
Từ 2004 bắt đầu nghĩ
đến xây dựng nhà máy alumina có công suất lớn hơn 300 nghìn tấn, cụ thể là
650-700 nghìn tấn/ năm với tài nguyên bauxite Tân Rai, và giao cho Tập
đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV) thực hiện từ 2006. Nhưng không có chủ
trương liên doanh, yêu cầu công ty tham gia thầu làm thiết kế xây dựng và giúp
giải quyết vốn. Đối với các nước phương Tây thì họ không có “văn hóa” kiểu này
và khi họ biết có Trung Quốc tham gia thì họ cũng ngãng ra, chỉ còn lại Trung
Quốc. Ngay trong các công ty Trung Quốc cũng được chính phủ của họ hướng
dẫn để cho Chalco thắng thầu. Trung Quốc trúng thầu thì hứa cung cấp vốn từ
Eximbank và cung cấp luôn thiết bị, lao động “kỹ thuật” cũng là Trung Quốc!?.
Sau khi Chalco
(Chalieco) trúng thầu rồi, lại giao luôn cho Chalieco làm luôn dự án Nhân Cơ
với tài nguyên bauxite bóc ra ở đây để làm khu công nghiệp Nhân Cơ, với thành
tích “tận dụng tài nguyên”. Tuy không tiếp tục làm “1/5” nữa, nhưng Trung Quốc
vẫn dình dập bauxite Việt Nam vì nhiều, rất gần và còn mang ý nghĩa địa chính
trị nữa. Vì thế, họ tìm mọi cách để tham gia dự án Tân Rai và Nhân Cơ.
Lúc đó, có những người
tâm huyết, trình độ, biết nhìn xa trông rộng nêu ý kiến nếu đã làm thử nghiệm
thì nên chọn đối tác phương Tây để học hỏi. Nếu đã cho Trung Quốc làm thì chỉ ở
Tân Rai thôi và còn muốn làm thử nghiệm tiếp ở Nhân Cơ thì nên chọn đối tác
khác. Nhưng tiếc thay chẳng ai nghe.
Về
công nghệ
Ngày nay, Vinacomin và
Bộ Công thương luôn nói họ áp dụng công nghệ Bayer thủy luyện hiện đại mà khắp
thế giới đang sử dụng, không phải là của Trung Quốc. Nhưng họ sai cơ bản khi
nói “công nghệ Bayer là của Châu Mỹ”. Những người am hiểu công nghệ đều
biết công nghệ Bayer được sáng tạo ra ở Châu Âu (phát triển ở Áo năm 1887) từ
thế kỉ thứ XIX và cho đến nay, nếu có gì thay đổi cũng chỉ là cải tiến và kết
hợp, còn nguyên lí thì vẫn như cũ. Chỉ có một công nghệ sản xuất alumine khác
là phương pháp hỏa luyện “thiêu kết” vôi-soda caustic, không có hiệu quả bằng
công nghệ Bayer truyền thống, và chỉ dùng khi trong quặng có hàm lượng silic
cao thì không dùng công nghệ Bayer được.
Đúng là công nghệ
Bayer cơ bản đã được sử dụng 100 năm rồi, nhưng động cơ đốt trong hai thì cũng
có lịch sử hơn trăm năm, nhưng các thông số kỹ thuật của Mỹ, Anh, Nhật, Trung
Quốc, Ấn Độ, Myanmar khác nhau về tiêu hao nhiên liệu, về khí thải ra môi
trường, độ bền vv…
Trên nguyên lý của
công nghệ Bayer, Trung Quốc đã xây dựng công nghệ này cho Việt Nam ở dự án
bauxite Tây Nguyên. Xin lưu ý là Trung Quốc chỉ có quặng bauxite diaspore, nên
Trung Quốc có thể nắm vững công nghệ Bayer cho quặng diaspore này (hòa tách ở
nhiệt độ cao từ 240 đến 250o C). Còn quặng bauxite gibbsite như
ở Việt Nam thì theo tôi hiểu đây là lần đầu tiên Trung Quốc phát triển và ứng
dụng. Vì thế, đây cũng là dịp để Trung Quốc thử nghiệm công nghệ của họ trên
đất nước ta. Đương nhiên, Trung Quốc cũng nhập khẩu quặng gibbsite từ
Indonesia, nhưng nhà máy luyện ở Sơn Đông là do phương Tây thiết kế cho Trung
Quốc.
Hiện tại quá trình
lắng trong hòa tách chưa thật ổn, phải sử dụng nhiều chất trợ lắng vì goethite
cao trong quặng. Đây là minh chứng không thể chối cãi về trình độ công nghệ hay
kinh nghiệm của Trung Quốc còn rất hạn chế. Goethite là một khoáng chất chứa
sắt FeO(OH) hay Fe2O3(H2O) có thể tồn tại tự
nhiên trong quặng bauxite và đặc biệt là hình thành nhiều khi hòa tan bauxit
bằng kiềm để sản xuất alumina. Khi hàm lượng goethite nhiều thì nảy sinh 2 khó
khăn: 1) khó tách alumina ra khỏi các chất không hòa tan trong kiềm; 2) khó
lắng bùn đỏ.
Vì vậy để giải quyết 2 khó khăn này có một vài phương án, trong đó
có thể có phương án phải sử dụng chất trợ lắng. Tôi không rõ Tân Rai đang dùng
loại chất trợ lắng gì. Về nguyên tắc thì đây là chất hóa học, mà dùng nhiều các
chất hóa học thì chắc chắn sẽ có tác động đến môi trường nếu không xử lý. Tuy
nhiên, chất trợ lắng có nguồn gốc thiên nhiên (như tinh bột hoặc cellulose
chẳng hạn) thì sẽ dễ phân hủy tự nhiên hơn, và do đó ít tác hại hơn, nhưng lại
đòi hỏi có giá thành cao hơn (lại bài toán kinh tế!)!?
Nhà máy Tân Rai có hai
tổ máy phát điện bằng than (2 x 15 MW) cung cấp điện cho nhà máy và hơi
nóng cho công đoạn hòa tách và một xưởng khí hóa than (để nung dung dịch hydrat
nhôm ra thành alumina). Ở Trung Quốc người ta đã cấm xây dựng nhà máy
điện than có công suất dưới 50 MW, vậy tại sao lại đem công nghệ lạc hậu này
sang Việt Nam?
Vinacomin nói đã thuê
Tư vấn đánh giá hiệu quả kinh tế của Dự án Tân Rai và Nhân Cơ, đi đến kết luận
là “hiệu quả” và thu hồi vốn trong 12-13 năm.
Tư vấn đây là “tư vấn nội bộ”,
tức là một công ty tư vấn khoáng sản của Vinacomin có nghĩa là vừa đá
bóng , vừa thổi còi. Để khách quan và khoa học cần mời Tư vấn độc lập của
phương Tây để họ đánh giá toàn bộ, giúp hoàn chỉnh lại công nghệ và thiết bị để
đạt các thông số kỹ thuật (công suất), kể cả vận hành và quản lý.
Không
thể lập lờ thải ướt và thải khô
Nước trong hồ chứa bùn
đỏ. Nguồn: http://news.zing.vn/Hinh-anh-ho-bun-do-moi-nhat-cua-Boxit-Tay-Nguyen-post305089.html.
Thực chất thải bùn đỏ
ở Tân Rai hiện nay và Nhân Cơ sắp tới là thải ướt, mới đạt độ cứng 40%. Đã có
lần nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) và cả Hội Mỏ Việt Nam báo cáo rằng họ
áp dụng công nghệ “Drystacking”, nay Vinacomin nói là “thải khô tự nhiên” là
ngụy biện.
Công nghệ thải hiện
nay vẫn là ướt, chứa xút nên chiếm diện tích đất gấp 3 lần so với thải khô.
Mới chỉ sau 2 năm vận hành, Vinacomin đã phải chuẩn bị làm khoang thứ 3.
Đúng đây là thải ướt, bùn đỏ được bơm trực tiếp từ máy rửa cuối cùng ra bãi
thải. Thải ướt chiếm nhiều diện tích. Nguyên tắc phân nhiều lô, lô này đầy thì
chuyển sang lô khác. Lô tiếp theo bao giờ cũng phải sẵn sàng, để chứa bùn đỏ
khi bãi trước đầy, chứa nước tràn từ bãi thải đã đầy, và đề phòng đê ngăn vỡ.
Đáng tiếc là Hội Mỏ Việt Nam lại nói đây là thải khô nhiều lớp (dry-stacking)
trong Kiến nghị gửi các vị lãnh đạo mới đây, nhiều tài liệu của Vinacomin cũng
nói như vậy!?.
Thải ướt, không chỉ làm
gia tăng độ rủi ro khi chờ tuần hoàn mà còn làm gia tăng áp lực thủy tĩnh của
hồ chứa. Bộ Công thương và Vinacomin cần rút bài hoc kinh nghiệm của
Hunggary là khi vỡ hồ bùn đỏ, họ đã cải tiến công nghệ thải bùn đỏ từ dạng ướt
sang dạng khô có nghĩa là tỷ lệ rắn/lỏng > 60% vừa an toàn hơn, vừa chiếm ít
diện tích khoang chứa chất thải.
Hiện nay, thế giới áp
dụng nhiều công nghệ dry-stacking. Bùn đỏ được ép để khử nước nhiễm kiềm trong
bùn đỏ và tạo ra bùn đỏ đặc, rồi thải trải nhiều lớp trên bề mặt nghiêng, để
khử nước nhiễm kiềm bằng tháo khô và bùn đỏ sẽ khô dần dưới ánh nắng mặt trời,
độ cứng có thể đạt tới 72 %. Áp dụng công nghệ này, tiết kiệm diện tích tới 2,5
lần so với thải ướt thông thường, nhưng chi phí lại cao hơn 30%. Ở Việt Nam áp
dụng công nghệ này hơi khó vì mùa mưa kéo dài cả tháng.
Tốt nhất cho các dự án
ở Tây Nguyên là ép bùn đỏ trước khi thải, hoặc sử dụng công nghệ Hyper-Baric
(HI-BAR) để đạt độ cứng tới 75-77 %. Công nghệ Hi-Bar được coi là công nghệ xử
lý bùn đỏ tốt nhất hiện nay. Sản phẩm của công nghệ này là bùn đỏ có thể được
vận chuyển dễ dàng vì độ ẩm của bùn đỏ này chỉ 23 %, còn bùn đỏ có độ ẩm
trên 28 % vận chuyển khó khăn vì nó mang tính giáp tuyến, dưới tác động
cơ học nó chuyển sang thể ướt xệt, có thể lưu giữ lâu dài và dễ chế biến cho
tái sử dụng.
Độ
an toàn của hồ bùn đỏ
Nhìn bằng mắt thường
hồ bùn đỏ được xây dựng khá vững trãi nhưng quan ngại nhất đối với hồ bùn đỏ ở
Tân Rai và Nhân Cơ là rò rỉ kiềm vào nước ngầm và nước mưa tràn. Màng
(tấm) chống thấm được sử dụng rộng rãi để lót đáy và thành vành. Cho tới nay
chủ yếu màng địa kỹ thuật được dùng là màng lót chống thấm kênh dẫn nước, lót
ao hồ. Một trong những áp dụng nhiều nhất hiện nay là để chống thấm các bãi rác
độc hại, rác thải của thành phố, rác thải công nghiệp, nước rửa rác thải.
Từ
cuối thế kỷ qua người ta cũng sử dụng để chống thấm chất thải phóng xạ. Cũng có
chuyên gia khuyên không nên dùng màng này đối với môi trường kiềm hoặc chỉ sử
dụng trong thời gian ngắn. Các kết quả nghiên cứu cho thấy màng này chỉ thích
hợp chống thấm có hóa chất trong thời gian ngắn-chỉ trong vòng 50 đến 100 năm,
kinh nghiệm chống thấm bãi thải khoáng sản chưa có nhiều.
Nếu thời gian tương
tác của môi trường kiềm với màng địa kỹ thuật kéo dài, thì màng này có thể bị
phá hủy do bị ăn mòn hóa học, sức chịu kéo của màng chỉ còn 60 % sau một năm
tương tác với NaOH. Màng HDPE có độ đề kháng hóa chất rất tốt, nhưng tính uốn
lượn kém và bị nứt nếu chịu áp lực môi trường và nhiệt. Tân Rai sử dụng loại
màng này.
Bãi thải bùn đỏ ở Tân
Rai và Nhân Cơ có lắp đặt hệ thống ống bê tông, có các lỗ trên thành ống.
Nguyên tắc cơ bản: Các ống này nằm trên các lớp sét (dày tới 600 mm) chống thấm
ở đáy và lớp cát dày, rồi phủ cát lên. Nước thấm đáy nhiễm kiềm chảy qua các lỗ
ống qua trọng lực để tới chỗ thu gom, rồi được bơm trở lại nhà máy để giữ cho
áp lực thủy tĩnh lên lớp chống thấm đáy, như thế giảm được tiềm năng thấm vào
mạch nước ngầm. Vấn đề ở đây là sau thời gian các lỗ này bị bịt kín lại, phải
xử lý thông và kiểm tra nguồn nước ở thượng nguồn, hạ nguồn gần bãi thải xem
hoạt động có đạt yêu cầu không?
Các tấm lót đáy hồ dễ
bị thủng và thẩm thấu qua đất vào nước ngầm. Điều tra gần đây cho thấy qua
nhiều thập kỷ, kiềm trong pha lỏng của bùn đỏ đã phản ứng với đất sét,
sodium-aluminium-hydrosilicate và zeolite trong một cơ chế phản ứng phức hợp.
Phản ứng này tương tự như phản ứng của khoáng sản sét trong dung dịch Bayer,
nhưng chậm hơn rất nhiều. Thay đổi này làm tăng tức thì tính thấm nước của lớp
đáy bằng đất sét, tạo ra sự rủi ro là làm ô nhiễm hệ thống nước ngầm sau nhiều
thập kỷ đã xẩy ra ở một nhà máy của Alcoa ở Tây Australia.
Hồ
chứa quặng đuôi Tân Rai đã từng bị vỡ
Người dân không quên
sự cố hồ chứa quặng đuôi bauxite của Tân Rai đã bị vỡ ngày 8/10/2014. Nước tuần
hoàn mới sử dụng được 20%, trong khi nước để rửa quặng rất lớn, cần diện tích
lớn để chứa quặng đuôi này.
Các sản phẩm sau đây
(tuy không chứa kiềm) từ nhà máy tuyển được thải ra hồ. Quặng có kích thước nhỏ
hơn 1 mm, bùn tràn phân cấp và nước từ sang rung khử nước. Nước thải này là
nước huyền phù, nếu tràn ra ao hồ thì cá, vi sinh vật chết, nếu ra ruộng thì
rau cỏ cũng chết. Nếu mà vỡ hồ bùn đỏ thì tác hại còn khủng khiếp hơn rất nhiều
so với hồ chứa quặng.
Về
tách sắt ra khỏi bùn đỏ
Các nhà khoa học đã
làm nhiều, trong đó có thiêu kết như Viện Hóa học Việt Nam đang làm, nhưng họ
đều kết luận: Hiện tại chưa thể triển khai qui mô công nghiệp, trong đó cần
năng lượng nhiều cho thiêu kết trong lúc thế giới thiếu năng lượng. Các nhà
khoa học còn kết luận là việc tách kim loại có hiệu quả nhất vẫn là từ khai
thác quặng tự nhiên để luyện.
Trên thế giới mới tái
sử dụng khoảng 5 % lượng bùn đỏ, chủ yếu để làm vật liệu xây dựng. Các nước đã
nghiên cứu thành công tái sử dụng bùn đỏ vào nhiều mục đích rồi, nhưng không
thể triển khai ở qui mô công nghiệp vì giá thành quá cao. Ngay đến làm gạch,
vật liệu làm đường cũng không dễ tiêu thụ, vì người dân ám ảnh đây là chất thải
có kiềm, có phóng xạ. Vì thế EU ban hành qui định sử dụng bùn đỏ làm vật liệu
xây dựng rất nghiêm ngặt. Xin đừng ảo tưởng việc thương mại hóa bùn đỏ thành
sắt ở Tây Nguyên.
Hiệu
quả của dự án
Mặc dù lâu nay, nhiều
nhà khoa học yêu cầu nhưng Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam
(Vinacomin) vẫn chưa công bố công khai và minh bạch về giá thành để có đủ
cơ sở phản biện khoa học. Những người am hiểu, đều ngạc nhiên khi Vinacomin
tuyên bố nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ vẫn có lãi và sẽ thu hồi vốn.!?. Giá
bình quân cả năm 2014 đạt 326,5 USD/tấn cao hơn so với tính toán của dự án
trước đây là là 325 USD/tấn. Đây chỉ là nhất thời bởi vì sản xuất alumina của
Trung Quốc giảm do nguồn bauxite diaspore trong nước khan hiếm, nhập từ Việt
nam còn rẻ hơn là từ Châu Mỹ latinh.
Tra cứu số liệu trên
tạp chí khoa học Mining Bulletin về bauxite, giá thế giới trong tháng 2 năm
2015 như sau: Bauxite của Úc (AL 48-50 %, Si 6-7%), giá trung bình: $USD
60-61/tấn. Bauxite của Ấn Độ (Al 48-50%, Si 6-7 %), $US 61-62/tấn,
bauxite của Indonesia (Al 48-50 %, Si 6-7 %), $US 60-61/tấn (CIFChina). Đầu vào
cho sản xuất alumina ở Việt Nam là bauxite tại chỗ, không rõ giá cả thế nào?
Về giá thành, nếu minh
bạch thì Vinacomin phải công bố cả lượng nhập khẩu lớn về xút và chất trợ lắng.
Than từ Quảng Ninh cũng cần nhiều cho phát điện và khí hóa than (cứ 01 tấn
alumina cần khoảng 01 tấn than). Như vậy chi phí vận tải (biển, ô tô) rất lớn.
Sản phẩm alumina cũng phải được vận chuyển bằng ô tô ra cảng để xuất khẩu.
Theo tôi biết vì trên
thực tế thì dự án chưa được quyết toán vốn đầu tư chưa bàn giao nên chưa có
khấu hao. Trong giá thành 2013 thì chắc chắn không có khấu hao (khoảng 350
US/tấn) còn giá thành 2014 thì chưa công bố kiểm toán nên chưa biết khấu hao là
bao nhiêu?. Nếu có thì phải 50-75 triệu US/năm và nếu bổ theo sản lượng
thì phải khoảng 75-100US/tấn nữa (tuỳ thuộc vào công suất thực tế hàng năm). Đấy
là minh chứng về dự án bô xit Tây Nguyên lỗ to là phải (chưa kể những ưu đãi
khác mà ngân sách phải gánh chịu) vv….
“Khoác
áo” sở hữu toàn dân
Về bản chất vấn đề tài
nguyên khoáng sản là của toàn dân, vậy xuất thì ta thu về được cái gì cho dân?
Vinacomin lập luận mặt hàng ô xít nhôm (alumina) có mã số hàng hóa (mã HS) là
2818.20.00, với mức thuế suất (thuế xuất khẩu) là 0%, mức thuế này tương đương
với mức thuế 0% của các nước xuất khẩu chính alumina như: Brazil, Ấn độ,
Australia vv…
So sánh như thế
tưởng rằng khôn nhưng “không ngoan” bởi vì các công ty ở các nước đó để
có quyền khai thác bauxite họ phải tham gia cạnh tranh đấu thầu hay nói
cách khác phải mua tài nguyên của nhà nước qua phí đấu thầu. Còn ở Việt Nam, mỏ
bauxite Tây Nguyên hầu như cho không Vinacomin để khai thác. Đừng quên rằng
Alumina vẫn là quặng đã chế biến (nguyên liệu đầu vào cho ngành khác, có nghĩa
là bán thành phẩm). Vấn đề gốc rễ ở đây là sở hữu toàn dân biến thành sở hữu
của nhóm lợi ích.
Lời
kết
Thông tin về hiệu quả dự án bauxite trên một số tờ báo vừa qua
chỉ có tính chất PR khỏa lấp cho sai lầm đã chót cưỡi trên lưng cọp! Không ai
biết sự thật bằng những người trong cuộc. Ông Nguyễn Chân cựu Bộ trưởng
Bộ Mỏ và Than có lần chất vấn một vị lãnh đạo của Tập đoàn Than và khoáng sản
Việt Nam về dự án bô xít Tây Nguyên thì nhận được câu trả lời rất thật : ”Em không làm thì người khác cũng làm vì
đã có chủ trương vv…”.
Vâng, người dân hiểu ngày nay trên công luận
nếu có các tuyên bố này khác về hiệu quả bô xít Tây Nguyên cũng chỉ để “rửa
mặt” vì trong thâm tâm, không hẳn họ đã nghĩ như thế!
Điều quan trọng ở đây
là các báo cáo của Vinacomin chưa cho biết nhiều số liệu của đầu vào, nhiều
thông số kỹ thuật của vận hành nhà máy không đạt như thiết kế (gây lãng phí tài
nguyên, nước và năng lượng), đã có những hỏng hóc đáng ngại phải có đầu tư bổ
sung để khắc phục, còn nhiều khoản chi phí bỏ ngoài giá thành, và vấn đề giao
thông vẫn hoàn toàn bế tắc vv…
Sắt cho sản xuất thép
từ thiêu kết bùn đỏ là chuyện rất viển vông vì chỉ tồn tại được trong phòng thí
nghiệm, quá đắt trong sản xuất ở quy mô kinh tế, thế giới đã bỏ chuyện này từ
lâu rồi. Hơn nữa sản lượng thép trên thế giới đang dư thừa lớn và tình hình này
còn kéo dài một vài thập kỷ nữa, chẳng ai ngu gì đi làm như thế! Nước ta đang
khan hiếm không gian sinh sống (vì mật độ dân số rất cao, vào loại nhất Châu Á,
hơn cả Trung Quốc) và rất thiếu năng lượng, sắp tới càng khan hiếm hơn nữa.
Nhà nước đã sử dụng
vốn vay khoảng 1,5 tỷ đô la, chỉ tính riêng Vinacomin đầu tư 2 dự án Tân Rai và
Nhân Cơ là hơn 7000 tỷ đồng (lấy vốn từ than), mỗi năm lỗ khoảng 1000 tỷ đồng.
Cần phải minh bạch các con số tính toán giá thành sản xuất và giá bán, và những
người có trách nhiệm biết lắng nghe phản biện xã hội để tìm ra lối thoát hợp lý
nhất dù phải trả giá đắt chứ không phải tìm cách an dân bằng loại thuốc an
thần! Chúng ta bị “chẩy máu trong” nhiều quá, và thật đáng buồn, các thầy thuốc
lại bị ngăn cản không được cấp cứu con bệnh là người thân thương của mình.
T.V.T
No comments:
Post a Comment