Vịnh Cam Ranh: rượu mời không
uống
Lê Minh Nguyên
Có một câu chuyện vui: hai người bạn thân rủ nhau đi dạo trong
rừng, một người là sinh viên xuất sắc trong trường, môn nào cũng điểm A, người
kia không học hành nhưng hết sức khôn ngoan đường phố. Hai người mải mê đi và
trò chuyện thì thình lình một con gấu (grizzly) khổng lồ xuất hiện phía truớc,
đứng trên hai chân chờ. Anh sinh viên sợ xanh mặt, run bần bật hỏi “Làm sao?
Làm sao bây giờ?” Anh đường phố không trả lời mà ngồi xuống cởi giày ống đi
rừng ra, lấy giày bata chạy bộ mang vào. Anh sinh viên thấy vậy hỏi “Bộ mày
nghĩ mày chạy nhanh hơn con gấu sao?” Anh đường phố trả lời “Tao không nghĩ tao
chạy nhanh hơn con gấu, nhưng tao nghĩ tao chạy nhanh hơn mày”.
Nhưng nếu một người vừa có khôn ngoan đường phố vừa có khôn ngoan
học đường thì đó không phải là một người dở và ta không nên đánh giá thấp bản
lãnh của anh ta. Hai năm còn lại của một tổng thống Mỹ hai nhiệm kỳ thường được
xem là vịt què (lame duck), không thể đưa ra được sáng kiến táo bạo hay làm
được những việc gì lớn có ý nghĩa.
Điều này đúng, nhất là khi cả hai viện quốc
hội đều nằm trong tay của đối lập. Cho nên những gì mà TT Obama chưa thông qua
được ở quốc hội, nhất là những vấn đề đối nội như di trú, môi trường… hay đối
ngoại như Iran, Do Thái, Syria…
Tuy nhiên, trong vấn đề xoay trục về Châu Á-Thái Bình Dương
(CA-TBD) thì hoàn toàn khác, vì nó đã được khởi xướng từ lâu và được cả hai
đảng nhiệt tình ủng hộ, cho dù sau TT Obama là tổng thống Dân Chủ hay Cộng Hoà.
Đơn giản vì tất cả họ coi thế kỷ 21 (TK21) là thế kỷ của CA-TBD và sự giàu
thịnh của Hoa Kỳ trong TK21 là ở vùng này. Phần lớn lịch sử của TK 21 được viết
ở vùng CA-TBD.
Chính ông Obama cũng nói là ông không ngần ngại để có những quyết
định mạnh mẽ trong hai năm còn lại, như ông đã làm với Cuba, đang làm với Iran,
và ngay trong vấn đề gai góc của đối nội là di trú với lệnh hành pháp cho phép
hằng triệu người di trú bất hợp pháp được ở lại Hoa Kỳ.
Trong vấn đề xoay trục, rõ ràng ông Obama có hai động lực lớn để
làm nhanh, làm mạnh cho nó có kết quả cụ thể khi ông bước xuống cuối năm 2016.
Đó là (1) ông cần để lại một điểm son, một chỗ đứng tốt/legacy trong lịch sử
Hoa Kỳ, và (2) tạo sự dễ dàng cho tổng thống tiếp nối ông triển khai, mà không
phải lo ngại mất phiếu cử tri, rồi tránh né những quyết định khôn ngoan nhưng
nhạy cảm.
Nhiều người có khuynh hướng đánh giá thấp bản lãnh của ông Obama,
một người có sự khôn ngoan đường phố thuở thiếu thời và được giáo dục Harvard
khi vào đại học. Ông có cả hai thứ và đã hạ gục Bin Laden, đã xoay chuyển nền
kinh tế Hoa Kỳ, đã giảm mức thất nghiệp, đã khôi phục lại cảm tình của thế giới
đối với Hoa Kỳ, đã trừng phạt hiệu quả ông Putin và bây giờ đang rất quan tâm
đến vấn đề xoay trục, mà có thể dễ dàng nhận ra là: nhu cầu sử dụng vịnh Cam
Ranh và cách giải quyết.
Leon Panetta, cựu bộ trưởng quốc phòng HK đi thăm vịnh Cam Ranh
hồi đầu tháng 6 năm 2012 không phải để đi chơi.
Sách Trắng Quốc Phòng HK đã nêu
rõ chủ trương chiến lược cần chỗ không xây tổ (places not bases) để vừa ít tốn
kém vừa tránh những nhạy cảm chính trị với quốc gia sở tại. HK có đội máy bay
ném bom B-2 hùng mạnh đồn trú ở Whiteman Airforce Base, tiểu bang Missouri
trong nội địa HK nhưng có thể xuất hiện “bất cứ lúc nào” và “bất cứ ở đâu” trên
toàn thế giới nên khả năng phóng lực vẫn vậy nhưng nhu cầu căn cứ bên ngoài thì
ít nặng nề hơn. Tuy nhiên về hải cảng quân sự, ông Panetta đã nói rõ rằng việc
sử dụng được các hải cảng ở Thái Bình Dương là chìa khoá trong chiến lược của
HK (reut.rs/19oPhYl).
Người viết từng có dịp sinh hoạt với một viện nghiên cứu về an
ninh quốc gia của HK (BENS), khi giao tiếp với các giới chức cao cấp chính trị,
quân sự và tình báo, trong câu chuyện riêng tư họ thường nói rằng “HK xem thế
giới là một bàn cờ vĩ đại và chúng ta phải di chuyển những quân cờ” và “HK là
siêu cường lãnh đạo thế giới, do đó chúng ta phải lo việc lãnh đạo, cho dù có
nhiều người không thích”.
Khi HK cần “di chuyển quân cờ” và “lo việc lãnh đạo” ở CA-TBD thì
trở lực sẽ bị đẩy sang một bên để dọn đường. Các “quân cờ” cần khôn ngoan để
lèo lái con thuyền đất nước của mình tiến nhanh khi gió thuận và biết xoay
chuyển khi gió ngược để không làm con tốt thí mà làm con tốt qua sông chiếu
tướng.
Phi Luật Tân có vịnh Subic Bay và Việt Nam có vịnh Cam Ranh. Nhìn
vào vị trí địa chiến lược của cả hai vịnh trong Biển Đông thì nó hết sức có ưu
thế tự nhiên, một vịnh ở bìa đông và một vịnh ở bìa tây, và cả hai đều kiểm soát
hai đầu nam/bắc. Cam Ranh là một cảng nước sâu thiên nhiên, nằm cạnh các xa lộ
hàng hải huyết mạch và quần đảo Trường Sa. Nó được coi như quân cảng số một của
Á Châu, kiểm soát vùng nối hai biển Ấn Độ Dương và TBD. Nó có thể chứa vài trăm
hàng không mẫu hạm cùng một lúc và nhiều tàu hạng nặng khác. Sau khi HK rút
quân và CS chiếm miền Nam, Nga đã thuê nó năm 1979 với thời hạn 25 năm, nhưng
đã rút đi năm 2002, sớm hơn 2 năm.
Ông Robert D. Kaplan trong quyển Chảo Nước Sôi Châu Á (Asia’s
Cauldron), trang 62 có dẫn lời ông Ian Storey thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á
ở Singapore rằng: mong muốn kín đáo của VN trong việc tân trang Vịnh Cam Ranh
là “để tăng cường quan hệ quốc phòng với HK và tạo dễ dàng cho sự hiện diện
quân sự của HK ở Đông Nam Á, như một lực thăng bằng sức mạnh đang lên của TQ”.
Ông Kaplan nói, Cam Ranh đóng một vai trò hoàn hảo trong chiến lược cần chỗ
không xây tổ của Ngũ Giác Đài, nơi mà máy bay và tàu chiến Mỹ có thể thường
xuyên viếng các viễn cảng quân sự của nước bạn để bảo trì và nhận tiếp liệu mà
không cần phải có căn cứ quân sự chính thức để bị nhức đầu do nhạy cảm chính
trị. Theo ông Kaplan, vịnh Cam Ranh của Việt Nam và Subic của Phi là hai cảng
mà HK dùng để thay phiên nhau phục vụ các chiến hạm của HK, có nghĩa là cả hai đều
không phải là căn cứ của HK, nhưng cả hai cộng lại làm nên một căn cứ của HK
(trang 131).
Trên chiến hạm USNS Richard Byrd, ông Panetta nói rằng HK và VN
“có một mối quan hệ phức tạp, nhưng chúng ta không để lịch sử trói buộc. Chúng
ta muốn tìm những cách để mở rộng mối quan hệ”, “các tàu hải quân HK được sử
dụng cảng này là một phần chủ chốt” của những mối quan hệ HK-VN. Ông Panetta
cũng cho rằng những tàu tiếp liệu của HK sử dụng Cam Ranh và các cơ sở sửa chữa
thì không chỉ quan trọng về mặt tiếp vận (logistic) mà còn quan trọng về các ý
nghĩa (implications) chính trị. Nó sẽ cho phép HK đạt được mục đích ở CA-TBD và
đưa quan hệ với VN lên một tầm cao mới (1.usa.gov/1HSb1az).
Nếu đầu tháng Sáu 2012 ông Panetta thăm VN với các tín hiệu như
vậy thì chỉ một tháng sau, tức tháng Bảy, VN đáp lễ bằng cách phái Chủ tịch
nước Trương Tấn Sang đi Nga và cho ra kết quả là Nga được thiết lập cơ sở sửa
chữa hải quân ở Cam Ranh. Trong khi TQ cứ lấn sân ở Biển Đông thì Nga ở thế ngư
ông, vừa bán hàng cho VN vừa tạo sự hiện diện dù yếu ớt, chẳng giúp gì về an
ninh cho VN cả, vì ngu sao mà giúp khi TQ là một khách hàng ngon ăn hơn.
Tháng 3 năm 2013, Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu Shoigu
thăm VN, hối thúc đồng nhiệm Phùng Quang Thanh chấp thuận việc xây nhà nghỉ
(resort) 5 sao cạnh Cam Ranh cho lính Nga. GS Carl Thayer nhận xét “Trong khi
Nga trên danh nghĩa không lập căn cứ vì do nhạy cảm từ phía VN, nhưng thực tế
là họ đang tạo sự hiện diện lâu dài – và sự hiện diện này đòi hỏi máy bay và
tàu chiến thuờng xuyên lai vãng” (bit.ly/19oNAKp).
Nga đang trong tiến trình xây dựng hạm đội tàu ngầm Kilo-class
cho VN, các chuyên viên Nga cần đóng ở Cam Ranh để huấn luyện đội thuỷ thủ tàu
ngầm VN. Có lợi thế này, Nga ép VN nhượng quyền đặc biệt tiếp cận Cam Ranh cho
họ, trong khi VN cần Nga hơn là Nga cần VN, một sự cần sai chỗ.
Tháng 11 năm 2014, Việt Nam ký với Nga một thoả ước để Nga dễ dàng
sử dụng vịnh Cam Ranh. Theo đó, các chiến hạm Nga chỉ cần thông báo trước khi
vào, không hạn chế bao nhiêu lần, trong khi HK và các nước khác chỉ được vào
mỗi năm một lần (bit.ly/19oOyGK). Hơn nữa,
các chiến hạm Mỹ trong thời gian qua chỉ cập được cảng Đà Nẵng. Sắp xếp này rõ
ràng là có vấn đề.
Sự kiện hôm 11 tháng 3 năm 2015, HK công khai lên tiếng rằng VN đã
cho Nga sử dụng Cam Ranh để máy bay chở xăng Il-78 tanker tiếp xăng trên không
trung cho máy bay bomber chiến lược Tu-95MS Bear có khả năng mang bom
nguyên tử đe doạ đảo Guam của HK, qua sự xác nhận của tướng Bộ binh TBD Vincent
Brooks (bit.ly/1yg8l1B), là giọt nước làm
tràn ly. Nó làm cho VN, qua Đại Sứ Phạm Quang Vinh trong hội thảo CSIS hôm
24/3/2015, phải thanh minh thanh nga rằng VN không chủ trương cho một nước nào
khác sử dụng các căn cứ quân sự của mình để đe doạ một nước thứ ba. Nhưng rõ
ràng VN đã vi phạm cái không thứ ba trong chính sách “3 không” mà tướng Nguyễn
Chí Vịnh ra rả rao để xoa bóp TQ. Những ứng xử này đi ngược quyền lợi dân tộc,
làm chậm tiến trình và phạm vi cộng tác quốc phòng HK-VN.
BT Quốc Phòng Nga xác nhận đã dùng máy bay Il-78 tankers để tiếp
xăng cho Tu-95MS Bear bombers, cất cánh ở căn cứ Trung Đông, từ hồi tháng Giêng
năm 2014 và sau đó.
Tướng Vịnh từng nói ủng hộ sự hiện diện của quân đội HK trong vùng
miễn là nó đóng góp vào sự hoà bình của khu vực. Vậy mà Nga hiện diện không hoà
bình ở Cam Ranh thì được, còn HK hiện diện hoà bình thì không được, tại sao?
TQ trong kín đáo có vẻ hỗ trợ Nga vì có cùng chung mục đích là
thách thức vai trò lãnh đạo thế giới của HK. TQ càng vui hơn khi thấy chuyện
máy bay Nga làm phức tạp thêm mối quan hệ HK-VN. Từ sai lầm này qua sai lầm
khác, CSVN đang cắn cái tay đem thức ăn đến cho mình.
Chuyến đi HK của TBT Nguyễn Phú Trọng vào cuối tháng 5 năm 2015 (sau khi đi TQ vào ngày 17-20 tháng 4) là một chuyến đi không dễ dàng của phe bảo thủ
thân TQ, phe này như một sinh vật đang bị đe doạ sắp tuyệt chủng. Bởi vì thân
TQ và đi chầu TQ trước để nhận sự chỉ giáo, cho nên Trọng đa phần sẽ không chịu
uống rượu mời, không mở Cam Ranh cho HK để làm mất lòng TQ, không dám hạn chế
máy bay Nga để làm mất lòng Nga và các hợp đồng mua vũ khí bị trở ngại. Hậu quả
trong bang giao là việc HK dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương sẽ không
xảy ra, mà chỉ xem xét từng trường hợp một, cùng sự mất trớn trong việc hợp tác
quốc phòng HK-VN. Hậu quả trong nội bộ đảng CSVN là phe muốn ngả về HK có thể
loại hẳn phe thân TQ trong Đại hội 12, hay gay cấn hơn, là một sự thanh trừng
lẫn nhau. Liệu có ai nghĩ rằng khi siêu cường lãnh đạo thế giới cần di chuyển
một quân cờ chiến lược thì sẽ làm gì khi bị cản trở hay không? – Không có giải
pháp dễ dàng cho CSVN.
Tác giả Mu Lao trên báo TQ Huanqia hôm 17/3/15 viết rằng, Hà Nội
đang cầm mồi Cam Ranh lắc qua lắc lại trước mặt hai quyền lực đang thèm chảy
nước bọt. Lao cho rằng VN vừa khổ vừa sướng, khổ vì không biết phải giải quyết
làm sao với HK, sướng vì dùng vịnh Cam Ranh để mặc cả với Nga và HK. Lao nói
rằng TQ cần quan tâm theo sát các động thái của HK và VN trong vấn đề Cam Ranh,
dù HK-VN thoả thuận công khai hay kín đáo. Điều này cho thấy phe bảo thủ của
ông Trọng không có nhiều khoảng trống chung quanh để xoay trở (bit.ly/1E88R8X).
Việt Nam cần xoay 180 độ việc sử dụng vịnh Cam Ranh trong tương
quan Nga và Hoa Kỳ. Nga là quyền lực đang suy, vùng cận Nga và biên cương còn
không giữ nổi. Hoa Kỳ vẫn là siêu cường số một trong thế kỷ 21 và đã định hình
vị thế giàu mạnh của họ ở CA-TBD, đã chấm Subic Bay và vịnh Cam Ranh chung lại
là căn cứ quân sự của họ. Điều này có lợi cho Việt Nam trong việc bảo vệ Biển
Đông nói riêng và an ninh đất nước nói chung. Một dân tộc thông minh như Việt
Nam không thể cho ra những quyết định sẽ gây bất hạnh cho các thế hệ tương lai
nòi giống của mình.
L.M.N
Nguồn:
https://anhbasam.wordpress.com/2015/03/30/3664-vinh-cam-ranh-ruou-moi-khong-uong/#more-146528
__._,_.___
No comments:
Post a Comment