Việt Nam






Monday, 27 April 2015

Nguyên cớ gì mà số đông thanh niên qua đào tạo lại thất nghiệp?

 

Nguyên cớ gì mà số đông thanh niên qua đào tạo lại thất nghiệp?

Trần Văn Tùng

Các trường đại học công và tư đua nhau đào tạo đại học, cao học và tiến sĩ là một hiện tượng không bình thường. Một số trường bỏ đào tạo tại chức đại học chuyển sang mở rộng quy mô đào tạo cao học vì học phí thu được cao hơn. Tôi biết có những trường số sinh viên đại học chính quy ngang bằng với số học viên cao học. Lại có học viện mỗi năm tuyển khoảng 200 nghiên cứu sinh.
1.  Tại sao có nhiều người học đại học, cao học, và tiến sĩ đến vậy?
Nguyên nhân cơ bản là sau khi tốt nghiệp một bậc học họ không thể có việc làm. Thất nghiệp do chương trình đào tạo không thay đổi kịp với yêu cầu gay gắt của thị trường lao động. Các trường kinh tế chủ yếu cung cấp kiến thức chung chung, doanh nghiệp không muốn tiếp nhận người không qua hoạt động thực tế, không được thử thách trong môi trường kinh doanh. Đối với các trường đại học kỹ thuật mặc dầu chất lượng đào tạo tốt hơn, nhưng số sinh viên đại học, học viên cao học vẫn khó tìm được việc làm. Bởi vì công ty nước ngoài có công nghệ cao đòi hỏi ứng viên phải có trình độ đào tạo quốc tế. Phần đông các công ty nước ngoài tại Việt Nam đều sử dụng công nghệ lạc hậu, không cần tuyển dụng kỹ sư công nghệ, công nhân kỹ thuật trình độ làng nhàng, hàng hóa của họ sản xuất ra cũng đủ năng lực cạnh tranh tại thị trường Việt Nam.
Ai đó thường nói người Việt Nam hiếu học, rồi khái quát lên dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học và học giỏi. Nhầm. Tôi cho rằng sinh viên Việt Nam có khả năng tiếp thu, còn nói là giỏi thì hãy suy xét kỹ. Giỏi nghĩa là có năng lực sáng tạo. Vì thiếu khả năng sáng tạo người Việt Nam cam chịu đi theo lối mòn, ít có thay đổi.
Phong trào đi học đại học, cao học, tiến sĩ lan tỏa khắp thành thị, nông thôn. Tôi sinh ra ở nông thôn, cuộc sống khốn khó đủ điều. Gia đình nông thôn bán lợn, gà, trâu, bò, vay tiền cho con học đại học là mong cho con cái họ thoát khỏi cuộc đời cùng cực. Tốt nghiệp đại học chúng nó lại về quê, cơ quan nhà nước không có chỗ vì không đủ tiền đút lót, chỉ dành cho con cái quan chức, người lắm tiền, bạn bè thân hữu…
2.  Đào tạo theo phong trào, học thuộc, mặc nhiên chấp nhận dẫn đến chất lượng thấp
Mục tiêu lớn của giáo dục là tạo ra sự công bằng trước các cơ hội được giáo dục. Xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng. Xã hội hóa giáo dục đáng ra thành lập nhiều trường chất lượng cao, các gia đình không mất nhiều tiền cho con du học, tạo ra thị trường cạnh tranh giáo dục đại học. Tuy nhiên, công cuộc xã hội hóa đã tạo ra hàng trăm trường đại học, cao đẳng chất lượng thấp. Tỉnh nào cũng có trường đại học cao đẳng, có tỉnh hiện nay có tới 6 trường. Có trường thì phải có người học, vậy nên phải vét cho đủ chỉ tiêu, nếu không truờng đại học phá sản.
Bậc đại học nhiều môn học quá không cần thiết cho công việc trong tương lai. Thí dụ môn học chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bậc đại học đã học, lên bậc cao học lại học như vậy. Học thế để làm gì? Thử làm phiếu điều tra xem sinh viên khoa học xã hội có hứng thú không? Tôi thấy nhiều sinh viên được xếp loại giỏi chủ yếu là do học thuộc. Khi đặt ra câu hỏi về một vấn đề, rồi yêu cầu các em bình luận thì thấy họ lúng túng. Có lẽ nền giáo dục Việt Nam từ hòa bình đến nay là nền giáo dục phải chấp nhận. Một nền giáo dục không có cửa cho ai nói khác đi chút ít. Ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam sáng suốt là câu chuyện muôn thủa nhưng sai lầm thì ít khi nhắc tới, không chịu mổ xẻ, phân tích nguyên nhân tới cùng.
Mỗi khi nói tới thành tích thì thì các vị lãnh đạo thường so sánh cuộc sống người dân hiện nay với trước năm 1945. Sao không so với những nước có xuất phát điểm cũng tương đương với Việt Nam xem họ đã đi tới đâu, trong khi Việt Nam vẫn loay hoay ở thời kỳ quá độ, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo?
3.  Vai trò của nhà trường
Không có đánh giá xếp hạng thì không có thứ bậc về chất lượng đào tạo. Một số trường đại học Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2020-2030 sẽ nằm trong top này top nọ – một thứ khẩu hiệu, một kiểu nằm mơ. Khi nhà trường không có quyền tự chủ, ngân sách bị khống chế bởi bộ chủ quản, khi không nắm bắt được nhu cầu thị trường về ngành nghề đào tạo, khi lãnh đạo nhà trường phải lo việc giải phóng mặt bằng, lo chạy chức… thì chất lượng sinh ra từ đâu?
Tôi đã tham gia giảng dạy cho một vài lớp cao học tại một trường đại học lớn ở Hà Nội. Nhìn xuống lớp học – khoảng 50 người – thấy rất ít người ghi chép; họ mở máy tính, điện thoại ra trao đổi công việc với ai đó, có một số người tựa vào bàn ngủ. Tôi chợt nhớ hồi trước dạy môn Kinh tế lượng cho một trường đại học dân lập, vì tiết kiệm kinh phí họ nhập ba lớp thành một, hơn 200 sinh viên. Ồn ào, ra vào tự do, các sinh viên ở những hàng cuối hút thuốc ăn quà vặt… Sau 2 tiết tôi ra ngồi trò chuyện với một số giáo viên khác. Một giáo viên nêu câu hỏi: “Mô hình đại học dân lập là gì?”. Không ai trả lời. Lúc sau chính giáo viên đó nói: “Dễ thôi, là mô hình kết hợp gữa trường và chợ theo cơ cấu: ba dãy bàn đầu là trường, tất cả các dãy bàn sau là chợ”. Hỏi ra mới biết ba dãy bàn đầu là con em nông thôn. Có bao nhiêu trường đại học như thế?
Gần đây Bộ Giáo dục và Đào tạo, đưa ra tiêu chuẩn: Tốt nghiệp đại học phải nghe hiểu được nội dung báo cáo khoa học, phải tham gia phát biểu ý kiến; học viên cao học và nghiên cứu sinh phải dùng tiếng Anh thành thạo. Tôi tham gia hướng dẫn 8 nghiên cứu sinh về kinh tế và nhiều học viên cao học. Tôi thấy không ai đọc được tài liệu tiếng Anh nguyên gốc về chuyên môn mà họ đang tiến hành nghiên cứu. Tôi biết hiện nay có hai người trong Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước (Hội đồng ngành kinh tế), làm nghiên cứu sinh ở Nga nhưng lại không nói được một câu tiếng Nga tử tế. Không hiểu sao họ có bằng tiến sĩ kinh tế và nay là giáo sư kinh tế. Thử hỏi tiêu chuẩn ngoại ngữ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra có được thực hiện trong thực tế hay không?
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố số sinh viên tốt nghiệp đại học, học viên tốt nghiệp cao học không có việc làm là hơn 162.000, theo tôi là không đúng, mà có thể nhiều hơn. Chưa có một con số thống kê chính xác về sự lãng phí khi hàm trăm ngàn người qua đào tạo không có việc làm. Số người thất nghiệp năm sau lại tăng nhiều hơn năm trước. Có ai đó nói, đào tạo đại học, cao học, tiến sĩ ở Việt Nam giống như nông dân trồng dưa hấu, hành tím quả là không sai.
T. V. T.
Tác giả gửi BVN.

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official-20/1/2025

My Blog List