Việt Nam






Friday, 17 April 2015

Đỉnh cao của sự sợ hãi


Đỉnh cao của sự sợ hãi

















Huy Đức - Nếu có một cơ hội để đối thoại, người dân Tuy Phong, chắc chắn, sẽ không lựa chọn giải pháp cứng rắn như họ đang làm. Những nông dân hôm qua còn chân chất, hiền lành, có thể sẽ bị bắt.
Những nông dân chất phác đó có thể đã phải cân nhắc, họ chấp nhận rủi ro vì không thể tiếp tục hít thở bụi than.

Tương lai họ sẽ ra sao nếu thân mình thì tù tội trong khi con quái vật khổng lồ đó vẫn ngày ngày phun xỉ than vào phổi của con em họ.

Tại sao nhà thầu Trung Quốc có thể đưa công nghệ luyện thép lò đứng đến Vũng Áng, đưa nhiệt điện đốt than tới Tuy Phong. Chúng ta rất khó nói ra câu trả lời mà ai cũng nghĩ trong đầu. Nhưng nếu người dân có đại diện thực sự của họ, các tổ chức môi trường có thể dễ dàng hình thành, những công nghệ đã bị xua đuổi ở các nước phát triển đó chắc chắn khi đến Việt Nam đã bị chặn từ khi bắt đầu dự án.

Chế độ có muốn nông dân biểu tình cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch không. Không. Chế độ có muốn công nhân đình công không. Không. Vậy sao Chế độ không đặt câu hỏi: Tại sao dưa ế, những tiếng nói đầu tiên tìm lối thoát giúp nông dân Quảng Ngãi không phải là Hội Nông dân? Tại sao khi cảm thấy Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội chi trả tiền bảo hiểm không công bằng, 90 nghìn công nhân PouYuen phải đình công thay vì tìm tiếng nói từ Tổng Liên đoàn lao động?

Nếu muốn "ổn định chính trị" đừng chi những khoản ngân sách khổng lồ cho những đoàn thể chỉ biết làm cái loa rè cho Chế độ. Nếu muốn quy trình ban hành chính sách tránh được những quy định kích hoạt những cuộc đình công khổng lồ như Điều 60 Luật Bảo hiểm thì hãy để công nhân lập ra những hội đoàn nói tiếng nói của họ thay vì chỉ bịt tai, bưng mắt Chính quyền. Nếu muốn những nông dân chất phác hiền lành không có một ngày tự nhiên vác gậy gộc ra chặn đường thì hãy để cho họ có một hội nông dân của họ.

Di sản lớn nhất mà loài người nhận được từ chế độ cộng sản là sự sợ hãi. Dân chúng thì sợ từ anh dân phòng cho tới công an, quan tòa. Chính quyền thì sợ nhau và sợ dân.

Đỉnh cao của sự sợ hãi đối với những người trong tay không có gì sẽ là sự khuất phục hoàn toàn nhưng cũng có thể là sự liều lĩnh khó lường. Đỉnh cao của sự sợ hãi của những kẻ cầm quyền hoặc là bỏ chạy hoặc trở nên vô cùng tàn bạo.

Hãy để cho dân thiết lập các kênh đối thoại để trước hết giải thoát sự sợ hãi cho Chế độ.



Bóc lột công nhân đến mức nào nữa???













Bán Nguyệt San Tự do Ngôn Luận - Tại tỉnh Quảng Nam, hôm 24-03, nhà cầm quyền đã khánh thành tượng đài “Mẹ Việt Nam Anh hùng” 411 tỷ đồng trong niềm tự hào đó là “tượng đài đồ sộ nhất Đông Nam Á”, với mục đích vinh danh các bà mẹ có con đi lính cho Cộng sản rồi chết trận. Dù đã có nhiều ý kiến đề nghị nên lấy số tiền khổng lồ đó chia cho hơn 6 ngàn “bà mẹ anh hùng” đang thiếu đói, thế nhưng đảng Cộng sản, từ bao năm nay, đã chỉ muốn trả ơn họ bằng các tượng đài cũng như bằng những lời xưng tụng rỗng tuếch. Có khi còn cướp đất nhà của họ!


Đối với giới công nhân cũng vậy. Trong 85 năm hiện hữu của mình, đảng đã nhờ xương máu của họ mà dựng xây ngai vàng, làm nên sự nghiệp. Để cám ơn và xưng tụng họ, đảng huênh hoang tuyên bố “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á” (cũng lại nhất ĐNÁ). Rồi để họ an tâm và hy vọng, Hiến pháp 1980 xác định chắc nịch: “Đảng CSVN [là] đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân… Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân” (điều 4). HP 1992 lại càng hùng hồn: “Đảng CSVN, đội tiên phong của giai cấp công nhân VN, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động…” (điều 4). HP 2013 cũng luận điệu mỵ dân tương tự!

Thế nhưng, ta hãy nghe nhà văn Trần Đĩnh viết trong Đèn Cù 2, chương 17:“Hoàng Ước, thư ký của Trường Chinh (TC) bảo tôi là một hôm TC nói với mấy người giúp việc rằng ta trả cho người lao động đồng lương bóc lột. Hoàng Ước bèn nói lương chúng tôi chỉ đủ sống 10 ngày. TC cau mày khó tin -bóc lột thì có nhưng sao lại có thể ác nghiệt hơn cả đế quốc đến thế- nhưng hôm sau ông bảo Hoàng Ước: Tôi đã hỏi nhà tôi, nhà tôi nói không có chế độ cung cấp đặc biệt thì lương ông cũng chỉ đủ cho nhà này ăn 10ngày. Sau đó TC đến nhà máy thuốc lá Thăng Long nói: Phải cứu giai cấp công nhân! Hay thật! Ở một nước do giai cấp công nhân lãnh đạo mà đảng phải cứu giai cấp công nhân ra khỏi đồng lương bóc lột ?...Nhưng ông không nói cứu công nhân khỏi tay ai ? Và thằng khốn nào nó bóc lột công nhân ?”

Đó là câu chuyện của thập niên 80 thế kỷ trước. Hãy nghe thêm Khánh Hòa, với bài viết đăng trên Danviet.vn ngày 16-02-2014. “Nghiệt ngã phận đời ngày làm công nhân, tối về... bán dâm”: “Trong thời gian tìm hiểu về đời sống công nhân ở các khu công nghiệp lớn như Sóng Thần, Tân Tạo, Vĩnh Lộc, Biên Hòa… chúng tôi nhận thấy rằng cuộc sống của công nhân thường vô cùng chật vật. Đa phần họ phải làm việc trong môi trường có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, rất dễ bị các bệnh nghề nghiệp nhưng lại hoàn toàn không có bảo hiểm hay chế độ lương thưởng phù hợp… Vì quá thiếu tiền nên tôi [một công nhân] nói dối vợ ra ngoài gặp người bạn ở gần đó mượn thêm ít tiền, rồi sang bệnh viện Chợ Rẫy, tìm đến khoa huyết học truyền máu, nơi mà ngày nào cũng có cả trăm người, chủ yếu là những công nhân, lao động nghèo tới bán máu, tôi được mấy người ở đây hướng dẫn, một lần bán máu như thế kiếm được 470 ngàn đồng… Riêng với những công nhân nữ, dù biết là tội lỗi, là nhục nhã nhưng nhiều người vì miếng cơm, manh áo vẫn nhắm mắt đưa chân để làm cái việc nhơ nhuốc là đi bán dâm, như một cứu tinh duy nhất trong cơn cùng quẫn”.

Đang khi đó thì cũng chính HP khẳng định tại VN có một tổ chức để chăm lo việc làm và cuộc sống cho họ, mang tên Công đoàn: “Công đoàn là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác” (HP 1992, đ. 10). HP 2013, vẫn đ. 10, lại mạnh miệng hơn nữa: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;… giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động”. Hạnh phúc quá đi chứ!

Thế nhưng, công đoàn này (còn mang tên Tổng Liên đoàn lao động VN) chỉ là một công cụ của đảng, luôn bênh vực quyền lợi chủ nhân vì ăn lương của họ, và chỉ làm có hai việc là kiểm soát tư tưởng lẫn hành vi công nhân và giúp đảng ra sức bóc lột họ. Thành thử chẳng lạ gì mà 40 năm nay đã xảy ra hơn 5000 cuộc đình công xuất phát tự công nhân trong mục tiêu đòi tiền lương xứng công sức và cuộc sống xứng nhân phẩm. Nhưng hầu như công nhân rốt cục vẫn là kẻ thất trận. Người ta còn nhớ cuối năm 2005 đã diễn ra nhiều cuộc đình công lớn đòi tăng mức lương tối thiểu cho công nhân tại các doanh nghiệp nước ngoài (mức lương này do Quốc hội quy định và thuộc hạng thấp nhất thế giới, nhằm thu hút đầu tư). Khi ấy, thủ tướng CS Phan Văn Khải đã nhanh chóng đáp ứng yêu cầu bằng cách tăng nó lên 40%. Thế nhưng, các công nhân đứng ra tổ chức biểu tình đều bị sa thải. Hiện nay, theo BBC 05-12-2014, tiền lương công nhân VN vẫn thấp nhất trong khu vực, chẳng thể sống nổi: “Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), mức lương trung bình của VN vẫn ở ngưỡng thấp trong khu vực ASEAN, đạt 3,8 triệu đồng (181 đô Mỹ). Số tiền này chỉ bằng ½ so với Thái Lan, 1/3 của Malaysia và 1/20 của Singapore… Lương tối thiểu trong hai năm gần đây vẫn chỉ đáp ứng 60% mức sống tối thiểu của người VN, thua xa các quốc gia phát triển và nền kinh tế trong khu vực”.

Oái oăm thay, những ai muốn đấu tranh cho tình trạng thê thảm ấy thì đều bị đàn áp khốc liệt. Năm 2006, ông Đoàn Huy Chương cùng một vài đồng nghiệp như Trần Thị Lệ Hồng thành lập Hiệp hội Đoàn kết Công nông VN. Họ lập tức bị bắt và bị cầm tù đến 3 năm. Tới đầu năm 2010, lại có ba người trẻ đứng lên giúp đỡ dân oan đòi bồi thường nhà đất và công nhân đòi quyền lợi lao động là 2 sinh viên Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và công nhân Đoàn Huy Chương. Họ cũng bị bắt và bị những án tù dài (Hùng 9 năm, Chương 7 năm và Hạnh 7 năm. Hạnh nay đã ra tù nhờ áp lực quốc tế).

Gần đây, lại lộ ra một kiểu bóc lột công nhân mới của đảng. Đó là cái Quốc hội gia nô, tháng 11-2014, có ra Luật Bảo hiểm Xã hội sẽ hiệu lực đầu năm 2016. Điều 60 luật này không cho phép người lao động lãnh tiền bảo hiểm xã hội một lần khi kết thúc hợp đồng với công ty nơi mình làm việc, mà phải chờ đến tuổi nghỉ hưu (60 đối với nam và 55 đối với nữ). Nguyên do có luật này là vì Quỹ Bảo hiểm Xã hội ở Việt Nam -theo dự báo của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO)- có thể vỡ vào năm 2021 hoặc sớm hơn nữa, bởi lẽ nó đang là nạn nhân của cơ chế quản lý bất minh, điều hành kém cỏi, tham nhũng trắng trợn (những “đức tính” của chế độ CS!), đang được dùng để đầu tư bên ngoài nhưng khả năng sinh lợi và thu hồi có nguy cơ mất hẳn (như bao nhiêu cuộc đầu tư to lớn song thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước hiện tại). Điều 60 Luật BHXH là một kiểu ngâm tôm, chạy làng đối với công nhân không hơn không kém! Do đó, kể từ ngày 26-3-2015, hàng chục ngàn công nhân thuộc công ty Pou Yuen của Đài Loan tại Sài Gòn đã đình công liên tục để phản đối. Cuộc đình công sau đó lan tới các công ty ở Bình Dương, Long An, Tây Ninh và Tiền Giang, lôi kéo tới cả 100 ngàn công nhân biểu tình trong ôn hòa bất bạo động.

Thế nhưng hàng ngàn công an và dân phòng đã được huy động đến để đàn áp họ. Một vài người bị bắt giam. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngày 31-03-2015 -như não trạng thường thấy của hàng lãnh đạo CS- còn lên tiếng cảnh báo công nhân chớ để cho kẻ xấu lợi dụng, kích động, xúi giục!?!Ngày 01-04-2015, trước ảnh hưởng lớn mạnh của phong trào công nhân, Thủ tướng CS buộc phải tuyên bố sẽ đề nghị Quốc hội sửa lại luật BHXH, khiến các cuộc biểu tình lặng xuống. Nhưng vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ trước mắt, vì Nguyễn Tấn Dũng đã bao phen nói mà chẳng làm, hứa hẹn mà chẳng thực hiện!

Mới đây, trong dịp Đại hội Liên minh Nghị viện Quốc tế (IPU) tại Hà Nội, cô Đỗ Thị Minh Hạnh có trao cho vài Dân biểu Hoa Kỳ một lá thư của Lao Động Việt. Bức thư đề nghị khoan ký Thỏa ước mậu dịch đến khi Việt Nam đã sửa luật để hợp pháp hóa các công đoàn ngoài quyền điều khiển của nhà nước; khoan bắt đầu thực hiện Thỏa ước mậu dịch đến khi Việt Nam đã thành lập ra cơ quan có ngân quỹ và nhân sự để nhận đơn khiếu nại cũng như trừng phạt những ai ngăn cản người lao động hành xử quyền công đoàn. Ngoài ra, nếu nhà nước Việt Nam hay các công đoàn họ điều khiển vi phạm quyền công đoàn thì thủ tục khiếu kiện trong Thỏa ước phải được quyền cứu xét và giải quyết; các nhóm lao động được phép thâu thập và được nộp bằng chứng về vi phạm quyền công đoàn, không phải chỉ trong VN mà còn đến các quốc gia thành viên của Thỏa ước; Thỏa ước mậu dịch nên có điều khoản để ngăn ngừa việc các công đoàn do nhà nước hỗ trợ đè bẹp phong trào công đoàn độc lập v.v…. Đây là một nỗ lực tranh đấu mới cho công nhân rất đáng khen ngợi!

Nói tóm, thực trạng công nhân là vấn đề lớn trong xã hội hiện thời. Lực lượng công nhân cũng là nhân tố lớn trong cuộc tranh đấu lúc này của dân Việt. Việc ủng hộ họ trong các cuộc biểu tình quá khứ, hiện tại lẫn tương lai của họ nhằm đòi hỏi nhân phẩm và quyền sống cho mình là điều rất cần thiết, vì đấy là những yêu sách hoàn toàn xác đáng, có chính nghĩa. Cũng cần thiết việc hỗ trợ giới công nhân thành lập các công đoàn độc lập trong mỗi công ty xí nghiệp để tự bảo vệ các quyền lợi của mình, việc yêu cầu Quốc hội ngay lập tức phải sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội bất công, phải tu chỉnh Luật Lao động theo các tiêu chuẩn nhân quyền của thế giới, phải tham khảo ý kiến của giới công nhân khi ban hành những luật lệ liên quan tới họ.

Để làm được những điều đó, các tổ chức xã hội dân sự cần luôn sát cánh cùng giới công nhân, có mặt bên họ như bạn đồng hành để cố vấn, hướng dẫn hoặc trợ lực; giới lao động trí óc cần luôn quan tâm đến giới lao động tay chân, bênh vực họ bằng khả năng trí tuệ của mình, vì chính nhờ mồ hôi của họ mà mình có cuộc sống thoải mái; các chức sắc tôn giáo cần luôn dành cho giới công nhân (và nông dân) chỗ đứng ưu tiên trong lời nói và việc làm của mình, vì họ chiếm số đông trong hàng ngũ tín đồ và hiện là đối tượng gánh chịu bất công nhất trong xã hội. Mà tôn giáo thì không thể đứng bên lề cuộc đấu tranh cho công lý.

Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 217 (15-04-2015)



No comments:

Post a Comment

Featured post

Bản Tin cuối ngày-28/12/2024

My Blog List