Việt Nam






Friday, 10 April 2015

'Việt Nam quá lạc quan về cổ phần hóa'


'Việt Nam quá lạc quan về cổ phần hóa'

·         9 tháng 4 2015
Nền kinh tế nội địa vẫn chưa thực sự phục hồi, thể hiện qua giá cả bất động sản, ông Guzman cho biết
Chương trình cổ phần hóa của Việt Nam quá lạc quan và nhiều tham vọng, nhưng thiếu cách thực hiện hiệu quả, theo ý kiến của một nhà quan sát.
Nhận định trên được ông Christian De Guzman, Phó Chủ tịch của Moody's tại Singapore, đưa ra trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 9/4.
Hà Nội đã đặt ra mục tiêu phải cổ phần hóa hơn 400 doanh nghiệp nhà nước trong ba năm, từ 2013-2015.
Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa tính đến nay vẫn bị giới chuyên gia cho là quá chậm.
Trong cuộc họp chính phủ hồi cuối tháng Ba, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo tính đến hết năm 2014, chỉ có hơn 100 doanh nghiệp được cổ phần hóa và yêu cầu phải hoàn thành 289 doanh nghiệp còn lại trước cuối năm nay.

'Quá lạc quan'

"Tôi nghĩ rằng chính phủ đang quá lạc quan và nhiều tham vọng về chương trình cổ phần hóa", ông Guzman nói.
"Mục tiêu này không rõ sẽ được thực hiện thế nào, nhất là khi thiếu vắng sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài."
Cũng theo ông, việc các doanh nghiệp nhà nước không thu hút được nhiều sự quan tậm từ các nhà đầu tư nước ngoài "không phải là điều đáng ngạc nhiên."
"Tình trạng thiếu minh bạch và công khai vẫn là vấn đề tồn đọng trong khối doanh nghiệp nhà nước, trong khi các nhà đầu tư luôn muốn biết là họ đang bỏ tiền ra cho cái gì," ông nói.
"Nếu điều này không được cải thiện, chúng ta sẽ khó thấy các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô vào khu vực quốc doanh của Việt Nam trong tương lai gần."
Bình luận về đợt IPO vừa qua của Vietnam Airlines, vốn chỉ bán ra 3,5% cổ phần mà phần lớn lại lọt vào tay hai ngân hàng TechcomBank và VietcomBank, ông Guzman cho rằng điều này cho thấy "nhà nước muốn giữ chân trong các doanh nghiệp mà họ xem là có giá trị chiến lược."
Tuy nhiên, điều này sẽ là lực cản lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài cũng như toàn bộ quá trình cổ phần hóa, ông nói thêm.
"Xét hoạt động kinh doanh yếu kém của nhiều doanh nghiệp nhà nước, các nhà đầu tư sẽ muốn áp đặt những thay đổi quan trọng để chuyển hoạt động kinh doanh sang hướng có lãi", ông nhận xét.
"Nếu họ không được phép làm điều đó thì khó có thể tạo sự thay đổi lớn nào."

'Bị lợi ích nhóm kìm hãm'

Bình luận về việc liệu các doanh nghiệp tư nhân đã đủ lớn mạnh để lấp vào chỗ trống mà các doanh nghiệp nhà nước để lại hay chưa, ông Guzman cho rằng khối tư nhân của Việt Nam có rất "nhiều tiềm năng".

"Việt Nam vẫn có nhiều doanh nghiệp tư nhân thành công, tập đoàn Masan là một ví dụ điển hình," ông nói.
"Trên thực tế đã có nhiều vốn FDI đổ vào các dự án liên doanh với các doanh nghiệp nội địa."
"Tiềm năng của các doanh nghiệp tư nhân là không thể chối cãi, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, khi các nhóm lợi ích đang chi phối khối doanh nghiệp nhà nước, khu vực này vẫn không thể phát triển hết mức."
"Tại Việt Nam tồn tại hai nền kinh tế - một nền kinh tế hướng ra bên ngoài, vốn đang diễn biến rất tích cực, và nền kinh tế nội địa, bị trì trệ do sự thao túng của các doanh nghiệp nhà nước."
"Trong các cuộc nói chuyện với các ngân hàng, chúng tôi chưa thấy khu vực này đạt được tiến triển nào đáng kể."
"Điều này thể hiện ở khu vực bất động sản, nơi mà giá cả vẫn chưa hồi phục."
Cũng theo ông Guzman, tình trạng nợ xấu đang tiếp tục là yếu tố kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế nội địa, bất chấp các giải pháp mà chính phủ đã đưa ra để xử lý, trong đó có sự ra đời của Công ty Quản lý Tài sản (VAMC).
"Cái nhìn của chúng tôi về VAMC khác với chính phủ Việt Nam," ông nói.
"Chính phủ Việt Nam xem đây là một công ty quản lý tài sản bình thường, với chức năng tái cơ cấu các ngân hàng bằng cách hấp thụ nợ xấu, trong khi chúng tôi xem đây là một cơ chế thanh khoản."
"Nó đã có một số tác động hữu ích, nhưng vẫn chưa đủ để khắc phục tình trạng nợ xấu của Việt Nam."

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Featured post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

My Blog List