Việt Nam






Monday, 30 March 2015

Nếu sản xuất 660.000 tấn bôxít sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD


Nếu sản xuất 660.000 tấn bôxít sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD

TTO – Ngày 28-3, tại cuộc tọa đàm về dự án bôxít, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản VN (TKV) đã “sập bẫy” giá rẻ của phía Trung Quốc.

clip_image004
Ảnh: TS. Nguyễn Thành Sơn trình bày tại tọa đàm
Tọa đàm do Trung tâm Thiên nhiên và Con người (Pan Nature) tổ chức.

Theo TS. Nguyễn Thành Sơn – nguyên Giám đốc Ban quản lý Dự án than đồng bằng sông Hồng – TKV, qua đánh giá sơ bộ hiện nhà máy alumin Tân Rai có khoảng 1.000 lao động. Điều này cho thấy trình độ tự động hóa ở đây rất thấp.

Đội giá gói thầu tư vấn
Lý do, theo nguyên lý nhà máy alumina có công suất 630.000 tấn/năm và có mức độ tự động hóa thấp nhất cũng chỉ cần 3,15 triệu giờ công/năm. Nếu thời gian làm việc 300 ngày/năm, 3 ca/ngày và 8 giờ/ca, tổng nhu cầu lao động cần có mặt tối đa 438 người.

Trong khi đó, ở Tân Rai nhu cầu lao động lớn hơn nhiều lần, chứng tỏ trình độ công nghệ của nhà thầu và mức độ cơ giới hóa, tự động hóa của dự án rất thấp.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Thành Sơn, chủ đầu tư bị “sập bẫy” đấu thầu giá rẻ. Theo Luật Đấu thầu của VN, ngay cả khi chọn thầu, chủ đầu tư phải soạn thảo đầu bài, hồ sơ mời thầu và phải được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Thường phải thuê tư vấn từ làm hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ. Nhưng Tân Rai và Nhân Cơ TKV tự làm hết.

Thông thường, các gói thầu tư vấn chỉ chiếm 5% tổng giá trị gói thầu, tương đương khoảng 695 tỉ. Nhưng tháng 5-2014, phí tư vấn quản lý dự án được TKV công bố lên tới gần 800 tỉ. Trong giải trình của TKV, tại sao vốn đầu tư dự án Tân Rai tăng, có tăng chi phí quản lý dự án, tư vấn.

“Điều này có nghĩa TKV tưởng làm lấy sẽ rẻ, nhưng cuối cùng lại không rẻ” – ông Sơn nói. Lý do đơn giản, ông Sơn nêu ở VN chưa có đơn vị nào có kinh nghiệm làm nhà máy alumin cả.

Ngoài ra, theo ông Sơn, TKV mắc cả “bẫy của nhà thầu”. Về nguyên tắc, hồ sơ mời thầu, bao giờ cũng nêu phạm vi khối lượng, giá trị chất lượng công việc và tiến độ thực hiện, xác định các sai lệch…

Sản xuất đủ 660.000 tấn, lỗ 37,4 triệu USD
Theo phụ lục trong Hợp đồng EPC số 1/TKV-CHALIECO ký giữa TKV và nhà thầu Chalieco ngày 14-7-2008 của dự án Tân Rai, ông Sơn nêu cam kết của nhà thầu chỉ có 630.000 tấn/năm, giảm 20.000 tấn/năm so với công bố của TKV.
Mà giá trị 20.000 tấn/năm nhân với suất đầu tư bình quân khoảng 1.000 USD/tấn công suất thì mức thiệt hại của VN lên tới 20 triệu USD. Doanh thu giảm hàng năm sẽ khoảng 5 triệu USD/năm.

Lấy 4 sai lệch chính, ông Sơn cho biết dự án Tân Rai “thiệt hại” khoảng 343 triệu USD. Số tiền này, theo ông Sơn, đáng ra phải cộng vào giá nhà thầu Chalico đưa ra để so sánh với nhà thầu khác.
Nên giá VN trả cho nhà thầu Trung Quốc có thể nói đã mua đắt hơn giá trị thật 343 triệu USD. “TKV sập bẫy giá rẻ” – ông Sơn kết luận.

Mới đây, TKV tự hào nêu dự án bôxít Tây Nguyên sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó. Vậy 2015 dự án bôxít lỗ bao nhiêu?
Phân tích trên chính số liệu của TKV, ông Nguyễn Thành Sơn nêu kế hoạch năm 2015 được TKV công bố cả Tân Rai và Nhân Cơ sẽ sản xuất được 660.000 tấn, tổng doanh thu trên 4900 tỷ.

Như vậy giá bán sẽ khoảng 7,4 triệu đồng/tấn, tức 346 USD/tấn. Cứ cho chi phí từ 2013 không tăng, chỉ cộng thêm chi phí vận tải, khấu hao thì giá thành phải là 8,6 triệu/tấn, tức khoảng 403 USD/tấn. Vậy lỗ 56,7 USD/tấn.
Nếu công suất đạt thấp hơn thì lỗ sẽ lớn hơn. Như vậy, tổng lỗ 2015 nếu sản xuất đủ 660.000 tấn sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD.

Ông Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng ban Alumin, Tổng công ty Khoáng sản VN thì cho rằng khi Trung Quốc bỏ thầu giá rất thấp. Nhưng sau khi bỏ thầu xong, VN chọn thì khi làm việc để ký EPC, giá hợp đồng lại tăng lên.
Theo ông Đoàn Văn Kiển, nguyên Chủ tịch TKV lúc đó giải thích thì phía Trung Quốc nêu giá bỏ thầu trên chưa tính đến thiết bị dự phòng. “Đây mới là bẫy” – ông Ban nói.
C.V.KÌNH



BÔ XÍT TÂY NGUYÊN – MỌI CON ĐƯỜNG ĐỀU DẪN ĐẾN THUA LỖ

Tô Văn Trường

Thời gian gần đây, khi Thủ tướng đến thăm Tây Nguyên các cơ quan chức năng đã báo cáo vẽ lên bức tranh tươi sáng hiệu quả của hai dự án bô xit Tân Rai và Nhân Cơ kèm theo việc công ty Trần Hồng Quân tham gia xây dựng nhà máy luyện nhôm. Trong khi đó, nhiều nhà khoa học phản bác lại luận điểm nói trên.

Hội thảo khoa học về dự án bô xit đã có kế hoạch tổ chức tại Lâm Đồng vào ngày 26/3 nhưng giờ chót có chỉ thị hủy bỏ đủ nói lên sự phức tạp và nhiều uẩn khúc phía sau của dự án nhạy cảm này. Mặt khác, các thông tin số liệu nhất là quyết toán năm 2014 của nhà máy Tân Rai vẫn được bảo mật!
Tuy nhiên, chỉ cần phân tích các thông tin số liệu đã có, đối chiếu với thực tế thấy rõ dự án bô xit Tây Nguyên, mọi con đường đều dẫn đến thua lỗ. Trong phạm vi bài báo này chưa đề cập đến các yếu tố ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng và môi trường xã hội của dự án.

Do sai lầm từ việc chọn nhà thầu Trung Quốc lúc đầu bỏ thầu giá rẻ (nhưng khi ký hợp đồng EPC lại giá khác) thiết kế nhà máy các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật lạc hậu tiêu hao lớn về quặng và năng lượng…

Theo tính toán của chuyên gia Nguyễn Thành Sơn về giá thành tính đủ khấu hao và chi phí vận chuyển của alumina Tân Rai, năm 2013 lỗ 94 đô la/tấn (tổng số 16 triệu đô la), năm 2014 lỗ 87 đô la/tấn (tổng số 43 triệu đô la), năm 2015 lỗ 57 triệu đô la/tấn (tổng số 37 triệu đô la).

Người ta tìm mọi cách để cứu cho dự án Tân Rai và Nhân Cơ
Sắt cho sản xuất thép từ thiêu kết bùn đỏ là chuyện rất viển vông vì chỉ tồn tại được trong phòng thí nghiệm, quá đắt trong sản xuất ở quy mô kinh tế.

Giải pháp cho Công ty Trần Hồng Quân được hưởng nhiều ưu đãi để thực hiện dự án điện phân nhôm là nguy cơ nhiều rủi ro nhãn tiền.

Nhà nước phải bỏ vốn ngân sách khoảng 1200 tỷ đồng để chuẩn bị mặt bằng cho nhà máy.

Khi nhà máy điện phân nhôm hoạt động sẽ thải ra một lượng lớn chất thải florua: các peflo-cacbon CxFy và hydroflorua dưới dạng khí thải; natri florua, nhôm florua và cryolite dư thừa dưới dạng phân tử. Nếu không được kiểm soát tốt thì hydroflorua  là chất rất độc hại cho thực vật quanh nhà máy. Các khí pefluo-cacbon là khí nhà kính có thời gian tồn tại lâu dài trong không khí.

Sản xuất nhôm tiêu hao rất nhiều điện năng. Giá nhôm hiện này trên thế giới khoảng US$1850-2150/tấn. Điện năng cho sản xuất 01 tấn nhôm khoảng 12.900 kWh. Nếu lấy giá bình quân EVN bán điện 7,5 cents/kWh, nhưng nếu phải bán cho dự án của ông Trần Hồng Quân chỉ có 5 cents thôi, thì ai phải bù lỗ? Chỉ tính riêng tiền điện phải bù lỗ 1 năm cho dự án điện phân nhôm ít nhất là 145 triệu đô la/năm, nếu đúng cam kết 10 năm, nhà nước phải bù lỗ khoảng 1,2 tỷ đô la (tính giá quy về hiện tại).

Đây là sự bất công trong xã hội và thất thoát lớn tài sản của nhà nước. Còn nếu tính đúng giá bán điện cho doanh nghiệp 12 cents/kWh thì mỗi năm nhà nước phải bù lỗ cho Công ty Trần Hồng Quân gần 400 triệu đô la.

Ngẫm suy lời khuyên của khối SEV và nhiều chuyên gia quốc tế là Việt Nam hãy chờ khi có đủ điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng cơ sở và làm chủ công nghệ tiên tiến mới tiến hành khai thác bô xit Tây Nguyên ngày càng chính xác.

Theo tôi được biết, Công ty Orbite Aluminae Inc. của Canada vừa đưa ra một giải pháp không những sản xuất ra alumina (nhôm oxit) mà không tạo ra bùn đỏ, còn có thể chiết tách được một số sản phẩm khác như các kim loại đất hiếm từ các khu vực chứa bùn đỏ hiện có. Đó là phương pháp Orbite Aluminae.

Theo đánh giá của Chủ tịch kiêm CEO Công ty Orbite Aluminae Inc., ông Richard Boudreault, phương pháp Bayer (chúng ta đang sử dụng ở Tây Nguyên) là một phương pháp không hiệu quả. Hệ thống thủy phân chỉ có thể thu được một nửa lượng alumin, phần alumin còn lại kết hợp cùng với sắt tạo thành hỗn hợp bùn đỏ. Khi đó, hầu như tất cả quặng sắt liên kết chặt chẽ với silic oxit. Như vậy, một lượng lớn kim loại bị tổn thất trong bùn đỏ. Trong khi đó, với phương pháp Orbite Aluminae, người ta có khả năng thu hồi hầu như toàn bộ những gì có trong quặng bauxite

Phương pháp Orbite Aluminae cũng là phương pháp thủy phân kim loại nhưng sử dụng axit thay cho chất kiềm. Loại axit được sử dụng là axit clohydric (HCl). Trong phương pháp Orbite Aluminae, axit được sử dụng để thủy phân quặng bô xit. Axit HCl có khả năng ăn mòn mọi thứ, kể cả bể chứa. Bởi vậy, người ta đã tiến hành phun một lớp lót thủy tinh lên thành các bể chứa (hay bể thủy phân). Đây là một công nghệ mới mà chỉ vài năm gần đây mới được ứng dụng. Lớp lót thủy tinh cho phép sử dụng axit mà không gây ảnh hưởng đến thiết bị.
Theo tính toán, với phương pháp Bayer chi phí sản xuất trung bình của ngành alumina 275 USD/tấn vào năm 2013 và 320 USD/tấn vào năm 2022. Với phương pháp Orbite Aluminae, chi phí sản xuất được ước tính vào khoảng 208 USD/tấn alumina, hiệu quả hơn nhiều.

Như vậy, với giá hiện hành, cộng thêm khoản thu từ việc bán các sản phẩm phụ, chỉ trong vòng một đến hai năm, bằng phương pháp này, Công ty sẽ thu hồi được vốn đầu tư ban đầu. Cũng theo ông Richard Boudreault, điều này không có nghĩa là Công ty bỏ qua nguồn thu từ phí đổ thải do các doanh nghiệp đổ thải bùn đỏ phải trả. Hiện các doanh nghiệp khai thác bô xit đang phải trả khoản chi phí này khá cao, từ 5 USD đến 50 USD/tấn bùn đỏ lưu giữ. Như vậy, phương pháp Orbite Aluminae sẽ giúp cho các doanh nghiệp khai thác và chế biến bô xit tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể thông qua việc cắt giảm phí bảo vệ môi trường.

Với công nghệ, tư duy và quản lý hiện nay, dự án bô xít Tây nguyên còn thua lỗ dài lâu, hậu quả khó lường. Sau sự kiện chặt cây ở thủ đô Hà Nội, lấn sông Đồng Nai là hai vết nhơ khó rửa, người dân yêu cầu những người có trách nhiệm về dự án bô xit Tây Nguyên vượt lên chính mình, báo cáo trung thực với Thủ tướng và Nhà nước về các con số “biết nói” của dự án.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official-20/1/2025

My Blog List