Hà Sĩ Phu
Thời gian chuẩn bị đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12, nhất là quanh
dịp Tết Ất Mùi là dịp để xã hội phơi bày rất nhiều những bê bối tồi tệ, nhiều
tác giả đã hệ thống lại và tìm nguyên nhân. Thực ra những bê bối ấy vẫn tiềm ẩn
thường trực trong xã hội lâu nay, không có gì mới lạ.
Trước những quốc nạn tham nhũng, mua quan bán chức, suy thoái đạo
đức, du côn xã hội đen, đàn áp nhân quyền và dân quyền, hèn với giặc ác với dân,
những lễ hội phản văn hóa, những “quốc sư, quốc phụ” tự phơi bày những điều tồi
tệ… người ta thường bào chữa bằng ngụy biện rằng những hiện tượng xấu xa ấy nước
nào chẳng có, thế là hòa cả làng chăng?
Đúng là không ở đâu có một xã hội lý tưởng, ở đâu cũng có tốt xấu
xen kẽ, nhưng nếu xã hội xây dựng được một “thang giá trị” tử tế để phân
định tốt xấu, có sức mạnh của chính quyền và dư luận xã hội đủ hiệu lực để diệt
ác khuyến thiện thì xã hội sẽ ổn định và tốt dần lên.
Nhưng nếu những nạn tiêu cực tiếp diễn triền miên một cách có hệ
thống, mặt xấu vẫn “ổn định”, ngày một trầm trọng thêm, mọi biện pháp tỏ
ra bất lực, đặc biệt là hiện tượng “lộn ngược giá trị”, những “giá
trị đỉnh cao” của chế độ thực chất chỉ tiêu biểu cho những điều thấp kém
nhất (như những tư liệu phơi bày về ông “quốc phụ” họ Nông và “quốc
sư anh hùng” họ Vũ vừa qua) thì căn nguyên bất thường ắt phải nằm sâu
trong nền tảng gốc rễ bất hợp lý của chế độ. Với thể chế Cộng sản, nguyên
nhân “lộn ngược giá trị” ấy đâu có khó gì mà chẳng nhận ra?.
Trở lại cội nguồn, chủ nghĩa Cộng sản quốc tế có thể ra đời và bành
trướng được suốt một thế kỷ trước khi tan rã là dựa trên cơn cuồng nộ và khát
vọng tự do của số đông bị áp bức bất công khi nền văn minh Tư bản bắt đầu tăng
tốc chưa được chế ngự. Song những người khởi xướng con đường Cộng sản đã xác
định nhầm nguyên nhân của áp bức bất công, từ đó dẫn đến những giải pháp
ngược, hoàn toàn ngược và hoàn toàn ảo tưởng. Ở những quốc gia mà chủ
nghĩa “độc quyền làm ngược” ấy thống trị, xã hội bị lộn ngược, con người bị lộn
trái để tất cả những mặt trái của nó nghênh ngang phô diễn và làm chủ xã hội.
1/ Lộn ngược xã hội
do vĩ cuồng trong nhận thức.
Đáng lẽ phải đón nhận sự bùng nổ của sản xuất đại công nghiệp, sự
tập trung đại tư bản, sự bùng nổ của tri thức, khoa học, của tự do cá nhân và sở
hữu, của tự do tư tưởng sáng tạo và ngôn luận…, đáng lẽ phải xây dựng một nền dân
chủ đa nguyên pháp trị gắn với tinh thần “nhà nước phúc lợi” để dung nạp, chế
ngự, điều hòa những tiến bộ văn minh ấy, giúp những giá trị ấy được phát huy để
nâng xã hội lên thì trào lưu Cộng sản lại coi tất cả những giá trị tiền phong
ấy là kẻ thù phải đạp xuống dưới chân của đám đông cuồng nộ, để khát
vọng của cái Búa cái Liềm được quyền xếp đặt lại nhân loại theo sự hiểu biết
chủ quan của mình! Bậc thang giá trị theo nguyên mẫu Cộng sản như vậy chính là
dựng mô hình “trồng cây chuối” ngược áp đặt lên xã hội, chà đạp lên
tất cả những giá trị tinh thần, và cướp trắng tất cả những giá trị vật chất đã
có trong xã hội.
Vô sản đã lên ngôi chuyên chính thì tất cả những gì là hữu
sản, vật chất cũng như tinh thần, chỉ còn là một bọn hạ đẳng, là đối tượng để
Vô sản tha hồ tước đoạt.
Những lớp Cộng sản đầu tiên đều coi Cách mạng Vô sản tháng Mười Nga
là ranh giới phân cách nhân loại, trước đó “Nhân loại chưa thành người”,
chỉ từ đó trở đi mới có “Con người” đích thực (thực ra thì ngược lại, dưới sự
nhào nặn cộng sản Con người bị mất hẳn tính người truyền thống, chỉ còn là
những Công cụ để thực hiện các nghị quyết của đảng Cộng sản, trong đó đảng viên
là Công cụ loại 1, quần chúng là Công cụ loại 2).
Trong trạng thái vĩ cuồng ấy,
ngọn cờ Búa Liềm chẳng cần kế thừa nền văn minh của cái nhân loại mà họ cho là
“chưa thành người”, nên đã cả gan tuyên bố “cách mạng Vô sản đoạn
tuyệt một cách triệt để nhất với các giá trị truyền thống”. Kết quả là nhân
tính bị thay bằng “phi nhân tính”, và toàn xã hội như một con người lộn ngược,
đầu chúc xuống đất để mơ thiên đường.
Có hiểu điều căn nguyên ấy mới giải thích được vì sao lại có chủ
trương “Trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ”, mới hiểu vì sao những
cử nhân tú tài Triều Nguyễn phải đốt hết sách vở, đem câu đối bào đi làm chuồng
lợn cầu ao để xóa nguồn gốc trí thức của mình, mới hiểu vì sao những trí thức
cũ khi được kết nạp đảng đã tuyên bố “rất vinh dự được đầu hàng giai
cấp cần lao”, mới hiểu vì sao họ đẻ ra “chỉ thị Z30, cứ gia đình nào có
nhà 2 tầng trở lên là mặc nhiên tịch thu tài sản”…
Trào lưu Cộng sản dấy lên từ ranh giới nghèo khổ và dốt nát nên càng
nghèo càng dốt càng được nâng lên cao, vượt cao trên ranh giới của sự nghèo và
dốt một chút là phải dập xuống, nên sinh ra những kẻ cơ hội tự “bôi đẹp” cho mình
rằng gia đình đã 3 đời làm mõ làng hoặc 3 đời chuyên gánh nước thuê để được đứng
trong hàng ngũ cốt cán. Xã hội cộng sản xếp nhân phẩm lộn ngược như người
“trồng cây chuối”, nếu nhân loại là dương bản thì nó là âm bản, như
thật và giả đối xứng ngược nhau qua mặt nước ao hồ, mọi quy luật của thế giới
thông thường đưa vào đây sẽ gây hiệu quả ngược lại hết.
2/ Tiếp tục lộn
ngược xã hội để bảo vệ lợi quyền.
Một xã hội lộn ngược giá trị tự nhiên như vậy đương nhiên không thể
kéo dài sự sống nếu không gắn bó trở lại với thế giới thông thường, khi ấy những
phi lý sẽ lộ diện và tự nhiên buộc phải thay đổi, nhưng một số phi lý cơ bản
vẫn cứ được bảo tồn, vì quá trình phi lý trước đó đã tạo ra một “lực lượng vật
chất”, lực lượng vật chất này chống lại sự thay đổi, vì nếu thay đổi hẳn thì họ
sẽ mất lợi quyền đã cướp được. Quá trình vận hành phi lý tuy đã gây
thiệt hại cho toàn xã hội nhưng ngược lại nó đã đem lại thành quả “đại thắng
lợi” cho một thế lực cầm quyền, đó là một thiểu số chóp bu trong đảng Cộng sản.
Thế lực này thừa biết tương lai sẽ thuộc về chân lý phổ quát của nhân loại, gian
trá sẽ bị lột trần, nên trong khi còn giữ quyền họ đã nhìn thấy trước nguy
cơ nên đã tranh thủ thiết kế thật nhanh những thiết chế để khóa chặt những mầm
mống sẽ gây thay đổi trong tương lai, đó là những điều luật, những tổ chức dân
sự trá hình và các loại kiêu binh.
Cơn ngu dại tập thể, cơn lên đồng tập thể qua đi, đa số đảng viên
thường và quần chúng dù mở được mắt, nhưng cũng chậm rồi, “Đồng chí – dao đã
nằm ém nhẹm dưới lòng tay và mọi ngả đường đã giăng cạm bẫy!” như câu thơ
tả thực của Bùi Minh Quốc! Vâng, mọi nẻo đường đi đến Tự do đều đã có vệ
binh khóa chặt. (Đã đành không có gì tuyệt vọng vì Trời không đóng cửa mãi
với ai bao giờ, nhưng không thể không nhìn nhận một sự thật là cái Thiện đã chậm
hơn cái Ác một nước cờ sinh tử!). Nhân dân đã đẻ và nuôi dưỡng những đứa con
lực lưỡng của mình cho nó lớn lên để bảo vệ mình, chẳng dè nay nó trở mặt nói
thẳng không úp mở “Tao chỉ biết còn Đảng thì còn mình, tao đ… cần biết cái
gì khác, thế thôi”.
Đảng viên tử tế và dân chúng định XÂY DỰNG luật Mẹ
là Hiến pháp cho “ngon” để tự cứu, cũng là thiện ý muốn thể hiện vai trò chủ
nhân, nhưng ông Đảng trưởng nói thẳng vào mặt cho biết “Hiến pháp chẳng qua
cũng là cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng” mà thôi! (Thế mới biết khi đã
mất hết quyền thì trước hết ta phải CHỐNG đã rồi mới có quyền XÂY. “Xây” là vai
trò người chủ, nhưng câu tuyên bố rất “hiền” kia của ông Đảng trưởng thực chất
là lời răn đe “các anh hãy trở về vị trí của những ông chủ hờ, đừng thấy
tôi nói dân chủ mà tưởng minh là ông chủ thật là không xong đâu nhé!”).
3/ Vì sao phải sửa
tận gốc?
Thói quen ăn xổi và thích nghi vặt là nhược điểm gần như cố hữu của
người Việt, cả giới cai trị lẫn bị trị. Chỉ cốt sao bỏ tiền bỏ công ít nhất mà
“đạt yêu cầu” (thực ra là yêu cầu biểu kiến thôi), sai đâu sửa đấy, chắp vá, nên
chạm phải những vấn đề đòi hỏi công phu, phải thiết kế lại từ gốc thì né tránh,
trí trá cho qua, bế tắc vẫn còn nguyên hoặc chỉ biến dạng.
Cả một chế độ mà nền tảng cơ bản mọc ra từ ngu dốt vô học, vô văn
hóa, thực dụng, cướp vội, nhưng chỉ muốn tu sửa ở trên ngọn nên đến khi thấy cần
có học thức thì tạo bằng giả, bỗng dưng tiến sĩ giả bạt ngàn.
Theo thế giới làm
kinh tế thị trường, làm giàu, thì đi tắt thành đại gia bằng cách chiếm đất, bán
chữ ký, mua quan bán chức làm giàu, “dùng ngay chuyên chính vô sản để tích
lũy tư bản - HSP”, cho nên đại gia (hầu hết có gắn với quyền lực) mọc ra
như nấm mà sản xuất vẫn không phát triển (đến mức chưa làm nổi cái đinh ốc hoặc
cái vỏ điện thoại cho đúng tiêu chuẩn). Để tỏ ra tôn vinh truyền thống thì các
lễ hội văn hóa được khôi phục tràn lan, không có cũng nặn ra là có, thực hiện
một cách xô bồ, nhố nhăng, phản văn hóa, thậm chí man rợ…Tóm lại, từ thang
giá trị cây chuối lộn ngược nay ra vẻ trở về thang giá trị văn minh nhưng
không sửa từ gốc thì tất cả đều là giả hiệu: trí thức rởm, đại gia rởm, lễ hội
rởm…
Sự lộn ngược giá trị xảy ra ngay trong nội bộ ĐCS. Trong 3-4
triệu đảng viên vẫn có những người tử tế nhưng họ bất lực trong việc quyết định
phẩm chất của đảng mình. Sự tuyển lựa lãnh đạo từ thấp lên cao toàn là những
công đoạn “lọc ngược”, lọc bỏ những yếu tố tốt, lọc lấy cái xấu để tiếp tục đưa
lên. Cứ thế lên trên cùng thì kết quả là gì? Cao nhất là vai Tổng Bí thư, hãy
xem những TBT Nguyễn Văn Linh, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng…
là kết tinh của những phẩm chất gì thì đủ hiểu kết quả của chuỗi lọc ngược ngay
trong Đảng. Sự sàng lọc giá trị trong toàn xã hội cũng theo đó mà diễn ra, cuối
cùng là “cả một thời đểu cáng đã lên ngôi” (thơ BMQ). Đểu cáng lên ngôi
trị vì mọi tinh hoa biến thành “thù địch” hết.
Ăn xổi mãi không được nữa rồi! Xã hội đã mục ruỗng cần được thiết
kế lại từ gốc.
Gốc là từ đâu? Hãy lấy gốc từ năm 1945. Trước 1945 Việt Nam là một
nước phong kiến nông nghiệp lạc hậu, Bắc thuộc hơn 1000 năm, Pháp thuộc 80 năm,
chinh chiến liên miên, là một nước chậm tiến so với thế giới. Nhưng đại chiến
thế giới thứ 2 kết thúc là một dấu mốc quyết định. Pháp bị Nhật đánh bại, Nhật
lại bị đồng minh đánh bại. Cơ hội độc lập đã nắm trong tay, dù bất cứ biến đổi
kiểu nào (thậm chí có tạm nằm trong khối liên hiệp Pháp, liên hiệp Anh Mỹ gì đó
chăng nữa) thì trước sau Việt Nam cũng vẫn độc lập. Tấm gương các nước cùng trình
độ trong vùng chứng minh điều đó.
Nhưng chẳng may, đúng lúc ấy cái hào quang bánh vẽ tẩm chất độc là
Chủ nghĩa Cộng sản đang dịp khoa trương và mê hoặc, khiến một bộ phận của thế giới
u mê thèm khát. Lòng yêu nước mãnh liệt nhưng thô sơ, cộng với khát vọng đổi
đời thiển cận của dân cày, cộng với một “con số không tròn trĩnh” về giác ngộ
Dân chủ và Chính trị đã giúp cho cái xu thế bánh vẽ sai lầm thắng thế, là đi vào
con đường Cộng sản mà nhân vật Hồ Chí Minh là nhân vật trung tâm. Từ chỗ rẽ ấy
ngày càng đi xa khỏi con đường văn minh phổ quát và dẫn đến thảm họa mắc kẹt hôm
nay. Vậy sửa từ gốc là từ đâu?
3/ Hồ Chí Minh trong thời khắc “bẻ ghi” của Dân tộc.
Từ tình hình như trên, nhiều ý kiến cho rằng: Thế thì ta làm lại
“từ đầu” là từ khi Hồ Chí Minh cầm quyền, đánh dấu bằng Cách nạng Tháng 8 và Hiến
pháp 1946, từ đó mà đi tiếp, nhưng không (dại dột) đi vào quỹ đạo Cộng sản nữa,
không theo Mác-Lê, chỉ theo “Bác Hồ”, chấp nhận dân chủ đa nguyên đa đảng, thế
là hòa nhập rất ổn thỏa vào văn minh nhân loại, vẹn cả đôi đường!
Nhưng hãy xem lại, phương án Thoát Cộng ấy có tương lai không? Quỹ
đạo Cộng sản ở Việt Nam như một tuyến đường sắt đã được “bẻ ghi” tách khỏi con
đường văn minh phổ quát chính là từ 1945. Trên con đường đã bẻ ghi đó, trưởng
tàu là Hồ Chí Minh. Nay trở về năm 1945-46 nhưng vẫn ngồi trên con tàu HCM thì
kết quả quỹ đạo nào có khác chi? ( mặc dù ở chỗ bẻ ghi đó HCM vẫn đứng khá gần
với con đường chung, đương nhiên ). Nói một cách hình ảnh, trở về điểm rẽ
năm 1945-46 nhưng phải chuyển tàu, chuyển sang con tàu khác - thực sự
chạy theo hướng của Dân tộc và Thời đại, chứ không phải con tàu HCM, thì mới
trở về được con đường chung.
Ở đây cần dừng đôi chút về HCM, vì liên quan đến khúc rẽ quan trọng.
Tạm gác những chuyện về nguồn gốc và phẩm chất cá nhân, dù có thể rất quan
trọng, nhưng trước hết hãy bàn về việc xác định con đường. Điều nực cười là những
người Cộng sản cố bám lấy nhân vật này nhưng một mặt bảo HCM không phải người
Cộng sản, chỉ mượn Cộng sản làm con đường để thực hiện mục đích Dân tộc của
mình, một mặt lại bảo linh hồn của Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết hợp chủ nghĩa
Yêu nước với chủ nghĩa Xã hội, nghĩa là muốn phát triển đất nước phải
đi theo con đường Cộng sản! HCM chẳng những rành rành là Cộng sản mà còn nằm
trong danh sách những tên trùm diệt chủng tàn ác nhất thế kỷ 20 (dailymail.co.uk/home/moslive/article-2091670).
- HCM chẳng những là CS mà còn là CS gắn chặt với Trung Cộng, khiến
cho nguy cơ Bắc thuộc mới rất khó gỡ ra, dùng hình tượng HCM để mong Thoát Trung
thì thật ngược đời.
- HCM chẳng những là CS như Stalin và Mao mà còn “trên tài” Xít và
Mao về khả năng độc tài toàn trị (totalitarianist) vì độc
tài mà không mấy khi phải dùng đến vũ lực lộ liễu như những kẻ độc tài chuyên
chế hay độc tài quyền uy (authoritarianist). Muốn chống Toàn trị mà đứng dưới
cờ một ông “vua toàn trị” thì chỉ cầm chắc phần thua.
- Viện cớ trong di chúc không nói tới chủ nghĩa Xã hội chứng tỏ HCM
không phải CS thật khó thuyết phục khi chính HCM tự nhận là mình có thể sai lầm
chứ 2 ông Mao và Xít thì không thể sai. Đến phút lâm chung còn lo cho sự mất đoàn
kết giữa 2 đảng CS lớn và mong sẽ gặp các ông trùm CS ở thế giới bên kia, thật
không hổ danh là người CS từ năm 1920 và trung thành với chủ nghĩa CS cho đến
chết.
- Muốn đoàn kết toàn dân 90 triệu để Thoát Cộng và Thoát Trung mà
giương ngọn cờ HCM thì e thất sách vì “ông cụ” vừa là nhân tố đoàn kết của một
số người, vừa là nhân tố gây chia rẽ, dị ứng cho non nửa dân số, nhất là ở miền
Nam và “khúc ruột ngàn dậm” hải ngoại. (Và coi chừng nhân vật HCM có thể là “sinh
tử phù” mà Trung Cộng còn để dành để cuối cùng sẽ tung một một chưởng là Việt
Nam chết tươi!). Vậy dù có dùng thần tượng HCM như một kế sách, một mẹo để lôi
cuốn hoặc tự vệ thì cũng đầy bất trắc.
Kết luận
Tóm lại, Cách mạng Vô sản đã làm một cuộc lật ngược, trong đó sự
lật ngược về chính trị và kinh tế là dễ thấy nhưng chưa nguy hại bằng cuộc
lật ngược về văn hóa, làm cho xã hội Việt Nam bị bật gốc, như cây chuối chổng
vó lên trời, để những giá trị cặn bã lên ngôi. Trong thang giá trị
chính thống ngược ấy những nhân tố thức tỉnh tiến bộ muốn đổi mới khó lòng phát
huy, những tấm gương Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch, Trần Độ, Võ Văn Kiệt… là
những ví dụ.
Nếu trong cuộc Thoát Trung chủ yếu phải thoát về Chính
trị thì trong cuộc Thoát Cộng một cách ôn hòa trước hết phải thoát
từ Văn hóa, thứ “Văn hóa Vô sản” ngoại nhập. Cái gọi là “Văn hóa Đảng”
vừa mất gốc truyền thống vừa xa lạ với thế giới văn minh nên “chân không đến
đất, cật không đến trời” lửng lơ trôi nổi không điểm tựa, như một nền Văn hóa
bị mất chuẩn, loạng choạng mất điều khiển như vừa qua là lẽ đương nhiên.
Hãy đảo lại thang giá trị hiện hành, trả lại cho đời những giá trị
đích thực, mạnh dạn từ bỏ những giá trị giả! Nhà nước cũng đã bắt đầu nhận
thấy điều nguy hiểm và muốn sửa, nhưng vấn đề là phải sửa từ gốc như
trên đã phân tích, và phải thật thà.
Tham vọng cũng tốt thôi, nhưng tham vọng phải đi đôi với thực chất,
nên xin nói đôi lời về cái sự “Muốn”: Không có thứ hàng hóa gì
lại “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”, muốn “đi tắt đón đầu”
trước hết phải có cái gốc vững chãi. Muốn có giá trị phải trả
giá, trả giá cho những lầm lạc khổng lồ không thể không đau! Muốn
ôm ghế Cộng sản lại muốn văn minh? Không được đâu, đơn giản là vì
không có nước Cộng sản nào lại văn minh cả!
H.S.P. (8/3/2015)
No comments:
Post a Comment