Nhà nước yếu
kém khiến đất nước nghèo
Angus Deaton
Biên
dịch: Nguyễn Huy Hoàng
Hiệu
đính: Lê
Hồng Hiệp
Ở Scotland, tôi lớn lên với suy nghĩ về cảnh sát như những người
bạn có thể nhờ giúp đỡ khi cần. Cứ tưởng tượng xem tôi đã ngạc nhiên đến thế nào
khi trong chuyến đi đầu tiên tới Mỹ năm 19 tuổi, tôi được đón tiếp bằng cả một
tràng quát tháo tục tĩu từ một viên cảnh sát New York đang điều khiển giao
thông ở Quảng trường Thời đại khi tôi hỏi anh ta đường đến bưu điện gần nhất.
Trong cơn bối rối sau đó, tôi đã bỏ tài liệu khẩn của sếp vào một thùng rác mà
tôi cứ ngỡ là hòm thư.
Người châu Âu có xu hướng nhìn nhận về chính phủ của mình tích cực
hơn so với người Mỹ, những người mà với họ thì sự thất bại và mất lòng dân của
các chính trị gia liên bang, tiểu bang, và địa phương là chuyện thường tình.
Nhưng cũng chính những cấp chính quyền khác nhau đó của người Mỹ đã thu thuế
và, đổi lại, cung cấp những dịch vụ mà nếu không có chúng thì người dân không
thể có được một cuộc sống dễ dàng.
Cũng như nhiều công dân của các nước giàu, người Mỹ coi hệ thống
pháp lý và hành chính, các trường công lập, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và an sinh
xã hội cho người già; hệ thống đường sá, quốc phòng và ngoại giao, và các khoản
đầu tư lớn của nhà nước cho nghiên cứu, nhất là trong y học, là lẽ đương nhiên.
Chắc chắn, không phải tất cả những dịch vụ đó đều tốt như mong đợi, hoặc được
tất cả mọi người đánh giá cao như nhau; nhưng người dân đa phần vẫn nộp thuế,
và nếu tiền của họ bị chi tiêu một cách không làm hài lòng một số người thì một
cuộc tranh luận công khai sống động sẽ diễn ra, và rồi các cuộc bầu cử định kỳ
cho phép người dân thay đổi các ưu tiên của họ.
Tất cả những điều kể trên là rất rõ ràng đến nỗi gần như không cần
phải nói ra – ít nhất là với những ai đang sống ở các nước giàu với một chính
phủ hiệu quả. Nhưng với phần lớn dân số thế giới thì không phải vậy.
Ở phần lớn châu Phi và châu Á, các nhà nước thiếu năng lực để thu thuế
và cung cấp dịch vụ (hiệu quả).
Khế ước giữa chính phủ và người dân – vốn không
hoàn hảo ở các nước giàu – thường hoàn toàn vắng bóng ở các nước nghèo. Cảnh
sát New York quả là bất lịch sự (và bận rộn hoàn thành nhiệm vụ); nhưng ở nhiều
nước trên thế giới, cảnh sát đang cưỡi lên đầu những người mà đáng ra họ phải
bảo vệ, bòn rút tiền của của họ hoặc hành hạ họ thay mặt những ông chủ quyền
lực của mình.
Ngay cả ở một nước thu nhập trung bình như Ấn Độ, các trường công
lập và các bệnh viện công cũng đang phải đối mặt với hàng loạt sự thiếu trách
nhiệm (mà không bị trừng phạt). Các bác sĩ tư cung cấp cho mọi người những gì
(họ nghĩ là) người dân muốn – tiêm thuốc, truyền tĩnh mạch, và kháng sinh –
nhưng nhà nước không quản lý các bác sĩ tư, rất nhiều người trong số đó đang
hành nghề mà hoàn toàn không đủ tiêu chuẩn.
Trên khắp các nước đang phát triển, trẻ em tử vong vì chúng được
sinh ra sai chỗ – không phải do những căn bệnh quái ác vô phương cứu chữa, mà
là do những bệnh nhi phổ biến mà chúng ta đã biết cách điều trị từ gần một thế
kỷ nay. Nếu không có một nhà nước có khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức
khỏe bà mẹ và trẻ em thường xuyên, đám trẻ đó sẽ tiếp tục chết.
Tương tự, nếu chính phủ không có năng lực, việc đưa ra và thực thi
các quy định sẽ không có hiệu quả, từ đó các doanh nghiệp sẽ khó hoạt động. Nếu
không có các tòa án dân sự hoạt động đúng chức năng, sẽ không có gì đảm bảo các
doanh nhân sáng tạo có thể gặt hái được thành quả từ những ý tưởng của mình.
Sự thiếu vắng năng lực nhà nước – nghĩa là thiếu những dịch vụ và
sự bảo hộ mà người dân ở các nước giàu coi là lẽ đương nhiên – là một trong những
nguyên nhân chính gây ra nghèo đói và thiếu thốn trên thế giới. Nếu không có
các nhà nước hiệu quả cùng làm việc với các công dân tham gia tích cực, sẽ có
rất ít cơ hội cho sự phát triển vốn cần thiết để xóa bỏ nghèo đói trên toàn
cầu.
Thật không may, các nước giàu của thế giới đang làm mọi thứ trở
nên tồi tệ hơn. Viện trợ nước ngoài – các khoản chuyển giao ngân sách từ các nước
giàu sang nước nghèo – đáng được ghi nhận, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc
sức khỏe, với nhiều người đang sống ngày nay sẽ chết nếu không có nó. Nhưng
viện trợ nước ngoài cũng làm suy yếu sự phát triển của năng lực nhà nước địa
phương.
Điều này thể hiện rõ nhất ở các nước – chủ yếu ở châu Phi – nơi
chính phủ nhận được viện trợ trực tiếp và các dòng viện trợ là tương đối lớn so
với chi tiêu ngân sách (thường là nhiều hơn một nửa tổng chi).
Những chính phủ
như vậy không cần một bản khế ước với công dân của họ, không quốc hội, không có
cả hệ thống thu thuế. Nếu họ có trách nhiệm với bất cứ ai, thì đó là những nhà
tài trợ; nhưng ngay cả điều này cũng thất bại trong thực tế, bởi những nhà tài
trợ, dưới áp lực từ công dân của chính họ (những người muốn giúp đỡ người nghèo
một cách chính đáng), cũng cần giải ngân tiền hệt như chính phủ các nước nghèo
cần nhận nó, nếu không nói là nhiều hơn.
Nếu bỏ qua các chính phủ và trao viện trợ trực tiếp đến tay người nghèo
thì sao? Chắc chắn, những tác động tức thì nhiều khả năng sẽ tốt hơn, nhất là ở
những nước nơi viện trợ liên chính phủ rất ít tới tay người nghèo. Và chỉ cần
một khoản tiền nhỏ đến kinh ngạc – khoảng 0,15 USD/ngày từ mỗi người lớn ở các
nước giàu – là đủ để đưa tất cả mọi người lên ít nhất là ngưỡng nghèo cùng cực,
tức 1 USD/ngày.
Nhưng đây không phải là giải pháp. Người dân nghèo cần
chính phủ để dẫn dắt họ tới một cuộc sống tốt hơn; đưa chính phủ ra khỏi vòng tròn
tương tác có thể cải thiện tình hình trong ngắn hạn, nhưng như vậy các vấn đề
nền tảng vẫn chưa được giải quyết. Dịch vụ y tế của các nước nghèo không thể
mãi hoạt động từ nguồn vốn nước ngoài. Viện trợ làm suy yếu những gì người
nghèo cần nhất: một chính phủ hiệu quả cùng làm việc với họ cho ngày hôm nay và
cho mai sau.
Một điều mà chúng ta (người dân các nước giàu) có
thể làm là vận động chính phủ thôi làm những điều khiến các nước
nghèo khó khăn hơn trong việc thoát nghèo. Giảm viện trợ là một cách, nhưng
cũng cần hạn chế buôn bán vũ khí, cải thiện các chính sách thương mại và trợ
cấp của các nước giàu, cung cấp tư vấn kỹ thuật không ràng buộc với viện trợ,
và phát triển những loại thuốc tốt hơn cho các căn bệnh không ảnh hưởng tới
người giàu. Chúng ta không thể giúp người nghèo bằng cách khiến chính phủ vốn
đã yếu của họ trở nên yếu hơn.
A.D.
Chú
thích:Angus Deaton, chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm
2015, là Giáo sư ngành Kinh tế và các vấn đề quốc tế tại Viện Đại học
Princeton, Hoa Kỳ. Ông là tác giả cuốn The Great Escape: Health, Wealth, and the Origins of Inequality.
|
|||||||
|
|
|
|
|
|
|
|
Nguồn: Angus Deaton, “Weak States, Poor Countries,” Project Syndicate, 24/09/2013. Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp Ở Scotland, tôi lớn lên ...
|
|||||||
|
Aperçu par Yahoo
|
||||||
|
|||||||
__._,_.___
No comments:
Post a Comment