Việt Nam






Friday, 22 January 2016

Tháng Giêng năm cũ và tháng Giêng năm nay



 
Tháng Giêng năm cũ và tháng Giêng năm nay 

Phạm Chí Dũng
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.
Chuỗi điềm gở như đang tỉnh thức sau cơn mộng du đêm trường Trung cổ. 

Những năm gần đây, tháng Giêng thường chẳng mấy tốt vận với đảng Cộng sản cùng giới quan chức quen thì thụt nơi chùa Bái Đính Ninh Bình. Trong nồi áp suất mà lúc nào cũng chực chờ “Minsky” đòi nợ chính trị lẫn thanh toán chính thể, mọi bùng nổ có vay có trả ở điểm tới hạn chỉ còn là thời gian.

Phạm Quý Ngọ, Nguyễn Bá Thanh, Phùng Quang Thanh, và rồi còn những cái tên nữa được chôn sâu dưới vực xoáy lịch sử - như chứng nhân về buổi hoàng hôn nghiệt ngã nhân quả của triều đại đi dễ về khó.

Mùa xuân năm 2013 nồng nồng vị mặn của biển, nhiều trí thức có quan điểm độc lập và cả những trí thức vẫn còn giữ mối quan hệ cận kề với đảng đã bùng lên con sóng “Kiến nghị 72”. Sau cuộc chính biến ở Liên Xô và Đông Âu những năm 1990, lần đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện một phong trào có tính quy mô về phản đối điều 4 độc đảng trong Hiến pháp. Cách nào đó, có thể quy chiếu làn sóng này về phong trào đòi dân chủ của Viện sĩ Sakharov ở Liên Xô vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước.

Mùa xuân năm 2015 giá lạnh bất thường, Hội nghị Trung ương 10 của đảng cầm quyền tại Việt Nam trôi dạt với độ trễ muộn đến 3 tháng. Sân khấu chính trị vào cảnh đoạn này được ước lệ bởi hai vai chính: Nguyễn Bá Thanh và Nguyễn Tấn Dũng. Một người chợt tìm hồn nơi chín suối, còn người kia bất thần vọt lên đỉnh cao quyền lực.

Rất có thể “đỉnh” của Thủ tướng Dũng đã được lập vào mùa xuân năm 2015. Nhưng không một kẻ dù thâm sâu tính toán đến đâu lại có thể tọc mạch về bản chất và những tính toán của cuộc đời. Chỉ một năm sau, mùa xuân năm 2016, Nguyễn Tấn Dũng bị hụp xuống vực sâu nguy biến. Những gì mà Nguyễn Bá Thanh thều thào “Tau khỏe mà, có chi mô…” trên giường bệnh khi mới được đưa từ Mỹ về Đà Nẵng đã nói thay cho tâm tưởng khốn cùng của giới quan chức còn sống sót sau ông ta.

Lại một mùa xuân nữa, cái tháng Giêng khắc nghiệt đối với đảng Cộng sản. Mùa xuân Praha 1968 đang ứng hiện vào bức tranh đỏ phếch loang lổ của chính thể Việt Nam. Nhưng không phải là tiếng xích xe tăng đay nghiến thót tim những đường phố cổ xưa ở Tiệp Khắc, mà bây giờ là tiếng lòng dân đang bừng bừng sôi sục. Dù Đại hội XII của đảng cầm quyền ở Việt Nam có kết thúc bằng những cái tên và danh hiệu thần thánh nào, mầm mống bạo loạn trong dân chúng cũng đã nung chảy, chỉ còn chờ ngày “thép đã tôi thế đấy”

Nếu không thay đổi, và nếu không thay đổi gấp rút đến mức có thể, vấn đề cuối cùng chỉ còn là cái chết sẽ dành cho ai.
Nguyễn Tấn Dũng không phải là một nhà lãnh đạo mang chủ kiến dân chủ. Nếu ông bại trận chính trị, đó cũng là một sự thất bại bởi nhân sinh quan quá gần tài lộc nhưng quá xa dân.

Song rất nhiều quan chức cao cấp của đảng Cộng sản cũng chẳng khá gì hơn. Họ vẫn chưa ngộ ra bản chất lịch sử từ những cái chết bị xem là còn lâu mới toàn vẹn của Thứ trưởng công an Phạm Quý Ngọ vào mùa xuân năm 2014 và Trưởng ban nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh vào mùa xuân năm 2015.
Tất cả đều dẫn đến tuyệt diệt nếu con người không nhận ra được mình đứng ở đâu trong cái xã hội chỉ còn chờ phát điên này.

Có lẽ Nguyễn Tấn Dũng là một trong những chính khách thành công nhất, nhưng cũng vì thế đã hãnh tiến, chủ quan khinh địch và ảo tưởng nhất trong lịch sử đảng. Nếu ông đã vượt qua Hội nghị Trung ương 6 vào cuối năm 2012 bằng con số lên đến hơn 70% số ủy viên Trung ương phủ quyết ý định đảng kỷ luật ông, đã trở thành nhân vật được coi là có chỉ số thăm dò tín nhiệm cao nhất trong đảng vào mùa xuân năm 2015, thì thói quan liêu và tự say mê mình trong men say chiến thắng đã khiến ông quên bẵng một văn bản chết người của đảng: Quyết định 244.

Nếu Nguyễn Tấn Dũng phải ra đi sau Đại hội đảng XII, đó sẽ là một trong những bài học vĩ đại nhất về kinh nghiệm sụp đổ của một “tượng đài”. Giành khá nhiều lợi thế về quyền lực và các nhóm thân hữu, cùng “Tiền, tiền, tiền, tiền, tiền!...” như một tán thán từ khủng khiếp trong vở kịch “Tất cả đều có con tôi” của kịch tác gia cổ điển người Mỹ Arthur Miller, Thủ tướng Dũng đã bị những người đồng chí của ông chôn chặt vào căn nhà hầm có tên “Tổ chức Trung ương” của đảng bằng quy định không cho ông được nhận đề cử từ một số ủy viên có vẻ còn trung thành với ông, nếu việc đề cử đó nằm ngoài danh sách của “tập thể Bộ Chính trị”.
Nguyễn Bá Thanh cũng đã từng tự tin như thế. Nhân vật đã từng đi vào lịch sử phiếm luận Việt Nam với ca từ “bắt liền, hốt liền!” đã như không ý thức được trời cao đất dày ở thủ đô Ngàn năm văn hiến là gì nữa.

Phúc cho kẻ nào không thấy mà tin. Thật tiếc là Thủ tướng Dũng lẫn những người đồng chí không đồng lòng của ông đã không thấy và cũng chẳng tin. Giữa cuộc tranh cãi đến mức hằn thù nhau của đám đông về chuyện thủ tướng theo Tàu hay theo Mỹ, một ý kiến lạc lõng vụt ra nhưng lại được nhớ dai: “Dũng chẳng theo ai. Dũng theo Dũng”.

Chủ nghĩa tôi mọi cho cá nhân mình đã biến giới chính khách thành những kẻ lầm lạc và tâm thần lang thang giữa sa mạc, đày đọa nhau đến tận lúc tất cả đều thẳng cẳng mới thôi.

Mùa xuân năm 2016, nội bộ đảng chưa bao giờ lạc điệu và tung tóe đến thế. Chưa bao giờ trong lịch sử tồn tại một cách thiếu chính danh và chẳng theo luật nào của mình, các đảng viên cộng sản cao cấp lại phải khai thác đến tận cùng từng tài liệu “lịch sử chính trị” và “chính trị hiện nay”, và hơn nữa phải nương nhờ vài trang mạng “phản động” để công kích và triệt hạ nhau đến vậy.

Bài học lớn nhất của lịch sử vẫn là con người đã không học được gì từ lịch sử. Từ nhiều mùa xuân trước, đã không thể nào tưởng tượng được “đảng ta” lại lộn ngược đến mức này. Không gian trào lộng đã trở nên sâu cay lồng lộn đến mức “ngoảnh mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa / cả một thời đểu cáng đã lên ngôi” trong những vần thơ “phản loạn” của thi sĩ Bùi Minh Quốc cách đây đến vài chục năm.

Tất cả đều bần bật rung lên tiếng chuông báo hiệu hồi cáo chung của một triều đại đã tồn tại lâu quá mức thực tiễn.

Chính quyền Xô viết đã hoàn tất giai đoạn lịch sử quá khổ của nó bằng con số 72 năm tồn tại, tính từ 1917. Còn nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam lại đang bước vào năm thứ 71, tính từ 1945.

71 năm sau, 19/1/2016, chỉ một ngày trước khi khai mạc Đại hội XII của đảng còn đang cầm quyền, Cụ Rùa Hồ Gươm đột ngột từ trần. Cả nước xôn xao. Lẽ nào nguyên khí quốc gia đã chấm hết?
Có “12”, nhưng sẽ khó, quá khó để còn “13”.


__._,_.___

Posted by: truc nguyen 

No comments:

Post a Comment

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official-20/1/2025

My Blog List