Việt Nam






Wednesday, 6 January 2016

Viết tiếp theo ông Vũ Ngọc Hoàng “Hiến kế kiểm soát quyền lực”

 

Viết tiếp theo ông Vũ Ngọc Hoàng “Hiến kế kiểm soát quyền lực”

Trần Quí Cao

Ngày 01/01/2016, báo VietnamNet đăng bài “Ủy viên Trung ương Đảng hiến kế kiểm soát quyền lực”, bài viết đầu năm 2016 của ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương (http://m.vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/281910/uy-vien-trung-uong-dang-hien-ke-kiem-soat-quyen-luc.html)

Bài viết đề nghị “Khẩn trương nghiên cứu để sớm có các bước đi phù hợp, cụ thể, tích cực nhằm đổi mới về chính trị, như việc kiểm soát quyền lực bằng quyền lực nhà nước, bằng cơ chế dân chủ, thông tin đại chúng và tự do ngôn luận, đổi mới quản lý nhà nước và phương thức lãnh đạo của Đảng,…”

Trong khi hoan nghênh đoạn văn trích dẫn trên, tôi xin có góp thêm ý kiến dưới từng đề mục của bài viết như dưới đây:

Mục “Nhìn thẳng sự thật” và “lắng nghe thực tiễn”
Không thể “nhìn thẳng vào sự thậtlắng nghe thực tiễn” nếu không có các biện pháp, phương pháp cần thiết để nhìn thẳng và lắng nghe.

Sự thật và thực tiễn có tính khách quan, không phụ thuộc vào một phe đảng hay một nhóm người riêng lẻ nào. Để tìm hiểu sự thật, tiệm cận sự thật, thông tin sự thật, thăm dò dư luận và công bố kết quả thăm dò… xã hội nhất thiết cần phải có báo chí tư nhân và các viện nghiên cứu, thăm dò xã hội độc lập. Không có một tổ chức, cơ quan thứ ba thì không thể “nhìn thẳng vào sự thật và lắng nghe thực tiễn” được. 

Nếu các “sự thật và thực tiễn” được công bố bởi chính quyền hay một đảng độc tài thì dân chúng cũng không tin đó là sự thật, và chắc chắn rất nhiều những “sự thật và thực tiễn đó” được bóp méo hay tạo dựng nên phục vụ ý đồ của phe đảng.

Vậy thì, để lời nói đi đôi với việc làm, xã hội Việt Nam nhất thiết phải có báo chí tư nhân và các viện nghiên cứu thăm dò xã hội độc lập.

Mục “Tư duy về giữ nước
Giữ nước không thể tách rời với phát triển đất nước. Trong đó phát triển đất nước là chính, là mục tiêu xa hơn, lớn hơn. Giữ nước có mục tiêu gần hơn, là để bảo vệ một đất nước phát triển, cụ thể là bảo vệ lãnh thổ và bảo vệ quyền sống, quyền làm ăn của dân chúng.

Một đất nước phát triển là một đất nước người dân có các quyền sống và các phương tiện sống cao so với tiêu chuẩn phổ quát của thế giới, của thời đại khiến người dân hài lòng. Người dân hài lòng thì mới yêu nó và mới giữ nó. Một đất nước không phát triển được thì không ai cần giữ, người dân bỏ nước ra đi.

Do đó, một chính quyền không phát triển được đất nước là một chính quyền không giữ được nước, hay nói cách khác, một chính quyền có tội ít hay nhiều trong việc làm mất nước, mất từng phần hay toàn thể, mất bây giờ hay trong tương lai.
Các bài học lịch sử gần và xa, của các quốc gia to và nhỏ cho thấy:
Kìm giữ đất nước trong chủ nghĩa xã hội, một chủ nghĩa đã bị thế giới vất bỏ, chính là ngăn cản sự phát triển đất nước và giữ nước.
Kìm giữ đất nước trong chính thể độc tài, toàn trị chính là ngăn cản sự phát triển đất nước và giữ nước.
Kìm giữ đất nước trong vòng ngu tối của xã hội độc nguyên chính là ngăn cản sự phát triển đất nước và giữ nước.
Vậy thì, để lời nói đi đôi với việc làm, xã hội Việt Nam nhất thiết phải thoát khỏi chính thể độc tài, độc đảng và toàn trị, phải ủng hộ và phát triển đa nguyên, phải thoát khỏi chủ nghĩa xã hội (cộng sản).

Mục “Đem lại lợi ích cho dân
Muốn biết một việc làm có mang lại lợi ích cho dân hay không cần phải hỏi ý dân. Hỏi ý dân trước khi làm, và hỏi ý dân sau khi làm để xem dân có hài lòng không.

Hỏi ý dân về các vấn đề quan trọng chính là trưng cần dân ý. Dân có đồng ý với sở hữu đất đai toàn dân không? Dân có đồng ý với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội không? Dân có đồng ý với điều 4 Hiến pháp không? Dân có muốn tổ chức tam quyền phân lập không? Dân có muốn tự do báo chí không? Dân có muốn tự do lập hội, lập đảng không không?…

Sau khi hỏi dân và làm theo ý dân rồi, cần thăm dò xem dân chúng có hài lòng với thành quả của việc làm không.
Các việc trưng cầu dân ý, thăm dò dân ý, không thể tiến hành một cách sòng phẳng và minh bạch trong một xã hội không có báo chí tư nhân và không có các viện nghiên cứu và thăm dò xã hội độc lập.

Ngoài ra, muốn đem lại lợi ích cho dân thì điều rất căn bản là dân phải là người chọn ra chính quyền. Muốn vậy thì phải có quyền tự do ứng cử và bầu cử, cùng với quyền lập hội lập đảng để mọi người dân có thể tham chính, thực thi các việc mang lại lợi ích cho chính mình.

Vậy thì, để lời nói đi đôi với việc làm, xã hội Việt Nam nhất thiết phải có các luật trưng cầu dân ý, có báo chí tư nhân, viện nghiên cứu và thăm dò xã hội độc lập, có quyền tự do lập hội, lập đảng, có quyền tự do ứng cử bầu cử…

Kiểm soát quyền lực
Kinh nghiệm người ông cha đã đúc kết: “Huyện bênh Huyện, Phủ bênh Phủ”. Dân chúng sẽ cho rằng: tất cả quyền hành đều nằm trong tay “anh em chúng nó” thì làm sao mà có công lý? Làm sao mà phát hiện, làm sao mà kiểm soát, mà ngặn chặn các gian dối?

Do đó, nói tới việc kiểm soát quyền lực thì, một cách đương nhiên, người có công tâm nghĩ ngay đến phân tách quyền lực, phân tách trách nhiệm. “Segregation of duties = Phân tách trách nhiệm” là một trong những nguyên tắc tổ chức căn bản của bất kỳ một cơ quan, một tổ chức, một quốc gia nào. Gần bốn trăm năm trước, các bài học này đã được đúc kết trong nguyên tắc Tam Quyền Phân Lập của việc tổ chức quốc gia. Một nguyên tắc hết sức công bằng, minh bạch và hiệu quả. Hiệu quả tới nỗi người ta xem Tam Quyền Phân Lập là một đặc trưng của quốc gia Dân Chủ.
Ngoài ra sự kiểm soát quyền lực còn nằm ở mức độ tối cao là toàn dân kiểm soát thông qua quyền ứng cử và bầu cử theo nhiệm kỳ. Việc ứng cử và bầu cử tự do có mục đích để dân chúng lựa chọn người lãnh đạo họ nghĩ rằng có đạo đức, có tài năng lèo lái quốc gia trong nhiệm kỳ. Sự kiểm soát này rất công tâm, vì nó thể hiện sự đánh giá nhà cầm quyền sau một nhiệm kỳ và chọn nhà cầm quyền mới.
Và các quốc gia dân chủ thực sự là các quốc gia tiến bộ nhất, văn minh nhất nếu xét trên tiêu chí GDP/đầu người hay tiêu chí tổng hợp.
Vậy thì, để lời nói đi đôi với việc làm, nước Việt Nam nhất thiết phải áp dụng cách tổ chức Tam Quyền Phân Lập. Không thể tập trung mọi quyền hành, quyền lực vào tay một đảng. Cũng không thể có một đảng lãnh đạo toàn diện đất nước.

TÓM LẠI:
Trong khi đồng ý với ông Vũ Ngọc Hoàng rằng “Chậm phát triển là có tội với tiền nhân, hậu thế” (và hơn thế nữa, với các thực tế đang xảy ra trên tổ quốc Việt Nam, chúng ta đã rất có tội với tiền nhân và hậu thế rồi!), tôi cũng đồng ý với ông rằng chính quyền Việt Nam, đảng Cộng sản Việt Nam cần tiến hành các việc sau:
Nhìn thẳng sự thật, thay đổi Tư duy về giữ nước, Lắng nghe thực tiễn, Đem lại lợi ích cho dân và Kiểm soát quyền lực.

Tuy nhiên các nội dung trên sẽ chỉ là trống rỗng, nếu chỉ có tuyên bố mong muốn mà không thiết lập một thể chế dân chủ đích thực trên đất nước. Trong thể chế đó, dân chúng phải có các quyền tự do căn bản như tự do lập hội lập đảng, tự do ứng cử, bầu cử, tự do ngôn luận, báo chí, và chính quyền phải được tổ chức theo nguyên tắc Tam Quyền Phân Lập.

Làm như vậy có nghĩa là trả lại cho dân chúng các quyền của dân chúng, và toàn dân Việt Nam cùng nhau tiến hành thực thi các việc nói trên. Một mình đảng Cộng sản Việt Nam không thể làm nổi các việc đó, trái lại cơ chế độc đảng, độc tài và toàn trị chỉ khiến đảng nhanh chóng biết thành một phe đảng cướp bóc tài sản của dân chúng, ngăn cản sự phát triển của đất nước, và bất lực trong việc giữ nước.

Mong rằng các đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam có thể biến đại hội sắp tới thành đại hội góp phần chuyển tổ quốc từ độc tài đảng trị sang tự do dân chủ.

Tr.Q.C
Tác giả gửi BVN



__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Featured post

Bản Tin buổi sáng-16/11/2024

My Blog List