Việt Nam






Monday, 25 January 2016

Quan chức “gây tiếng vang” nhờ nói ra điều ai cũng biết


Theo cách nhìn thực tiễn dân chủ chỉ là trò chơi nhằm phân chia quyền lực và quyền lợi giữa các nhóm có lợi ích khác nhau. Ở Việt Nam 70 năm qua vẫn là trò chơi kín giữa các thành viên trong Bộ Chính Trị...


__._,_.___

Posted by: Huyen Phan 

 

Quan chức “gây tiếng vang” nhờ nói ra điều ai cũng biết

Đoan Trang

Bài tham luận của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh gây chấn động dư luận, trước hết bắt nguồn từ “lề phải” (báo chí chính thống), sau đó lan sang truyền thông xã hội. Báo Pháp luật TP.HCM đánh giá đó là bài phát biểu “tâm huyết, thẳng thắn”. VietNamNet mô tả là Bộ trưởng “dốc ruột trước Đại hội”.

Người cộng sản Trung Quốc và Việt Nam hay có kiểu ghép số vào chữ cho thành công thức, ví dụ “ba phe bốn mâu thuẫn”, “năm dòng thác cách mạng”, “ba sẵn sàng”, “ba đảm đang”, v.v. Có thể không liên quan gì đến “truyền thống” này, nhưng bài tham luận của Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cũng đưa ra “ba trụ cột, sáu mũi chuyển đổi lớn”.

Chúng ta hãy thử nhìn lại “ba trụ cột, sáu mũi chuyển đổi lớn” mà ông Vinh đề cập đến:
Ba trụ cột:
1. Thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bền vững về môi trường;
2. Công bằng trong hội nhập xã hội, hay bình đẳng cho mọi người;
3. Nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước
Sáu mũi chuyển đổi lớn:
1. Xây dựng nhà nước pháp quyền hiện đại với nền KTTT đầy đủ và XH dân chủ phát triển ở trình độ cao;
2. Thúc đẩy hiện đại hóa nền kinh tế song hành với nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân;
3. Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực tư nhân làm trung tâm;
4. Bảo đảm công bằng XH cho các nhóm yếu thế và thúc đẩy XH trung lưu phát triển;
5. Phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng chống chịu biến đổi khí hậu;
6. Gia tăng mật độ kinh tế trong quá trình đô thị hóa và tăng cường tính kết nối giữa các thành phố và vùng lân cận.
Thành thực mà nhận xét, thì cả “ba trụ cột” và “sáu mũi chuyển đổi lớn” mà Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đưa ra đều… không có gì mới. 

Nó là những điều mà vô vàn người Việt Nam – trong nước và nước ngoài, học giả và blogger đấu tranh – đều đã nói và viết rải rác ở vô số nơi rồi, kể cả trên mạng lẫn ngoài đời, trên báo chí chính thống lẫn blog, và đủ thể loại ấn phẩm, hội thảo, diễn đàn… thậm chí kể cả chém gió ở cafe vỉa hè, quán cóc.

Chẳng có gì mới cả.
Đơn cử là ngay từ năm 2000, nghĩa là cách đây 16 năm, ông Nguyễn Gia Kiểng trong tác phẩm Tổ quốc ăn năn đã viết: “Một khi đã chấp nhận kinh tế thị trường, nhà nước chỉ còn rất ít việc phải làm vì mọi chọn lựa đều giản dị và rõ rệt, hầu như bắt buộc: phải khuyến khích sản xuất, nội thương, ngoại thương; phải giản dị hóa công việc của doanh nhân, phải có thông tin kinh tế chính xác và kịp thời; phải cố gắng trải đều hoạt động kinh tế trên khắp lãnh thổ thay vì tập trung vào một số địa phương… Và nhà nước càng làm ít chừng nào càng tốt chừng ấy… Vai trò của nhà nước là vai trò của một trọng tài, bảo đảm pháp luật, trật tự và an ninh, diệt trừ tham nhũng và tạo những quan hệ ngoại giao tốt đẹp…”.

Năm 2008, một nhóm giáo sư và chuyên gia thuộc Đại học Harvard cũng đã công bố một báo cáo về Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam 2010-2020, được biết đến với cái tựa đề tương đối nổi tiếng, “Lựa chọn thành công”. 

Ba trụ cột, sáu mũi chuyển đổi lớn mà Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đưa ra ngày hôm nay không hoàn toàn trùng khớp với báo cáo ấy, nhưng cũng bàng bạc, phảng phất trong đó.

Báo cáo không được đăng tải, không được bình luận trên báo chí trong nước, và những khuyến nghị của nó (bao trùm lên “sáu mũi chuyển đổi lớn” của ông Vinh) cũng chưa từng được thực hiện.
* * *
Tóm lại, những nội dung mà Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh đưa ra trong bài tham luận gây “bão mạng”, về bản chất không có gì mới. Nó không có gì là sáng kiến của ông Vinh, càng không phải sáng kiến của đảng Cộng sản. 

Nhiều người đã đề cập đến nó nhiều lần, ở nhiều nơi rồi, chỉ khác là người ta không có cơ hội để biến nó thành một bài tham luận trình bày trước Đại hội Đảng mà thôi.

Vậy mà nó gây bão dư luận, nó được khen là “tâm huyết, thẳng thắn”. Đó chỉ có thể là bởi vì: Đảng Cộng sản Việt Nam đã quá quen sống trong sự dối trá và dốt nát, nên chỉ cần nghe một ý kiến từ bên trong, bàn về những việc rất căn bản và bình thường mà một nhà nước phải làm được, cũng thấy… bão. Cái nguy là không chỉ đảng Cộng sản mà cả xã hội này cũng thế, cũng mê đi vì một bài tham luận “có vẻ đúng”.

Đạo diễn Trần Văn Thủy (tác giả của hai phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế”) từng nói: “Đổi Mới (năm 1986) chẳng qua chỉ là sự trở lại với những giá trị bị lãng quên”.

Còn bây giờ, năm 2016, nếu chính quyền Việt Nam thực hiện “sáu mũi chuyển đổi lớn” mà ông Bùi Quang Vinh nêu ra, thì đó chỉ là sự trở lại với những điều bình thường của thế giới tiến bộ.

Đ.T.



Mong ông Vinh nói đi đôi với làm

LS Trần Vũ Hải

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh đã trở thành nhân vật trên Đại hội 12 lẫn trên báo chí và mạng xã hội. Ông có bài phát biểu thẳng thắn về thực trạng Việt Nam và đòi hỏi phải cải cách thể chế chính trị “70 năm vẫn giữ nguyên”. Nhiều người đã tung hô ông Vinh về nhiều nội dung ông phát biểu. Tôi tán thành cơ bản, nhưng xin có một số ý kiến sau đây nhắn ông Vinh:
1.  Ông thuộc mẫu người nói được, làm được. 12 năm làm lãnh đạo tỉnh Lào Cai (1999-2010), ông đã góp phần đưa tỉnh giáp biên miền núi phía Bắc thành một trong vài điểm sáng hiếm hoi về phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam. Sau khi nhận chức Bộ trưởng Bộ KH và ĐT, ông cũng làm được nhiều việc đáng hoan nghênh.
2.  Nhưng nói chung so với yêu cầu đổi mới, cải cách thể chế kinh tế, ông không đóng góp được bao nhiêu, thể chế kinh tế lạc hậu giữ nguyên, thậm chí tệ hơn, không như trong bài phát biểu của ông sáng qua: “Thực tế 5 năm qua, chúng ta đã tích cực đổi mới thể chế kinh tế và đạt một số kết quả nhất định. Nhưng đổi mới về chính trị thì hầu như chưa làm. Chính vì vậy, công cuộc đổi mới trong 5 năm qua chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn”.
3.  Hai luật rất quan trọng là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 không thấy có dấu ấn từ ông mặc dù Bộ ông chủ trì soạn thảo. Nhiều chuyên gia cho rằng Luật Đầu tư vẫn chưa thông thoáng như kỳ vọng.
4.  Tháng 9/2015, Thủ tướng đã lập Tổ thi hành hai luật trên nhằm rà soát và loại bỏ những quy định cản trở hoạt động kinh doanh, đầu tư và giúp tạo môi trường lành mạnh cho các nhà doanh nghiệp, đầu tư. Ông được chỉ định làm Tổ trưởng, nhưng đến nay tổ này vẫn chưa hoạt động.
5.  Vì vậy theo tôi, ông đã nói tốt rồi và được dư luận tung hô rồi, giờ đến lượt làm tốt. Dù sao ông vẫn còn ít nhất 6 tháng tại vị, ông có thể làm tốt ba việc sau:
a/ Tổ thi hành luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cần hoạt động ngay, để đấu tranh chỉ tên, loại bỏ những rào cản về kinh doanh đầu tư và ban hành những quy định mới thông thoáng về điều kiện kinh doanh trước ngày 30/6/2016 như yêu cầu của hai luật này.
b/ Hoàn thành sớm dự thảo trình Quốc hội Luật về hỗ trợ khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mẫu hình luật này đã có ở nhiều nước, cứ thế mà học.
c/ Yêu cầu cấp dưới trong Bộ triển khai ngay về thủ tục đăng ký loại hình doanh nghiệp xã hội, cử những chuyên gia trong nước và nước ngoài hướng dẫn loại hình này, hiện đã phổ biến trên thế giới, cũng góp phần vào mục tiêu “Thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bền vững môi trường, thực hiện công bằng và hội nhập xã hội” như trong bài phát biểu của ông.
Những việc trên trong tầm tay của ông, thừa sức làm được cho đến đầu tháng 8/2016 khi ông hết nhiệm kỳ, trừ khi ông chán chỉ muốn “về quê làm ruộng” cho nhanh.
Nói đã được và nếu ông làm được, doanh nghiệp sẽ nhớ đến ông như một người chính trực, chứ không phải một ông Quan chém gió như bao ông quan khác.
T.V.H.

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official-20/1/2025

My Blog List