Việt Nam






Thursday, 11 June 2015

Thư Hồ Chí Minh gửi Stalin về chương trình cải cách ruộng đất tại Việt Nam


Thư Hồ Chí Minh gửi Stalin về chương trình cải cách ruộng đất tại Việt Nam

Nguyễn Thị Từ Huy

Một người bạn thân của tôi nói rằng hiện nay tư liệu về Hồ Chí Minh rất nhiều nên việc giải thiêng không còn cần thiết nữa. Theo tôi, người bạn này sống chủ yếu ở Mỹ nên mới nói như vậy. Bởi vì, một người bạn khác, là giảng viên đại học ở Việt Nam, cho biết rằng sinh viên đang hào hứng tham gia cuộc thi tìm hiểu chủ nghĩa Mác-Lê nin. Dĩ nhiên là tìm hiểu theo định hướng của đảng. Đồng thời, cá nhân tôi, khi tìm thông tin trên mạng thì thấy phong trào học tập tư tưởng Hồ Chí Minh hiện đang được thực hiện một cách rầm rộ ở các trường đại học khắp cả nước, từ Bắc chí Nam.

Tư liệu về Hồ Chí Minh nhiều, nhưng ở Việt Nam,  sách lịch sử chính thống và báo chí chính thống chỉ cho phép công bố và truyền bá những tư liệu được phép của Ban Tuyên giáo. Hãy hình dung rằng cả thế giới biết việc Marx có con riêng, nhưng báo chính thống Việt Nam không thể đăng thông tin đó. Marx hay Hồ Chí Minh đều bị kiểm duyệt, nếu các thông tin làm ảnh hưởng tới cái gọi là « tư tưởng Marx-Lê nin » và « tư tưởng Hồ Chí Minh » mà đảng đã và đang tuyên truyền. Môn lịch sử, cũng như mọi môn khoa học xã hội khác, được dùng làm công cụ tuyên truyền trong các chế độ toàn trị cộng sản. Thậm chí, cách vận hành của hệ thống toàn trị khiến cho bản thân lịch sử cũng biến mất. Đến mức Václav Havel nói rằng trong chế độ toàn trị « không có lịch sử ».

Sẽ rất nhầm lẫn nếu cho rằng người dân Việt Nam hiện nay đã hiểu rõ chế độ của mình. Đáng tiếc, sự thật là, chỉ có một số rất ít người nhìn thấy bản chất của chế độ.

Đấy là lý do khiến những người đấu tranh cho dân chủ ở trong nước nghĩ rằng cần phải đi con đường khai minh, thông qua giáo dục. Tuy nhiên, bế tắc là ở chỗ, một khi trường học bị biến thành công cụ tuyên truyền của chính quyền, với sự hỗ trợ của các tổ chức đảng, của bộ máy an ninh mật, an ninh văn hóa và cảnh sát, thì việc khai minh qua con đường giáo dục trên thực tế sẽ bị cản trở, thậm chí không thể tiến hành được. Hoặc nếu thực hiện được thì cũng chỉ nửa vời, bởi bản thân sự hợp tác, trong xã hội toàn trị, đã bao hàm trong nó sự thỏa hiệp. Nan đề là ở chỗ : sự thỏa hiệp không cho phép thực hiện được mục đích giáo dục khai minh và giáo dục tự do. Liệu có thể giải quyết được nan đề, vừa thỏa hiệp với quyền lực toàn trị vừa thực hiện được một nền giáo dục đích thực ?

Một trong những con đường có thể có hiệu quả hiện nay là truyền thông tự do trên mạng  (trong đối lập với truyền thông tuyên truyền chính thống). Đại lộ thông tin internet là không gian mà những người muốn tiến hành các chương trình khai minh, nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí cần sử dụng. Ngoài ra, mọi con đường đều dẫn tới thành Rome. Câu hỏi có lẽ là: bao giờ những người hiện đang đi trên những con đường khác nhau có thể kết nối lại với nhau?

Những người muốn xây dựng Việt Nam thành một quốc gia độc lập, phát triển về kinh tế, khoa học, văn hóa, muốn xây dựng một xã hội dân chủ tại Việt Nam, cần đối diện với khó khăn to lớn này: việc bưng bít thông tin, truyền thông tuyên truyền một chiều, chính sách ngu dân… được thực hiện nhiều thập kỷ nay đã mang lại hậu quả ghê gớm đối với các thế hệ người Việt. Hậu quả đó chính là những bộ não bị đúc khuôn, bị tẩy trắng, mất khả năng tư duy, sẵn sàng tin vào những gì được tuyên truyền mà không hề hoài nghi, không hề đặt câu hỏi. Và mặt khác của vấn đề là ở chỗ những bộ óc như vậy lại tin rằng mình nắm giữ chân lý, rằng những ai khác mình đều là lạc hậu, phản động…

Trong bối cảnh đó, xin giới thiệu lại cùng quý độc giả hai bức thư của Hồ Chí Minh gửi Stalin vào tháng 10  năm 1952 về vấn đề cải cách ruộng đất. Nội dung của chúng  xác nhận rằng Hồ Chí Minh là người thiết kế chương trình cải cách ruộng đất tại Việt Nam, dưới áp lực của Liên Xô và Trung Quốc.  

Hai bức thư này đã được một số người dịch và phân tích trên một số website và blog. Ở đây tôi sử dụng bản dịch tiếng Pháp, được giới thiệu trong công trình khảo cứu lịch sử « Le communisme vietnamien (1919-1991) » của nhà nghiên cứu Céline Marangé, in năm 2012, tại Paris. Đồng thời tôi cũng dịch một đoạn phân tích  của Tiến sĩ Khoa học chính trị Céline Marangé về bối cảnh  lịch sử của hai bức thư này, và một đoạn ngắn khác bình luận về tính chất phức tạp của các nhân vật lịch sử và các sự kiện lịch sử Việt Nam. (Nguyễn Thị Từ Huy)

I. Phân tích của Céline Marangé về bối cảnh lịch sử của hai bức thư:
Đầu những năm 1950, điện Kremlin vẫn còn rất thận trọng đối với cuộc chiến tranh Đông Dương và nhân vật Hồ Chí Minh. Kremlin chỉ ủng hộ đề nghị gia nhập Liên Hợp Quốc do nước Việt Nam Dân chủ  Cộng Hoà đệ trình ngày 29/12/1959, khi mà 9 tháng sau, Pháp cũng đưa ra một đề nghị tương tự cho « Nước Việt Nam của Bảo Đại » và cho các vương quốc Lào và Campuchia. Tương tự như vậy, khi mà tất cả các đại diện của các đảng cộng sản nước ngoài đã được mời đến dự đại hội lần thứ XIX của đảng cộng sản Liên Xô, Hồ Chí Minh buộc phải viết thư cho Stalin để được mời tham dự. Ngày 30 tháng 9 năm 1952, Hồ Chí Minh gửi cho Stalin một bức điện tín từ Bắc Kinh để xin ông ta cho phép được bí mật tới Moscou

Ngày 2 tháng 10 Stalin cho phép Hồ Chí Minh tới tham dự với hình thức « không chính thức ». Trong thư trả lời Stalin, gửi ngày 17 tháng 10, Hồ Chí Minh đề nghị Stalin cho Liu Shao-qi tham dự vào những thảo luận về Việt Nam. Ba người đó gặp nhau tại Moscou ngày 28 tháng 10 năm 1952. Trước cuộc họp, Liu Shao-qi đã đề nghị Stalin phải nài Hồ Chí Minh để ông ta tiến hành cải cách ruộng đất tại Việt Nam. Hồ Chí Minh lúc đó muốn dừng lại ở việc giảm tiền lĩnh canh. Nhưng khi Stalin yêu cầu ông ta thực hiện một cuộc cải cách ruộng đất theo mô hình cải cách ruộng đất ở Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã chịu thuận theo ý muốn của Stalin. 

Hai ngày sau, ông viết cho Stalin đề nghị gửi tới Việt Nam hai cố vấn Xô Viết, ưu tiên người nói tiếng Pháp, và đề nghị nhận các sinh viên Việt Nam đến đào tạo tại Moscou, và đặc biệt là cung cấp các vũ khí hiện đại. Hôm sau, ngày 31 tháng 10, Hồ Chí Minh chuẩn y một chương trình cải cách ruộng đất, đã được hiệu chỉnh với sự hỗ trợ của Liu Shao-qi và Wang Jiaxiang, đại sứ đầu tiên của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Liên Xô (1949-1951)

Trước khi rời khỏi Moscou, Hồ Chí Minh viết một lá thư cảm ơn Stalin, trong đó một lần nữa ông hứa với Stalin sẽ dành tâm lực vào cuộc cải cách ruộng đất. Những bức thư này mang lại cảm giác rằng Hồ Chí Minh đã chấp nhận tiến hành cải cách ruộng đất để có được vũ khí với số lượng lớn và để tạ lỗi với Stalin, cho đến lúc đó vẫn tiếp tục dè chừng Hồ Chí Minh.

 Tháng 12, Stalin tuyên bố với Liu Shao-qi và đại sứ Trung Quốc rằng ông ta « về phần mình, đánh giá  Hồ Chí Minh là một người tốt, dù ban đầu thì không tốt ». Khi trở về Việt Nam, Hồ Chí Minh đề nghị Mao Trạch Đông cung cấp các chuyên gia về cải cách ruộng đất và cung cấp các ý tưởng. Ban bí thư trung ương của đảng cộng sản Trung Quốc gửi sang Wang Li, người đảm nhiệm chức vụ « cố vấn tinh thần và ý thức hệ », đồng thời, về sau, đó là một trong những người chỉ huy Cách mạng văn hóa Trung Quốc, trước khi bị bắt vì tội « khuynh tả cực đoan », vào năm 1967

Để đến phụ giúp cho Việt Nam, Wang Li có thêm Qiao Xiaoguang, một chuyên gia về cải cách ruộng đất, người đã lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc vùng Quảng Tây. Ngày 2 tháng 3 năm 1953, tức là ba ngày trước khi Stalin chết, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua một nghị định về việc phân loại bộ phận dân cư ở nông thôn, nghị định này được dùng làm cơ sở pháp lý cho cải cách ruộng đất và cho « tòa án giai cấp ».

(Trích từ cuốn « Le communisme vietnamien (1919-1991) », Céline Marangé, Paris, SciencePo/Les Presses, 2012, tr. 193-195)
II. Hai bức thư của Hồ Chí Minh gửi Stalin
1.  Thư thứ nhất
Đồng chí I.V. Stalin thân  mến
Tôi đã bắt đầu soạn thảo dự án chương trình cải cách ruộng đất của Đảng Lao động Việt Nam, và sẽ nhanh chóng trình bày với  đồng chí.
Tôi gửi tới  đồng chí cùng một số yêu cầu sau đây, và hy vọng sẽ nhận được chỉ thị của đồng chí về những vấn đề này.
1.  Cử một hoặc 2 đồng chí Liên Xô tới Việt Nam để tìm hiểu và nghiên cứu thực trạng tại chỗ. Nếu như các đồng chí đó biết tiếng Pháp, họ có thể thể giao tiếp với một tầng lớp rộng rãi. Mất khoảng mười ngày để đi từ Bắc Kinh tới chỗ chúng tôi.
2.  Chúng tôi muốn gửi 50-100 học sinh sang Liên Xô học tập, họ đã có trình độ văn hóa lớp 9 ở Việt Nam, một vài người trong số họ là đảng viên và những người khác chưa phải là đảng viên, độ tuổi của họ từ 17-22. Đồng chí có nhất trí về vấn đề này không?
3.  Chúng tôi muốn nhận từ các đồng chí 10 tấn thuốc kí ninh (thuốc chống sốt rét) cho quân đội và dân thường, có nghĩa là cứ nửa năm nhận 5 tấn. 
4.  Chúng tôi cần những loại vũ khí sau đây :
5.  a) Pháo binh phòng không  37 li cho 4 trung đoàn, tổng số là 144 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu pháo.
6.  b) Pháo trận địa 76,2 li cho 2 trung đoàn, tổng số là 72 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu.
7.  c) Súng máy phòng không 12,7 li cho hai trung đoàn, tổng số là 200 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu. 
Sau khi nhận chỉ thị của đồng chí về những vấn đề trên, tôi dự định sẽ rời khỏi Moscou vào ngày 8 hoặc ngày 9 tháng 11 [1952].
Gửi tới đồng chí lời chào cộng sản và những lời chúc tốt đẹp nhất !
Hồ Chí Minh
30-10-1952
2.  Thư thứ hai
Đồng chí I.V. Stalin thân  mến
Tôi gửi đồng chí chương trình cải cách ruộng đất của Đảng lao động Việt Nam. Dự án chương trình do tôi soạn thảo, với sự hỗ trợ của đồng chí Liu Shao-qi và [đại sứ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên Xô từ 1949-1951 Wang Jiaxang].
Mong đồng chí xem xét và cho chỉ thị về vấn đề này.
Gửi đồng chí lời chào cộng sản.
Hồ Chí Minh
31/10/1952
(Phụ lục 4, Le communisme vietnamien (1919-1991), Céline Marangé, Paris, SciencePo/Les Presses, 2012, tr. 534-535)

III. Bình luận của Céline Marangé về tính phức tạp của các nhân vật lịch sử và các vấn đề lịch sử của Việt Nam:
Chủ nghĩa cộng sản Việt Nam vẫn còn là một chủ đề nhạy cảm và tương đối ít được khai thác. Kỷ niệm về cuộc chiến tranh Việt Nam, được khơi dậy bởi sự can thiệp của Mỹ tại Irak năm 2003, và đặc biệt là cái kỷ niệm, được người ta thi nhau lý tưởng hóa, về phong trào sinh viên phản đối chiến tranh, cuộc chiến được nhìn nhận như là « chiến tranh vệ quốc chống đế quốc Mỹ », ở Pháp,  kỷ niệm ấy vẫn luôn đảm bảo cho những cảm tình nhất định đối với chế độ cộng sản Việt Nam. 

Ở phía ngược lại, trong một bộ phận khác của dân chúng Pháp, ký ức về cuộc chiến tranh Đông Dương, thậm chí hoài niệm về Đông Dương thuộc Pháp, vẫn còn chưa tắt hẳn. Ở Mỹ, cuộc chiến tranh Việt Nam tiếp tục kích động những thiên kiến tồn tại rất lâu sau khi xe tăng Bắc Việt tiến vào Sài Gòn và sau khi chế độ Miền Nam Việt Nam thất thủ vào ngày 30/4/1975. Đối với những người Việt lưu vong căm thù chế độ cộng sản, Hồ Chí Minh bị cố tình biến thành quỷ dữ. Người ta gán cho ông tính cách gian xảo, quỷ quyệt, hay thậm chí cả tính cách  bá quyền mà chắc hẳn ông không bao giờ có.

 Tương tự như thế, mặc dù tướng Giáp giành được sự khâm phục ở những vị tướng vốn là kẻ thù của ông, nhưng ông thường xuyên bị miêu tả như một kẻ tính toán lạnh lùng, thờ ơ với số phận của lính tráng, và bị xem như một lãnh đạo có quyền lực tuyệt đối. Tai tiếng của hai người này lớn đến mức che lấp hết những nhân tố hàng đầu khác ở họ. Thế nhưng, trong thực tế, không có gì đơn giản. Không ai đơn giản hết. Cả Hồ Chí Minh, cả tướng Giáp đều không đơn giản, và có thể còn phức tạp hơn đối với những lãnh đạo Trung Quốc và Liên Xô đã cố bẻ cong các sự kiện ở Việt Nam. Từ những năm 1960 trở đi, quyền lực phần lớn đã không còn nằm trong tay họ. Những người khác đã nắm giữ quyền lực.

(Trích từ cuốn « Le communisme vietnamien (1919-1991) », Céline Marangé, Paris, SciencePo/Les Presses, 2012, tr. 29).
N.T.T.H.

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh

No comments:

Post a Comment

Featured post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-21/1/2025

My Blog List