Biểu tình trước Nhà Trắng phản đối TBT Nguyễn Phú Trọng
Thanh Trúc, phóng viên RFA
2015-07-07
Hàng trăm người Việt từ nhiều tiểu bang ngoài ra còn có một phái đoàn từ Canada đã tập trung biểu tình trước Nhà Trắng để phản đối chuyến thăm Hoa Kỳ của tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ngày 7/7/2015
RFA
Sáng thứ Ba ngày 7 tháng 7, vào khi Nhà Trắng ở Washington sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ giữa tổng thống Barack Obama với tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng theo lịch trình, thì bên ngoài hơn 500 người Mỹ gốc Việt các tiểu bang xa cũng như vùng thủ đô và kể cả phái đoàn Canada gốc Việt, đã biểu tình trước Nhà Trắng để phản đối chuyến thăm viếng được đánh gía là lịch sử trong mối bang giao Hoa Kỳ Việt Nam 20 năm qua.
Thanh Trúc tường trình về cuộc biểu tình như sau:
Nhân quyền, tự do tôn giáo, phóng thích tù nhân lương tâm đang bị giam giữ, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải, là nội dung cuộc biểu tình của các cộng đồng Mỹ gốc Việt khắp nơi trên nước Mỹ cũng như Canada, nhân khi ông tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam được tổng thống Hoa Kỳ tiếp kiến ngày thứ Ba 7 tháng Bảy giờ địa phương ở DC.
Cuộc biểu tình sáng thứ Ba trước Nhà Trắng, như những lần tập hợp phản đối quan chức Việt Nam qua Hoa Kỳ trước đây, diễn ra trong vòng trật tự và ôn hòa. Với những biểu ngữ đưa cao có hình ảnh và nội dung đòi hỏi nhân quyền, dân chủ, trả tự do cho tù nhân lương tâm, Hoàng Sa Trường Sa, cộng đồng tiểu bang nào đứng theo đoàn của tiểu bang, trong lúc những cơ quan truyền thông Việt ngữ về từ khắp nơi cũng bận rộn không kém khi thu hình và phỏng vấn.
Phát biểu với đài Á Châu Tự Do, một người biểu tình đến từ thành phố Houston tiểu bang Texas:
Tôi là Nguyễn Ngọc Phách từ Houston, tới đây để phản đối Nguyễn Phú Trọng vì vấn đề đảng cộng sản Việt Nam, họ tới đây chẳng qua họ muốn ru ngủ cộng đồng người Việt ở đây. Họ hy vọng rằng tổng thống Obama sẽ cho họ được mua vũ khí sát thương. Đó là điều mà tôi phản đối.
Tên tôi là Danny Lê, từ Florida đến. Lý do tôi xuống đây là nói cho người cộng sản biết phải có tự do, phải có dân chủ và nhân quyền cho người Việt Nam.
Đến từ Boston, Massachusetts, một thành viên nhóm Phụ Nữ Cờ Vàng:
Tôi tên Kim Chi đến từ Boston, ngày hôm nay cũng rất là vui vì đồng bào Việt Nam mình đến từ 50 tiểu bang đến rất đông đủ, để đóng góp một phần nhỏ bé của mình, phản đối sự hiện diện của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của một đảng cộng sản phản dân hại nước. Cho nên chúng tôi đến đây để có tiếng nói.
Người đến từ Canada:
Tôi là Đinh Văn Cận, đến từ Toronto, Canada. Đi từ đêm hôm qua, sáng nay chúng tôi đến đây lúc 6 giờ sáng, cùng tham gia với tất cả đồng bào các nơi về đây để chống đối Nguyễn Phú Trọng . Tôi nghĩ không phải riêng Canada mà tất cả trên toàn thế giới, chúng ta muốn đảng cộng sản Việt Nam hãy nhìn thấy sự tiến bộ của tất cả các nước trên thế giới mà đổi hướng, làm sao cho đất nước càng ngày càng phát triển, làm sao có vinh dự ngước mắt với cha ông chúng ta và bảo vệ đất nước, toàn vẹn lãnh thổ.
Là một trong những người phát biểu trong cuộc biểu tình sáng thứ Ba, ông Lưu Văn Tươi, chủ tịch cộng đồng Florida:
Vượt 16 giờ đồng hồ từ Orlando đến đây cùng hai người chủ tịch khác là chủ tịch Trung Tâm Florida và chủ tịch Cộng Đồng Tampa.
Chúng tôi có mặt thứ nhất là để nói lên tinh thần cương quyết không chấp nhận chế độ cộng sản, đồng thời đề nghị với tổng thống Obama là bất cứ một sự điều đình nào đều phải đặt lên quyền tự do dân chủ cho nhân dân Việt Nam, đồng thời ủng hộ 90 triệu dân trong nước, quyết tâm đấu tranh đến lúc nào Việt Nam có tự do.
Cùng với đoàn biểu tình vùng Washington DC, Virginia và Maryland, nhạc sĩ Nguyệt Ánh:
Hôm nay tới đây cùng với hơn 500 đồng bào Nguyệt Ánh thấy trong lòng được an ủi lắm là bởi vì không chỉ cá nhân mình mà còn biết bao nhiêu người khác cùng có chung tiếng nói và một tâm nguyện tranh đấu cho đồng bào thân yêu của chúng ta ở tại quê nhà.
Đến từ một tiểu bang cách DC vùng Đông Bắc 6 tiếng đường chim bay:
Chúng tôi là Phạm Kim Long, nguyên ủy viên Hội Đồng Giáo Dục Orange County, California. Ngày hôm nay chúng tôi đến đây biểu tình phản đối, đồng thời cũng cho chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ biết chúng ta không những phản đối Nguyễn Phú Trọng mà chúng ta phản đối của đảng cộng sản Việt Nam đang chà đạp lên tự do tôn giáo và nhân quyền của đồng bào chúng ta trong nước. Hiện đang có rất nhiều đồng hương tiếp tục tới và tôi nghĩ với sự hiện điện của số đồng hương nagy bây giờ thì có thể nói trên dưới 1.00o đang ở đ6y.
Và sau cùng, một đại diện của đoàn biểu tình thuộc cộng đồng Atlanta, Georgia:
Tôi Nguyễn Mậu Hiệp, cảm ơn quí vị đã cho tôi một phút để trình bày nguyên nhân chúng tôi đến từ Georgia cũng như tất cả phái đoàn đến từ liên bang Hoa Kỳ cũng như ngoài Hoa Kỳ.
Chúng tôi đến đây đòi hỏi đảng cộng sản Việt Nam phải cải thiện nhân quyền cũng như nước Mỹ phải chú ý đến vấn đề nhân quyền cho Việt Nam. Không thể lầm tưởng chế độ cộng sản Việt Nam đến đây vì dân tộc Việt Nam, không hề có điều đó. Cộng sản đến đây chỉ vì quyền lợi của cộng sản mà thôi. Chúng tôi hy vọng người Mỹ nhìn được điều đó. Đó là điểm nhấn cần trong cuộc đấu tranh của chúng tôi.
Cuộc biểu tình chống đối sự hiện diện của người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam ở Nhà Trắng , ông Nguyễn Phú Trọng, chấm dứt vào buổi trưa cùng ngày.
Được biết sau cuộc hội kiến tại phòng bầu dục của Nhà Trắng, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ đến dự buổi cơm trưa tại Bộ Ngoại Giao do phó tổng thống Joe Biden và ngoại trưởng John Kerry khoản đãi.
Thanh Trúc tường trình từ White House, Washington DC.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/viet-oversea-protes-07072015164231.html
Vài suy nghĩ về chuyến viếng thăm của ông Trọng
Trinity Hồng Thuận
Mấy ngày nay trên facebook thấy nhiều người cho rằng Hoa Kỳ có vẻ "ghẻ lạnh" CSVN qua chuyến viếng thăm của ông Nguyễn Phú Trọng (nhiều thông tin đưa ra, từ việc ông Trọng được tiếp đón thế nào, có được vào nhà Trắng hay không, được gặp gỡ những ai, được Hoa Kỳ gọi bằng danh xưng gì…). Đối với tôi, việc quan trọng hơn những tiểu tiết này chính là quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có những tiến triển gì qua chuyến viếng thăm kỳ này của ông Trọng. Riêng cá nhân tôi vẫn mong muốn nhìn thấy sự thân thiết hơn của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.
Sáng hôm nay ông Obama hứa là sẽ thăm viếng Việt Nam trong thời gian sắp tới. Có lẽ vì quá mất niềm tin vào CSVN nên chúng ta đôi lúc cảm thấy có chút "bực mình" khi nhìn thấy thái độ thân thiện của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam. Nhưng nhìn xa hơn thì việc Hoa Kỳ càng gần Việt Nam chỉ có thể là một điều tốt cho phong trào đấu tranh. Trước hết về mặt ngắn hạn thì từ đây đến khi Obama đến Việt Nam, CSVN sẽ phải chứng tỏ hình ảnh tốt nhất của họ, mở ra cơ hội cho phong trào tiến thêm những bước chiến lược cần thiết. Obama đến Việt Nam cũng sẽ tạo cơ hội cho các nhóm đấu tranh, xã hội dân sự trực tiếp tiếp xúc ông và trực tiếp vận động chính quyền Hoa Kỳ trong việc đặt ưu tiên vấn đề nhân quyền.
Xa hơn nữa, Hoa Kỳ càng gần Việt Nam sẽ giúp Việt Nam xa rời mối quan hệ bất bình đẳng với Trung Quốc, một mối quan hệ sẽ đưa đất nước Việt Nam đến sự lạc hậu và bị thế giới xa lánh. Mặt khác, đối với chính sách Hoa Kỳ chúng ta có sự ảnh hưởng mạnh mẽ bởi khối công dân Mỹ gốc Việt sinh sống tại đây, nhưng với Trung Quốc thì không. Đây là một vài điểm trong nhiều điểm thuận lợi mà Việt Nam có được trong quan hệ với Hoa Kỳ.
Tôi cũng như các bạn, bực bội khi không nhìn thấy sự cứng rắn của chính phủ Obama trong cuộc đối thoại với Việt Nam, đặc biệt trên vấn đề nhân quyền. Điều đó nhắc tôi và những người Việt hải ngoại càng phải làm mạnh hơn và tốt hơn trách nhiệm của mình trong việc ảnh hưởng chính sách Hoa Kỳ. Bởi vì tôi tin với một quan hệ Việt - Mỹ càng gắn bó, con đường dân chủ hóa đất nước sẽ càng mở rộng ra.
Món quà nào để chạm ngõ Tòa Bạch Ốc?
Bùi Tín
02.07.2015
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp lên đường thăm Mỹ. Dự định đầu tiên là tháng 5, hoãn sang tháng 6, lại hoãn sang tháng 7, nay đã ấn định vào ngày 7 đến ngày 9 tháng 7. Ông Trọng sẽ được tiếp trong Tòa Bạch Ốc, nhưng không có đại yến tiệc Nhà nước, chỉ có mời ăn của Bộ Ngoại giao, tiếp xã giao của một số Thượng nghị sỹ và Dân biểu, của đại diện Đảng CS Mỹ - một đảng lu mờ trong nền chính trị Hoa Kỳ. Phía Hoa Kỳ cho biết Tổng thống Barack Obama sẽ tiếp ông Trọng với nghi thức cao, trong Tòa Bạch Ốc, nhưng không nói sẽ có duyệt đoàn quân danh dự, cũng không nói có 21 phát đại bác hay không. Ai cũng biết chính giới Hoa Kỳ không mặn mà gì với các chế độ toàn trị.
Ban Đối ngoại Trung Ương Đảng CS cùng Bộ Ngoại giao chắc đang chuẩn bị tặng phẩm để ông Trọng đưa sang Mỹ. Sẽ là cảnh đẹp Hồ Hoàn Kiếm, Ba cô gái Bắc Trung Nam trong áo dài truyền thống, hay Ngôi chùa Hương Tích cổ kính? Đều tốt cả. Chỉ xin đừng có dại dột như ông Phạm Quang Nghị từng vác sang Mỹ 2 bức ảnh lớn chụp cảnh Thiếu tá McCain bị tên lửa (do một chuyên gia Nga bấm nút) bắn rơi, nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch, để tặng cho chính Thượng Nghị sỹ McCain. Còn hơn là lăng nhục người ta, vì đó chính là cái cảnh mà ông ta muốn quên đi nhất trong đời mình. Chửi xéo như thế không gì thâm, ngu, dại bằng. Thử hỏi 2 bức ảnh ấy, ông McCain lưu giữ ở đâu? Mới đây khi qua Hà Nội, ông McCain chẳng buồn hỏi thăm ông Nghị lấy một câu! Khéo mà ông Trọng lại học theo ông Nghị vác sang một mảnh máy bay B52 đồ sộ, thì hay đáo để, sẽ không gì «lú» bằng.
Thật ra, không có món quà nào quý hơn là ông Trọng trao tay cho Tổng thống Obama danh sách kha khá dài các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị đã hay sắp được trả tự do ngay, trong đó đại thể, không thể thiếu cô Tạ Phong Tần, gầy ốm sau 5 tuần nhịn ăn ; cô Hồ Thị Bích Khương, ốm nặng do bị tra tấn và đối xử tàn tệ; cô Bùi Minh Hằng, anh Trần Huỳnh Duy Thức, anh Đoàn Huy Chương, anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn, anh Đặng Xuân Diệu, anh Hồ Đức Hòa, 2 nhạc sỹ Trần Vũ Anh Bình và Việt Khang, nhà báo Nguyễn Ngọc Già - Nguyễn Đình Ngọc, nhà báo Ba Sàm - Nguyễn Hữu Vinh…
Đây là 13 nhà đấu tranh chống bành trướng TQ và dành tự do dân chủ cho toàn dân, không hề phạm một tội hình sự nào, đều đã được công luận Hoa Kỳ, chính giới Hoa Kỳ hiểu rõ từng người, được nhiều Thượng nghị sỹ, Dân biểu Hoa Kỳ đỡ đầu, yểm trợ tích cực nhất.
Không có lý do gì khi chính quyền quân sự Miến Điện đã trả tự do cho hơn 200 tù chính trị, khi chính quyền CS Cuba trả tự do một lúc cho 53 tù chính trị để bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ mà chính quyền CS Việt Nam không trả tự do ngay lúc này cho tối thiểu là 13 nhân vật trên đây theo yêu cầu của phía Hoa Kỳ. Đây là món quà tối thiểu, không thể thiếu, không thể nhỏ hơn, mà Tòa Bạch Ốc mong chờ, vì «có qua có lại» như thế mới thật «toại lòng nhau».
Tổng thống Obama đã nói rõ nhân quyền là yêu cầu hàng đầu trong cải thiện, nâng cao quan hệ với VN. Ý này được tô đậm thêm khi ông nhà lãnh đạo Mỹ tiếp đặc biệt thân mật và cởi mở nhà báo kiên cường Điếu Cày trong Tòa Bạch Ốc. Mong rằng ông Trọng hiểu cho thật rõ điều này.
Phía Hoa Kỳ rất quan tâm đến chuyến đi của ông Trọng sang Hoa Kỳ. Chưa bao giờ nhiều khách quý từ Hoa Kỳ sang VN dồn dập như vừa qua, đủ các loại quan chức ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, giáo dục, thượng nghị sỹ, dân biểu, cùng với thái độ đi đôi với hành động mạnh mẽ lên án phía Trung Quốc xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo họ lấn chiếm và bồi đắp rộng thêm ở biển Đông. Lời nhắn quan trọng nhất của phía Hoa Kỳ với Hà Nội trước khi ông Trọng lên đường là «Việt Nam cần Hoa Kỳ hơn là Hoa Kỳ cần Việt Nam». Thật vậy, đây dù sao chỉ một vấn đề ở xa, bên lề của nước Mỹ, còn đây là vấn đề sinh tử của VN, cũng là vấn đề sinh tử của Đảng CS trong quan hệ với nhân dân VN, với dân tộc Việt Nam.
Ông Trọng đã quá tuổi để hy vọng làm Tổng Bí thư thêm 5 năm nữa. Đây là chuyến đi lịch sử, chuyến đi dối già của ông, chuyến đi hệ trọng nhất trong đời ông. Ông hãy theo đúng nguyện vọng sâu sắc của đại đa số nhân dân, được thể hiện trong nhiều tuyên ngôn, kiến nghị tâm huyết của đông đảo trí thức dân tôc, trong không ít là đảng viên CS lâu năm, là phải biết cầm lái, bẻ lái, lựa chọn bạn tốt đáng tin cậy để kết thân, thậm chí để liên minh toàn diện.
Ông hãy có sáng kiến mạnh mẽ triệu tập một phiên họp đặc biệt của Bộ Chính trị, rồi một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Quốc phòng trước khi lên đường để chuyến đi của ông có trọng lượng ngoại giao đáng tin cậy, một chuyến đi có thể gọi là lịch sử, xoay chuyển tình thế có lợi cho quê hương, đất nước, một chuyến đi làm cho kẻ bành trướng phương Bắc phải vì nể và co vòi xâm lược vì thấy rõ cái thế mới của Việt Nam, cả nước chung một lòng, quân và dân chung một ý chí, được thế giới dân chủ tận lực ủng hộ, trong một mối quan hệ chiến lược toàn diện và thân thiết nhất. Tất cả đều trong tầm tay lúc này.
Xin chớ để cho nhân dân phải thất vọng cay đắng do Bộ Chính trị ù lỳ, chia rẽ, để mất một thời cơ quý hơn vàng, khiến dân ta lại lỡ một chuyến tàu lịch sử không bao giờ trở lại, đất nước ta đắm chìm trong bóng đen của phụ thuộc và lạc hậu, của bất công và chia rẽ, khó lòng ngóc đầu lên nổi trong một tương lai mờ mịt. Nhân dân ta không đáng chịu và không thể chịu nổi một nỗi bất hạnh vô lý như thế.
http://www.voatiengviet.com/content/mon-qua-nao-de-cham-ngo-toa-bach-oc/2845089.html
Biển Đông: Cần giữ nguyên trạng hay phải thay đổi?
Nguyễn Hưng Quốc
07.07.2015
Liên quan đến các âm mưu xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông, một số giới chức Việt Nam, trong đó, gần đây nhất là Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, và Thượng tướng Huỳnh Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Quốc Hội, thành thực nhìn nhận là họ không thể chiếm lại được những gì đã mất vào tay Trung Quốc. Một số người còn nói thêm: Nếu đời nay chúng ta không lấy lại được thì con cháu của chúng ta sẽ làm việc đó.
Trên các diễn đàn xã hội, rất nhiều người phê phán một cách gay gắt luận điệu ấy. Họ cho nói vậy là hèn, là nhục, thậm chí, là bán nước. Họ nêu đích danh những người phát ngôn để chửi. Tôi thông cảm với những sự phẫn nộ ấy. Nhưng tôi cho những lời kết án cũng như chửi rủa ấy là đổ oan. Lý do là không phải chỉ có những người ấy mới có cách suy nghĩ như vậy. Thật ra, đó là cách suy nghĩ chung, hơn nữa, là chính sách chung của cả giới cầm quyền Việt Nam hiện nay.
Dĩ nhiên, giới cầm quyền hiếm khi nói thẳng ra như vậy. Nói như vậy chẳng khác gì một lời tuyên bố đầu hàng. Nhưng chỉ cần chú ý một chút, chúng ta sẽ nhận ra ngay điều đó. Chính sách của Việt Nam đối với Biển Đông là gì? Rất khó biết được bởi chưa có ai trình bày một cách công khai, hệ thống và cụ thể cả. Nhưng trong những lời phát biểu đây đó, chúng ta bắt gặp một sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ các lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề trên Biển Đông: “giữ nguyên trạng” và “không làm phức tạp hoá” vấn đề để có thể dẫn đến xung đột vũ trang.
Trong mấy cách diễn tả trên, quan trọng nhất là nhóm từ “giữ nguyên trạng” (status quo). Trong bài “The South China Sea: Defining the ‘Status Quo’”, Andrew Chubb cho đó là từ được nhiều quốc gia lặp đi lặp lại nhưng đó cũng là một từ rất mơ hồ với những cách nhìn và cách nghĩ có khi khác hẳn nhau. Giới chức cao cấp của Mỹ cũng như các quốc gia quan tâm đến tình hình Biển Đông, trong đó, có cả Úc, thường kêu gọi các quốc gia liên hệ ở Biển Đông đừng “làm thay đổi nguyên trạng qua các hình thức bạo lực hoặc cưỡng ép”. Giới lãnh đạo Nhật và Philippines cũng vậy: Họ cũng phản đối các nỗ lực đơn phương làm thay đổi “nguyên trạng” trên các hòn đảo trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Điều đáng ngạc nhiên là chính Việt Nam cũng tham gia vào giàn đồng ca ấy bằng những lời kêu gọi các nước tự kiềm chế, đừng làm phức tạp hoá vấn đề bằng cách thay đổi “nguyên trạng” trên các bãi đá và các rạn san hô ở Biển Đông.
Tại sao các nước khác kêu gọi “giữ nguyên trạng” thì được mà Việt Nam thì không?
Trả lời câu hỏi này không khó. Với Nhật, “giữ nguyên trạng” là hòn đảo Senkaku/Điếu Ngư vẫn thuộc về họ; với Philippines, là bãi cạn Scarborough và một số hòn đảo và bãi đá ở Trường Sa vẫn thuộc về họ; với Malaysia, là bảy bãi đá và rạn san hô ở Trường Sa vẫn thuộc về họ; với Đài Loan, đảo Ba Bình và bãi Bàn Than vẫn thuộc về họ. Ngay với Trung Quốc, quốc gia duy nhất đòi thay đổi cái gọi là “nguyên trạng” ấy bằng cách không ngừng tìm cách cải tạo các bãi đá và rạn san hô thành đảo nhân tạo cũng như âm thầm mưu toan lấn chiếm thêm các hòn đảo khác, cũng muốn “giữ nguyên trạng” ở một địa điểm: quần đảo Hoàng Sa.
Còn Việt Nam? Yêu sách “giữ nguyên trạng” của Việt Nam thực chất là thừa nhận hai điều: thứ nhất, Hoàng Sa là của Trung Quốc; và thứ hai, các hòn đảo và bãi đá ở Trường Sa mà Trung Quốc chiếm cứ từ Việt Nam vào năm 1988 cũng thuộc về Trung Quốc.
Nói cách khác, lập trường của chính phủ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông là: Một, từ bỏ ý định đòi lại Hoàng Sa cũng như các hòn đảo, bãi đá và rạn san hô ở Trường Sa mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam. Hai, họ chỉ muốn ngăn chận xu hướng bành trướng thêm của Trung Quốc qua các việc: (1) cải tạo các bãi đá và rạn san hô thành đảo nhân tạo; (2) trên cơ sở các hòn đảo nhân tạo ấy, đòi mở mở rộng chủ quyền trên lãnh hải mà cụ thể nhất là hợp thức hoá con đường lưỡi bò (hay con đường chín đoạn); và cuối cùng (3), hợp thức hoá vùng nhận dạng hàng không tương ứng với con đường lưỡi bò ấy.
Lập trường ấy, thật ra, không phải hoàn toàn sai. Trong hoàn cảnh và với tương quan lực lượng hiện nay, cần thực tế để nhận ra một điều: Việc chiếm lại Hoàng Sa và các hòn đảo, bãi đá và rạn san hô ở Trường Sa mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam là một điều bất khả. Việt Nam không thể làm được điều đó. Mà cũng không có quốc gia nào, kể cả Mỹ, có thể giúp Việt Nam làm được điều đó. Trong bài “Serenity in the South China Sea”, Gareth Evans, cựu Ngoại trưởng của Úc, nhấn mạnh: Mỹ cần phải chấp nhận một thực tế là, với những sức mạnh về kinh tế và quân sự hiện nay, Trung Quốc đã nổi lên như một cường quốc trong khu vực và cái thời mà Mỹ làm bá chủ duy nhất ở vùng châu Á – Thái Bình Dương đã qua rồi. Ông cũng nhấn mạnh thêm: Mỹ không có cách gì có thể ngăn chận được việc Trung Quốc cải tạo các hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa và sau đó, quân sự hoá các hòn đảo ấy. Điều Mỹ có thể làm là ngăn chận việc nhân danh các hòn đảo nhân tạo ấy, Trung Quốc tuyên bố mở rộng chủ quyền trên lãnh hải chung quanh chúng, từ đó, hợp thức hoá con đường lưỡi bò chiếm đến 80% toàn bộ diện tích của Biển Đông.
Điều Mỹ không thể làm được, Việt Nam lại càng không có sức để làm. Tuy nhiên, việc từ bỏ ý định đòi lại Hoàng Sa và các hòn đảo, bãi đá và rạn san hô trong quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam vẫn là một tính toán sai lầm. Sai về phương diện pháp lý: Nó mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các thực thể ấy. Nhưng quan trọng nhất là sai về phương diện chính trị: Nó giảm sức ép đối với Trung Quốc để Trung Quốc rảnh tay nhắm đến việc thực hiện các ý đồ mới của họ trên Biển Đông.
Bởi vậy, theo tôi, dù trên thực tế, chúng ta không thể lấy lại Hoàng Sa và một số hòn đảo tại Trường Sa, chúng ta vẫn cứ phải lớn tiếng đòi hỏi điều đó để cả thế giới biết rõ dã tâm xâm lược và bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông để từ đó, chúng ta mới có thể tập hợp được thế liên minh và sự hợp tác của các quốc gia khác trên thế giới trong trận chiến đối đầu với những âm mưu xâm lấn mới của Trung Quốc.
http://www.voatiengviet.com/content/bien-dong-can-giu-nguyen-trang-hay-phai-thay-doi/2851048.html
__._,_.___
________________________________________
Posted by: ly vanxuan
No comments:
Post a Comment