Lãnh đạo Mỹ “lẩy Kiều” rất hóm
hỉnh
Tô Văn Trường
Bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức chiêu đãi
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tối 7/7/2015 tại Bộ Ngoại giao Mỹ đã hay nhưng ông
còn làm người nghe ngạc nhiên hơn khi bất ngờ “bỏ bom” bằng lẩy Kiều:
“Trời còn để có hôm nay
Tan
sương đầu ngõ vén mây giữa trời”
(Nguyên
văn lời ông Joseph Biden: Thank
heaven we are here today. To see the sun through parting fog and clouds)
Với ngữ cảnh của mối quan hệ Việt – Mỹ hiện nay, có thể ngầm hiểu
thế này: “Trời còn để có hôm nay”: để có được cuộc hạnh ngộ hôm nay là nhờ ơn
chúa. “Mây tan đầu ngõ”: mối nghi ngại giữa hai bên đã không còn (tan đi); “Vén
mây giữa trời”: mối quan hệ (Việt -Mỹ) sẽ phát triển lên tầm cao mới.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của người Mỹ
trong cuộc chiến tranh Việt Nam là họ không hiểu văn hóa của ta (văn hóa Việt).
Có lẽ vì thế, mà các nhà lãnh đạo Mỹ sau này đã bỏ công nghiên cứu rất kỹ điểm
yếu này. Thật bất ngờ, khi họ dùng thơ Việt với hàm ý sâu rộng của đại thi hào
Nguyễn Du, để biểu tả mối quan hệ Việt – Mỹ, vừa đúng, vừa sâu sắc lại hóm hỉnh
ra phết!
Đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo nước Mỹ lẩy Kiều. Nhớ lại trước
đây khi thăm Việt Nam năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton lẩy Kiều:
“Sen tàn cúc
lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”
Ngữ cảnh của hai câu thơ trên mà Bill Clinton sử dụng có thể ngầm hiểu
“sen tàn”: chiến tranh đã qua đi; “ cúc lại nở hoa”: mối quan hệ (Mỹ – Việt)
lại khôi phục; “sầu dài”: thời đen tối trong quan hệ, nên gác lại (gác lại quả
khứ); “ngày ngắn đông đà sang xuân”: hiện tại, đã đủ điều kiện để sang trang
mới (bình thường hoá quan hệ hai nước).
Bàn về lẩy Kiều của Phó Tổng thống Joseph Biden, người bạn gửi cho
tôi mấy lời bình của “Mao Tôn Cương thời @” như sau:
– Bộ Ngoại giao Mỹ nói riêng và phía Mỹ nói chung đã chuẩn bị rất
kỹ nội dung đón tiếp vị lãnh đạo cao nhất Việt Nam lần đầu tiên thăm chính thức
Mỹ sau 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước. Chuẩn bị kỹ đến mức đã tìm chọn
kho tàng văn học cổ điển Việt Nam để dẫn ra hai câu thơ của Đại thi hào Nguyễn
Du viết về đoạn “tái hợp giữa nàng Kiều và chàng Kim” sau 15 năm xa cách, rất
phù hợp với quan hệ Mỹ – Việt hiện nay. Đây đúng là câu “bói Kiều” tuyệt vời
của ông Phó Tổng thống Joseph Biden.
– Hỏi trên thế giới có những chính khách nào như chính khách Mỹ đã
am hiểu và sử dụng điển tích văn học cổ điển của một quốc gia xa xôi nửa vòng
Trái Đất để nói về quan hệ quốc tế đương đại? Quả là tuyệt vời, độc đáo tới mức
không tiền khoáng hậu.
– Ý nghĩa của hai câu Kiều mà ông Joseph Biden đã lẩy quá hay, quá
chuẩn đối với quan hệ Việt – Mỹ hiện nay. Tuy bản dịch tiếng Anh rất sát ý
nhưng vẫn chưa lột tả được nghĩa đen và nghĩa bóng của hai câu Kiều này.
“Trời còn để
có hôm nay”
Đáng lẽ chàng Kim và nàng Kiều đã hết cơ hội tái ngộ rồi, nhưng
“ơn Trời” đã tạo ra cơ hội “hôm nay” để họ “tái hợp” và để họ:
“Tan sương
đầu ngõ, vén mây giữa trời”
Trong câu này, động từ “tan” và “vén” được Đại thi hào Nguyễn Du
đặt trước tân ngữ “sương” và “mây”. Tuy chủ ngữ bị “ẩn” nhưng không khó nhận ra
chủ ngữ chính là chàng Kim và nàng Kiều. Trời đã tạo cơ hội cho họ “tái hợp”
thì họ sẽ phải chủ động “làm tan sương” và “vén mây mù” để trông thấy vầng
dương. Nếu như Nguyễn Du chuyển câu thơ này sang dạng “bị động”, động từ đứng
sau tân ngữ thì “sương sẽ tự tan”, mây sẽ tự dãn” , nếu vậy cuộc “tái hợp” của
đôi trai tài gái sắc Kim Kiều sẽ nhạt nhẽo tầm thường hẳn đi. Cái hay, cái thâm
thúy của Nguyễn Du là ở câu thơ này.
– Trở lại quan hệ Việt – Mỹ, nếu ứng vào câu “bói Kiều” này, khi
Ông Trời đã tạo cơ hội cho lãnh đạo cấp cao hai nước “còn có dịp gặp nhau hôm
nay”, thì hai bên phải chủ động làm “tan sương mù” và “vén mây đen” lâu nay vẫn
phủ bóng lên quan hệ hai nước, có như vậy cả hai bên mới nhìn thấy Mặt trời
sáng tỏ, quan hệ song phương mới phát triển được. Rõ ràng, tương lai thuộc về
trách nhiệm của cả hai bên. Tiếng vỗ tay chỉ phát ra khi hai bàn tay vỗ vào
nhau.
– Ông Biden chắc đã biết hai câu Kiều tiếp theo hai câu mà ông đã
“lẩy”:
“Hoa tàn mà
lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”
Không chỉ ông Biden và các bạn Mỹ, mà chúng tôi những người Việt
Nam yêu hòa bình đều mong muốn quan hệ Việt – Mỹ sẽ phát triển như vậy. Cầu mong
Trời Phật phù hộ cho ý nguyện chung của chúng ta.
Ngẫm suy lời bàn của Mao Tôn Cương thời @ tôi lại nhớ đến Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng xuất thân từ Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội chắc
chắn ông am hiểu về Truyện Kiều và cũng đã từng lẩy Kiều khi nhậm chức Chủ tịch
Quốc hội khóa XII bằng câu thơ:
“Nghĩ
mình phận mỏng cánh chuồn
Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay”
Trong ngữ cảnh đó có thể hiểu là cách biểu cảm tính “khiêm tốn”, “khiêm
nhường”, nhưng có nhiều ẩn ý nếu đọc tiếp câu thứ hai: “khuôn xanh biết có
vuông tròn mà hay”. Ở đây “khuôn xanh” nên hiểu là vị trí Chủ tịch Quốc hội mà
ông đảm nhiệm cũng rất thâm thúy!?
Báo chí trong và ngoài nước đã tường thuật chi tiết kết quả chuyến
viếng thăm nước Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất đáng ghi nhận. Nhiều
người nhận xét ông Trọng đã phải gắng và luyện nhiều để có thái độ tự tin trước
cuộc gặp Tổng thống, Phó Tổng thống và nói chuyện tại Trung tâm nghiên cứu
chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington DC, v.v.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn câu nói của Tổng thống Theodore
Roosevelt: “Có lòng tin là
đã đi được nửa đường” để bày tỏ lạc quan về tương lai quan hệ Việt
Nam – Hoa Kỳ. Đây cũng là cách biểu cảm khá đối xứng về văn hóa. Ông Trọng dùng
luôn câu của một người Mỹ lập quốc để đối đáp với ý tứ văn chương của đại thi
hào Nguyễn Du, cả hai đều vĩ đại, đều có nhân văn cao, và nói như ông Nguyễn
Phú Trọng lại còn tỏ ra mình hiểu biết người Mỹ, cũng như đối tác của ông biết
quí trọng Việt Nam vậy.
Tuy nhiên, vẫn tiếc ông Nguyễn Phú Trọng đã bỏ lỡ cơ hội mang sở
học của mình để đối đáp khi nghe Phó Tổng thống Mỹ lẩy Kiều. Giá như ông Trọng
nhạy bén thể hiện kiến thức văn hóa Việt đối lại bằng hai câu thơ:
“Cửa trời
rộng mở đường mây
Hoà
chào ngõ hạnh hương bay dặm phần”.
Như vậy cuộc đối thoại càng giàu ý nghĩa và đậm nét văn hóa.
Có thể khẳng định chuyến đi thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng mở ra triển vọng mới, khác hẳn với việc rao giảng chủ nghĩa Mác – Lênin khi
ông đi thăm Cuba năm xưa. Phải chăng ông Nguyễn Phú Trọng đã biết rút ra bài
học đắt giá, đứng dậy được ngay từ chỗ ông ấy từng bị vấp ngã. Bởi vì thực tế
ngày nay đã chứng minh Cuba phải xem lại đường hướng phát triển và thiết lập
quan hệ ngoại giao với Mỹ sau hơn nửa thế kỷ đóng băng.
Cu Ba – Việt Nam hai nước có mối quan hệ gắn bó thủy chung cùng
sát cánh “canh thức cho nhau ngủ”, nay có khả năng vẫn ngồi chung một con thuyền
và cùng nhìn về một hướng.
T. V. T.
Tác giả gửi BVN.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment