Ông Linh – người Cộng sản
thứ thiệt
Thiện Tùng
Sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 6 năm 1986, bộ ba
Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Đảng, Phạm Hùng, Chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng, Cao Đăng Chiếm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ thường đến làm việc
với tỉnh. Trong lần đến làm việc ở tỉnh Tiền Giang, các ông dành hơn
tiếng đồng hồ nói về Người kháng chiến, về Báo, về Văn. Các ông
thay nhau đồ đậm về nạn tiêu cực, một nguy cơ có thể dẫn đến sự sụp
đổ của Đảng. Trong tình hình hiện nay, phải đặt việc đấu tranh chống
tiêu cực lên hàng đầu (tiêu cực sau này gọi là tham nhũng).
Khi nói về lực lượng tham gia
trận chiến chống tiêu cực này, ông Linh dẫn lời của Lê-nin: “Cho
tôi một tổ chức tôi sẽ làm đảo lộn nước Nga”. Từ đó ông
nói rằng, trong tình hình hiện nay, chỉ có những người ít nhiều có
tham gia kháng chiến mới đủ dũng khí đương đầu với thế lực tiêu cực.
Ông kêu gọi thành lập càng sớm càng tốt “Hội truyền thống kháng chiến” làm nòng
cốt trong đấu tranh chống tiêu cực.
Khi nói về phương tiện, ông
Linh nhấn đi nhấn lại “phải
đổi mới báo chí”. Phải xem báo chí là lực lương xung
kích, hãy “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”; phải dùng cả
miệng và phương tiện vạch trần những tệ nạn tiêu cực, lành mạnh hóa
xã hội, v.v.
Khi nói về Văn Nghệ (Văn học
Nghệ thuật), ông Linh lặp đi lặp lại những đôi từ “Đổi
mới”, “Cởi trói”, “Giải phóng” Văn Nghệ.
Phải dùng chân, thiện, mỹ tạo dựng nên những con người mới Xã hội
Chủ nghĩa, v.v. Ông không quên nhắc lại câu thiệu: “Muốn
xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”.
Như “nắng hạn gặp mưa rào”, những người tử tế nghe ông Linh
thuyết trình, háo hức như những người lính sắp xung trận. Sau cuộc
diện kiến này, Báo giới, Văn giới và những người cựu kháng chiến ở
tỉnh Tiền Giang hăng hái vào cuộc.
Trên nhựt báo Sài Gòn (nghe đâu cả trên báo Nhân Dân) xuất hiện
chuyên mục “Những việc cần làm ngay” ký tên NVL – “Nguyễn Văn Linh” hay
“Nói và Làm” tùy hiểu.
Gần hai năm sau, Đại hội Báo chí toàn quốc họp tổng kết,
bốn tờ dẫn đầu (được “phong thánh”) trên mặt trận chống tiêu cực gồm:
Sài Gòn Giải phóng, Ấp Bắc (Tiền Giang), Tuổi Trẻ và Sông Hương.
Được Tổng Bí thư Linh bật đèn đổi mới, Báo chí, Văn Nghệ
vào trận ngay. Một số địa phương mà tôi được biết như TPHCM, Sông Bé,
An Giang, Cửu Long, Tiền Giang… đã thành lập Câu lạc bộ hay Hội Những Người Kháng Chiến cũ,
do những cán bộ đảng viên tên tuổi đứng đầu. Riêng “Câu lạc bộ Những
Người Kháng Chiến cũ” TPHCM ra đời sớm nhất, số lượng hội viên khi ra
mắt đông nhứt – 12 ngàn. Những tổ chức Người Kháng Chiến gắn chặt
với Báo chí, chẳng những chặn đứng mà còn đẩy lùi tệ nạn tiêu cực
trong xã hội, phá nhiều vụ án lớn gây chấn động.
****
Năm 1998, khi các Đảng Cộng sản Đông Âu lần lượt sụp đổ, vì
sự sống còn của Đảng, ông Linh thầm lặng dẫn phái đoàn Đảng Cộng sản
Việt Nam sang Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc) mật đàm rồi ký mật ước
gì đó giữa hai Đảng, hai nước – cho đến nay vẫn còn giữ bí mật về
nội dung.
Điều ai cũng thấy lạ, sau khi hội nghị Thành Đô ở Trung
Quốc về, ông Linh lại làm những điều trái ngược những gì ông chủ trương
trước đó, tôi xâu chuỗi lại như sau:
- Đột ngột xuất hiện
thường xuyên trên diễn đàn, trên văn kiện, văn bản… câu “Thế
lực thù địch đang chuyển lửa về quê nhà!”.
- Chuyên mục “Những
việc cần làm ngay” không còn xuất hiện trên báo. Thấy lạ, miệng đời
biếm “Những việc cần làm ngơ”.
- Chắc chắn có sự chỉ
đạo từ Trung ương, lãnh đạo các địa phương ra lịnh cho Báo chí, Văn
Nghệ, Hội Người Kháng Chiến ngừng tấn công, kiểm điểm xử lý nghiêm
túc…, với lý do ngăn ngừa “các thế lực thù địch lợi dụng, làm mất đoàn
kết nội bộ”. Thế là những ai đã hăng hái chống tiêu cực no đòn. Cụ
thể:
+ Ông Tô Hòa, Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng bị
cách chức, cho nghỉ hưu.
+ Bà Kim Hạnh, Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, thôi giữ chức,
chuyển công tác khác .
+ Hai ông Trần Bửu, Kim Tinh, Tổng và Phó Tổng Biên tập báo
Ấp Bắc (Tiền Giang) thôi giữ chức, chuyển công tác.
+ Tờ Sông Hương không còn xuất hiện những bài hăng hái đổi mới
– nghe đâu ông Tổng Biên tập cũng bị no đòn trong đợt này.
+ Về Văn Nghệ: Nhà văn Bảo Ninh no đòn vì tác phẩm “Nỗi buồn
chiến tranh”. Nhà văn Phùng Gia Lộc no đòn vì tác phẩm “Đêm ấy đêm
gì”. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp no đòn vì tác phẩm “Phẩm tiết”, v.v.
và v.v.
+ Về Câu lạc bộ và Hội Cựu Kháng Chiến còn thê thảm hơn: Ông Nguyễn Hộ và ông Tạ Bá
Tòng, Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến cũ
TP HCM bị xem như những tên Việt gian, bị quản chế tại gia. Các ông
Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Cựu Kháng Chiến các tỉnh vừa kể trên bị
đối xử chẳng khác những tên tội phạm, dầu họ là những cán bộ
trung, cao cấp của Đảng. Riêng ở tỉnh Tiền Giang, 57 cán bộ sơ, trung,
cao cấp Đảng (có cả đương nhiệm hoặc hưu trí) đứng tên xin lập Hội
Cựu Kháng Chiến bị đối xử thậm tệ: có khoảng 50% bị khai trừ Đảng,
số còn lại bị loại ra khỏi “vòng chiến” – vì quá nhiệt tình chống tiêu cực, tất cả họ
có chung tội “Bị
các thế lực thù địch kính động gây mất đoàn kết nội bộ”.
Tiêu cực phần lớn ở trong cán bộ đảng viên. Bảo chống tiêu
cực đừng nhằm vào cán bộ đảng viên là phi lý. Chẳng lẽ đối tượng
của chống tiêu cực là tích cực – thật khôi hài.
*****.
Cũng tất nhiên thôi: khi lực lượng chống tiêu cực bị vùi dập,
thế lực tiêu cực hồi sinh, nhơn danh gì có thể nhơn danh, lợi dụng gì
có thể lợi dụng, ho ra những đòn thù không tưởng nổi!
Dường như lịch sử lặp lại, suy nghĩ và hành động tiền
hậu bất nhất của ông Linh, khiến người ta nhớ lại vụ “Nhân văn Giai phẩm”
và vụ “Những phần tử xét lại chống Đảng” trước kia ở miền Bắc. Ông
Linh làm những chuyện “trời sầu đất thảm”, nếu không buộc tội ông
thì buộc tội ai mới đúng? Có điều, hãy “thông cảm” cho ông Linh: “Vì
quá trung với Đảng nên đành bất hiếu với dân”.
Trong khi dư luận xã hội đang “hầm” ông Linh về những
điều bí ẩn ở mật nghị Thành Đô và việc sát phạt không nương tay
những người trung can, Trung ương Đảng lại cho xây đài tưởng niệm và vinh
danh ông ấy. Việc làm đó của Đảng khác nào đổ dầu vào lửa, tôi e
rằng công chúng càng bất tín đối với Đảng. Việc làm đó có gì khác
so với Hà Nội tổ chức triển lãm “Cải cách ruộng đất” cách đây hơn
một năm.
Có ai to bằng ông này nào? Gần như toàn bộ triều đình đều có mặt
30/6/2015 tại tượng đài Nguyễn Văn Linh, Hưng Yên.
Tôi chẳng những biết ông Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) trong
chiến tranh, mà còn biết ông cả sau chiến tranh cho đến khi ông qua đời.
Đã 17 năm tính từ khi ông mất, tôi không buồn nhắc tới ông, một vị
lãnh tụ “chỉ biết còn Đảng còn mình”.
Từ lâu tôi cứ ngỡ rằng, trong
khi “chưa thể” bạch hóa nội dung mật nghị Thành Đô theo yêu cầu của
công chúng, lãnh đạo Việt Nam không muốn nhắc tới tên ông chi cho thêm
rắc rối. Thật tôi không ngờ, nhân 100 năm ngày sinh của ông (1915-2015),
lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam âm thầm xây tượng đài cho ông Linh hùng
vĩ, tụ họp khá đông đủ quan chức cấp cao làm lễ khánh thành, tổ
chức lễ tưởng niệm rồi thay phiên nhau ngợi ca không tiếc lời đối với
ông Linh. Tôi trộm nghĩ: Chẳng lẽ vinh danh ông Linh là một việc làm
có dụng ý “trước làm
sao, sau phải làm vậy, ai cũng không mất phần”?!
Rõ ràng, ông Linh là người Cộng sản thứ thiệt, luôn đặt
lợi ích Đảng của mình trên lợi ích Dân tộc. Ông thật xứng đáng là
lãnh tụ Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng lãnh tụ 90 triệu dân Việt Nam thì
còn phải xét lại. ./-
8/7/2015
T. T.
Tác giả gửi BVN.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment