40 NĂM LÀ QUÁ ĐỦ ĐỂ NGHIÊM TÚC
NHÌN LẠI TẤT CẢ
Tô Văn Trường
Kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước, người dân thường coi đây
là dịp nghỉ xả hơi, các nhà chính khách lại là dịp bày tỏ lập trường chính trị.
Người dân đất Việt, kể cả đồng bào ta ở nước ngoài quan tâm nhất là vấn đề dân
chủ và hòa hợp dân tộc. Đấy là 2 vấn đề tồn đọng suốt 40 năm qua.
Đúng là giang sơn đất nước đã vẹn liền một dải, đã thống nhất về
địa lý và pháp lý nhưng lòng người vẫn luôn còn canh cánh chưa yên thì sao gọi
là hòa bình (hòa hợp và bình an)!?
Một bộ phận không nhỏ những người từng hy sinh và hưởng vinh quang
(và cả vinh hoa phú quí) từ những ngày 30/4, không còn cần thêm những thứ đó mà
cần được sự tôn trọng của người dân để ngày 30/4 được trọn niềm vui dân tộc!
Sau 40 năm thống nhất đất nước, Việt nam có nhiều thay đổi. Nhìn
lại, từ một nước nghèo, lạc hậu thiếu ăn triền miên, Việt Nam đã đủ ăn, đủ mặc,
cơ sở hạ tầng có nhiều thay đổi, đã là nước có thu nhập trung bình. Dân số tăng
từ 50 triệu người lên đến 90 triệu…
Tuy nhiên, những mặt được còn rất khiêm tốn so với những tồn tại,
bất cập. Việt Nam là công xưởng gia công lớn nhất nhì thế giới, cơ cấu doanh
nghiệp bất cân đối (ngoại nhiều hơn nội, dịch vụ nhiều hơn sản xuất, công sở
nhiều hơn công xưởng, ngân hàng nở rộ thiếu kiểm soát chặt chẽ, hàng ngoại
nhiều hơn hàng nội…), hàm lượng trí thức Việt tích hợp trong các loại sản phẩm
quá thấp, văn hoá lai căng, thực dụng, chụp giật, ích kỷ, bon chen và tham
nhũng. Hào khí dân tộc sau 40 năm không còn được như xưa, lợi ích chung bị xem
nhẹ, thay vào đó là chủ nghĩa cá nhân và lợi ích nhóm.
Trong lịch sử Việt Nam duy nhất chỉ có triều đại nhà Lý là rạng rỡ
không tỳ vết: hiển hách về chiến công, hưng thịnh trong xã hội, đặc biệt nhất
là khi lên nắm quyền và lúc thoái quyền đều chẳng gợn chút binh đao, bởi vì đã
dấy tới binh đao là sinh linh đồ thán.
Còn nhà Trần rất oanh liệt thắng ngoại xâm nhưng ngay từ khi chấp chính
đã triệt hạ Lý tộc với phương châm “nhổ cỏ, nhổ cả rễ”, vì vậy để thoát nạn, cả
loạt người họ Lý phải đổi sang họ khác, cả một hạm đội hùng mạnh đã phải bôn ba
theo Hoàng tử thủy sư đô đốc Lý Long Tường bôn tẩu sang tận xứ Cao Ly, và đã
mang lại cho xứ người những chiến công hiển hách, được các triều đại Cao Ly ghi
công vào sử xanh rạng rỡ!
Lịch sử cận đại nước nhà cũng đã có người rất sáng suốt, rất thiện
chí, vạch ra những bước cần phải theo để thoát khỏi lạc hậu, bần hàn. Nguyễn Ái
Quốc đã gửi một Thỉnh nguyện thư đưa cho thư ký của Tổng thống Mỹ Wilson năm
1919 nhân có cuộc họp của các cường quốc chiến thắng Đức ở Versailles, Pháp,
nhưng không có hồi âm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi liên tiếp thư cho Tổng thống
Mỹ Harry Truman, ngỏ ý muốn làm đồng minh với Hoa Kỳ như Philippines, cũng
không có hồi âm. Nhóm Đông kinh Nghĩa thục của cụ Lương Văn Can đã tổ chức
những lớp học cho thanh niên Việt Nam theo phương châm chấn hưng đất nước, nâng
cao dân trí nhưng không lâu sau đó, nhà cầm quyền Pháp trấn áp, bắt cụ Cử Can
đày biệt xứ.
Tất cả những sự việc đó cho thấy một ý đồ có thể rất tốt, một chủ
trương rất đúng, nhưng muốn thực hiện thành công thì phải hội tụ đủ các điều
kiện cơ bản, mà chúng ta chưa có, thất bại là không tránh khỏi.
Thời gian gần đây, thế giới từ hai cực chuyển thành đơn cực và lại
từ đơn cực thành đa cực. Việt Nam tuyên bố làm bạn với tất cả các nước, tức là
trung lập không thuộc về cực nào? Thực tế có lẽ không phải vậy, chúng ta đang thuộc về cực của quá khứ lạc
hậu, thiếu định hướng chiến lược và tầm nhìn. Dân tộc thiếu người lãnh đạo xứng
tầm, thiếu lòng tin vào chính mình và môt ý chí sắt đá để vươn lên tầm của một
dân tộc vĩ đại (?), mặc dù khả năng là
hoàn toàn có thể!
Hiện nay, những gì không hay, không tốt, vẫn đổ tại “cơ chế”.
Chúng ta cần cơ chế vận hành ưu việt đã được kiểm nghiệm trên thực tế (mô hình nhà
nước tam quyền phân lập, kinh tế thị trường, xã hội dân sự). Khi có được cơ chế
tốt, ta sẽ có thể lựa chọn ra những người lãnh đạo tốt thì kinh tế, xã hội, văn
hóa… sẽ phát triển.
Tôi nhớ có lần được nghe vị lãnh đạo cấp cao nói đại ý: “Không
thể chấp nhận đất nước hóa rồng mà nô lệ!”.
Xin hỏi Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… bị nô lệ ai khi hóa rồng?
Nước nào đặt điều kiện cho Việt Nam là muốn hóa rồng, thì phải làm
nô lệ họ?
Có thể nào tưng bừng hớn hở hơn không, khi không cần, không thèm (không
thể!) hóa rồng, cứ rung đùi “độc lập, tự chủ” mà tụt hậu, đói nghèo, nợ nước
ngoài đầm đìa, dân bị bịt mồm, tham nhũng tràn lan, khoảng cách giàu nghèo ngày
càng doãng rộng, văn hóa đạo đức xã hội tụt dốc không phanh?
Việc giải phóng đâu chỉ vỏn vẹn ở cái nghĩa là mang lại cho ai đó
tự do, mà còn hệ trọng hơn là phải giải phóng (giải thoát) cho chính cái đầu
của mình thoát khỏi những mê muội, ám ảnh để minh mẫn, thông tuệ, thức thời.
Trong các diễn văn của lãnh đạo mỗi dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn thường
có cụm từ như điệp khúc cảm ơn Liên Xô, Trung Quốc và lời tố cáo “tội ác dã man
của đế quốc Mỹ”. (Lờ đi hoặc hiếm hoi mới có người điểm qua đến chiến tranh
biên giới phía Bắc, Tây Nam và Hoàng Sa, Trường Sa). Nhưng xin đừng quên lời nói
gan ruột của cố Tổng bí thư Lê Duẩn: “Ta đánh đây là đánh cho Liên Xô, cho Trung
Quốc”! Máu của hàng triệu người Việt quý hơn trăm
nghìn lần so với súng đạn, xăng dầu của hai ông “anh”, nên nói một cách sòng
phẳng thì chính họ, đặc biệt là Trung Quốc mới là người mắc nợ Việt Nam.
Ngày 30/4 có triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn (Lời
cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.). Hào khí “chiến thắng” cũng chỉ chừng tới đó. Nếu để ý sẽ thấy lễ kỷ niệm 40 năm ngày 30/4
năm nay chỉ có 3 đoàn đại biểu Cu Ba, Lào, Campuchia tham dự, nhưng dẫn đầu
không phải là nguyên thủ quốc gia. Hầu hết các lực lượng, phong trào dân chủ đã
từng ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đều… im lặng, không hoan
hỷ chúc mừng Việt Nam nữa. Nếu
nhìn vào danh sách những “đối tác chiến lược, đối tác toàn diện” đặc biệt là
ông bạn phương Bắc “4 tốt, 16 chữ vàng” hiện nay thì mới thấm thía nỗi
niềm của một kẻ “sáng lắm mối, tối nằm không” như Việt Nam hiện nay.
Việt Nam chưa kết thúc nhiệm vụ giải phóng dân tộc trên các mặt
trận không có tiếng súng như kinh tế, văn hóa, tư tưởng, xã hội. Vấn đề quan trọng
hơn cả là phải tổng kết, rút ra những bài học thành công, thất bại để vận dụng
vào nhiệm vụ đấu tranh chống sự áp đặt chính sách bá quyền, bành trướng của đại
bá nhằm biến các nước khác, trong đó có Việt Nam, thành những nước chư hầu,
nước thuộc địa kiểu mới của thế kỷ XXI. Trong thực tế, đối phương đã thiết lập
được nhiều đầu cầu tiến công cắm sâu trên các mặt trận không có tiếng súng, kể
cả ở Biển Đông. Do đó, cần có sách lược, chủ trương thích hợp để đẩy lùi các
đầu cầu tiến công của đối phương.
Nói tới 40 năm, thì đó chỉ là một con số hơi thiếu linh hồn.
Nhưng, chính cái thời lượng đó có thể quy đổi bằng hai thế hệ (hai loạt người được
sinh ra) mà theo cách nói nôm na của dân tộc ta là hai đời và, “biết đến đời
nào” mới thực sự có dân chủ và hòa hợp dân tộc? Ngẫm suy, giống như từ “đời”
não ruột trong thơ của cụ Cao Bá Quát tỏ ý bất bình với quan huyện qua bài thơ
“Quan ngơi”:
“Một buổi hầu rồi một buổi ngơi,
Đâu còn nhớ chữ “viễn phương lai”.
Mới sang chừng ấy ngơi chừng ấy,
Sang nữa thì ngơi biết mấy đời “.
Xem lễ mít tinh trọng thể nhân 40 năm ngày thống nhất đất nước
30/4 tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh khá rầm rộ với diễu binh, diễu hành nhưng nhiều
người dân vẫn cảm thấy thiếu một cái gì đó khó nói, có thể là đó là tâm trạng,
và cũng có thể là mối lo cho vận nước ngày mai? Mặc dù với thế hệ đã cao tuổi
như chúng tôi thì “ngày mai” là thứ quá xa vời theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN
__._,_.___
No comments:
Post a Comment