Việt Nam






Wednesday, 15 June 2016

Phải chăng chúng ta đang đối mặt với sự khủng hoảng Triết Lý Sống?


NÓI THẬT KHÔNG SỢ MẤT LÒNG (kỳ 15- 2)

Câu chuyện thứ 15 – phần 2: Phải chăng chúng ta đang đối mặt với sự khủng hoảng Triết Lý Sống?

Hữu Minh
…rõ ràng là những vết đen nhơ nhuốc, những nỗi đau… trong đời sống xã hội hiện nay (…) đều biểu hiện một sự khủng hoảng thật sự, đúng nghĩa, trên tất cả các giá trị chuẩn mực và có tính triết lý…

Thật ra câu hỏi này đã được chúng tôi đặt ra với nhau từ lâu rồi. Do là một chủ đề lớn và khó nên mãi gần đây, khi mức độ khủng hoảng đã lên đến đỉnh cao, chúng tôi mới lại đưa ra bàn thảo cụ thể. Đúng là, từ nhiều chục năm gần đây, kể từ sau chiến tranh kết thúc (1975), trong đời sống xã hội Việt Nam ngày càng xảy ra lắm chuyện tổn thất rất xót xa, rất đau lòng…, những chuyện xấu xa, tồi tệ, khốn nạn, tàn độc… đến ghê người. 

Tuy rằng những tổn thất do thiên tai ở Việt Nam là rất lớn, nhưng người dân lại đặc biệt quan tâm đến những tổn thất đến từ nhân tai, tức do chính con người gây ra cho nhau! Xã hội ngày càng trở nên lộn xộn, đảo điên, bất an, khó thân thiện, thiếu vắng sự tin cậy…, mất phương hướng và bất ổn khó lường.

Đó là chưa kể đến tác động tiêu cực cũng khá nặng nề từ tình hình rất khó kiểm soát của “thế giới đại loạn”, tiếp nối từ tai họa khủng bố và các loại “cách mạng đường phố, cách mạng màu”… đã liên tục xảy ra hầu như trên khắp các châu lục! Thế nên mới có nhiều lời oán thán, rên xiết, kêu trời nhưng trời đâu có mà thấu cho, rằng “Nước ta chưa bao giờ, chưa thời nào lại rối bét, lại thối nát như bây giờ!”

Phải chăng là trong đời sống xã hội đang có sự Lên Ngôi của Tội Ác, sự Đểu Cáng và các Phản Giá Trị Văn Hóa, trên bình diện vĩ mô? Và, kể từ các tai họa trên thế giới cho đến các vấn nạn trong nước, đều chưa có một sự lý giải đúng đắn, tường tận, thấu đáo về nguyên nhân! Người dân thì băn khoăn, trăn trở, lo lắng đến cao độ, còn lãnh đạo thì lúng túng, vòng vo, cứ như là bất lực hoặc thỏa hiệp, dung dưỡng! Ngày nay, đi đến đâu cũng đều đụng chạm đến nỗi đau gây ra từ tham lam, lật lọng, thất tín và dối trá, cũng phải nghe nhũng chuyện tham nhũng, mua bán đủ thứ, lừa đảo, trong đó có những “phi vụ khủng”, lớn và cực lớn, rất khó tin! 

Quan hệ và giao tiếp ở đâu cũng đều “ngửi thấy mùi Tiền”, cũng cảm nhận được những ẩn họa của những mưu mô, toan tính xảo quyệt hòng bóp nặn, tước đoạt, cũng lo sợ trước mối đe dọa của bạo lực, của sự mất tự do…, đi đến đâu cũng toàn gặp những sự đểu cáng, cũng trực tiếp hoặc gián tiếp chịu sức ép của các thủ đoạn bẩn thỉu, thấp hèn…, và ngày càng xuất hiện đủ các kiểu hành xử táng tận lương tâm, độc ác, mất hết Tính Người!… Soi xét vào bất cứ lĩnh vực nào của đời sống xã hội cũng đều thấy thối nát, rất hiếm gặp được sự tử tế đúng nghĩa, và không thể tạo ra niềm tin cho người dân, dân không tin nhau, dân không tin Đảng, và ngược lại! Rất khó mà tìm lại được bộ mặt đáng yêu của một nền văn hóa Việt Nam truyền thống đậm đà bản sắc, như đã từng có và từng thăng hoa nhiều thời, mà ở đâu cũng toàn bắt gặp những biểu hiện phản văn hóa, tức là những thứ “văn hóa” bẩn, bệnh hoạn, tha hóa. 

Từ văn hóa Đảng, văn hóa công đường, văn hóa nghị trường, văn hóa công sở, rồi văn hóa đô thị, văn hóa làng xã… cho đến văn hóa học đường, văn hóa gia đình; từ văn hóa lãnh đạo, văn hóa cầm quyền, văn hóa quản lý… rồi văn hóa kinh doanh, văn hóa giao thông, văn hóa xây dựng… cho đến văn hóa giao tiếp, văn hóa lễ hội… và kể cả văn hóa tiêu dùng, văn hóa ẩm thực… đều cùng bị nhuộm đen một mầu của biến tướng, lai căng, mất gốc!

 Lý thuyết thì vẫn rất hay, nhưng thực tiễn thì “Nói dzậy mà không phải dzậy”, tức là đều bị bóp méo hoặc làm ngược lại! Đáng lo là mức độ của các vấn nạn trên ngày càng dày lên, xảo quyệt hơn lên, bẩn thỉu hơn lên, tàn độc hơn lên…, đến mức “báo động đỏ”, cực kỳ nguy hiểm, và chưa có cách kìm ngăn được đà suy thoái này! Vào mạng bất cứ lúc nào, đọc báo bất cứ ngày nào, đi bất cứ địa phương nào trên đất nước này cũng đều bắt gặp các thông tin xót xa nói trên!

Chúng ta phải gọi đó là sự khủng hoảng Triết Lý Sống, không thể có cách gọi khác (gọi là xuống cấp đạo đức và lối sống thì quá nhẹ và hẹp)! Bởi triết lý sống (TLS), như chúng ta đã biết, là một hệ thống các quan niệm, ở tầm cao triết lý và đáng gọi là các giá trị chuẩn mực, về SỰ SỐNG của Con Người, theo nghĩa đầy đủ nhất. 

Ngoài triết lý tổng quát về Mục Đích Sống, nó còn bao gồm các triết lý cụ thể trong từng phạm trù của SỰ SỐNG đó (Công hiến và hưởng thụ, hoài bão và kỳ vọng, quyền và nghĩa vụ, lương tâm và trách nhiệm, bản lĩnh và sự thăng tiến, danh dự, sự liêm sỉ và lòng tự trọng, tình yêu và gia đình, lòng yêu thương con người và sự sẻ chia, hạnh phúc và sự hy sinh, lòng tốt và sự tử tế, tình làng nghĩa xóm và tình yêu quê hương đất nước, thái độ đối với môi trường sống, cách đối nhân xử thế…, cùng với các giá trị Chân – Thiện – Mỹ). 

Rõ ràng là những vết đen nhơ nhuốc, những nỗi đau… trong đời sống xã hội hiện nay, như chúng ta vừa điểm lại đó, đều biểu hiện một sự khủng hoảng thật sự, đúng nghĩa, trên tất cả các giá trị chuẩn mực và có tính triết lý nói trên. Chúng ta phải nghe khác đi, buộc phải hiểu khác đi và tệ hại nhất là phải làm khác đi, thậm chí làm ngược lại, với tất cả các giá trị chuẩn mực đó! Chúng ta đang bị rối loạn các giá trị, xã hội đang rất thiếu những cái tốt, nhưng lại thừa mứa vô cùng nhiếu cái xấu!…

Như chúng ta đã biết, SỰ SỐNG của Con Người luôn được hiểu đầy đủ là bao gồm cả đời sống vật chất và đời sống tinh thần, là sự sống của từng người phải luôn gắn liền với sự sống của cộng đồng xã hội, mà trên hết là sự phát triển của đất nước. Đời sống vật chất biểu hiện ra ở phần Sinh học của con người, tức là phần Xác của từng người, biểu hiện ra ở cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội của đất nước. Đời sống tinh thần biểu hiện ra ở phần Xã hội của con người, tức là phần Hồn của từng người, biểu hiện ra ở bộ mặt văn hóa, tinh thần của xã hội. Hai mặt này luôn gắn kết với nhau trong mỗi con người cũng như trong mỗi cộng đồng, luôn đồng hành trong phát triển. Nếu thiếu vắng đi một phần nói trên thì không còn là Con Người, không còn là Xã Hội, và về thực chất Sự Sống Người cũng sẽ không thể tồn tại, xã hội sẽ trì trệ rồi tàn lụi! 

Trong sự sống của con người thì lao động sản xuất là hoạt động trung tâm và cơ bản nhất, nó tạo ra mọi giá trị vật chất và tinh thần để thúc đẩy xã hội phát triển. Chính TLS của con người là động lực phát triển của mỗi cá thể, và còn là nền tảng của cái tương tự ở tầm vĩ mô, được gọi là triết lý phát triển (TLPT) của đất nước (hay TLPT quốc gia).

TLS của con người luôn gắn liền với TLPT quốc gia. Giữa chúng luôn có một mối quan hệ biện chứng, chi phối lẫn nhau, nhưng trước hết TLPT quốc gia phải phản ánh được TLS của đông đảo người dân. Song, nói rõ hơn thì không phải hoàn toàn là một sự sao chụp nguyên si từ cái này sang cái kia, không phải là luôn có sự đồng dạng, và cũng không dễ dàng có sự đồng nhất. Mối quan hệ này là một sự tương tác có điều kiện, cả hai chiều, tùy thuộc vào bản chất của thể chế xã hội. 

Nói khác đi, không cứ nếu TLPT quốc gia sai lầm, bế tắc, không còn đáng gọi là TLPT nữa, thì ắt TLS của người dân sẽ mất chuẩn, và tương tự với điều ngược lại.

TLS của con người cũng như TLPT của đất nước đều do con người tạo ra, nó được hình thành từ sự giáo dục và tự giáo dục, trong mối quan hệ tương tác có điều kiện, diễn ra trong môi trường đời sống cộng đồng. TLS của mỗi cá thể người được quyết định bởi bản lĩnh nhân cách (Đức và Tài) của người đó. 

Do đó trình độ sở hữu TLS giữa các cá thể người là không như nhau (đầy đủ hoặc còn thiếu hụt, sâu sắc hoặc còn nông cạn, sơ lược…), nhưng những nét chung nhất mang bản sắc dân tộc thì đều tương đồng. Còn TLPT của đất nước, về lý thuyết là được hình thành trên nền tảng TLS của đông đảo người dân, như đã nêu ở trên, nhưng trong thực tiễn thì không phải lúc nào cũng vậy. 

Bởi thông thường thì tác giả của TLPT quốc gia là các chính trị gia trong giới cầm quyền. TLPT quốc gia được quyết định bởi bản lĩnh chính trị, bởi nhân cách (phẩm chất trí tuệ và đạo đức) của giới cầm quyền. Giới cầm quyền đẻ ra TLPT quốc gia, trước hết là xuất phát từ lợi ích của giai tầng thống trị. 

Ở quốc gia nào có thể chế dân chủ, chính quyền là thật sự “Của dân, do dân, vì dân”, tức là có sự thống nhất lợi ích của đất nước, của toàn dân, không có sự khác biệt lợi quyền Quan chức – Nhân Dân, thì sẽ có sự đồng dạng, đồng nhất giữa TLS của người dân và TLPT của đất nước. Những quốc gia đó mới hội đủ điều kiện để phát triển nhanh và bền vững, mới là các quốc gia thật sự hạnh phúc, người dân được thụ hưởng mọi quyền tự do dân chủ thực chất nhất. 

Số quốc gia thuộc diện này hiện nay rất hiếm (theo đánh giá xếp loại của một tổ chức quốc tế thì chỉ khoảng hơn chục nước, dẫn đầu là các nước Bắc Âu). Trong khi đó thì trên phạm vi toàn cầu vẫn còn một bộ phận đáng kể các quốc gia đang trong tình trạng phải cải biến xã hội, thay đổi dần thể chế chính trị theo hướng dân chủ hóa, mà trong đó có một số ít ỏi nước hãy còn duy trì thể chế độc tài toàn trị. 

Ở bộ phận này thì TLPT quốc gia về thực chất chỉ là một ngụy thuyết, mang đậm tính chất phản tiến bộ (tức phản động) với các mức độ khác nhau, và tất nhiên là đối nghịch với TLS của đông đảo người dân. Đó là ngụy thuyết phản phát triển, lực cản chủ yếu và rất lớn đối với sự phát triển của đất nước. Rất tiếc là nước Việt chúng ta đang ở trong tốp ít ỏi các quốc gia lạc hậu tệ hại này, đất nước và người dân đang bị ngụp lặn quá sâu trong ngụy thuyết bảo thủ và phản động đó.

Mặt khác, khi giới cầm quyền đã xác lập được cái ngụy thuyết phản phát triển và áp đặt nó vào việc điều hành đất nước, thì không những chỉ gây ra sự tổn thất trong sự phát triển đất nước về mọi mặt, mà còn tạo nên một sự tha hóa dây chuyền, từ ngụy thuyết phản phát triển đó đến TLS vốn cao đẹp của người dân. Sẽ có một bộ phận người dân bị nhiễm theo, và trở thành kẻ đồng phạm, đồng lõa, và cũng là nạn nhân. Hậu thuẫn cho ngụy thuyết phản động đó là cả một hệ thống chính trị có bản chất là bảo thủ, tha hóa, với nhiều thủ đoạn đàn áp bằng bạo lực, mà nguy hiểm nhất là đàn áp tư tưởng. Đó là bối cảnh thật sự của sự khủng hoảng TLS và TLPT, như Việt Nam chúng ta đang phải gồng mình gánh chịu.

Cần phải nói thêm rằng, trong nội dung TLS hay TLPT của một đất nước, ngoài phần căn cốt nhất là những triết lý có giá trị phổ quát của nhân loại (tạm gọi phần phần cứng) thì phải luôn có mặt những triết lý cụ thể mang bản sắc dân tộc (tạm gọi là phần mềm), tức là những nét riêng khác, của đất nước, dân tộc. Mặt khác, với tư cách là một dạng văn hóa tinh thần ở tầm bao quát và cao nhất, TLS và TLPT không cần và không được trưng ra một cách độc lập và tường minh thành giấy trắng mực đen (văn bản) như hiến pháp, pháp luật, đường lối, chính sách… mà nó bao giờ cũng ẩn chứa bên trong, ở đàng sau, các hoạt động thực tiễn, ở độ sâu của tư duy các chủ thể người. Do đó, để nhận diện được TLS và TLPT thì phải nhìn vào hành động, phải soi xét vào thực tiễn đời sống kinh tế – xã hội.

Kết quả của việc tìm hiểu, nhận diện TLS sẽ giúp chúng ta thấy được đáp án rõ ràng cho câu hỏi Con người ta sống vì cái gì? Còn nhận diện TLPT quốc gia thì sẽ nhận được câu trả lời xác thực cho câu hỏi Sự phát triển của đất nước là vì Lợi nhuận của các tập đoàn lợi ích hay vì Sự Phát triển của Con Người, vì lợi ích của Người Dân?
Nhận diện TLS của con người thì cần nhìn cho ra cái động lực thật sự của Sự Sống mà người ta đang thể hiện, là Sống vì Tiền, vì Quyền lực, vì sự hưởng lạc cho riêng mình, hay vì tình yêu thương con người, yêu thương đồng loại, đồng bào, vì hạnh phúc của nhân dân? Không phải chỉ nghe câu trả lời vô hồn đầu lưỡi đã rất quen mồm về Lý tưởng sống, về đạo đức, lối sống… mà cần đi sâu vào tìm hiểu sự thể hiện trong việc làm thường ngày, đối với từng phạm trù cụ thể của đời sống vật chất và tinh thần của các chủ thể, như đã nêu ở phần trên (Cống hiến và hưởng thụ, lương tâm, trách nhiệm, danh dự, sự tử tế…, cách đối nhân xử thế, thái độ đối với môi trường sống, sự thể hiện các giá trị Chân – Thiện – Mỹ…).

Nhận diện TLPT quốc gia thì không phải chỉ đọc các văn bản, chỉ nghe tuyên truyền trên báo chí, qua diễn thuyết… về đường lối chính sách, mà cần phải soi xét vào việc tổ chức thực hiện và hiệu quả thực tế các đường lối, chính sách đó trong thực tiễn. Nhăm để nhìn cho thấu cái thực chất là Có phải Vì Dân không, Có phải lấy Dân làm Gốc không? 

Cụ thể hơn, cần nhìn rõ được các mối quan hệ rất cơ bản trong sự phát triển của đất nước: quan hệ giữa kinh tế với chính trị, với văn hóa, xã hội, quan hệ giữa lợi ích dân tộc với lợi ích các tầng lớp dân cư… và rõ hơn nữa là quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng xã hội, với bảo vệ môi trường sống, với bảo vệ nguồn tài nguyên, với bảo vệ các giá trị văn hóa tinh thần, chống lại sự tha hóa nhân cách… 

Rồi từ đó, phải tìm được câu trả lời tiếp cho các câu hỏi cơ bản khác nữa: Con người có được thực sự giải phóng không? Dân có được thực sự là chủ và được làm chủ đất nước không? Đời sống xã hội có được dân chủ hóa một cách tích cực không, có chống được sự tha hóa quyền lực một cách thực chất không?… Và chung lại, phải tìm được câu trả lời trung thực nhất, rõ ràng nhất cho câu hỏi tổng quát: Về thực chất, sự phát triển của đất nước là Vì Con Người hay Vì Lợi Nhuận? 

Nhằm phục vụ ngày càng tốt cho HiệnTại, nhưng có làm hại cho Tương Lai không, có bắt tương lại phải gánh chịu hậu quả từ sự vô trách nhiệm và ích kỷ của hiện tại không? Đó chính là Triết lý xuyên suốt và nổi bật của lý thuyết về mô hình Phát Triển Bền Vững, do Liên Hiệp Quốc nêu ra cho toàn thế giới trong thế kỷ XXI, mà nước Việt ta còn chưa với tới được!

Tìm hiểu những vấn đề căn cốt này không thể chỉ nhìn lướt qua các hiện tượng bề ngoài, mà phải đi sâu vào bản chất, phải cố soi xét để nhìn cho rõ những Triết lý ẩn chứa bên trong.
Chính với cách nhận diện như vậy mà từ nhiều chục năm nay chúng ta đã nhìn ra ngày càng rõ nét hình hài của sự khủng hoảng quái ác này về TLS và TLPT của đất nước. Sự hiện diện của nó trong đời sống xã hội đã từng ngày lớn nhanh hơn, mạnh hơn, rộng khắp hơn, ghê rợn hơn… mà chưa có cách kìm ngăn lại, và thực sự đã tạo ra nỗi lo sợ ngày càng khủng khiếp và nặng trĩu treo lơ lửng trên đầu mọi người!

Hiện nay người Việt chúng ta đang thật sự khủng hoảng về TLS và TLPT đất nước, vì chúng ta đang rối loạn, đang lẫn lộn giữa giá trị và phản giá trị, các phản giá trị đang lấn át các giá trị. Thực tế là trong đời sống xã hội hiện nay chúng ta đang lấy phản giá trị làm giá trị, đang biến báo Xấu thành Tốt, đang ngụy tạo cái Giả thành cái Thật, đang ngụy biện cho cái Ác được coi là Thiện… Trong khi đó thì chúng ta lại đang rất thiếu vắng những giá trị thật sự, ở tầm cao của một TLS chuẩn mực, một TLPT chuẩn mực, để định hướng cho nhận thức và hành động, để có căn cứ mà phân biệt được Đúng – Sai!

Hậu quả của sự khủng hoảng này là vô cùng to lớn, là rất khủng khiếp, và đang hiện hữu rành rành. Nó không chỉ còn là một nguy cơ, mà thực sự đã thành một Tai họa! Con Người và Đất Nước đều bị tha hóa, và sẽ sụp đổ, tan rã, nếu không hóa giải được nguyên nhân của khủng hoảng!
Nước ta đã từng đi qua khủng hoảng kinh tế, đã và đang chịu đựng khủng hoảng môi trường sinh thái mà chưa có cách hóa giải, đã và đang chịu sức ép nóng của khủng hoảng chính trị từ sự tha hóa quyền lực. Những cuộc khủng hoảng nêu trên đã gây nên nhiều tổn thất cho sự phát triển của đất nước và đời sống của người dân. 

Còn sự khủng hoảng TLS và TLPT mà chúng ta đang nói đến thì đích thực là một sự khủng hoảng có tính Hủy Diệt, vì đối tượng tác động của nó là Con Người! Mà Con Người thì luôn là trung tâm của mọi sự phát triển, vừa là động lực và cũng vừa là mục tiêu của mọi sự phát triển, mọi tác động vào Con Người đều chi phối đến sự tồn vong của đất nước. Có lẽ sự khủng hoảng TLS và TLPT này là nguyên nhân của mọi sự khủng hoảng khác, đã, đang và sẽ đến với đất nước chúng ta.

Khi con người không còn lương tri, mất hết sự tử tế, khô cạn lòng nhân ái…, hay nói thật đúng là mất hết nhân cách, rơi vào khủng hoảng TLS, thì đâu còn là Người nữa, mà chỉ còn lại Con (thú), và lúc ấy xã hội chỉ còn là một bầy thú. Lúc ấy thì mọi hành vi không còn được định hướng bởi ý thức của Người nữa, nên chỉ dừng ở mức là hành vi bản năng! Những hành vi bản năng nhiều lắm cũng chỉ được coi là kỹ năng sống bậc thấp, hoặc thủ đoạn sống, và nếu nó lại được nhiễm thêm tính giả trá, đểu cáng… thì chỉ đáng gọi là thủ đoạn sống thấp hèn. 

Thủ đoạn sống thấp hèn chỉ tạo nên cái Ác, cái Xấu là điều tất nhiên! Mà nếu như TLPT của đất nước lại dựa trên nền tảng của các thủ đoạn sống thấp hèn của con người, thì đất nước cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng TLPT, việc điều hành, quản lý đất nước cũng sẽ luẩn quẩn trong vòng các thủ đoạn chính trị thiển cận, thực dụng, bẩn thỉu mà thôi! Trong một đất nước văn minh thì người dân phải biết hành xử với nhau bằng TLS trong sáng, chuẩn mực, nhà nước phải biết điều hành đất nước bằng TLPT tiên tiến, phù hợp với quy luật phát triển của thời đại. Đất nước mà rơi vào khủng hoảng TLS và TLPT thì làm sao mà tiến tới Giầu, Mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh cho được? Chỉ biết sống bằng thủ doạn thấp hèn thì đúng là một đất nước khốn nạn!

Và như đã nêu ở trên, nguyên nhân sâu xa, gốc rễ của sự khủng hoảng TLS và TLPT bắt nguồn từ sự hư hỏng của con người, trước hết là tầng lớp người đang cầm nắm, điều hành thể chế chính trị của đất nước. Sự hư hỏng của người dân là bị động, họ chỉ là nạn nhân! Còn quan chức thì hư hỏng một cách chủ tâm, họ là tội phạm! Do đó muốn hóa giải được vấn nạn này thì khâu đột phá phải là một sự “Thay máu” tầng lớp lãnh đạo (Đảng CSVN), đi liền theo đó là một sự thay đổi bản chất của thể chế xã hội. 

Hay như cách nói của lãnh đạo Đảng thì phải chỉnh đốn Đảng và đổi mới chính trị (bao gồm đổi mới đường lối, chính sách, đổi mới văn hóa lãnh đạo, quản lý, đổi mới cơ chế lãnh đạo, quản lý, thanh lọc cán bộ lãnh đạo, quản lý)! Nhân dân rất đồng tình, nhưng yêu cầu Đảng phải làm, chứ không chỉ nói, mà làm quyết liệt và thực chất! Đó là “phép màu” duy nhất đúng, không có cách gì khác!
Tháng 5 năm 2016
H.M.
Tác giả gửi BVN.
__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Featured post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

My Blog List