Việt Nam






Thursday, 16 June 2016

‘Muốn xử con quan phải thay đổi cơ chế'


‘Muốn xử con quan phải thay đổi cơ chế'

  • 15 tháng 6 2016
Luật sư Trần Quốc Thuận nói "việc bổ nhiệm con cán bộ là hình thức phong kiến mới"
Một nhà quan sát bình luận với BBC về chuyện con cán bộ được bổ nhiệm 'đúng quy trình'.
Báo Việt Nam đang đồng loạt đưa tin về vụ cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng bị chất vấn về việc đưa con trai là Vũ Quang Hải vào các vị trí lãnh đạo bộ và doanh nghiệp từ 2011 tới nay.
Hôm 15/6, con trai cựu bộ trưởng trả lời chất vấn và nói ông được bổ nhiệm 'đúng quy trình' khi được đưa vào một tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước.
Ông Vũ Quang Hải, con trai cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời báo Tuổi Trẻ: "Tôi chỉ là người làm thuê cho Sabeco thôi, hoàn toàn rất đúng quy trình, chứ không phải bố bổ nhiệm con."
Trong lần bổ nhiệm mới nhất hồi tháng 2/2015, ông Hải, sinh năm 1986, được đưa vào vị trí Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bia Sabeco, một trong những tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước.
Báo chí lúc đó đưa tin nhưng không đặt nghi vấn.

‘Tư bản phong kiến’

Hôm 15/6, trả lời BBC, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói: “Chuyện bổ nhiệm con cán bộ vào các chức vụ cao cấp đã có nhiều năm nay, nhất là trước Đại hội 12”.
“Nổi cộm nhất là phải nhắc đến trường hợp hai con trai của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
“Mấy ngày nay rộ lên trường hợp ông bộ trưởng trực tiếp bổ nhiệm con mình thì chuyện đó lộ liễu quá”.
Hiệp hội Đầu tư Tài chính Việt Nam chất vấn cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng về việc bổ nhiệm con trai vào các vị trí quan trọng
“Tất nhiên là những trường hợp bổ nhiệm đó không bình thường thì người ta mới đặt vấn đề, chứ thông qua thi tuyển, tranh cử thì chẳng ai nói làm gì”, luật sư cho biết thêm.
“Có thể nhìn nhận hình thức bổ nhiệm con cán bộ là đặc quyền đặc lợi, cha truyền con nối, hay là tư bản phong kiến tại Việt Nam”.
“Những trường hợp này thường thì sau khi công luận ồn ào thì không thấy làm gì rốt ráo. Tôi hy vọng là lần này họ điều tra và xử lý tới nơi tới chốn, từ trên xuống dưới”.
“Ở Việt Nam thì dễ xảy ra tình trạng đánh trống bỏ dùi lắm, người dân đang chờ, nếu đưa ra mà không xử lý thì mất lòng tin của người dân vào chế độ”.
Ông Thuận nói thêm: “Việc bổ nhiệm con cán bộ thường được cho là đúng quy trình. Có thể hiểu đó là việc đưa qua đưa lại, cuối cùng thì nhận xét của cấp ủy thấy không có vấn đề gì thì bổ nhiệm”.
“Cái gì mà không đúng quy trình, nhưng đằng sau đó có chuyện bôi trơn, bè phái”.
“Thực tế thì cơ chế giám sát những trường hợp này chỉ mang tính hình thức thôi, chẳng có giá trị gì. Vì những người giám sát, ngay cả các đại biểu Quốc hội cũng là cấp dưới lãnh đạo cả thì sao dám vượt ý kiến cấp trên được?”.
Muốn có liều thuốc mạnh tay xử lý chuyện này thì phải thay đổi cơ chế, có tự do báo chí, tự do ngôn luận. Chứ như cơ chế bây giờ thì chẳng đi đến đâu”.
Đề cập về trường hợp con cán bộ tự nguyện từ chức trong danh dự, luật sư nói: “Ở Việt Nam thì chưa có tiền lệ này, ngoại trừ trường hợp cách đây vài năm của cô con gái Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng 'thôi chức' chủ tịch Vinaconex”.
“Còn với những trường hợp khác thì công luận càng nói thì con họ càng lên chức”.

VN 'cần đẩy nhanh cải cách thể chế'

  • 15 tháng 6 2016

Tình trạng tụt hậu đang ngày càng nghiêm trọng, hiện là mối đe dọa to lớn nhất cho đất nước và kéo theo "các nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng Cộng sản Việt Nam phát triển theo chiều hướng xấu nhanh hơn", cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp nói.
Cuộc phỏng vấn mới đây của VietTimes với ông Lê Doãn Hợp nhắc lại "bốn nguy cơ" từng được nêu trong Hội nghị giữa kỳ Đại hội Đảng VII hồi 1994, gồm tình trạng tụt hậu, chệch hướng, tham nhũng và diễn biến hòa bình.
Việt Nam, theo đánh giá của ông Hợp, đang tụt hậu ở nhiều lĩnh vực.
Ông Hợp nêu các số liệu chứng minh rằng các thành tích của Việt Nam, từ thu nhập bình quân đầu người cho tới giáo dục, y tế, đều ở mức dưới trung bình, trong lúc chỉ số tham nhũng thì "thuộc nhóm một phần tư quốc gia cuối bảng".

'Cần đẩy nhanh cải cách thể chế'

Để đất nước không rơi vào tình trạng tụt hậu thì "điều quan trọng nhất là phải đẩy nhanh cải cách thể chế", VietTimes dẫn lời ông Hợp.
Về nguy cơ "chệch hướng", ông Hợp nói Việt Nam chỉ có ba lựa chọn, gồm rẽ theo chủ nghĩa phong kiến, hướng sang tư bản chủ nghĩa, hoặc chọn "chủ nghĩa tư bản thân hữu".
Việt Nam, với xu thế phát triển hiện thời, sẽ không thể quay trở về thời kinh tế phong kiến trước kia, do đó đây không phải là một mối lo thực sự.
Tuy nhiên, Việt Nam rất dễ mắc phải căn bệnh phong kiến trong việc tuyển dụng nhân sự "cha truyền con nối" và "anh xuống em lên", ông Hợp nhận xét.

Ông cũng đánh giá rằng không nên coi việc hướng sang chủ nghĩa tư bản là một nguy cơ "chệch hướng", bởi đó chính là mô hình lý tưởng, là "giấc mơ của nhiều nước xã hội chủ nghĩa đương thời".
Tuy nhiên, theo ông Hợp, "chủ nghĩa tư bản thân hữu", với đặc trưng "có sự cấu kết, thâm nhập lẫn nhau giữa nhóm đặc quyền kinh tế và nhóm đặc quyền chính trị" nhằm mục đích "cùng nhau trấn lột “mềm”... thâu tóm tài chính, của cải" để hướng tới "độc quyền kinh tế kết hợp với độc quyền chính trị" sẽ "đẩy đất nước vào con đường nguy khốn".
Do vậy, ông Hợp cho rằng điều cần làm ngay vào lúc này là phải "không để Đảng bị nhóm đặc quyền nào thao túng" đối phó với khả năng hình thành các nhóm lợi ích tạo thành chủ nghĩa tư bản thân hữu.
Đối với nguy cơ tham nhũng, vị cựu bộ trưởng thông tin và truyền thông cho rằng cần có cơ chế để người dân giám sát các cơ quan, tổ chức nhà nước, và phải quy trách nhiệm cá nhân đối với các lãnh đạo, bên cạnh các biện pháp khác như có cơ chế chính sách tuyển dụng, lương bổng phù hợp, chính sách kỷ luật nghiêm minh.

'Diễn biến hòa bình'


Về "diễn biến hòa bình", ông Hợp giải thích rằng về bản chất thì đây chính là "diễn biến về niềm tin của dân với Đảng".
Có lẽ đây là lần đầu tiên trên kênh chính thống một cựu quan chức có cách diễn giải này.
Ông Hợp nói: "Khi mà người dân giảm sút lòng tin vào Đảng mà Đảng lại không chịu đổi mới để vì dân, thì bản thân sự trì trệ đó sẽ đẻ ra mâu thuẫn."
"Cách mạng chỉ nổ ra khi quần chúng nhân dân không chịu được sự bảo thủ, trì trệ của lãnh đạo đương thời, khi cấp trên không xứng đáng, cấp dưới không thể chịu đựng thêm được nữa. Đấy chính là điều mà người ta hay gọi là diễn biến hòa bình," VietTimes trích lời ông Lê Doãn Hợp.
Trong lúc đó, cách lấy lại niềm tin của nhân dân, theo ông Hợp, vẫn là việc Đảng phải cải cách thể chế, được cụ thể hóa qua việc đổi mới cách tuyển dụng cán bộ và có cơ chế giám sát quyền lực tối cao.
Ông Hợp cũng nhắc tới tình trạng bè phái, cục bộ trong Đảng, với việc viện dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi đó là "căn bệnh "cánh hẩu" trong Đảng".
Ông nói chừng nào tình trạng này chưa được xử lý, sự tồn vong của Đảng Cộng sản sẽ vẫn còn bị đe dọa.
Việc loại bỏ tình trạng bè phái trong Đảng cũng chính là một phần trong công tác "đổi mới phương thức lãnh đạo" cần làm, theo ông Hợp.
Ông Lê Doãn Hợp từng làm Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông trong thời gian từ tháng 8/2007 đến 8/2011.
Hiện ông đang giữ chức Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam.


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh

No comments:

Post a Comment

Featured post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

My Blog List