Việt Nam






Saturday, 25 June 2016

Hậu quả vụ Brexit



 
Hậu quả vụ Brexit 
Ngô Nhân Dụng
Inline images 1

Brexit nghĩa là nước Anh (Britain) rời khỏi (Exit) Cộng Ðồng Châu Âu (EU) gồm 28 quốc gia. Hai năm trước, người ta đã bàn sôi nổi coi nước Hy Lạp (Greece) vỡ nợ có phải ra khối EU hay không, sinh ra chữ Grexit. 

Ngày nay, Brexit đã trở thành một chữ quốc tế. Tại phi trường Bordeaux, trước ngày dân Anh đi bỏ phiếu, tôi đã thấy trên mấy tờ báo Pháp bàn về vụ Brexit ngay trang nhất. Nhật báo Le Figaro đặt tựa: “Brexit: Châu Âu lo cơn bệnh lan truyền.” Mục quan điểm tờ Le Monde nói thẳng: “Mối nguy hiểm Brexit,” trong đó có mối lo nền dân chủ ở nhiều nước đang bị đe dọa vì phong trào cực hữu. Do đó, Le Monde kêu gọi Cộng Ðồng Châu Âu phải cùng nhau soi sáng lương tâm, can đảm tiến hành cải tổ các định chế.

Ngày Thứ Năm, dân Anh đã quyết định “ly dị” với EU với 51.8% trên 48.2%, mặc dù lãnh tụ các đảng chính trị đều khuyến cáo bỏ phiếu “không.” Kết quả cuộc bỏ phiếu chỉ có tính cách “khuyến nghị” chứ không bắt buộc, nhưng không chính phủ nào dám làm ngược lại. Thủ Tướng Cameron đã từ chức, để chịu trách nhiệm, nhưng người lên thay làm lãnh đạo đảng Bảo Thủ của ông sẽ gặp khó khăn. Vì đa số trong 650 đại biểu trong Viện Dân Biểu không ủng hộ Brexit. Nếu việc lập chính phủ gặp bế tắc, dân Anh sẽ bầu lại vào mùa Thu. 

Sau đó, chính phủ mới sẽ có hai năm để thể hiện ý chí của dân, thảo luận việc ra đi với các nước còn lại trong Cộng Ðồng Châu Âu. Hai bên sẽ quyết định xem nước Anh sẽ liên hệ với các nước còn lại như thế nào.Theo định chế của EU, những quyết định này phải được tất cả 27 nước đồng ý, cho nên cuộc thương thuyết sẽ kéo dài. Trong thời gian chờ đợi, kinh tế nước Anh sẽ suy sụp, điều mà chính những người cổ động ly khai cũng đoán trước.

Hợp tác giữa các nước Châu Âu là ý kiến được một nhà chính trị Pháp đưa ra từ thập niên 1950, với mục đích chấm dứt cảnh hai cuộc đại chiến thế giới trong thế kỷ 21 đều bắt đầu từ xung đột giữa các nước Châu Âu. Năm 1952, sáu quốc gia trong lục địa bắt đầu hợp tác kinh tế, ba nước Pháp, Ý và Tây Ðức đóng vai chủ chốt, cùng ba nước nhỏ. Ðến năm 1973 Anh Quốc mới tham dự, Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha xin vào năm 1986. Sau khi khối Cộng Sản Ðông Âu tan rã, nhiều quốc gia khác đã tham gia. 

Hiện nay còn những nước khác đang nộp đơn chờ đợi là Albania, Macedonia, Montenegro, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ; nhưng sau khi nước Anh rút ra thì còn lâu khối EU mới nghĩ đến việc thâu nhận thêm.

Ngược lại, người ta đang lo lực ly tâm sẽ lan từ Anh Quốc ra một số nước khác. Ðể ngăn chặn làn sóng ly khai, những nước còn lại trong EU sẽ có khuynh hướng gây khó khăn cho chính phủ Anh trong cuộc thương lượng sắp tới. 

Họ muốn chứng tỏ rằng việc rút ra khỏi Cộng Ðồng Châu Âu gây những hậu quả tai hại như thế nào, để những nước khác lấy đó làm gương. Vì vậy, nước Anh sẽ bị đặt vào một vị thế rất yếu trước khi bắt đầu cuộc thương thuyết.

Rời khỏi Cộng Ðồng Châu Âu, việc buôn bán giữa Anh Quốc và các nước khác sẽ mất hết những ưu đãi về thuế quan, chỉ còn dựa trên thỏa ước của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO). Một nửa hàng xuất cảng từ Anh Quốc bán sang Châu Âu, nay mai sẽ chịu thuế nhập cảng mới, bán giá đắt hơn. Hiện nay London là một trung tâm tài chánh quốc tế, nhưng mai đây địa vị đó sẽ mất. Nhiều ngân hàng và công ty tài chánh, đầu tư có thể dọn qua lục địa, thành phố Francfurt bên Ðức là nơi có triển vọng nhất. Khối lượng đầu tư quốc tế vào nước Anh sẽ giảm đi, nhiều công ty đa quốc sẽ rời khỏi London; khả năng của cả nền kinh tế về nghiên cứu, khám phá, canh tân sẽ giảm. Google và Facebook đã mở thêm trụ sở ở Ireland để có thể tiếp cận trực tiếp với thị trường Châu Âu. Hậu quả là nhiều người Anh sẽ mất việc làm, trong khi nạn lạm phát đe dọa sẽ gia tăng vì đồng tiền Anh mất giá, hậu quả là mức sống sẽ xuống thấp. Phong trào Ly Khai (Leave) ở Anh đã tiên đoán các hậu quả tai hại này, nhưng họ cho là chỉ xảy ra trong ngắn hạn. Họ không cho biết ngắn hạn là bao lâu và làm sao để thay đổi cho khá hơn trong dài hạn!
Chính phủ Anh tương lai có thể xin cộng tác với các nước trong Cộng Ðồng Châu Âu theo thể thức đã áp dụng đối với Na Uy, một nước Bắc Âu không gia nhập EU. Nhưng khi Na Uy muốn được áp dụng thuế quan ưu đãi với các nước EU, họ đã phải chấp nhận những điều kiện ngặt nghèo, mà chính phong trào Ly Khai (Leave) ở bên Anh đã chống kịch liệt để thu hút phiếu của cử tri. 

Những điều kiện đó là: Chấp nhận hầu hết các luật lệ thương mại của EU (trong khi không được tham dự việc thảo luận về các diều luật đó); Chấp nhận người lao động các nước được tự do vào làm việc (một điều mà phong trào Ly Khai chống kịch liệt nhất, để kêu gọi dân Anh ủng hộ). Hơn nữa, giống như Na Uy bây giờ, nước Anh vẫn phải đóng góp vào quỹ của EU, mà không được tham dự vào việc quyết định sử dụng ngân sách.

Sau khi chính phủ Anh và các nước còn lại trong Cộng Ðồng Châu Âu thương thuyết xong về mối liên hệ mới, các nước có thể đem trưng cầu dân ý để biến thành hiện thực. Dân chúng Anh sẽ phải được hỏi ý kiến lần nữa, khi đó có thể một phong trào đòi trở lại với EU sẽ bùng lên!

Vụ Brexit sẽ ảnh hưởng tới nước Mỹ ra sao?

Hậu quả đầu tiên là đồng tiền Mỹ đang lên giá, không những đối với tiền Anh mà với cả các nước khác. Khi kinh tế thế giới bước vào một giai đoạn bất định vì kinh tế Anh và Châu Âu xuống thấp, những nước có tiền tiết kiệm sẽ tìm mua trái phiếu của Mỹ để có nơi gửi tiền an toàn, vì thế rất nhiều tiền được đem ra mua Mỹ kim. Vụ Brexit sẽ làm cho kinh tế Mỹ phát triển chậm lại, vì nước Anh và Châu Âu vẫn là những quốc gia mua bán nhiều nhất với Mỹ. 

Ngân Hàng Trung Ương Mỹ trước đây dự tính sẽ tăng lãi suất trong Tháng Sáu, nhưng bây giờ sẽ phải hoãn lại tới sang năm, khi triển vọng kinh tế xuống thấp. Ðồng đô la lên giá cũng khiến hàng xuất cảng của Mỹ khó cạnh tranh hơn. Tuy nhiên ảnh hưởng của Brexit trên kinh tế Mỹ sẽ rất nhẹ và không kéo dài. Khi London mất địa vị một trung tâm tài chánh thì vai trò của New York sẽ trở nên quan trọng hơn.

Một hậu quả chính trị sau vụ Brexit là nước Anh sẽ không còn đóng vai trò “trung gian” giữa nước Mỹ và khối Châu Âu. Ảnh hưởng của chính phủ Mỹ trên các nước Châu Âu sẽ giảm, trong những vấn đề quốc tế như Trung Ðông, Ukraine, vân vân. Khi nước Anh không còn ngồi trong một ghế lãnh đạo của Cộng Ðồng Châu Âu thì họ sẽ không có tiếng nói trong các vấn đề như Ukraine, trong kế hoạch đối phó với chính phủ Nga, cũng như các đe dọa khủng bố quốc tế, nạn di dân tràn ngập, vân vân. 

Những nước cựu Cộng Sản đang chờ xin gia nhập Cộng Ðồng Châu Âu sẽ phải chờ lâu hơn nữa. Trong khi chính các nước đó muốn nhờ vào các điều kiện về luật pháp tự do, vế chống tham nhũng do EU đặt ra, để chính họ cải tổ nhanh hơn. Chính phủ Nga sẽ nhân cơ hội lôi kéo các nước này.

Nhưng một căn bản cộng tác giữa Mỹ là Châu Âu là Minh Ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) sẽ không thay đổi. Khi nước Anh vắng mặt, chính phủ Pháp sẽ được tự do hơn thúc đẩy việc thành lập lực lượng quân sự chung của Châu Âu, mà trước đây chính phủ Anh không đồng ý. Như vậy thì khối NATO sẽ được chia sẻ trách nhiệm bảo vệ Châu Âu.
Thủ Tướng Cameron đã tiên đoán sai về dân tình khi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý. 

Một nhà bình luận kinh tế trên nhật báo Financial Times đã kết án ông thủ tướng vô trách nhiệm. Ông ta đã chịu hậu quả. Chính phủ các nước lớn ở lục địa, Pháp, Ý, sẽ gây khó khăn cho chính phủ tương lai của Anh, với hai mục đích. Thứ nhất, dọa các nước khác đừng nghĩ đến việc rút ra, vì hậu quả rất tai hại. Thứ nhì, họ cũng muốn dằn mặt các nhóm cực hữu trong nước họ có khuynh hướng ly khai.

Một hy vọng cho dân Anh Quốc và Châu Âu là sau cơn sốt Brexit này, cuộc khủng hoảng tài chánh và đồng tiền xuống giá sẽ khiến người dân Anh tỉnh ra và suy nghĩ kỹ hơn. Người ta có ít nhất hai năm để suy nghĩ lại và vận động với nhau. Giới lãnh đạo Anh vẫn không muốn ly khai có thể thỏa hiệp với các nước Châu Âu đi tới một phương thức cộng tác không khác xa với tình trạng hiện nay. 

Cuộc thương thảo có thể kéo dài như ông Donald Tusk, cựu thủ tướng Ba Lan, đang làm chủ tịch Ủy Hội Châu Âu tiên đoán, chắc sẽ mất bảy năm mới xong. Trong thời gian đó, rất nhiều chuyện có thể xảy ra.


__._,_.___

Posted by: truc nguyen 

No comments:

Post a Comment

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official-20/1/2025

My Blog List