08/06/2016
Dân đã bầu người như thế
Vẻ ngờ nghệch, kịch cỡm như những con rối
Ông Obama đã xong mấy ngày thăm viếng Việt Nam, nhưng những chuyện
về ông kéo dài đến nay, gần nửa tháng, vẫn còn được nói đến nhiều trong dân chúng
và trên các phương tiện truyền thông.
Trong những ngày Obama ở Việt Nam, mọi hoạt động của ông đều được
hào hứng theo dõi. Hàng ngàn, hàng chục ngàn người ùa ra đường đón ông. Những
lời bình luận về ông của người đọc trên các trang báo nhà nước, trang mạng xã
hội cho thấy người Việt yêu quý ông đến chừng nào.
Vị tổng thống Việt Nam duy nhất đến nay được đón tiếp không kém
phần nồng nhiệt như vậy khi đến Mỹ là Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông Ngô Đình
Diệm được bầu trong bối cảnh miền Nam Việt Nam vừa thoát vòng nô lệ của thực dân
Pháp và nền quân chủ phong kiến. Chỉ khác với Obama, ông Diệm không la cà quán
xá ăn uống.
Thời đó là thế, các ông tổng thống còn giữ “tác phong đường bệ”,
không như bây giờ, họ cố xích lại gần dân, sát với dân và cố chứng tỏ mình cũng
chỉ là một người bình thường.
Những nhà lãnh đạo các nước tự do, dân chủ, như Mỹ, đến thăm nước
bạn thường có nhiều hoạt động theo ý muốn của họ, không nằm trong khuôn khổ
ngoại giao chính thức.
Chuyện Obama đi ăn bún chả, cũng như Bill Clinton đi ăn
phở, hay tạt vào làng cốm Mễ Trì chẳng hạn, dù có một phần là kịch bản của anh
chàng đầu bếp Bourdain, thì cũng không ngoài ý thích của ông ta, nhưng đứng trú
mưa dưới hiên nhà dân thì chắc không phải kịch bản của ông trời. Dân vùng DC,
Hoa Kỳ, vùng ven đô Virginia, Baltimore thường bắt gặp tổng thống của họ đi ăn trưa
ở các quán ăn bình dân, nơi một suất ăn nhanh chừng 7 đến 12 đô la, với vài
người hay với một vị nguyên thủ quốc gia khác. Họ ăn xong còn mua mang về vài
món cho nhân viên như Obama đã mua mấy suất bún chả đem về.
Bill Clinton đã đến Việt Nam với hàng ngàn người đã đổ xô ra đường
đón chào, George Bush cũng với tin tức đầy chi tiết trên báo chí nhà nước và
bây giờ thì Obama với sự phấn kích tuyệt vời của cả dân chúng lẫn báo chí, làm
lu mờ hình ảnh của các lãnh tụ nước chủ nhà. Thậm chí bên cạnh ông ta, những
người này lộ rõ vẻ ngờ nghệch, kịch cỡm như những con rối.
Dân đã bầu những người như thế
Mới hồi đầu tháng 5, tại Luân Đôn, thủ đô của nước Anh, một trọng
điểm khủng bố của người Hồi giáo cực đoan, nhà chức trách Anh cho biết ít nhất
800 người đã trốn khỏi đảo quốc này để tham gia Nhà nước Hồi giáo ISIS ở Iraq
và Syria, và một nửa trong số họ đã trở về với âm mưu khủng bố.
Tháng 7 năm 2005, 52 người chết trong một vụ đánh bom đường xe
điện ngầm, nơi mà sự kỳ thị chủng tộc khiến con một người di dân Hồi giáo đến
từ Afghanistan, cậu Sadiq Aman Khan, phải học võ để tự vệ.
Đầu tháng Năm vừa qua, Sadiq Aman Khan, đã được dân chúng thủ đô
cổ kính và bảo thủ này bầu làm thị trưởng của họ, ở đó như đã nói trên, sự đe
dọa khủng bố của người Hồi giáo cực đoan luôn luôn hiện diện.
Sadiq Aman Khan, người Hồi Giáo đầu tiên được bầu làm Thị trưởng
Luân Đôn, thủ đô kẻ thù của nhà nước Hồi giáo cực đoan, được mô tả thuộc phe
Cánh Tả, đã đánh bại đối thủ đương nhiệm thuộc phe bảo thủ để nhận chức Thị
trưởng Luân Đôn. Trong ngày đầu tiên đến nhiệm sở, ông vẫn đi xe điện ngầm,
phương tiện bình dân nhất và dễ bị phá hoại nhất.
Dân đã bầu những người như vậy. Cử tri đã ôm lấy người đại diện
thắng cử của họ trong sự hân hoan, yêu mến thật sự, họ khóc trong sung sướng vì
chính họ đã thắng trong cuộc bầu cử. Và họ vẫn ôm, vẫn vồn vã bắt tay người
lãnh đạo của họ bất cứ nơi nào họ gặp, trên xe điện, trong quán cà phê, ngoài
công viên …
Thị trưởng Luân Đôn, Tổng thống Mỹ, Tổng thống Nga, Phi Luật
Tân... và hầu hết các nhà lãnh đạo các quốc gia dân chủ hoàn toàn là những
người bình thường, họ đều muốn chứng tỏ cho dân họ thấy họ không có gì đặc
biệt, ngoại trừ việc họ phải hết sức nỗ lực chứng tỏ có đầy đủ khả năng và đạo
đức để lãnh đạo quốc gia và phục vụ người dân. Sự tự chứng tỏ mình kéo dài hàng
chục năm, kéo dài cả đời, và trải qua các cuộc bầu cử nghiệt ngã để chứng tỏ họ
là người của dân, đầy đủ năng lực và tài giỏi để phục vụ dân, họ mới có cơ hội
phục vụ. Những người lãnh đạo, những người có khả năng trong chính phủ, quốc
hội có cơ hội làm giầu lớn hơn nếu họ làm việc ngoài ngoài lãnh vực chính
trường. Tham chính đối với họ quả thật là một hy sinh lớn.
“Đang sống chuyển sang từ trần”
Ngược lại trong các nước độc tài, đảng trị, nơi mà Đảng âm thầm,
bí mật tôn lên lên người lãnh đạo Đảng và “là đầy tớ của dân”!, các “ông bà
chủ” chỉ biết nhận “quả phúc”, hay họa gì không biết, từ trời rơi xuống, thì cái
bệnh “dịch xa dân khinh dân” như ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban
Kiểm tra Trung ương nói, đang bùng phát không có thể ngăn chận được.
Dù những kẻ lãnh đạo trong các nước độc tài, đảng trị đó rất ao
ước người dân hoan hô, ôm, hôn ngày họ được ghi danh bảng vàng, nhưng họ lại sợ
dân, và cũng không có người dân nào ở đó lúc họ đăng quang để hoan hô, ôm hôn
ngoài các đảng viên cốt cán gà nhà sẵn sàng bưng, bê, lau ghế. Và họ, ngày lại
ngày, với những lời say sưa xưng tụng lẫn nhau, với ơn Đảng đã ban phát ghế cho
mình, lợi lộc cho gia đình, họ hàng mình, với lòng tri ân còn Đảng còn mình, họ
ngày càng xa dân, khinh dân, mị dân, ra sức ăn cắp của dân, vun vén lợi lộc cá
nhân, phe nhóm.
Mỉa mai thay, dân lại bị lùa ra đường phải khóc như cha họ chết
khi lãnh đạo “đang sống chuyển sang từ trần”!
Q.N.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment