Một mặt trận hai kẻ thù
Giặc
cộng bán nước, tàu phù xâm lăng.
Cuộc đấu tranh này
Trần Trung Đạo (Danlambao) - Một câu hỏi mà người viết thường
được hỏi và cũng thường được nghe tranh luận là “Việt Nam có nhiều trăm tù nhân lương
tâm bị CS bỏ tù với những bản ác khắc nghiệt nhưng tại sao nỗ lực của người Việt,
trong cũng như ngoài nước, chỉ tập trung vận động cho một vài người?”
Câu hỏi đúng về mặt tình cảm nhưng có lẽ nên phân tích sâu thêm
về lý luận. Cuộc đấu tranh nào cũng thế, có những người tranh đấu, có phong
trào tranh đấu nhưng trên hết phải có biểu tượng của cuộc đấu tranh.
Việt Nam có một phong trào dân chủ chưa?
Định nghĩa một cách tổng quát, phong trào là tập hợp của những
người cùng chia sẻ một niềm tin, một ước muốn, một mục tiêu nhất định nối kết
nhau bằng tình cảm và sự tin cậy. Đặc điểm để hình thành một phong trào xã hội
là các thành viên tham gia sở hữu những nhận thức căn bản về những bất công xã
hội họ đang chứng kiến, có khả năng hành động tập thể, có không gian thông tin,
có cơ hội bày tỏ quan điểm.
Bốn mươi ba năm trước, Việt Nam chìm sâu trong bóng tối của chủ
nghĩa CS. Không có không gian và thời gian như dừng lại. Nhưng ngày nay điều kiện
thế giới và cuộc cách mạng tin học đã ít nhiều làm thay đổi nhận thức nhiều người
Việt. Tuy chưa đủ lớn mạnh như tại các nước độc tài CS trước 1991 hay độc tài
không CS như Miến Điện, Ai Cập nhưng qua định nghĩa rộng đó, Việt Nam đã có
phong trào dân chủ.
Biểu tượng của phong trào thường là một hay một số người có những
hoạt động nổi bật, gây được tiếng vang quốc tế, được nhiều người biết đến và
thu phục được cảm tình của các thành viên trong phong trào.
Nelson Mandela không phải là người sáng lập nên tổ chức
Nghị Hội Toàn Quốc Nam Phi (African National Congress) và chỉ là một trong tám
người bị kết án chung thân trong phiên xử ngày 12 tháng Sáu năm 1964. Chuyến
bay đêm ra nhà tù trên đảo Robben Island có bảy tù nhân chứ không phải một mình
Nelson Mandela. Tuy nhiên, thế giới gần như không biết gì nhiều về Walter
Sisulu, Govan Mbeki và năm người khác mà chỉ biết Nelson Mandela. Lý do, Nelson
Mandela là biểu tượng
đấu tranh của phong trào chống kỳ thị chủng tộc tại Nam Phi.
Tương tự, thế giới nỗ lực vận động cho bà Aung San Suu Kyi và gần
như bỏ qua số phận của nhiều ngàn tù chính trị bị giam giữ tại nhà tù Insein
Prison ở Rangoon suốt từ năm 1962 khi tướng Ne Win đảo chánh chính phủ dân chủ
và thiết lập bộ máy độc tài quân phiệt.
Trong 15 năm, ngoại trừ một thời gian ngắn bị giam trong một căn
nhà nhỏ nằm trong khu vực nhà tù Insein, bà
Aung San Suu Kyi sống trong một biệt thự, có khu vườn rộng, không phải
lao động khổ sai, không đói khát, an nhàn đọc sách. Lý do thế giới tập trung ủng
hộ bà vì bà là biểu
tượng cho cuộc đấu tranh chống độc tài quân phiệt Miến Điện.
Nelson Mandela và Aung San Suu Kyi là tù nhân, nhưng quan trọng
hơn là tù nhân biểu tượng của cuộc đấu tranh. Ủng hộ Nelson Mandela và Aung San
Suu Kyi là một cách ủng hộ cho phong trào dân chủ tại Nam Phi và Miến Điện.
Phong trào dân chủ Việt Nam thiếu những biểu tượng đấu tranh có
nhiều tiện nghi, tầm mức và lâu dài như Nelson Mandela hay Aung San Suu Kyi.
Nhưng nếu chưa có chẳng lẽ ngồi chờ một lãnh tụ anh minh xuất hiện dẫn dắt
phong trào hay sao. Không. Thay vào đó, trong mỗi giai đoạn, phong trào dân chủ
có một hay hai biểu tượng tính theo thời gian họ có những hoạt động nổi bật và
bị CSVN kết án.
Nguyễn Đan Quế (1978, 1990), Hà Sĩ Phu (1996),
Lê Chí Quang (2002), Phạm Hồng Sơn (2003), Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân (2007),
Nguyễn Văn Hải (2008), Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc
Hùng (2010), Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức
(2010), Cù Huy Hà Vũ (2010), Tạ Phong Tần (2012), Lê Quốc Quân (2012), Nguyễn
Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha (2013), Nguyễn Văn Đài (2015), Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
(2016). Đó là chưa
nhắc đến các vị lãnh đạo tôn giáo và một số khá đông cá nhân và đoàn thể khác.
Báo chí và dư luận thế giới, cả người Việt ở hải ngoại, khó có
thể biết hết và dành những quan tâm đúng mức cho một danh sách dài những tù
nhân lương tâm đang bị CS bỏ tù tại Việt Nam, do đó, biểu tượng đấu tranh là cần
thiết. Vai trò của một biểu tượng không chỉ đúng cho trường hợp Việt Nam mà là
một nguyên tắc cách mạng đã chứng minh tại hầu hết các cuộc cách mạng dân chủ
trên thế giới.
Những người được xem là biểu tượng của một giai đoạn đấu tranh
dân chủ tại Việt Nam trước hết là vì lòng can đảm. Họ được vinh danh, ca ngợi
cũng chỉ vì họ đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho tương lai tự do dân chủ của đất
nước. Mọi ca ngợi hay vinh danh dành cho họ đều chỉ giới hạn trong không gian
và thời gian họ hoạt động và bị tù. Nếu họ được tự do, cám ơn họ đã đi một chặng đường cùng với
phong trào dân chủ nói riêng và đất nước nói chung, sau đó nên để họ bình yên với
chọn lựa của mình.
Phần đông trong số họ chẳng phải là Nelson Mandela, Aung San Suu
Kyi, Václav Havel hay Andrei Sakharov. Họ đứng lên chỉ vì bất bình trước một xã
hội bất công và chấp nhận tù đày. Đừng kỳ vọng quá nhiều vào họ và cũng đừng đặt họ vào những vị
trí mà họ chưa thể đứng vững để rồi thất vọng, chán chường, trách móc và quay
sang hằn học.
Ngay từ
thời Lenin, ba phương pháp chính trị học đã được các chế độ CS dùng để vô hiệu hóa
một đối tượng: cô lập hóa, trung lập hóa và thỏa hiệp. Trong tuyển tập Mao Trạch
Đông, họ Mao từng nói nhiệm vụ của đảng CS không chỉ thắng kẻ thù nhưng quan trọng
hơn là phân hóa kẻ thù. “Phân hóa kẻ thù” trong trường hợp đang bàn là làm cho
mọi người chung quanh ghét bỏ, khinh bỉ và xa lánh một đối tượng.
Gắn cái nhãn “dân chủ cuội” hay “đấu tranh để được ra nước
ngoài” là cách dễ nhất để cô lập một đối tượng. Với suy nghĩ nặng cảm tính của
nhiều người Việt, không cần phải lập lại ba lần như trong chuyện “Tăng Sâm giết
người” mà chỉ chụp mũ một lần cũng đủ làm mọi người xa lánh đối tượng mà chế độ
CS cần cô lập. Rất buồn, cho tới nay đảng CSVN chứng tỏ rất thành công với chiến
thuật rất căn bản, quen thuộc nhưng hữu hiệu này.
Đừng tự nguyện thực thi chính sách phân hóa kẻ thù giùm cho đảng
CS. Đừng để lòng yêu nước bị CS khai thác như CS đã từng làm khi đẩy nhiều triệu
tuổi trẻ miền Bắc vào lò lửa chiến tranh và dụ dỗ nhiều tuổi trẻ miền Nam trở
thành những tay sai cho đảng lũng đoạn xã hội miền Nam trước năm 1975.
Còn những kẻ cơ hội thì sao? Vâng, những kẻ cơ hội bao giờ cũng
có, ở đâu cũng có, lãnh vực nào cũng có. Trong phong trào dân chủ Việt Nam còn
non trẻ, phân tán, lỏng lẻo và phải đương đầu với khó khăn từ mọi phía cũng vậy,
khó có thể tránh khỏi những người núp dưới chiếc dù lý tưởng tự do dân chủ để
kiếm sống hay trục lợi bằng việc lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người khác.
Tuy nhiên, không nên từ vài kẻ cơ hội để suy ra hay đánh mất niềm tin vào cả một
phong trào..
Trong danh sách người viết kể ở phần trên, có ai biết Lê Chí
Quang, người một thời đã đánh thức bao nhiêu triệu người với bài viết “Hãy cảnh
giác với Bắc Triều” bây giờ đang ở đâu, làm gì và còn có mặt hay không trên
hành trình tranh đấu hôm nay?
Chắc không nhiều người còn nhớ. Nhưng điều đó không quan trọng.
Trên chặng đường tranh đấu gian nan, có những người đứng chờ ở mỗi sân ga để bước
lên cùng đi với đất nước. Cũng ngay tại sân ga đó lại có người bước xuống theo
chọn lựa riêng của mình. Họ mệt mỏi, họ chán nản, họ hết năng lực, họ thỏa hiệp
hay có thể vì bất cứ lý do nào. Dù chọn lựa của họ là gì đi nữa vẫn cám ơn những
cống hiến của họ và có họ hay không con tàu vẫn tiếp tục băng trên đường lịch sử
mang theo những hành khách mới.
Hành khách mới hôm nay là Lê Đình Lượng 20 năm
tù, Đào Quang Thực 14 năm tù, Hoàng Đức Bình 14 năm tù, Nguyễn Trung Trực 12
năm tù, Nguyễn Đình Thành 7 năm tù, Lưu Văn Vịnh 15 năm tù, Nguyễn Quốc Hoàn 13
năm tù, Từ Công Nghĩa 10 năm tù, Nguyễn Văn Đức Độ 11 năm tù, Phan Trung 8 năm
tù.
Ngoài ra, một danh sách trên 200 tù nhân khác trong đó có những
tên tuổi quen thuộc như Trần Anh Kim 14 năm tù,
Trần Thị Nga 9 năm tù, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng 9 năm tù, Nguyễn Trung Tôn 12 năm
tù, Trương Minh Đức 12 năm tù, Nguyễn Bắc Truyển 9 năm tù, Phạm Văn Trội 7 năm
tù.
Tất cả hiện đang sống trong địa ngục trần gian ở Việt Nam. Hãy
làm quen và cùng đi với họ trong cuộc đấu tranh này.
23.10.2018
__._,_.___
No comments:
Post a Comment