Việt Nam






Friday, 17 March 2017

Chính sách một-Trung Quốc


 

Chính sách một-Trung Quốc

Beijing và Taipei | Trần Giao Thuỷ


 
Chỉ có một Trung Quốc duy trì hòa bình ở Đông Á là một điều tưởng tượng lịch sự – nhưng hiện nay nó đang chịu áp lực từ mọi phía.
Một-Trung Quốc: rất mơ hồ

Donald Trump, khi mới đắc cử Tổng thống Mỹ, ngày 11 tháng 12 nói rằng, “Tôi không biết tại sao chúng ta lại phải bị ràng buộc vì chính sách một Trung Quốc”, ông giựt bỏ miếng băng dán cũ nhất trong thế giới ngoại giao. Hai tháng sau, ông lại dán nó lại, khi nói với Xi Jinping (Tập Cận Bình), Chủ tịch Trung Quốc là ông sẽ tôn trọng chính sách một Trung Quốc “theo yêu cầu của Tập Chủ tịch”; điều này vẫn không thay đổi được thực tế là một người lãnh đạo Mỹ đã đặt vấn đề về một đặc điểm căn bản của nền an ninh châu Á. Và việc ông Trump nuốt lời cũng không giải quyết được vấn đề với công thức một-Trung Quốc – điều kiện để giữ hòa bình giữa Đài Loan và Trung Quốc; đó là một thực tế đã có từ lâu trước khi ông Trump đắc cử. Nếu tình hình tệ hơn, cuộc xung đột đang đóng băng giữa hai bên có thể nóng lên lại.
Công thức một-Trung Quốc là một khái niệm mơ hồ. Ở Trung Quốc thực sự không có chính sách một-Trung Quốc. Nó có cái gọi là nguyên tắc một-Trung Quốc, nghĩa là chỉ có một Trung Quốc, với chính phủ của nó ở Bắc Kinh. Nó coi Đài Loan là một tỉnh phản bội của Trung Quốc và từ chối lập quan hệ ngoại giao với bất kỳ chính phủ nào công nhận Đài Loan là một quốc gia. Tuy nhiên, nguyên tắc cứng nhắc này có thể bị bẻ cong. Vào năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu, dưới nhãn quan vô tư người ta tưởng như đây một hội nghị thượng đỉnh song phương giữa những người lãnh đạo quốc gia. Và Trung Quốc nhằm mắt làm ngơ, mặc dù tức toé lửa, khi Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan – việc mà năm 1982 Mỹ đã nói sẽ đi dần đến chấm dứt, nhưng vẫn tiếp dục cho đến ngày nay.

Mỹ không chấp nhận nguyên tắc một-Trung Quốc. Nhưng Mỹ có chính sách một-Trung Quốc, thừa nhận Trung Quốc có một nguyên tắc như vậy – đây là hai việc không hoàn toàn như nhau. Mỹ không công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Đài Loan, cũng không nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập. Nhưng Mỹ mua bán rất nhiều với Đài Loan. Dù là nước nhỏ như thế, Đài Loan là nước mua hàng xuất cảng của Mỹ nhiều thứ chín, vượt qua cả Ý và Ấn Độ. Mối quan hệ không chính thức của Hoa Kỳ với đảo quốc này gần hơn nhiều quan hệ ngoại giao của nhiều quốc gia khác. Viện Hoa Kỳ ở Đài Loan, một tổ chức phi lợi nhuận tư nhân có trụ sở tại Washington DC, trông giống như một toàn Đại sứ và cũng hoạt động như một đại sứ quán. Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979 buộc Mỹ cam kết giúp Đài Loan tự vệ chống lại mọi cuộc xâm lược và cấm vận, và coi việc cưỡng ép đảo quốc này là “quan tâm nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ”.

Ở Đài Loan, công thức một-Trung Quốc có một lịch sử còn lạ lùng hơn nữa. Nó bắt nguồn từ câu chuyện vị tổng thống đầu tiên của Đại Loan là Tưởng Giới Thạch đã chạy trốn khỏi khỏi Trung Quốc đến đó năm 1949 sau khi thua trận nội chiến với lực lượng cộng sản của Mao Trạch Đông, một ngày nào đó sẽ lấy lại toàn bộ lục địa Trung Quốc. Vì vậy tên chính thức của Đài Loan là Cộng hòa Trung Quốc. Do đó, đảng mà Tưởng Giới Thạch lãnh đạo, Quốc Dân Đảng và chính phủ Trung Quốc có thể đồng ý với nhau bằng một hiệp ước gọi là “sự đồng thuận năm 1992” [Công thức Cửu Nhị], nói rằng chỉ có một Trung Quốc nhưng thừa nhận rằng cả hai bên không đồng ý điều đó có ý nghĩa như thế nào trong thực tế, do đó họ chồng chất sự vớ vẩn lên chuyện mơ hồ. Đảng chính trị lớn khác của Đài Loan, Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP), bác bỏ cả hai, “Công thức Cửu Nhị” và nguyên tắc một-Trung Quốc, nói chung. Tuy nhiên, từ năm ngoái, lãnh đạo của DPP, Bà Tsai Ing-wen (Thái Anh Văn), Tổng thống Đài Loan, sau ông Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou) của Quốc Dân Đảng, không muốn công khai như vậy.

Trong hầu hết các lĩnh vực chính trị, sự thiếu ổn định này là một điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, thỏa thuận không xem xét quá kỹ vào mâu thuẫn của “một-Trung Quốc” đã tạm giữ được nền hoà bình không thoải mái ở eo biển Đài Loan. Đã có những cuộc khủng hoảng chính trị – gần đây nhất vào giữa những năm 2000 – và vào năm 1996 Trung Quốc đã bắn hoả tiễn sang phía Đài Loan trong khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc cau mày chụp ảnh. Nhưng nhìn chung nó đã đủ tốt cho cả ba bên muốn duy trì “một-Trung Quốc”.
Nguồn: The Economist/National Chengchi University
Lý do của họ khác nhau, giống như việc họ nhìn vấn đề. Trung Quốc tin rằng thời gian về phe với họ. Khi Hoa lục ngày càng giàu mạnh hơn, những người lãnh đạo Trung Quốc thực sự hy vọng rằng người dân Đài Loan sẽ muốn trở về. Giới lãnh đạo Đài Loan nghĩ ngược lại; rằng với thời gian người dân đảo quốc sẽ ngày càng thấy mình không có gì chung với Hoa lục. Kể từ khi có Công thức Cửu Nhị, tỉ lệ người trên đảo xác định họ đơn giản là người Đài Loan đã tăng gấp ba lần lên gần 60%; tỉ lệ những người tự gọi mình là người Trung Quốc đã giảm, chỉ còn 3% (xem biểu đồ). Trong số những người từ 20 đến 30 tuổi, 85% nói rằng họ là người Đài Loan. Thái độ của Mỹ đơn giản hơn, không hư thì đừng sửa. Điều kiện hiện tại cho phép Mỹ có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc mà không phá vỡ sự liên kết với Đài Loan, và điều đó là đủ.

Nhưng sự cân bằng giữa những lợi ích không thể so sánh này phụ thuộc vào một số điều kiện nhất định: Trung Quốc tiếp tục trở nên giàu có hơn, khẳng định sự lạc quan của giới lãnh đạo; mọi người ở hai bên eo biển không xem nhau như kẻ thù; ít nhiều thì châu Á vẫn ổn định, do đó các bên không bị dồn vào những xung đột của bên kia; và nếu điều xấu trở thành tồi tệ nhất, quân đội Mỹ sẽ bước vào để giữ hòa bình.

Tất cả những điều kiện này đang thay đổi. Kinh tế Trung Quốc đã chậm lại. Và châu Á không còn ổn định nữa. Ông Trump đã đe dọa áp đặt thuế quan lên hàng xuất cảng của Trung hoa, gây nguy cơ có chiến tranh thương mại. Những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc đối với các hòn đảo khác đang làm tình hình thêm căng thẳng: Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Rex Tillerson, nói với Thượng viện rằng Mỹ phải có khả năng hạn chế việc Trung Quốc ra vào những hòn đảo đang tranh chấp ở Biển Đông. Ông Trump đã xác nhận với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe rằng hiệp định quốc phòng của hai nước gồm cả hòn đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Diaoyu.

Và trong khi ông Trump và ông Abe đang họp, Bắc Hàn tiến hành thử hoả tiễn đầu tiên sau khi Hoa Kỳ có tổng thống mới. Một tháng trước, lãnh đạo Bắc Hàn Kim jong-un tuyên bố nước ông sẽ sớm thử hoả tiễn đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên, có thể bắn vào lãnh thổ Hoa Kỳ, mặc dù đó không phải là những gì vừa được thử nghiệm. Để đối phó với những mối đe dọa của ông Kim, Mỹ đang xây dựng một hệ thống phòng thủ bằng hoả tiễn ở Nam Hàn khiến Trung Quốc phản đối kịch liệt.

Đài Loan có thể giống như mắt của cơn bão. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có nguy cơ bị xâm lược, hoặc bị phong tỏa, vì Đài Loan, và đôi khi có dấu hiệu muốn kết thúc vấn đề. Năm 2013, ông Tập Cận Bình đã gây chấn động qua eo biển khi ông nói với Vincent Siew, Phó Tổng thống Đài Loan, rằng cuộc xung đột của họ “không thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”. Có vẻ như Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu mất kiên nhẫn. Vào ngày 6 tháng 3, người đứng đầu Văn phòng Quan hệ Đài Loan, một bộ phận của chính phủ, nói với Quốc hội Quốc Dân (NPC), quốc hội gật của Trung Quốc rằng “Tôi phải nhấn mạnh rằng sự độc lập của Đài Loan … sẽ không đi đến đâu. Tôi hy vọng chính phủ Đài Loan sẽ suy nghĩ cẩn thận về câu này.” Tất cả điều này xẩy ra trong bối cảnh cân bằng quân sự đã thay đổi từ một thập kỷ qua, Trung Quốc đã tăng gấp đôi chi tiêu về mặt quân sự. Mười năm trước, giới hoạch định kế hoạch ở Ngũ giác đài đã coi chuyện xâm lược là “cuộc bơi một triệu người” [vì Trung Quốc chưa có đủ sức mạnh hải quân]. Ngày nay, người ta không nghe thấy những tiếng ồn ào như thế nữa.

Eo biển
Mỹ có thể không còn khả năng đưa hai hàng không mẫu hạm tới eo biển Đài Loan để buộc Trung Quốc phải lùi bước, như đã làm năm 1996. Nhưng nếu tình trang chiến tranh xẩy ra, Mỹ chắc chắn sẽ bị kéo vào. Đạo luật Quan hệ Đài Loan không hoàn toàn bắt buộc Mỹ phải tham chiến, nhưng không tham dự sẽ là một cú đánh sụp vị thế và uy tín của Mỹ như một siêu cường. Cũng sẽ có những cân nhắc về kinh tế: Đài Loan sản xuất hơn một phần năm chất bán dẫn của thế giới; một cuộc phong tỏa của Trung Quốc có thể làm tê liệt ngành công nghiệp máy tính.
Trong bối cảnh như vậy, cuộc bầu cử của bà Thái Anh Văn thuộc đảng DPP độc lập luôn luôn có thể làm dấy lên căng thẳng. Ngay sau lễ nhậm chức hồi tháng 5, chính phủ Bắc Kinh cắt đứt liên lạc giữa Văn phòng nội vụ Đài Loan của và Hội đồng các vấn đề Đại lục của Đài Loan, tăng cơ hội hiểu nhầm và tính toán sai lầm.

Vào ngày 25 tháng 11, Trung Quốc đã cho một oanh tạc cơ Tây An H-6K bay quanh hòn đảo, cùng với một số hộ tống. Hai tuần sau, một máy bay ném bom Tây An khác và ba chiến đấu cơ lại bay vòng quanh Đài Loan. Sau đó, vào tháng giêng, tàu sân bay của Trung Quốc, Liêu Ninh, đã đi vòng quanh mũi phía Nam của Đài Loan và vào eo biển Đài Loan. Andrew Yang, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan, nói, “Nó cho thấy họ không đùa.”
Trung Quốc có thể tăng thêm áp lực với Đài Loan. Đại hội Đảng Cộng sản mỗi 5 năm sẽ diễn ra vào cuối năm nay và ông Tập Cận Bình có thể muốn đánh bóng móng diều hâu của mình bằng cách tổ chức một số cuộc tập trận quân sự hù doạ trước đại hội đảng. Ông Tập có thể làm số 21 đối tác ngoại giao của Đài Loan giảm đi. 

Cũng có tin cho rằng Trung Quốc đang xem xét sửa đổi luật “chống ly khai”. Hiện tại luật này nói rằng Trung Quốc sẽ dùng tới “phương pháp phi hòa bình để bảo vệ chủ quyền quốc gia” chỉ khi nào Đài Loan chính thức tuyên bố độc lập hoặc nếu không còn có hy vọng về một giải pháp hòa bình. Vào ngày 7 tháng 2, Yomiuri Shimbun, một tờ báo của Nhật Bản, đã đưa tin rằng Trung Quốc đang nghĩ đến việc sửa đổi đao luật này để nói rằng họ có thể xâm lăng nếu giới lãnh đạo Đài Loan từ chối chấp thuận Công thức Cửu Nhị – một vị trí mà DPP vẫn giữ vững. Trong Quốc hội, một đô đốc Trung Quốc, Yin Zhuo, nói Trung Quốc nên sử dụng luật chống ly khai để nói rõ với Đài Loan rằng “độc lập có nghĩa là chiến tranh.”

Mặc dù mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan đã trải qua những thời kỳ đầy khó khăn trước đây nhưng không đổ vỡ hoàn toàn. Và có ba lý do để nghĩ rằng, ít nhất trong ngắn hạn, lần này mọi chuyện sẽ không đi vào hướng sai lầm khủng khiếp.
Nguồn: The Economist.
Cả ông Tập Cận Bình và bà Thái Anh Văn đều có những lý do mạnh trong nước để bỏ qua những khác biệt trong một thời gian. Ông Tập bị chi phối vì đại hội đảng, và mặc dù có thể muốn tỏ ra mình khó bằng một vài cử chỉ bướng bỉnh, ông ta không muốn có một cuộc khủng hoảng làm quẫn trí. Đối với bà Thái Anh Văn, bà biết rằng cơ hội tái đắc cử vào năm 2020 phụ thuộc vào việc quản lý kinh tế, chứ không phải việc giải quyết vấn đề Trung Quốc. Tăng trưởng GDP và mức lương của dân Đài Loan đang không thay đổi. Những cuộc thăm dò ý kiến đánhg giá bà rất kém. Bà đang chuẩn bị một cuộc cải cách, đầy mạo hiểm về mặt chính trị, hệ thống lương hưu do nhà nước quản lý. Một cuộc chiến với một siêu cường là điều bà ấy không nghĩ tới.

Lý do thứ hai cho sự lạc quan về hoà bình là bà Thái Anh Văn đã đưa DPP đến gần vị trí của Trung Quốc hơn bao giờ hết. Trong buổi lễ nhậm chức của mình, bà nói rằng bà công nhận “sự kiện lịch sử” của các cuộc đàm phán năm 1992, gần như nói là chấp nhận công thức 92 mà không thực sự như vậy. Trong một bài phát biểu vào tháng 10, bà trấn an chính quyền cộng sản Trung Quốc rằng bà “sẽ, tất nhiên, không quay trở lại con đường đối đầu cũ”. Bà Thái Anh Văn là một luật sư thương mại, thận trọng, có thể đoán trước và kiềm chế – tất cả những đặc tính mà người tiền nhiệm mạo hiểm, cùng đảng DPP, ông Trần Thủy Biển, Tổng thống từ năm 2000 đến năm 2008 không có. Sự khinh thường của Trung Quốc đối với bà Thái Anh Văn – Văn phòng Nội vụ Đài Loan đã gọi diễn văn nhậm chức của bà là “một câu trả lời đề thi không đầy đủ” như thể bà là một nữ sinh ngu ngốc – tương đối là nhẹ so với những lăng mạ đối với những người lãnh đạo DPP khác, những người mà họ gọi là “điên rồ” “tai quái” “cặn bã”. Điều đó có thể có nghĩa là ông Tập Cận Bình vẫn muốn mở cửa cho những cuộc đàm phán trong tương lai.

Thứ ba, sự cân bằng quân sự ở eo biển Đài Loan đã không nghiêng đủ về Hoa lục để lãnh đạo ở đó tự tin có thể chiến thắng chớp nhoáng. Nếu Trung Quốc có thể tràn vào Đài Loan nhanh đến nỗi thế giới không có thời gian để phản ứng (như khi Nga xâm lược Crimea) thì có thể các quốc gia khác sẽ coi cuộc xâm lăng như một chuyện đã an bài. Nhưng Đài Loan không phải là Crimea. Chỉ có 10% dân số muốn thống nhất và ít hơn 2% muốn thống nhất càng sớm càng tốt. Hòn đảo này có một xã hội dân sự sinh động có khả năng đưa hàng triệu người biểu tình lên đường chống lại chính phủ Đài Loan, chứ nói gì đến một lực lượng chiếm đóng của Trung Quốc.

Hoa lục có khoảng 1.400 hoả tiễn trên mặt đất nhằm vào Đài Loan, cộng thêm một số hoả tiễn không đối không. Mặc dù có hệ thống phòng thủ chống hoả tiễn – Patriot của Mỹ và các hệ thống khác của Đài Loan – các căn cứ không quân của Đài loan và nhiều hệ thống phòng thủ khác của nó có thể bị phá hủy nhanh chóng bằng tất cả hỏa lực đó. Tuy nhiên, một cuộc xâm lược đòi hỏi phải có quân đội ở chiến trường, trong trường hợp này, quân Trung Quốc cộng sản nằm ở phía bờ bên kia eo biển rộng 180km. Và các lực lượng còn lại của Đài Loan có thể làm cho cuộc vượt biển đó trở nên rất khó khăn. Ông Yang nói rằng, để có một cuộc xâm lăng thành công, Trung Quốc cần phải nhanh chóng tiêu diệt 85% hoặc nhiều hơn hệ thống hoả tiễn của Đài Loan; Nếu còn một nửa số hoả tiễn của Đài Loan sau đợt tấn công đầu tiên, lực lượng xâm lược Trung Quốc sẽ dễ bị tấn công.
Cùng một gốc (Ex uno, plures)
Nếu cuộc xâm lược có thể bị kháng cự, chậm lại, các nước khác sẽ có thời gian để phản ứng. Tại thời điểm đó, bất kỳ người lãnh đạo Trung Quốc nào cũng phải quyết định có nên dừng cuộc xâm lăng hay chấp nhận nguy cơ xung đột có thể lan rộng hơn hay không. Nhưng chắc chắn họ sẽ hết sức tránh những lựa chọn đó nếu có thể. Và đó mới là lực cản thực sự của Đài Loan: nó không cần phải có khả năng để đánh bật quân xâm lược; Đài Loan chỉ cần đủ lực lượng cầm chân đối thủ để có thể có đủ thời gian buộc Trung Quốc lựa chọn giữa một cuộc đảo chính ở lục địa và một cuộc chiến tranh khu vực ở nước ngoài.

Nếu không có sự bảo đảm sẽ chiến thắng chớp nhoáng, đi theo những điều mơ hồ quen thuộc của “một-Trung Quốc” sẽ là điều hợp lý nhất đối với giới lãnh đạo Trung Quốc. Nhưng ngày sẽ càng khó khăn hơn để duy trì những sự mơ hồ đó. Ông Trump có thể quay lại với những nghi ngờ của ông về sự ủng hộ của Mỹ đối với chính sách này; nó không phải là lần đầu tiên ông ta thay đổi ý định. Và thái độ quần chúng ở hai bên eo biển đang trở nên cứng rắn. Không chỉ có người dân ở hải đảo ngày càng thấy mình là người Đài Loan; người ở đại lục, từng coi người Đài Loan là anh em, đã bắt đầu có thái độ lạnh lùng hơn. Họ vẫn thấy người dân đảo Đài Loan như một phần của một nền văn hoá chung, nhưng hiện nay họ đang áp dụng những bài thử lòng trung thành, ví dụ đòi tẩy chay các nghệ sỹ Đài Loan năm ngoái đã không lên án phán quyết của Tòa án Quốc tế đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Đoàn Thanh niên Cộng sản, từ lâu đã là cơ sở nền tảng đào tạo  quan chức cho đảng cầm quyền, đã tiến hành một chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội ở Trung Quốc chống lại một nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng người Đài Loan Leon Dai (Đái Lập Nhẫn) và đưa ông ta vào sổ đen.

Quan chức Trung Quốc đang khuyến khích nghi ngờ. Số lượng khách du lịch Trung Quốc đến Đài Loan đã giảm hơn một phần ba trong năm qua, đa số là vì nhà chức trách Trung Quốc đã làm cho việc du lịch khó khăn hơn. Các trường đại học Trung Quốc cũng đã yêu cầu Đại học Shih Hsin, ở Đài Loan, không thảo luận về “các chủ đề chính trị nhạy cảm” (như nguyên tắc một-Trung Quốc) với sinh viên trao đổi từ Hoa lục. Một viên chức cao cấp của Quốc Dân Đảng e rằng những ngày ủng hộ Đài Loan ở Hoa lục có thể đã chấm dứt.
Thái độ chính trị cũng cứng rắn hơn. Đài Loan từng có một đảng một-Trung Quốc, Quốc dân Đảng, và một đảng chuộng độc lập, DPP. Nhưng Quốc Dân đảng đang rơi tự do sau khi thất bại trong cuộc bầu cử năm ngoái. Lực lượng phát triển nhanh nhất là Đảng Quyền lực Mới, bắt nguồn từ các cuộc biểu tình của sinh viên chống lại mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc; ít nhất là chống lại một-Trung Quốc như đảng DPP. Những cuộc đàn áp của ông Tập Cận Bình với những người bất đồng chính kiến và xã hội dân sự đang dẫn dắt hệ thống chính trị Trung Quốc tách xa khỏi nền dân chủ sinh động của Đài Loan. Sự can thiệp của chính phủ Bắc Kinh với chính trị địa phương của Hồng Kông được được đưa ra để chứng minh rằng “một quốc gia, hai hệ thống”, một công thức được lập ra cho Hong Kong và đã một lần đưa ra mời Đài Loan hội nhập, chỉ là một sự gian lận.

Đối diện với những thực tế này, cả hai bên đều muốn lựa chọn tiếp tục nói rằng khung sườn một-Trung Quốc vẫn đứng vững, và vẫn tìm những sự lúng túng mới để biện minh cho kết quả cuối cùng – Công thức 92. Năm 2011 Wang Yi, giờ là Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, lúc đó là người đứng đầu Văn phòng Nội vụ Đài Loan, nói riêng trong chuyến thăm Washington rằng Trung Quốc có thể xét việc thay thế Công thức 92 và có một số dấu hiệu cho thấy điều này vẫn có thể xảy ra. Mỗi hai tuần giới hữu trách Đài Loan gặp nhau để tìm kiếm sàng lọc những từ ngữ mới. Một công thức mới có thể dùng làm cơ sở cho các cuộc đàm phán trong tương lai.

Giải pháp đơn giản và tự nhiên là thừa nhận có hai Trung Quốc. Nhưng chính quyền cộng sản chưa sẵn sàng để làm điều đó. Thay vào đó, nó buộc người Đài Loan và người Mỹ phải đối phó với sự mơ hồ lúng túng của chính sách một-Trung Quốc, trong lúc cả ba đều từ từ để tiến tới một màn kịch sau cùng, mới và nguy hiểm hơn.


Nguồn: The one-China policy – The great obfuscation of one-China. Beijing and Taipei. The Economist | March 11th, 2017.
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" 

No comments:

Post a Comment

Featured post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-21/1/2025

My Blog List