Việt Nam






Thursday, 1 December 2016

Hiệp định thương mại RCEP của Trung Quốc : đường còn dài


TẠP CHÍ KINH TẾ Podcast

Hiệp định thương mại RCEP của Trung Quốc : đường còn dài

Thay thế Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP của Mỹ bằng sáng kiến Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu vực RCEP của Trung Quốc. Không đợi tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump thông báo bỏ rơi các đối tác thương mại trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc đã chuẩn bị « lấp vào chỗ trống » của Mỹ. Thất bại của TPP là bệ phóng cho RCEP.

Dự án của Bắc Kinh bao gồm những gì ? Tiến sâu hơn vào vùng ảnh hưởng thương mại của Trung Quốc có lợi hay không cho các nước Đông Nam Á ? Chiến lược nào cho Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nền kinh tế cũng lấy xuất khẩu làm động lực chính như Trung Quốc ? Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ Hoa Kỳ lần lượt trả lời các câu hỏi trên.
Khác biệt nào giữa TPP và RCEP ?
Vào lúc các đồng minh truyền thống của Mỹ trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương nỗ lực để Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP không bị khai tử trước khi chính thức có hiệu lực, Bắc Kinh đang đứng trước cơ hội để « vẽ lại bản đồ thương mại quốc tế ». Chủ trương bảo hộ của Hoa Kỳ dưới chính quyền Trump sẽ « có lợi cho Trung Quốc hơn cả » như Hoàn Cầu Thời Báo ghi nhận. Tờ báo này thậm chí còn cho rằng Trung Quốc sẽ thay thế Hoa Kỳ dẫn dắt thế giới trên con đường tự do hóa giao thương.
Không khởi xướng TPP nhưng Hoa Kỳ đã nỗ lực thúc đẩy để hiệp định mậu dịch giữa hai bờ Thái Bình Dương -không có Trung Quốc - được hình thành, tạo cơ sở cho các hoạt động thương mại trong thế kỷ 21. Sau 7 năm đàm phán cam go, tháng 10/2015, Mỹ và 11 đối tác gồm Úc, Brunei, Canada, Chilê, Nhật Bản, Malaysia, Mêhicô, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã đặt bút ký kết vào văn bản lịch sử đó. Nhưng để chính thức có hiệu lực, hiệp định TPP còn phải được các nước thành viên thông qua.
Đầu tàu của TPP là Mỹ, dưới chính quyền Obama, đã gặp nhiều trở ngại. Với chính quyền sắp tới của ông Donald Trump, viễn cảnh Hoa Kỳ thông qua hiệp định tự do mậu dịch này lại càng thêm xa vời. Nhất là khi chính tổng thống tương lai của nước Mỹ đã tuyên bố, rút lui khỏi TPP là một trong những quyết định đầu tiên của ông trên cương vị chủ nhân Nhà Trắng.
Vì phải đứng ngoài TPP, Trung Quốc từ năm 2011 đã bắt đầu vận động cho một kế hoạch tương tự, nhưng để trực tiếp cạnh tranh với TPP. Kế hoạch đó được biết dưới tên gọi Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực - (Regional Comprehensive Economic Partnership - RCEP).
Tương tự như TPP, RCEP dựa trên nguyên tắc xóa bỏ các hàng rào quan thuế và phi quan thuế để thúc đẩy giao thương. Tuy nhiên, sáng kiến của Trung Quốc không quá gò bó như TPP trên những chuẩn mực như là điều kiện lao động, hay môi trường …
Nếu như TPP « loại » Trung Quốc, thì RCEP ngay từ đầu quyết định không kết nạp Hoa Kỳ, nhưng bao gồm hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương, từ 10 nước thành viên ASEAN đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand.
Vòng đàm phán RCEP đầu tiên đã mở ra vào tháng 05/2013 tại Brunei và các bên vừa kết thúc đợt đàm phán thứ 15 ở Thiên Tân hồi tháng 10/2016.
Khái niệm « toàn diện » là cái gai trong các tiến trình đàm phán
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ California, cái gai trong mọi tiến trình đàm phán kể cả với TPP lẫn RCEP, chính là khái niệm « toàn diện » và con đường còn nhiều chông gai để tiến tới một Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực.

Nguyễn Xuân Nghĩa :
Có lẽ Tập Cận Bình chỉ muốn chiếm một lợi thế ngoại giao nhất thời, chứ thật ra việc hoàn thành sáng kiến RCEP không dễ dàng, nhanh chóng. Trước hết, về bối cảnh chung, ta không thể quên phản ứng bảo vệ quyền lợi quốc gia trong khối Tây phương, cho nên Hiệp ước Xuyên Đại Tây Dương TTIP giữa Hoa Kỳ và 28 nước Liên Âu cũng bị đình trệ từ tháng 08/2015 vì sự phản đối của Đức và Pháp.
Tại Hoa Kỳ, dù Hiệp ước TPP giữa Mỹ với 11 đối tác trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương được tổng thống Obama của đảng Dân Chủ ra sức thúc đẩy, đa số bên Dân Chủ và Cộng Hòa đều chống lại. Nếu ông Obama mơ ngủ có muốn Quốc Hội phê chuẩn trước khi mãn nhiệm thì cũng không đủ túc số. Ông ta chỉ xác nhận trở ngại sâu xa trong cơ chế chính trị Mỹ sau khi quá nhiều người thất vọng với hiện tượng toàn cầu hóa và hội nhập.
Trở lại Hiệp ước RCEP, do ba cường quốc kinh tế Đông Á là Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc đề xướng với 10 nước của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á ASEAN, sáng kiến này kéo thêm Ấn Độ, Úc và New Zealand nhưng không có Hoa Kỳ. RCEP mới chỉ được bắt đầu thương thuyết từ năm 2012, đến tháng 10/2016 thì mới qua vòng đàm phán thứ 15 tại Thiên Tân.
Nhớ lại thì Hiệp ước TPP mất 7 năm thương thuyết qua 21 vòng đàm phán mà cuối cùng thì thất bại. Lý do thất bại chính là khái niệm “Toàn Diện” : Các nước không chỉ thiết lập chế độ tự do buôn bán hàng hóa và dịch vụ, không còn hàng rào quan thuế hay hạn ngạch và tự do đầu tư với tối thiểu kiểm soát, mà lại muốn thống nhất tiêu chuẩn về chính sách bảo vệ môi trường, quyền lợi lao động và quyền sở hữu trí tuệ hay thương hiệu dược phẩm, v.v..
Chính quy định rộng lớn, sâu xa, rắc rối ấy làm thay đổi luật lệ quốc gia mới khiến Hiệp ước TPP bị chống tại Hoa Kỳ.
Nếu Hiệp ước RCEP cũng có mục tiêu toàn diện thì có thể gặp khó khăn tương tự, chưa kể điều khoản giải tỏa chế độ bảo vệ khu vực kinh tế quốc doanh là điều Tập Cận Bình coi như quốc sách, còn việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ lại là đòi hỏi ưu tiên của Nhật.
Vì vậy, Bắc Kinh có thể pha loãng khái niệm toàn diện mà nhắm vào mục tiêu thu hẹp hơn, là hiệp ước tự do mậu dịch để có thêm đối tác, nhưng lại giống nhiều hiệp ước thương mại đã có tại Đông Á.
TPP, RCEP hay FTAAP
Vậy thì nên đi theo TPP của Mỹ hay nghiêng về sáng kiến thành lập vùng tự do mậu dịch đang được Trung Quốc xúc tiến ? Chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa trả lời :
Nguyễn Xuân Nghĩa :Nói về những lợi hại của các nước thì ta không quên là Bắc Kinh đang rao bán một sáng kiến khác là xây dựng Vùng Tự Do Thương Mại Á Châu Á-Thái Bình Dương (Free Trade Area of the Asia-Pacific - TAAP), mà họ vừa trình bày kết quả nghiên cứu khả thi cũng tại Thượng đỉnh APEC ở Peru.
Sáng kiến FTAAP gồm 12 thành viên của TPP, tức là có Hoa Kỳ, thêm Liên bang Nga, Đài Loan và 15 thành viên của Hiệp ước RCEP mà không có Ấn Độ.
Sáng kiến FTAAP này mới là độc chiêu của Bắc Kinh vì không đòi hỏi khắt khe như TPP mà chỉ nhắm vào yêu cầu phát triển mậu dịch và có lợi cho Trung Quốc hơn là cho Hoa Kỳ, vì lý do dễ hiểu là kinh tế của Trung Quốc lệ thuộc vào xuất cảng hơn kinh tế Mỹ.
Vì vậy, các nước Á Châu ở giữa đang được chiêu dụ vào ba giải pháp TPP, RCEP và FTAAP. Nếu chỉ muốn buôn bán dễ dàng hơn thì cái nào cũng có lợi, nhưng nếu muốn nâng cao tiêu chuẩn về tổ chức và sản xuất để theo kịp các nước tiên tiến thì quả là khó hơn.
Mậu dịch : Hiệp định đa phương hay song phương ?
Câu hỏi đặt ra là liệu các quốc gia trong khu vực có thực sự cần đến hàng loạt các dự án quy mô như TPP của Mỹ hay RCEP và rộng hơn là FTAAP của Trung Quốc để thúc đẩy trao đổi mậu dịch ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Hiện nay, riêng trong khuôn khổ RCEP thì đã có 10 nước Đông Nam Á có thể thoải mái vì được cơ hội giao thương với các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, nhưng vẫn chưa được vào thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ. Mà nếu chỉ muốn gia tăng buôn bán với nhau, thì các nước này đã có những hiệp ước tự do thương mại song phương hay đa phương như sáng kiến đã thành hình của 10 nước ASEAN.
Nếu tham gia Hiệp ước RCEP thì có khi họ sẽ lại gặp khó khăn khi đàm phán hiệp ước tự do song phương với Mỹ, là thị trường lớn nhất. Chính quyền Trump bác bỏ TPP và đòi thương thuyết lại Hiệp Ước Tự Do Bắc Mỹ NAFTA/ALENA là để nhắm tới các thỏa ước song phương với từng nước, chứ không để lui về chính sách tự cô lập hay bế môn tỏa cảng. Tình hình xoay chuyển phức tạp chứ không đơn giản như truyền thông nông cạn vẫn tường thuật.
Vắng Mỹ, vị trí bản lề của Nhật Bản trong TPP
Một câu hỏi then chốt khác là liệu Bắc Kinh có dễ dàng thuyết phục được những đối tác lớn như Nhật Bản hay Hàn Quốc vào quỹ đạo của mình hay không khi biết rằng : Thứ nhất, vế thương mại và kinh tế thường được gắn liền với những tính toán chiến lược. Về mặt này, tới nay, Tokyo và Seoul vẫn là đồng minh truyền thống của Washington. Thứ nhì, làm thế nào để Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc dễ dàng tìm ra đồng thuận khi cả ba quốc gia Đông Bắc Á này đều là những nhà vô địch về xuất nhập khẩu ? Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa phân tích :
Nguyễn Xuân Nghĩa : Đây mới là câu hỏi ngàn vàng ! Kinh tế Hàn Quốc và Nhật Bản có quan hệ song phương gắn bó với Hoa Kỳ và Seoul theo dõi kết quả của Hiệp ước TPP, với vai trò trọng yếu của Nhật. Khi Hoa Kỳ duỗi ra thì Tokyo có thể bị lỡ trớn vì tiến quá sâu vào những cam kết của TPP.
Thủ tướng Shinzo Abe nhiều lần thuyết phục Hoa Kỳ đừng bỏ cuộc và ông là vị lãnh đạo đầu tiên đến New York để nói chuyện riêng với tổng thống tân cử Donald Trump trước khi đi dự Thượng đỉnh APEC. Chúng ta chưa thể biết kết quả hội kiến, nhưng Nhật chỉ cần hủy bỏ một điều khoản của TPP là Hiệp ước thành hình (khi có tối thiểu sáu nước, với 85% sản lượng của toàn khối). Điều khoản ấy hàm ý là Hiệp ước TPP không thành nếu thiếu Hoa Kỳ, vì Mỹ có sản lượng chiếm 60% sản lượng của toàn khối.
Nếu hủy điều khoản ấy, TPP vẫn có thể tiếp tục mà không có Hoa Kỳ, và có nước Nhật là đầu máy cho 10 nước kia. Ta không quên là sáng kiến TPP khởi đi từ bốn nước nhỏ và Hoa Kỳ nhảy vào năm 2008 rồi nhảy ra năm 2016, nên 10 nước kia vẫn có thể xúc tiến với nhau và có khi còn kéo thêm Hàn Quốc vào cuộc cho tới khi Mỹ lại đổi ý.
Chúng ta nên bước qua khía cạnh chiến lược của các hiệp ước thương mại. Dù nói về hợp tác hay hội nhập kinh tế trong từng khối, các cường quốc đều hiểu kinh tế cũng là chính trị. Hiệp ước TPP không có Bắc Kinh chỉ là chủ đích chiến lược của Mỹ để tranh đua với Trung Quốc. Hay hiệp ước RCEP không có Mỹ chỉ là của Bắc Kinh để tranh thủ các nước về phe mình.
Nhưng một cường quốc kinh tế và cũng là một đối thủ về an ninh là Nhật Bản lại hiện diện trong cả hai sáng kiến này.
Tôi thiển nghĩ là vì quyền lợi sinh tử của mình, Nhật khó tham gia một sáng kiến chỉ có lợi cho Trung Quốc. Nếu Hoa Kỳ còn tần ngần do dự, thì chính Nhật Bản mới giữ vị trí bản lề và mặc nhiên là cường quốc Đông Á đối diện với Trung Quốc, mà vẫn có đồng minh Hoa Kỳ ở sau lưng.
Các nước ở giữa phải nhìn cục diện trên cả ba góc là Mỹ-Nhật-Trung, và Trung Quốc không dễ gì tự tung tự tác tại Đông Á, chưa kể là Hoa Kỳ cũng có nhiều đòn phép kinh tế trong quan hệ với Bắc Kinh. Ta đã chứng kiến chuyện ấy khi đồng nhân dân tệ lao dốc và nạn tẩu tán tài sản gia tăng vì chính quyền Trump đề nghị giảm thuế cho các doanh nghiệp Mỹ rút vốn đầu tư về để tạo việc làm trong thị trường Hoa Kỳ. Ngoài ra, chắc chắn là Mỹ sẽ khiếu tố với Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO về việc Bắc Kinh lũng đoạn hối đoái và cạnh tranh bất chính. Donald Trump là con buôn nhưng cũng là con diều hâu không dễ bị bắt nạt.


__._,_.___


Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official-20/1/2025

My Blog List