Một số tư tưởng của người Nga
trong giai đoạn Perestroika
Sun, 12/27/2015 - 00:06 — nguyenthituhuy
Thời điểm này, ngay trước đại hội XII của Đảng cộng sản Việt Nam, những
người Việt quan tâm đến tương lai của cộng đồng chung và tương lai của bản thân
mình xét trong tương quan với cộng đồng, cũng như tương lai của các thế hệ con
cháu, có lẽ đều tự đặt cho mình câu hỏi : Việt Nam có thể tiến hành những
cải cách chính trị căn bản để phát triển, để bảo tồn độc lập dân tộc và chủ
quyền lãnh thổ ?
Ở một thời điểm như vậy, có lẽ cần tìm hiểu thấu đáo những gì mà người
Nga đã làm để tiến hành cải cách trong giai đoạn Perestroika, giai đoạn mà nước
Nga biết đến một sự thay đổi căn bản trong cấu trúc chính trị xã hội, đặt nền
móng cho sự hình thành một nước Nga dân chủ.
Tổng công trình sư của Perestroika, như tất cả chúng ta đều biết,
là Mikhail Gorbatchev, người được đánh giá là không chỉ làm thay đổi nước Nga,
mà còn « làm thay đổi số phận của cả hành tinh chúng ta », như nhận định
của Andrei S. Gratchev.
Tuy nhiên, perestroika không thể tiến hành nếu không có
một bộ phận lớn các trí thức và các nhân vật chính trị ủng hộ. Trong số những
người sát cánh bên Gorbatchev, có Vadim Medvedev, uỷ viên Bộ Chính trị,
Tringuiz Aïtmatov, nhà văn, tác giả của những tác phẩm nổi tiếng đã được dịch
và được độc giả Việt Nam yêu mến (Truyện núi đồi và thảo nguyên, Cây phong non trùm khăn
đỏ, Và một ngày dài hơn thế kỷ, Con tàu trắng, Djamila), Tatiana
Zaslavskaia, nhà xã hội học, Otto Latsis và R. Simonian, nhà kinh tế học…
Dưới đây xin dịch giới thiệu một số đoạn thể hiện những tư tưởng
quan trọng của một số người đã tham gia thực hiện công cuộc cải cách ở nước
Nga.
1/ Ngày hôm nay, nhiệm vụ chính của
chúng ta là xây dựng đời sống tinh thần cho các cá nhân, trong khi tôn trọng
đời sống nội tâm của họ và trao cho họ sức mạnh đạo đức. Chúng ta tìm cách khởi
động tất cả mọi tiềm năng trí tuệ của xã hội chúng ta, tất cả mọi tiềm năng văn
hoá, để tạo ra các cá nhân năng động về mặt xã hội, phong phú về tinh thần, công
chính và có lương tâm. Một con người cần biết và cảm nhận được rằng những người
khác cần đến sự đóng góp của mình, rằng phẩm giá của mình không bị coi rẻ, rằng
mình được đối xử với sự tin tưởng và tôn trọng. Nếu một người nhận ra những
điều đó, anh ta sẽ có khả năng thực hiện rất nhiều việc.
(Gorbatchev, Perestroika (bản dịch tiếng Pháp),
Flammarion, 1987, tr.36)
2/ Cải cách(Perestroïka), điều đó có
nghĩa là loại bỏ sự suy thoái đạo đức xã hội chủ nghĩa khỏi xã hội, thực sự thi
hành các nguyên tắc của công lý xã hội. Điều đó có nghĩa là lời nói phải tương
ứng với việc làm, các quyền phải đi đôi với nghĩa vụ. Đó là tôn trọng lao động lương
thiện và lao động chất lượng cao, đó là vượt lên trên các xu hướng cào bằng về
lương và về tiêu thụ. (Gorbatchev, Perestroika (bản dịch tiếng Pháp),
Flammarion, 1987, tr.44)
3/ Cải cách đã mang lại những nhiệm vụ
mới cho nền chính trị của chúng ta, và cho suy tư của chúng ta về xã hội. Trong
số các nhiệm vụ đó, có nhiệm vụ phải chấm dứt sự trì trệ tư duy của xã hội, để
mở ra cho xã hội những phạm vi rộng lớn hơn của tư duy và để khắc phục triệt để
những hậu quả của sự độc quyền về lý luận, điển hình cho thời kỳ tôn thờ lãnh
tụ. (Gorbatchev, Perestroika (bản dịch tiếng Pháp),
Flammarion, 1987, tr.62)
4/ Chính là trong sự minh bạch
(glasnost) mà bầu không khí mới mẻ này được thể hiện một cách sống động nhất.
Chúng ta muốn càng phải minh bạch hơn nữa trong lĩnh vực công và trong mọi lĩnh
vực của đời sống. Mọi người cần phải có ý thức về những gì là tốt và những gì
là xấu, để làm tăng thêm điều tốt và chống lại điều xấu.
(Gorbatchev, Perestroika (bản dịch tiếng Pháp),
Flammarion, 1987, tr.103)
5/ Điều cốt yếu, đó là phải đối diện
với sự thật. Lénine nói : « Cần có nhiều ánh sáng hơn nữa ! »
Đảng cần phải biết hết mọi điều. Hơn bao giờ hết, chúng ta không cần đến những
góc tối tăm nơi sinh sôi ẩm mốc, nơi trú ngụ của tất cả những gì phát triển một
cách lén lút mà chúng ta đang bắt đầu cuộc đấu tranh kiên quyết chống lại
chúng. Vì thế chúng ta cần có nhiều ánh sáng hơn nữa.
Ngày nay, minh bạch chính là sự phản ánh một cách thuyết
phục bầu khí quyển tinh thần và đạo đức bình thường trong một xã hội, bầu khí quyển
bình thường này sẽ giúp cho mọi người hiểu rõ hơn những gì đã diễn ra trong quá
khứ, và những gì đang diễn ra trong hiện tại. Cũng là để hiểu rõ chúng ta đấu
tranh vì cái gì, kế hoạch của chúng ta là như thế nào, và trên cơ sở sự thấu
hiểu này mà tham gia một cách có ý thức vào nỗ lực tái cấu trúc [xã hội].
Dân chủ hoá và những thay đổi về xã hội và kinh tế có được động năng
phần lớn nhờ vào việc chúng ta tăng cường sự minh bạch. Chắc chắn chính sách
của Đảng là cơ sở của quá trình này. (Gorbatchev, Perestroika (bản dịch tiếng Pháp),
Flammarion, 1987, tr.103)
6/ Các công dân càng ngày càng tin rằng
minh bạch là một hình thức kiểm soát công được thực thi đối với các hoạt động
của mọi tổ chức chính phủ, không có ngoại lệ, và là một phương tiện mạnh mẽ để
sửa chữa những thiếu sót. Kết quả là đạo đức tiềm tàng của xã hội chúng ta đã được
hồi phục. Lý tính và lương tâm bắt đầu lấy lại lợi thế so với sự thụ động và
thờ ơ vốn từng làm xơ cứng trái tim chúng ta. Đương nhiên, nếu chỉ biết và nói
lên sự thật thì chưa đủ. Điều quan trọng là, từ nhận thức và hiểu biết về sự
thật, cần phải đi tới hành động. (Gorbatchev, Perestroika (bản dịch tiếng Pháp),
Flammarion, 1987, tr.104)
7/ Nền tảng của cải cách kinh tế là ở
sự sáng tạo và tăng cường các tác nhân kinh tế nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng sản
xuất, sự hoàn thiện về chất lượng, trên cơ sở đẩy nhanh tiến bộ khoa học và kỹ
thuật. Nhưng điều căn bản, chắc chắn đó là việc tái cấu trúc các quan hệ sở hữu,
loại bỏ sự tha hoá của con người khi nó có dịp sử dụng tài sản công.
(Ý kiến của Medvedev, trích « Quan niệm hiện nay về chủ nghĩa xã hội »,
in trong Perestroïka 89,
Messidor/Editions sociales, 1989, tr.66)
8/ Không có đạo đức thì khoa học sẽ
chết, và điều này sẽ kéo theo sự tàn lụi của kinh tế cũng như sự xuống cấp của
các mối quan hệ xã hội. Lịch sử gần đây của chúng ta đã xác nhận một cách đau
đớn sự thật này : ở thế kỷ XX, không thể thực hiện các tư tưởng xã hội tốt
đẹp nhất bằng các phương pháp trung cổ, độc đoán, bằng sự cưỡng bức thể xác, trong
khi đó lại không hướng tới lương tâm, lý tính, ý chí tự do và quyền được lựa
chọn đạo đức cá nhân của con người. Những cung điện và đền đài của tương lai
không thể được xây trên máu. (Phát biểu của Dimitri Likhatchev,
viện sĩ Viện Hàn lâm, trích « Không có đạo đức, khoa học sẽ chết »,
in trong Perestroïka 89,
Messidor/Editions sociales, 1989, tr.69-70)
Đến đây, không thể không liên tưởng tới tình hình Việt Nam hiện
nay, không thể không viết một vài bình luận ngắn. Mới đây xuất hiện một bức thư
được cho là của Thủ tướng Việt Nam đương nhiệm. Cho dù nó có phải là thư của
Thủ tướng hay không thì cách thức xuất hiện của nó (công khai một cách lén
lút, hay lén lút một cách công khai, muốn nói theo kiểu nào cũng cũng được ;
hoàn toàn giống như tình trạng công an giả dạng côn đồ, hay côn đồ được tuyển
dụng làm công an) đã không tuân theo một tiêu chuẩn đạo đức nào, không tuân
theo một chuẩn mực ứng xử và chuẩn mực hành chính nào. Trái lại, một cách thức
như vậy sẽ góp phần huỷ diệt đạo đức xã hội, huỷ diệt các chuẩn mực xã hội.
Cho dù người chủ trương đưa ra bức thư này là ai, thì một cách
thức như vậy đối lập hoàn toàn với điều mà Gorbatchev gọi là glasnost – sự minh
bạch, sự trong suốt. Bởi sự xuất hiện của bức thư đã đặt tất cả vào tình trạng
mù mờ, hỗn độn, gây mất niềm tin. Sự xuất hiện của bức thư mang theo nó toàn bộ
cái « góc tối tăm », như từ dùng của Gorbatchev, « nơi trú ngụ của tất cả những gì phát triển một cách lén
lút». Nó xác nhận rằng trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam tồn
tại một kiểu đấu đá thiếu lành mạnh.
Kiểu đấu đá trong bóng tối này hoàn toàn
khác hẳn với cạnh tranh quyền lực ôn hoà và lành mạnh trong các thể chế dân
chủ, nơi các đảng phái và các cá nhân ứng cử vào các chức vụ có thể chỉ trích lẫn
nhau một cách công khai, và có thể đòi đối thủ chính trị của mình giải trình,
cũng một cách công khai trước dân chúng. Sự xuất hiện mù mờ của bức thư cho
thấy việc thiếu minh bạch trầm trọng trong các hoạt động chính trị tại Việt
Nam.
Vì thế người dân không thể nào hiểu được một cách rõ ràng những gì đang
diễn ra trong đời sống chính trị của đất nước mình. Chính trị Việt Nam thiếu
chính sự minh bạch mà Gorbatchev đề cao trong quá trình cải tổ ở nước Nga. Và
do vậy, xã hội Việt Nam không thể có được « bầu khí quyển tinh thần và đạo đức bình thường ».
Vậy xã hội sẽ lấy động lực ở đâu để phát triển ?
Chúng ta cũng không thể không thấy rằng ở Việt Nam đang có sự tăng
cường các biện pháp thời trung cổ, tăng cường sự độc đoán và cấm đoán, sử dụng
bạo lực một cách tàn nhẫn. Liên tục hết luật sư này đến luật sư kia bị đánh,
liên tục những người dân vô tội bị hành hung, bị tạt a-xit. Phải chăng máu của
người dân được sử dụng để gieo rắc sợ hãi?
Nhưng đúng như Likhatchev nói, làm
sao có thể xây tương lai trên máu của dân lành ? Chúng ta sẽ còn phải trở
lại với những vấn đề của Việt Nam.
Ở đây, xin tạm dừng bài này ở câu hỏi :
Với tất cả khả năng phân tích và nhận định của mỗi người, chúng ta
thử nghĩ xem, từ các chỉ dấu hiện tại, liệu trong bộ máy lãnh đạo Việt Nam có
thể có những người thực sự mang tư tưởng cải cách, liệu cách tuyển dụng và sử
dụng nhân sự như đang diễn ra có thể tạo điều kiện cho các cá nhân có tinh thần
cải cách đứng vào hàng ngũ lãnh đạo, liệu Việt Nam có thể cải cách theo hướng
tích cực, và chính quyền Việt Nam, sau đại hội XII, sẽ đưa đất nước này đi về
đâu ?
Paris, 26/12/2015
Nguyễn
Thị Từ Huy
__._,_.___
No comments:
Post a Comment