Thủ thuật vạn thắng: Tạm ngưng để tiếp tục
Vũ Thạch
Cùng tác giả:
Nhiều người khen Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nụ cười bí hiểm.
Nhưng cũng nhiều người khác giải thích chẳng có gì là bí hiểm cả.
Ông Dũng đang cười nhiều vì có nhiều điều đáng cười. Gió đang thổi mạnh theo
hướng thuận lợi cho ông trên con đường tiến đến Đại Hội Đảng XII. Thuận lợi đến
độ cả những vụ tai tiếng như tượng đài 1400 tỉ tại Sơn La cũng là dịp để ông
kiếm thêm điểm uy tín cho mình.
Chắc chắn ông Dũng đang mỉm cười tự tin và đắc chí. Không đắc chí
sao được khi chỉ dùng MỘT ngón nghề trong kho thôi đã đủ để ông thành công liên
tục, suốt từ vụ khai thác Bôxít Tây Nguyên, đến vụ cướp đất của gia đình Đoàn
Văn Vương tại Tiên Lãng, hay vụ xây tượng đài tại Quảng Nam, ... dài đến những
vụ chặt cây xanh Hà Nội, lấn đất sông Đồng Nai, và nay, vụ tượng đài tại Sơn
La. Tất cả các dự án đó đều tiếp tục. Không dự án nào dừng lại. Và vì thế số
chân tay dưới trướng của ông vẫn được ăn uống phủ phê, vẫn ngày càng đông và
"hết lòng vì chủ".
Có thể nói ông Nguyễn Tấn Dũng đang có trong tay một thủ thuật vạn
thắng. Đó là Tạm ngưng để tiếp tục. Sự thành công của thủ thuật này dựa
trên những nền tảng sau đây:
- Ông Dũng nắm vững các qui luật tâm lý quần chúng. Đó là cơn giận
của công chúng tuy phùng lên rất cao nhưng cũng rất chóng tàn. Và khi quần
chúng giận càng cao thì các lệnh tạm ngưng của ông Dũng càng làm cho người dân
hể hả, càng dễ nguôi giận, và nhất là càng "khoái" thủ tướng. Còn ai
nhớ mức "khoái" của dân cao tới cỡ nào không khi ông Dũng đích thân
về Hải Phòng chủ trì cuộc họp kiểm điểm vụ Tiên Lãng?
- Một khi lửa giận của dân về một vụ việc đã nguội xuống thì sẽ
rất khó bùng lên lại, đặc biệt là khi sự chú tâm của quần chúng đã chuyển sang
những vụ bất bình mới và "chán chuyện cũ".
- Sau đó giới quan chức chỉ cần làm các bước: (1) Răn đe những
người dân đi đầu trong đợt lên tiếng vừa qua để bịt miệng họ lại; (2) Coi lại
việc chia lời cho đồng đều hơn để đừng có chuyện cán bộ bên trong xì tin ra
ngoài nữa; và (3) Tiến hành dự án trở lại một cách kín đáo, êm thắm hơn.
Thế là mọi chuyện đâu lại hoàn đấy. Các quan vẫn tiền đầy túi. Chi
phí, lỗ lã, thiệt hại môi sinh cứ ném vào quĩ công, đất công là xong. Trong lúc
lòng biết ơn thủ tướng lại dâng tràn - không chỉ từ hàng ngũ quan chức mà cả từ
quần chúng. Thế là lãnh đạo mỉm cười: "Đàn cừu đã qua đồng cỏ khác".
Rõ ràng đã đến lúc những người muốn tạo đổi thay tích cực và cơ
bản cho đất nước phải thay đổi một vài định nghĩa, phải nhận chân một số hiện
tượng thực tế. Đó là:
- Mỗi tuyên bố "cần điều tra làm rõ" hay "yêu cầu địa
phương báo cáo" đều chỉ là những cái mỉm cười khinh thường của lãnh đạo
đối với "đàn cừu". Lý do đơn giản là vì các dự án ở mức trăm tỉ, ngàn
tỉ đồng đều KHÔNG THỂ KHÔNG CÓ sự xin phép và chia phần với trung ương. Không
một quan chức địa phương nào muốn giữ ghế lâu dài lại dám băng qua khâu đó. Văn
phòng chính phủ không những biết rất rõ các chi tiết từng dự án mà còn biết
trước mức đội trần sẽ là bao nhiêu, biết những ai xứng đáng được chia phần, và
chia bao nhiêu phần trăm.
- Vì vậy, mỗi lệnh "tạm ngưng" đều chỉ là cái nháy mắt
trấn an của trung ương gởi tới địa phương, với thông điệp: chờ chút rồi ai cũng
có phần! Do đó, ngày nào chúng ta còn hài lòng với các lệnh "tạm
ngưng" ngày đó chúng ta còn rớt trở lại cái bẫy vừa đơn giản vừa tinh vi
của thủ tướng.
Từ thực tế đó, đối với những ai muốn đổi thay thực sự, lằn ranh
tối thiểu hiện nay trước mỗi vụ việc hại dân hại nước tới mức như vụ xây tượng
đài Sơn La phải là những đòi hỏi cách chức hay thuyên chuyển các quan chức
trách nhiệm trực tiếp và đòi phải tuyên bố công khai hủy bỏ dự án. Ai nghĩ rằng
lằn ranh đó quá cao, quá khó thì xin cứ nhìn lại khối sức mạnh từ quần chúng
chỉ trong vài ngày vừa qua. Và chính tiềm năng còn cao hơn nữa của ngọn lửa này
đã khiến nhà cầm quyền phải đối phó lập tức. Người dân, một khi đồng lòng và
đồng loạt, có sức mạnh còn lớn hơn thế nhiều trong tay nhưng chỉ chưa biết đến
nó và chưa dùng nó mà thôi.
Công việc còn lại của các nhà hoạt động là làm sao để quần chúng
không mệt mỏi, bị đánh lạc hướng hay rơi vào các bẫy thủ thuật của những kẻ
đang mỉm cười bí hiểm.
Đất nước của những tượng
đài vô cảm
Nguyễn Văn Tuấn
Hàng loạt địa phương có dự án xây dựng tượng Hồ Chí Minh (1). Có
thể xem đây là một phong trào. Phong trào xây thêm tượng vốn đã quá nhiều ở đất
nước này. Nhưng ý nghĩa của phong trào này là gì thì không ai rõ. Chỉ có thể
giải thích rằng phong trào này xuất phát từ ý tưởng kinh doanh hình tượng lãnh
tụ, và như thế là một sự khinh thường người dân đóng thuế.
Tôi có cảm tưởng rằng Việt Nam là một nước có nhiều tượng đài nhất
nhì thế giới. Đi từ thành phố đến tỉnh lẻ và làng xã, hầu như chỗ nào cũng có
một vài tượng đài. Có nơi có hàng chục tượng lớn nhỏ đủ kiểu. Ví dụ như Hà Nội
đã có hơn 30 tượng đài, và người ta đang lên kế hoạch xây thêm hơn 30 tượng
khác từ nay đến 2020. Sẽ rất thú vị nếu biết con số thống kê về tượng đài trên
cả nước, nhưng với con số trung bình 20 tượng đài/tỉnh, tổng số tượng đài rất
có thể lên đến con số hàng ngàn.
Tôi nghĩ người Việt Nam chúng ta từ xưa đã rất quan
tâm đến tượng, nhưng ý nghĩa thì không giống như kiểu xây tượng đài ngày nay.
Ngày xưa (trước 1975) ở miền Nam cũng có (tuy không nhiều) tượng đài, nhưng đa
số là tượng của các anh hùng dân tộc. Chúng ta đã biết ở Sài Gòn có những bức tượng
nổi tiếng như Trần Hưng Đạo, Trần Nguyên Hãn, Thánh Gióng, bên cạnh những tượng
Phật Thích Ca và Chúa Jesus. Còn ở Rạch Giá có tượng Nguyễn Trung Trực rất nổi
tiếng, nghe nói sau 1975 bị "cách mạng" cho xe tải đến kéo sập, nhưng
không sập và thế là còn tồn tại đến ngày nay. Người dân xem tượng là cái gì
linh thiêng, để tôn thờ; nếu không tôn thờ thì cũng là nơi để tỏ lòng kính
trọng.
Do đó, dù là đơn giản được cấu trúc bằng đất sét, nhưng không ai dám phá
các tượng.
Ở miền Nam sau 1975 thì các tượng đài theo kiểu XHCN mới bắt đầu
xâm nhập các miền quê và tỉnh lẻ. Sau 1975, các tượng đài trở thành đối tượng
để ngắm nhìn là chủ yếu, chứ không phải để thờ phượng. Hồi còn nhỏ, tôi chưa
biết cảm nhận được cái đẹp của những bức tượng đó; phải đến sau 1975 có dịp so
sánh với các bức tượng theo motif XHCN (sẽ nói sau) tôi mới thấy cái thẩm mĩ và
dân tộc tính của những bức tượng trước 1975.
Cái đặc điểm chủ yếu của các tượng đài Việt Nam là liên quan đến
các sự kiện và nhân vật "cách mạng." Phổ biến nhất có lẽ là tượng Chủ
tịch Hồ Chí Minh. Tính đến nay đã có 31 tỉnh thành xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh,
và sẽ có 58 tượng Hồ Chí Minh sẽ được xây dựng từ nay đến 2030. Đi đâu cũng
thấy ông, lúc thì giơ tay chào ai đó, lúc thì mặc cái áo khoác hờ hững, lúc thì
nhìn ra sông (như tượng ở Cần Thơ), lúc thì nhìm chằm chằm vào người đối diện,
lúc thì ôm trẻ em, v.v. Nói chung là ông xuất hiện khắp nơi và dưới vài kiểu
cách. Kế đến là những nhân vật từng là đồng chí hay đàn em của ông. Một số khác
là các tượng đài ghi lại một sự kiện xảy ra trong thời chiến tranh, và những
tượng này không phải ai cũng biết và hiểu. Nhưng nhìn chung, các tượng đài sau
này được dựng lên chủ yếu là để ngắm nhìn, thỉnh thoảng làm nơi chụp hình, chứ
không phải là các tượng đài cho sự tôn kính và thờ phượng.
Một đặc điểm nổi bật sau này là rất ít những tượng đài liên quan
đến các nhân vật trong lịch sử trước "cách mạng". Tượng Lê Lợi ở bùng
binh Cây Gõ đã bị cho "ra đi" không trở lại. Ngoài một số ít tượng
đài mà Việt Nam Cộng hòa để lại (như tượng Trần Hưng Đạo, Trần Nguyên Hãn (cũng
sắp ra đi), Thánh Gióng, v.v.) tượng của các anh hùng thời xưa đều bị thay thế
bằng các đồng chí của cụ Hồ hay các sự kiện liên quan đến “cách mạng”. Có thể
xem sự phân bố tượng đài vừa là một cách tuyên truyền, mà cũng là một cách xem
thường và ngạo mạn với lịch sử.
Có thể nói rằng hầu hết các tượng đài “cách mạng” khá thô kệch và
thiếu tính dân tộc. Tôi không phải là nhà điêu khắc, nên không biết phân tích
sao cho có hệ thống; tôi chỉ biết nói lên cảm nhận cá nhân mà thôi. Cảm nhận
của tôi là các bức tượng do các nhà điêu khắc Việt Nam thiết kế mang tính xã
hội chủ nghĩa (XHCN). Nói trắng ra là bắt chước. Bắt chước Tàu, bắt chước Nga.
Chẳng hạn như hình dưới đây cho thấy cách thiết kế tượng chủ tịch Hồ Chí Minh
theo kiểu giơ tay là bắt chước theo tượng của Mao Trạch Đông và Kim Nhật Thành.
Các loại tượng khác cũng thế. Vì bắt chước các nước vốn là thủ đô của tuyên
truyền, nên các tác phẩm tượng đài của Việt Nam không có tính nghệ thuật cao,
nếu không muốn nói là lai căng.
Chẳng những lai căng, mà còn rất thô và rất phi dân tộc tính. Rất
nhiều bức tượng nhìn cứ như là những viên đá sắp xếp lại cho có thứ tự, chứ
không có hồn. Thử nhìn và so sánh hai bức tượng Trần Hưng Đạo dưới đây sẽ thấy.
Thử so sánh bức tượng Trần Nguyên Hãn hay tượng Thánh Gióng và bức tượng gì mà
có mấy người chụm lại chung quanh những tảng đá màu trắng ở Sài Gòn sẽ thấy rất
khác (xem hình). Một bên là thanh thoát và gần gũi, một bên là nặng chịch, dữ
tợn. Hay hãy so sánh với bức tượng "Thương tiếc" (2) trong nghĩa trang
Biên Hoà (nay đã bị giật sập) các bạn sẽ thấy tôi so sánh không quá đáng. Còn
các nhân vật trong tượng đài XHCN thì thường được cho mập ú (không giống người
Việt), lực lưỡng (như ông Tây), tay lúc nào cũng giơ cao, có khi tay cầm búa
hoặc lưỡi liềm (rất ghê), có khi tay nắm lại như sắp đánh lộn, có khi tay mang
súng trông rất hung dữ như sắp bắn ai, mặt thì lúc nào cũng vênh váo, v.v. Tóm
lại, những bức tượng đó chẳng giống thần thái của người Việt chút nào cả.
Hay có khi họ tạc tượng Lý Thái Tổ (ngoài Hà Nội) thì lại trông
giống một ông vua Tàu nào đó, như Tần Thuỷ Hoàng! Bức tượng Lý Thái Tổ còn làm
cho ông già đến tuổi 60 trong khi ông dời đô về Thăng Long mới 36 tuổi. Có thể
nói rằng những công trình tượng đài đang ngự trị ở Việt Nam ngày nay, dưới cái
nhìn của một người bình thường, là những hình tượng thô kệch, xa lạ, vô hồn,
phi dân tộc, và lai căng.
Các tượng đài ở Việt Nam còn rất kém chất lượng. Chẳng đâu xa, mới
đây bức tượng lớn mới được khánh thành gọi là “Mẹ Việt Nam Anh Hùng” bị hư hỏng
do… sét đánh. Bức tượng ở Quảng Ninh trị giá 25 tỉ đồng khi bị sét đánh mới
tiết lộ chất lượng chẳng ra gì. Tượng Phật mới xây thì bị sập. Ngay cả tượng
đài ở Điện Biên Phủ (41 tỉ đồng) cũng cùng chung số phận bị hư hỏng dù chỉ mới
khánh thành, thậm chí còn bị rút ruột 30%. Nói chung là bất cứ tượng đài hoành
tráng nào do Việt Nam xây đều có vấn đề về phẩm chất.
Chính vấn đề phẩm chất đặt câu hỏi lợi ích đằng sau phong trào xây
dựng tượng Hồ Chí Minh. Người ta phải hỏi ông cụ Hồ đã có quá nhiều tượng trên
khắp nước, lí do gì để xây thêm cho ông. Chẳng có lí do nào thuyết phục cả,
ngoài lí do lợi ích nhóm hay lợi ích cá nhân. Ai cũng biết ở Việt Nam có xây
dựng là có “chia chác”, có lại quả (kickback), hay nói trắng ra là có tham
nhũng. Xây càng nhiều, lại quả càng cao, như một bài báo rất sinh động vừa phản
ảnh (3).
Thật ra, nhìn toàn cảnh, phong trào xây tượng Hồ Chí Minh chỉ là
một nhánh trong phong trào bao quát hơn. Đó là phong trào xây dựng viện bảo
tàng, Văn Miếu, và đài tưởng niệm. Có lẽ khởi đầu là mấy đền thờ của những nhân
vật như Lê Đức Thọ, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, v.v. dần dần lan
sang đền thờ của ba má ông cụ Hồ. Sau đó là trào lưu xây viện bảo tàng, có khi
lên đến hàng vạn tỉ đồng. Sau viện bảo tàng là đến văn miếu, dù người chủ
trương xây chưa biết thờ ai! Sau văn miếu, như chúng ta thấy là đến tượng chủ
tịch Hồ Chí Minh. Tất cả là một dòng chảy về xây dựng, nó y chang như trào lưu
bên Tàu, nơi mà tượng đài và khu du lịch được xây dựng rất nhiều.
Tôi đếm sơ qua những tượng đài và đền miếu xây trong thời gian gần
đây (ở Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Hà Tĩnh, Nghệ An,
v.v.) thì số tiền bỏ ra đã hơn 1300 tỉ đồng (tức khoảng 65 triệu USD). Ngay Sơn
La đòi xây tượng Hồ Chí Minh với cái giá 1400 tỉ đồng thì không ngạc nhiên ai
nghe tin cũng sốc. Càng sốc hơn khi Sơn La là một trong những tỉnh nghèo nhất ở
Việt Nam, với tỉ lệ nghèo là 64%. Thật ra, các tỉnh vừa kể đều là những tỉnh
nghèo hay rất nghèo. Ví dụ như Hà Giang và Điện Biên có tỉ lệ nghèo lên đến
71%. Nghèo mà đòi xây tượng nghìn tỉ đồng thì người bình thường nhất cũng nghĩ
đến cái lợi ích đằng sau việc xây tượng.
Điều đáng nói là những lợi ích đó đã làm mờ mắt những người có
quyền chức. Tại sao họ lại nghĩ đến việc xây tượng đài trong khi đất nước còn
nghèo và người dân còn đói. Như Quảng Nam, mới xây xong tượng đài hoành tráng
là ngay sau đó phải đi xin viện trợ gạo để cứu đói. Nghệ An và Hà Tĩnh cũng
thế, cũng xin gạo trong khi có những dự án lớn nhằm vinh danh những người trong
gia đình của ông cụ Hồ! Tại sao các quan chức không cảm thấy động lòng khi một
em bé 10 tuổi ở Hà Tĩnh vì đói quá mà phải chết trên đường từ trường học về nhà
(5). Đừng nói một cách vô cảm rằng đó là trường hợp cá biệt. Phong trào xây
tượng đài nó chẳng những thể hiện cái tâm của các quan chức có vấn đề, cái tầm
của họ quá thấp, mà còn thể hiện một sự ngạo mạn của họ trước những người dân
nghèo đóng thuế để nuôi dưỡng họ. Những tượng đài như Sơn La đang có dự án xây
dựng, nếu thực hiện, chỉ có chức năng chính là lưu lại cho đời sau một chứng
tích của một trào lưu vô cảm từng một thời ngự trị trên đất nước này.
====
N. V. T.
No comments:
Post a Comment