Việt Nam






Wednesday, 9 January 2019

TRẬN BA RÀI

 

Một mặt trận hai kẻ thù 


Giặc cộng bán nước, tàu phù xâm lăng.



TRẬN BA RÀI
Phan Lạc Tiếp 

CON NGỰA XÍCH THỐ CỦA GIANG LỰC

Trong suốt hơn 20 năm hoạt động của HQVNCH, các chiến hạm cũng như các chiến đĩnh, dù do Pháp giao lại, hay sau này do Mỹ chuyển giao, đều do Mỹ sản xuất. Chỉ riêng chiếc Scan/Fom, tiếng Việt gọi là Tuần Giang Ðĩnh, là do Pháp đóng. Ðây là một chiến đĩnh có nhiều đặc tính và tỏ ra rất công hiệu trong việc tuần tiễu trên sông rạch vùng Cửu Long Giang. Việt Cộng đã nhiều phen kinh hãi trước sự xuất hiện của loại chiến đĩnh này.
Trong sinh hoạt của các Giang Đoàn, chiến đĩnh này được gọi tắt là Fom. Hỏi tại sao lại gọi như thế, nhiều người đã trả lời, vì khi chạy máy tàu nổ rất dòn kêu “fom, fom”. Nghe cũng có lý. Nhưng đúng tên của nó là do chữ Scan/Fom (Service Technique des Constructions et Armes Navals Frances Outre-Mer). Một loại tàu được đóng để Hải Quân Pháp hoạt động ngoài nước Pháp, đặc biệt cho Ðông Dương.
Chiến đĩnh này dài 36 bộ, rộng độ 7 bộ, mũi nhọn, đáy tàu cũng nhọn, chạy nhanh xé nước tạo thành một vùng trũng khiến cho toàn thân tàu gần như thấp hơn mặt nước, tránh được các loại súng lớn từ bờ muốn bắn vào phần thân tàu. Cũng vì mũi nhọn, đáy nhọn, khi bị thủy lôi, sức công phá của thủy lôi tạt qua một bên (khác hẳn với các loại chiến đĩnh đáy bằng, khi bị thủy lôi là cầm chắc đáy tàu bị phá).
Loại Fom này, được trang bị một đại liên 12 ly 7 tại mũi, với dàn pháo tháp bằng thép bao quanh, đại liên này có tầm hoạt động mạnh, xa tới 5 cây số, và vòng hoạt động 220 độ về phía trước và hai bên. Trên nóc tàu có 2 đại liên 30, và sau lái 1 đại liên 30 nữa, chưa kể các loại súng nhỏ như M16, M79. Thường mỗi chiếc chỉ có 4 nhân viên. Tàu bao giờ cũng đi hai chiếc, do một hạ sĩ quan làm thuyền trưởng trông nom cả cặp tàu. Sự lanh lẹ, gọn nhẹ của chiếc Fom được ví như “con ngựa Xích Thố của Giang Lực”.

Ðể có một cái nhìn sống động hơn về hoạt động của chiến đĩnh này, xin theo dõi bài bút ký viết về những kỷ niệm, những nguy nan của các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam một thời vùng vẫy trong khu chiến Tiền Giang, qua trận đánh tại Ba Rài.
* * * * *

ÐƯỜNG ÐI KHU CHIẾN

Tôi bị ra Hội Ðồng Kỷ Luật trong một trường hợp thật ngộ nghĩnh, và bị đưa đi đơn vị tác chiến: Giang Ðoàn 21 Xung Phong, khu chiến Tiền Giang.

Mới tới đơn vị, tin tức các nơi liên hệ đến các cuộc đụng độ giữa các đơn vị Việt Cộng và các tàu tuần tiểu mỗi lúc một tăng. Sự thương vong mỗi lúc một lớn. Quả thật là tôi có “rét” thật. “Rét” nên tôi cố gắng tìm hiểu, học hỏi các kinh nghiệm của các bạn sĩ quan cùng khoá tại đơn vị, và nhất là các kinh nghiệm của các anh em đoàn viên đã lặn lội nhiều năm tại vùng sông nước nguy hiểm này.

Lúc ấy, năm 1965, anh Nguyễn Ðức Bổng, khoá 10, trên tôi một khoá, làm Duyên Ðoàn Trưởng Duyên Ðoàn 33 bị nội tuyến, địch giả dân đánh cá làm quen với đơn vị, rồi giữa trưa làm lễ cúng Hà Bá, mời cả Duyên Ðoàn dự tiệc, rồi đùng một cái họ nổ súng, bắn chết khá đông. Anh Bổng ở trên ghe chủ lực, cũng bị bắn chết. Tràng đạn xuyên nát ngực.

Khi chúng tôi đến lấy xác anh, trời đã chiều. Con rạch Sọ Dừa, cái tên oan trái, là nơi xác anh nằm vắt vẻo bên sàn ghe. Xác anh Bổng xám ngắt và tóp lại như một đứa trẻ, vì máu ra quá nhiều. Xác anh nằm ở sàn tàu, phủ bằng một tấm chăn dạ lính. Máu từ thân thể anh vẫn tiếp tục chảy dài xuống sàn tàu và bò ngoằn ngoèo ra mé cửa sổ chiến đĩnh. Hoả châu từ nơi nào đó bắn lên dọi sáng một vùng trời. Tôi lại nghe anh sắp sửa lấy vợ nữa. Tôi thương anh và càng thấy sợ. Tôi thì vừa lấy vợ. Hai vợ chồng hai nơi, Sài Gòn và Mỹ Tho… Tôi thương vợ tôi lắm, nên nhủ lòng: “Phải cẩn thận tối đa”.

Lúc rỗi, tôi lên Phòng Hành Quân theo dõi bản đồ Trận Liệt, ghi các vùng nguy hiểm vào sổ tay. Nhìn cho kỹ địa thế. Ðọc thật kỹ ký hiệu nơi có rừng cây, nơi có dừa nước. Các nơi đã từng đụng độ. Và tôi nhận ra rằng, đa số các nơi diễn ra cuộc đụng độ mà phần thiệt hại về ta, là các khúc sông hẹp, uốn khúc. Ðịch nấp trong hầm bắn ra. Ta hoả lực hùng hậu, tầm đạn xa, lại có cả loại đạn công phá, nổ khi chạm vật cứng như sắt, thân cây lúc này trở nên ít hữu hiệu. Và thời điểm các cuộc đụng độ, đa số vào khoảng 4, 5 giờ chiều. Giờ mà theo thói quen, quân ta đã lo sửa soạn ra về, máy bay khi cần khó gọi, có đến cũng khó can thiệp. Giờ của địch, như thế kể như từ 4, 5 giờ chiều cho đến 4, 5 giờ sáng.

Còn các cuộc bắn tàu, như kinh nghiệm các bạn kể lại, thường là vào ban đêm. Lúc ấy, nếu tinh ý, ta sẽ thấy “sao mà đất trời lạnh ngắt”. Lạnh ngắt vì khi bờ sông có người phục kích, chim muông không dám xà xuống đậu. Có xà xuống thấy người lại chới với bay lên. Vì thế cảnh vật bỗng trở nên vắng lặng, rờn rợn. Lúc ấy, nếu thấy một ngọn đèn thắp lấp lánh bên bờ sông, ta có nhiều phần chắc đó là ngọn-đèn-nhắm. Việt Cộng thắp ngọn đèn bên kia sông, chúng nằm bên này sông, trời tối càng tốt. Khi tàu lướt trên mặt sông, án ngữ tầm nhìn của ngọn-đèn-nhắm là bên này sông, chúng đã hờm súng sẵn, cứ việc bấm cò. Chắc như bắp. Chỉ trừ khi tên xạ thủ run tay, chậm trễ, đạn mới vượt qua sau lái.

Lúc như thế, ta mới thấy chiếc Fom hữu hiệu như thế nào. Fom, như trên đã viết, chạy nhanh, có bị bắn, đạn đi trên tầm nước, khó chìm. Thấy đèn nhấp nháy khả nghi, Fom, loại tàu đi trước và đi sát mé sông, xả tốc độ, quay 90 độ, bỏ đèn nhắm của địch sau lái, lấy đại liên 12 ly 7 bắn như mưa vào bờ đối diện. Ðâm thẳng vào. Ðạn đan kín trời tràn ngập nơi địch trú ẩn. Tới gần, hai đại liên 30 trên nóc tàu xả đạn quanh điểm khả nghi. Ðồng thời dùng M 79 bắn vào. Ðạn nổ bùng. Việt Cộng bạo thì nằm dí đó, ăn đạn nát thây. Vụt chạy thì khó tránh được rừng đạn 12 ly7 và đại liên 30 bắn đuổi theo như mưa bấc.

ÐỨC RÂU, KẺ TỬ THÙ CỦA VIỆT CỘNG

Người cho tôi kinh nghiệm về chiến thuật phản xạ này là Trung Sĩ I Lê Phước Ðức, tục gọi là Ðức Râu. Anh thâm niên quân vụ khá bộn, đâu như xuất thân từ khoá I, khoá 2 Ðoàn Viên, ngành Thủy Chiến Binh (Fusilier), do Pháp huấn luyện. Bạn bè anh đã có người có đai vàng trên mũ. Anh vẫn chỉ có ba chữ V trên vai áo. Anh người Nam, to con, mặt hơi rỗ, râu hàm xanh ngắt. Lúc nhàn rỗi, anh ngồi lầm lì trên tàu, bên cạnh là một thùng bia Quân Tiếp Vụ, uống tì tì, mặt đỏ râu dựng, không nói một câu. Ít ai biết về gia cảnh anh. Lúc nhàn rỗi đã thế, khi đụng trận, vừa ngồi trên nóc tàu, hai chân thòng xuống bánh lái. Một tay bấm cò đại liên 30, một tay cầm ống liên hợp điều động chiếc Fom bạn, ủi đầu vào nơi địch vừa khai hoả. Những lúc như thế, trời chiều đã gần tắt, mây đỏ đầy trời. Anh lẫm liệt lao vào lửa đạn, uy dũng lừng lững, như Quan Vân Trường với thanh Long Ðao trên mình con ngựa Xích Thố. Lúc ấy, đoàn tàu cứ việc nhẹ nhàng tiến, và lặng lẽ theo dõi cặp Fom của anh làm cỏ hai bên bờ.

Có lúc tôi đã hỏi anh:

- Sao cứ ở đây hoài, đi tàu biển cho nó thay đổi cuộc sống chăng?

Anh tợp một hơi bia và nói:

- Ông thầy! Mấy thằng fusilier (chiến binh) đi tàu là loại lính-mỡ.

Tôi phân vân hỏi:

- Lính mỡ là…?

Anh đáp:

- Mang tiếng là chiến binh mà đi tàu biển chỉ có việc lấy mỡ xoa vào nòng súng cho khỏi sét, chứ lính gì tụi nó…

Anh ví von đến là hay, tuy có phần hơi cường điệu…

Trong đơn vị, anh là người có nhiều huy chương nhất, anh chỉ đeo có nhành dương liễu mà thôi. Các ngôi sao vàng, sao bạc, anh bảo:

- Đồ ăn giỗ đó mà ông thầy…

Trong các cuộc hành quân tuần tiểu, có khi chỉ có một chiếc soái đĩnh, hai Quân Vận Ðĩnh và hai chiếc Fom, biệt phái cho một vùng nào đó. Toán đi như thế, sĩ quan nào cũng muốn có cặp Fom của anh Ðức. Bạn tôi, Trần Hữu Khánh, tay chì của Giang Ðoàn nói:

- Có Ðức đi theo mình yên trí lắm. Có đụng mới thấy ngựa hay…

Tôi ở Giang Ðoàn có mấy tháng, đã thấy mấy lần đụng độ. Ðức lúc nào cũng được nhắc đến, với các chiến lợi phẩm. Khi thì mấy khẩu CKC, Bá Ðỏ…, chiến công lặt vặt ấy, anh bảo:

- Thôi để cho mấy đứa em. Dù nó có ở khẩu 30 sau lái, cũng là đụng trận chứ. Cho nó có chút xanh, chút đỏ cho vui. Tôi đeo đủ rồi.

Vào giữa năm 1965, một buổi trưa, một đoàn tàu đi tuần trên kinh Chợ Gạo. Con kinh huyết mạch để đoàn ghe gạo, cá từ Vùng IV về Sài Gòn qua đó. Kinh Chợ Gạo, vòng đai an toàn cho Mỹ Tho, Bình Phục Nhất, nơi mà “mình vừa đi qua, là tụi nó ló mặt ra liền”, chính nơi này, Ðức Râu và cặp Fom của anh đã làm Việt Cộng điên đảo. Vì là tàu nhỏ, một tàu tiến vào lạch, kéo theo chiếc Fom khác quay mũi trở ra. Như thế lạch hẹp, tàu phải vừa đi vừa vén lau mà lủi, không thể xoay sở, chẳng thể quay đầu. Vì thế Việt Cộng tin là “lạch hẹp, bố bảo tụi tàu cũng không dám vào đây”. Vậy mà Ðức Râu bảo:

- Ông thầy cứ nằm ngoài kinh. Ðể tôi vào.

Vào sâu nằm đó, khi ở ngoài kinh đoàn tàu đã đi. Trong lạch um tùm, hai chiếc Fom nằm im khe. Tụi Việt Cộng ló ra, chèo ghe đi lại. Cho thật chắc, để chúng xuất hiện đông, là Fom khai hoả. Chúng chạy đâu cho thoát. Lúc ấy chiếc Fom buộc sau chiếc Fom đi đầu, mở máy chạy, kéo theo chiếc thứ nhất trở ra kinh lớn… Sự gan dạ và thông minh ấy của Ðức, Ðức Râu, đã làm địch khiếp vía. Bao nhiêu xác địch đã bị bỏ lại trên bờ kinh. Bao nhiêu gạo, muối, đồ tiếp liệu của địch đã tịch thu được, một phần không nhỏ là do Ðức với cặp Fom đem về.

Rồi một hôm, giữa năm 1965 cũng chính từ chiếc Fom của Ðức HQ 5001, HQ 5002 gọi về, giữa trưa:

- Tôi bị bắn, lạ lắm. Lửa phát ra xanh lè. Ðạn xuyên từ bên trái tàu, qua luôn thành bên phải, ghim vào bờ kinh nổ bùng. Chúng bắn xong lủi rất nhanh vào khúc quẹo…

Cả Giang Ðoàn bàn tán. Các chi tiết ấy đã được sĩ quan Ban 2 ghi lại, gửi về Bộ Tổng Tham Mưu. Sau này mới hay đó là loại súng mới rất lợi hại của địch: B40. Và cũng từ đó, thay vì chỉ là súng ngựa trời, CKC, Bá Ðỏ, Việt Cộng có loại AK 47, nhẹ, bắn liên thanh. Cũng từ lúc ây, tin đồn Việt Cộng treo giải, ai giết được Ðức râu sẽ được thưởng 200 ngàn đồng, số tiền tương đương với nhiều lạng vàng.. Một gia sản lớn. Nghe thế, đọc các truyền đơn ấy, Ðức râu chỉ cười. Ngồi thừ trên mũi Fom, uống rượu tì tì.

Ở lâu quá một con tàu không nên, cần phải thuyên chuyển qua tàu khác để có kinh nghiệm mới, và cũng là dịp cho nhân viên khác lên thay, để có cơ hội học hỏi thêm. Ðức râu được lên làm thuyền trưởng chiếc Tiền Phong Ðĩnh (Monitor combat), HQ 6001.

Tiền Phong Ðĩnh còn gọi là Thiết Giáp Ðĩnh, là loại chiến đĩnh được trang bị hùng hậu nhất trong các chiến đĩnh hoạt động trên sông, dài 60 bộ, rộng 17 bộ. Trước mũi là đại bác 40 ly, pháo tháp dày. Ở giữa chiến đĩnh có một súng cối 81 ly, hai đại liên 12 ly và hai đại liên 30, và nhiều súng nhỏ, kể cả súng phóng lựu M 79. Hai máy dầu cặn, hai chân vịt nên xoay sở dễ dàng, tốc độ 8 gút. Nhân viên cơ hữu độ mười người. Khi cuộc hành quân quy mô, thường có các sĩ quan trưởng toán hiện diện tại đây. Ðức râu được biết “phải” rời cặp Fom của anh để lên làm thuyền trưởng chiếc Tiền Phong Ðĩnh HQ 6001. Anh không muốn lên, vì như nhiều người biết, ở đây gần mặt trời, lại là chiến đĩnh lớn, khó tung hoành. Nhưng anh không thể từ chối. Vì thâm niên công vụ, anh sẽ đeo lon Thượng Sĩ nay mai, không thể ở mãi trên tàu nhỏ được.

Làm quen với chiến đĩnh này, cũng không khó đối với anh. Với tướng mạo hùng dũng ấy, các tay đàn em sợ một phép.

TRẬN BA RÀI 29/9/1965

Giang kể:
“Cuộc hành quân dựa theo tin tình báo của SÐ 7BB theo đó Trung Ðoàn chính quy BV có trang bị vũ khí nặng đã có mặt trong vùng. SÐ 7 BB đã mở cuộc hành quân bao vây trước đó một ngày, lực lượng gồm nhiều Tiểu Ðoàn TQLC và Bộ Binh SÐ 7. Lực lượng này đã bị cầm chân và không rút được, phi cơ cũng không can thiệp được vì rừng cây dầy đặc. Phía ngoài, tại cửa sông lớn đi vào, địch đã để một thành phần súng lớn để diệt tàu Hải Quân (sau này, khi đụng độ mới biết, vì chúng ngụy trang và bất động).
Do đó SÐ7/BB yêu cầu Hải Quân mở cuộc hành quân phối hợp thăm dò tiếp theo để có thể can thiệp cho kế hoạch: Rút quân và để phi cơ oanh tạc.
Giang Ðoàn 21 Xung Phong và 27 Xung Phong do HQ Ðại Úy Trần Văn Triết chỉ huy, mở cuộc hành quân thay cho HQ Thiếu Tá Huỳnh Huy Thiệp, đi họp ở Cần Thơ. Ðoàn tàu đi tới vùng hành quân khoảng 2 giờ chiều. Tất cả nằm ngoài sông lớn. Riêng toán của tôi gồm Monitor Combat 6001 và hai Fom 5001-5002 được chỉ định đi vào kinh nhỏ bắt liên lạc với bộ binh. Toán của tôi chỉ huy gồm Thuyền Trưởng Nguyễn Văn Ðức (Râu) và Trung Sĩ Sụn (Fom). Chúng tôi đã tiến sâu vào trong kinh và bắt liên lạc trực tiếp với lực lượng trên bờ tại xã Xuân Sơn. Tôi báo cáo ra ngoài cho Ðại Úy Triết biết. Ðại Úy Triết bèn cho một Monitor Comand với hai RPC hộ tống đi vào, và toán của tôi tiến ra yểm trợ. Tất cả đều yên lặng, không có cuộc chạm súng nào, nhưng không khí căng thẳng, vì với kinh nghiệm cho biết, tôi đoán, địch sẽ đánh lúc trở ra. Thông thường, bất cứ cuộc hành quân vào sông rạch nào lúc vào không nguy hiểm bằng lúc trở ra; do đó thường tránh đi về cùng một đường. Nhưng trường hợp này không áp dụng được vì độc đạo.
Khi quay trở ra, tiếp tay được với toán Ðại Úy Triết, tôi nằm lại giữ an ninh thủy trình, và Ðại Úy Triết cho 3 Giang Đĩnh tiến sâu vào tiếp giáp với bộ binh trên bờ. Khi Hải Quân gặp Bộ Binh, địch không kềm chân Bộ Binh nữa vì sợ Hải Quân phản công.
Vì thủy trình quá dài, nên toán tôi giữ an ninh khúc giữa Ðại Úy Triết cho monitor combat 6007 của Trung Úy Bảo vào giữ an ninh khúc ngoài.
Khoảng 4 giờ chiều, một phi cơ quan sát cho biết một tàu Hải Quân bị cháy phía ngoài đầu kinh. Ðại Úy Triết liên lạc với Trung Úy Bảo không được và chỉ thị toán của tôi ra tiếp cứu. Khi gần tới tàu Trung Úy Bảo thì tôi bị tấn công bằng đủ mọi loại súng nặng. Chiếc monitor combat HQ 6007 của Trung Úy Bảo là mục tiêu đầu tiên cho địch khai hoả. Bảo bị thương nặng. Tàu bốc cháy và chìm. Tôi cho lệnh 3 chiến đĩnh ủi thẳng vô bờ phản công. Ðịch đã xuất hiện với quân phục kaki vàng, nón cối rất đông. Chúng mở cuộc tấn công với mục đích cướp tàu, nhưng chúng không thể nào tiến tới gần tàu được.

Cuộc giao tranh rất khốc liệt. Toán Giang Đĩnh của Ðại Úy Triết tiến trở ra bị ngay mấy du kích hai bên bờ bắn tỉa làm Thiếu Úy Hiền và Ðại Úy David tử thương. Ðại Úy Triết bèn ra lệnh cho tất cả rút ra ngoài sông lớn nhưng toán của tôi vẫn nằm lì ở lại, vì đang đối đầu quyết liệt với địch. Chúng tôi đã tận dụng hoả lực 40 ly, 20 ly, đại liên 50, 30, FM Bar. Ðịch quân không thể tiến lên được và chúng gục xuống sau những tiếng hô đồng nhất “xung phong”.
Khẩu đại liên 30 bên trái ngưng nhả đạn, tôi quay qua sờ thấy đầu Trung Sĩ Ðức gục xuống, anh đã hy sinh. Tôi được lệnh Ðại Úy Triết phải rút ra ngoài. Tôi báo cáo tình hình và cho biết tàu tôi bị trúng rất nhiều đạn súng lớn, trong đó có bị một lỗ lớn, nếu rút ra sẽ bị chìm. Về nhân viên, có Trung Sĩ Ðức hy sinh, Trung Sĩ Thức thuyền phó monitor bị thương nặng ở chân. Một phóng viên AP bị một viên đạn vô ngực, ông ta rất tỉnh, nhưng báo sự nguy hiểm sẽ đến với ông ta. Vài phút sau khi gặp thì ông ta cũng ra đi. Số còn lại tất cả đều bị thương, nhưng vẫn còn chiến đấu hữu hiệu. Chúng tôi phải tận lực mới đẩy lui được những đợt tấn công cướp tàu của địch.
Khoảng 11 giờ đêm, tiếng súng thưa dần. Tôi yêu cầu Ðại Úy Triết cho vô tiếp cứu, nhưng vô hiệu.
Nằm lại một mình cho đến khi im tiếng súng , chúng tôi 9 thày trò đã chuẩn bị tất cả vũ khí cá nhân, lựu đạn để nếu tàu bị chìm , không ở lại tàu được thì sáng hôm sau sẽ tìm đường bộ về Cái Bè. Nhưng nhờ trước đó chúng tôi đã cho cột dây an toàn từ bít sau lái lên gốc cây trên bờ, nên tàu không bị vô nước, nhờ đó mới kèm kéo về an toàn…”
* * * * *
Con rạch Ba Rài bắt nguồn từ Quận Lỵ Cái Bè dài trên 10 cây số, chảy ra sông Cửa Tiểu theo hướng Bắc Nam. Lòng rạch hẹp, nơi rộng nhất ở ngã ba Ba Rài – Cửa Tiểu, hai bên bờ rạch không quá 100 mét. Con rạch cắt một góc chéo 25 độ rồi uốn khúc, tạo thành một doi đất, bề ngang doi đất không quá 600 mét. Vì thế từ cửa rạch không thể nhìn thấy phía trong. Hai bên bờ cây rậm rạp, những hàng dừa đứng chen nhau như thành. Suốt cả chiều dài của bờ rạch như thế, nên cuộc đụng độ giữa một đơn vị chủ lực Việt Cộng với các đơn vị của Sư Đoàn 7 Bộ Binh, có cả Thủy Quân Lục Chiến từ mấy ngày qua. Hai bên cứ cầm chân nhau, không bên nào tiến lui được. Hai bên đều nhìn thấy nhau, chỉ cách mấy hàng dừa. Quá gần cho nên không thể gọi pháo binh tác xa. Quá rậm nên không có chỗ để trực thăng đổ quân tiếp viện. Vì thế, Sư Ðoàn 7 Bộ Binh đã trông cậy vào Hải Quân: Giang Ðoàn 21 và 27 Xung Phong. Giang Ðoàn 21 là một đơn vị kỳ cựu, nhân viên và sông nước quen nhau, và cả địch lẫn ta quần nhau cũng lắm. Riêng Giang Ðoàn 27 Xung Phong vừa mới thành lập, dưới quyền chỉ huy của Hải Quân Ðại Úy Trần Văn Triết, một sĩ quan mới từ đơn vị biển đổi về sông. Sau mấy tháng huấn luyện, đây là lần đầu tiên Giang Ðoàn 27 Xung Phong đem toàn lực ra quân, với tất cả các chiến đĩnh của Giang Ðoàn 21 Xung Phong.
Nhiệm vụ của cuộc hành quân này là Hải Quân tiến vào rạch Ba Rài, hỗ trợ cho các đơn vị Bộ Binh rút từ Xã Xuân Sơn, phía Ðông rạch Ba Rài sang bên kia rạch. Hải Quân, cả hai Giang Ðoàn đã tiến vào. Dưới hoả lực hùng hậu của các Giang Đĩnh, Việt Cộng đã án binh bất động. Ðơn vị bạn đã rút an toàn, và dùng tàu Hải Quân băng qua bên kia bờ. Tất cả đã diễn ra êm ả, từ 2 giờ cho đến 4 giờ chiều. Ðoàn tàu bắt đầu rút, nước đã xuống. Tàn cây che phủ lòng sông, tối, lạnh. Việt Cộng đã phục sẵn tại doi đất gần cửa rạch và bắt đầu tấn công vào đoàn tàu của ta. Ðây là một cuộc thử lửa khốc liệt giữa một đơn vị chủ lực của Việt Cộng và hai Giang Ðoàn được coi là tinh nhuệ của ta.

Dù trận chiến đã diễn ra trên 30 năm, nhưng may mắn thay, các nhân sự nòng cốt của cuộc thử lửa này, hiện ở Mỹ còn nhớ được, và đã thuật lại qua các câu trả lời trên giấy hoặc qua các cuộc điện đàm mới đây. Ðó là anh Nguyễn Ngọc Giang lúc ấy là Trung Úy, lên lon tại mặt trận trình bày ở phần trên; và anh Diệm, Ðặng Diệm, người lăn lộn với Giang Ðoàn 21 Xung Phong rất nhiều năm. Ðặng Diệm kể:
“Như anh biết, tôi cũng chẳng gan dạ gì, nhưng việc tới tay thì phải làm. Vùng sông nước này tôi hoạt động khá lâu nên khá rõ. Lúc đoàn tàu bị tấn công, tôi ở trên chiếc monitor command. Ðại Úy Davis và Thiếu Úy Hoàng Hiền cũng ỏ trên tàu này. Hiền bị đạn, lăn lộn dữ lắm, mấy người ôm anh ấy để tránh rớt xuống sông. Lúc đã rút ra ngoài sông lớn, Ðại Úy Triết đi Cái Bè họp với bên Bộ Binh. Trong Lúc ấy hệ thống truyền tin vẫn mở, tiếng Giang báo cáo, kêu cứu, tất cả các tàu đều nghe. Tôi kiểm chứng mật mã riêng với Giang. Giang trả lời rất nhanh. Tôi gọi 4, Giang đáp lại ngay 9, để 9+ là 13. Con số 13 chỉ có hai đứa tôi biết mà thôi. Tôi tin là Giang không bị địch áp đảo. Giang tiếp tục kêu tiếp cứu gấp rút. Các thuyền trưởng họ cùng mở máy nghe, họ nóng ruột quá. Chỉ huy Trưởng thì đã đi họp. Tôi bèn lấy quyết định một mình vào cứu Giang, và yêu cầu ai tình nguyện thì theo tôi. Phải nói là lúc đụng trận thì mình không sợ, mình phản ứng tự nhiên. Giờ cuộc đụng độ đã tàn. Nhớ lại Lúc Ðại Úy Davis ngã xuống và Hoàng Hiền lăn lộn đầy máu, tôi cũng cảm thấy hãi chứ. Mà chắc gì địch không phục ở cửa sông. Có thể là chỗ tàu Giang đã yên, yên thật, hay yên giả. Nhưng làm sao khác được, tôi lấy một chiếc command, 2 LCM và 2 chiếc fom trở lại rạch Ba Rài. Tôi nói với Giang: “Khi nào nghe tiếng tàu tôi thì lấy đèn pin làm hiệu…” Phải nói là liều chứ anh, run lắm, sĩ quan chỉ có mình tôi. Con rạch tối om, lạnh ngắt. Khi nghe Giang báo cáo: “Tôi đã nghe tiếng tàu”, là lúc tôi thấy ánh đèn pin lập loè của Giang vẫy vẫy. Tôi cho hai chiếc fom khai hoả phía bờ đối diện. Tàu tôi cặp vào tàu Giang. Ðón được Giang và các nhân viên trên chiếc combat qua tàu tôi, tất cả chúng tôi đều bê bết náu. Tàu tôi lùi ra, để cho hai chiếc LCM cặp vào chiếc combat kéo về. Lúc trở ra. Trời đã khuya lắm, có lẽ đã quá nửa đêm. Vừa đi vừa bắn. Về đến cửa Mỹ Tho, như anh biết là 4 giờ sáng. May mà không có sự gì xẩy ra, nếu tụi nó phục sẵn, mình làm sao mà không bị thiệt hại. Lúc ấy thật khó nói…”
* * * * *
Trong khi cả hai Giang Đoàn hầu như dốc toàn lực cho cuộc hành quân này, thì riêng tôi được phân nhiệm đem một chiếc LCM và hai LCVP, chở theo một Trung Đội bộ binh, đổ bộ bên tả ngạn sông Tiền Giang, đối diện với vùng hành quân trên để nghi binh. Tôi còn được chỉ thị kỹ chỉ cần đổ quân gần bờ, bắn cho có tiếng súng, đừng vào sâu, và phải rút về lúc quá trưa, để còn liên lạc với bên Tiểu Khu lo việc làm lễ gắn huy chương cho vị cố vấn tiền nhiệm, và cũng là lễ giới thiệu Ðại Úy Davis, tân cố vấn.
Như đã dự trù, tôi đem mấy chiếc tàu về đến căn cứ lúc 2 giờ, nằm ngủ một lát để lát nữa qua Tiểu Khu mượn ban nhạc, thì anh Trung Sĩ Vô Tuyến gõ cửa, tôi bảo “vào đi”. Anh ta nói, mặt xám ngắt:
- Ông thầy xuống Phòng Vô Tuyến đi. Tôi chạy xuống ngay, đóng cửa lại, và mở cả hai hệ thống truyền tin. Tiếng súng vọng lại từ mặt trận dội về xen lẫn các cuộc đối thoại giữa các chiến đĩnh trên hệ thống chỉ huy. Có Lúc tiếng nổ dội về, và hệ thống âm thoại tắt… Ðúng là đụng to rồi. Tôi ra lệnh cho đóng cổng trại, cấm trại 100%, để sẵn sàng nhận lệnh từ mặt trận gọi về. Tất cả đã diễn tiến như anh Giang đã tả”.
Khi tiếng anh Diệm êm ả gọi, cho hay: “Tụi này sẽ về đến căn cứ độ 40 phút nữa. Sẵn sàng xe cứu thương và y tá…”
Tôi khoác áo ấm đeo súng Colt và đèn pin đứng đợi tại cầu tàu cùng với xe cứu thuơng và cáng. Ðoàn tàu đã nhìn thấy lấp lánh tiến về từ từ cặp vào cầu tàu. Diệm bước lên đầu tiên, dìu Giang theo. Dưới ánh đèn vàng, chỉ thấy toàn người Giang đầy máu. Giang vẫn đi lại được. Tất cả nhân viên trên chiếc Tiền Phong Ðĩnh của Giang lên ngồi kín chiếc xe Hồng Thập Tự. Sau đó, một xe khác chở cái băng ca, xác của Ðức Râu vàng khè và toàn thân sũng máu… Tất cả lặng lẽ di chuyển qua Bệnh Viện Dã Chiến. Các nhân viên còn lại, kể cả dưới tàu, trên căn cứ xúm lại lấy ống bơm xịt, rửa chiếc tàu vừa từ mặt trận về. Trời sáng dần, mặt sông đã óng ánh bóng nắng, và cũng là lúc tôi nhận thấy nước từ trên chiến đĩnh chảy xuống vẫn thấm đẫm máu đỏ.

Trời sáng hẳn, cả cầu tàu đã trở lại êm ả, sạch sẽ như thường lệ.

TỔNG KẾT TRẬN BA RÀI

Ðược chỉ huy bởi một vị sĩ quan vừa từ biển đổi về sông, kinh nghiệm chiến trận kể như còn “lỏng tay”, đây là một cuộc tranh hùng khốc liệt. Dù địch đã chuẩn bị sẵn chiến trường, có đủ yếu tố bất ngờ, và giờ giấc thuận tiện: Lúc 4 giờ chiều, giờ của họ, nước thấp, chúng ở trên cao bắn xuống. Nhưng ta đã “đáp ứng”ngon lành. Không ai có con số chính xác về tổn thất của địch, nhưng xác địch nổi trên mặt sông nhiều gấp 3, 4 lần bên xác của ta, đó là chưa kể số thương vong trên bờ mà địch đã vội vã mang đi chắc cũng không dưới 100, vì 57 súng đủ loại để lại là một chứng minh cụ thể. Bên ta tuy có một tàu chìm, số thương vong chưa quá 20. Và vũ khí được bảo toàn.

Tại đơn vị, những phái đoàn lên xuống tấp nập. Ðầu tiên là các cô nữ xã hội của Thiếu Úy Sa. Các cô đem dầu gió, vải trắng làm khăn tang… Lần lượt là thân nhân của nhân viên đơn vị. Tất cả ngồi chật ních, rũ rượi ở Câu Lạc Bộ. Hải Quân Ðại Tá Trần Văn Chơn, Tư Lệnh Hải Quân cũng có xuống. Ông xuống thăm chiếc monitor combat HQ 6001. Ông nhìn lỗ thủng do đạn địch bắn vào, ông xoè bàn tay che chưa kín lỗ đạn, và nói với Giang:” Có bàn tay trời che chở cho anh…”

Trong lúc ấy tại khúc sông con rạch Ba Rài, Bộ Binh đóng đầy. Những đám khói hương cắm dọc theo mé sông, những vũng máu đen đặc, tanh nồng. Vũ khí địch bỏ lại tất cả là 57 khẩu đủ loại. Dưới nước, tàu của mình ủi bãi. Nước vẫn lên xuống điều hoà. Lâu lâu từ dưới đáy sông lại trồi lên một xác. Tàu mình ghé lại lật xác lên nhận diện. Bạn thì vớt lên, lấy mền đắp lại. Ðịch thì đẩy ra cho trôi theo giòng nước. Mấy ngày sau, xác Bảo mới nổi lên. Trước khi nổi có một đám bọt xủi, rồi một cánh tay nhô lên trước. Tay phải. Bàn tay còn cầm cái bút nguyên tử mầu vàng… Bây giờ sau hơn 30 năm đã qua, tôi chẳng còn nhớ được kỹ. Chỉ biết chắc là Trung Sĩ Thinh từ nhà xác về, đem theo các thẻ bài là tôi ký giấy khai tử cho các người chết, kèm theo các thủ tục xin quan tài kẽm và lệnh di chuyển cho các quân nhân tháp tùng.
* * * * *
Một buổi trưa ngày nghỉ, tôi trực nhật, ngồi từ trên lầu phòng ngủ sĩ quan, nhìn qua bên kia Cù Lao Rồng. những mái nhà xen giữa mấy lùm cây. Trẻ con nô đùa dưới mé nước. Lấy ông nhòm nhìn kỹ vào phía trong, có những ông già ngồi trước hiên nhà đang lặng lẽ uống rượu. Ðàn vịt, đàn gà chạy loanh quanh. Mấy bà già và các cô gái đun nấu gần đó. Cảnh trí êm ả, thanh bình. Nhưng tôi nghĩ: ''Rất có thể các ông già kia là các mật báo viên của phía bên kia. Ðịch lăn lộn, trà trộn với dân thật là xảo quyệt.
Tôi đảo ống nhòm về phía cầu tàu. Một đoàn chiến đĩnh nằm như ngủ. Riêng chiếc Tiền Phong đĩnh HQ 6001, tàu cũ của Ðức Râu, có mấy người lính đi lại. Tôi theo dõi, và tôi thấy họ xếp một đĩa đồ nhậu ra sàn tàu, một thùng bia Quân Tiếp Vụ. Tôi nghĩ: “Lại nhậu cho đỡ buồn đây…” Nhưng không phải thế.. Mấy nhân viên ăn mặc đàng hoàng, ngồi sau các thứ họ vừa bầy ra, rồi bật diêm, đốt nhang, cắm vào một ly gạo. Họ đang làm lễ, và tôi chợt nhớ, hôm nay 49 ngày của Ðức Râu rồi đây. Tôi muốn xuống với họ, xong tôi nghĩ: “Thôi để họ tự nhiên”.
Cũng xung quanh thời gian ấy, một hôm cụ bà, thân mẫu của anh Hoàng Hiền tìm tới đơn vị để nhận lại các di vật của con. Cụ muốn lên căn phòng cũ, nơi HQ Thiếu Úy Hoàng Hiền đã ở.

- Dạ, đây là giường nằm của anh ấy.

Cụ ngồi xuống mé giường, lặng lẽ. Cụ xoè bàn tay gầy vuốt lên mặt nệm. Ðôi Lúc bàn tay cụ dừng lại như lắng nghe, như tìm chút hơi ấm nào của con còn sót lại. Cụ ngồi khá lâu rồi đứng lên. Cụ nói:

- Nhà tôi cũng bị chết vì Việt Cộng, giờ lại đến nó…

Cụ nói êm ả điều hoà như chuyện của ai. Mảnh sân đơn vị nắng bỏng. Cụ bước đi thong thả. Trên đầu cụ cuốn một mảnh khăn trắng dài, phủ xuống sau lưng. Bóng cụ đổ trên nền sân, cụ nắm chặt cây kiếm Hải Quân của cậu con trai trong lòng bàn tay nhăn nheo của cụ.
Bây giờ, đã cuối năm 1998, đọc cuốn Vietnam, the Decisive Battles, (Những Trận Chiến Quyết Ðịnh tại Việt Nam), Tác giả, ông John Pimlott, có nói đến trận Ba Rài. Tôi đọc kỹ, đây là một trận đánh khác, nhưng cũng xảy ra tại nơi trên, nhưng thời gian trận sau diễn ra vào ngày 15 tháng 9 năm 1967, trước hai tuần lễ đầy hai năm sau trận mà hai Giang Ðoàn 21 và 27 Xung Phong đã chạm địch. Trong trận sau, các chiến đĩnh của Hoa Kỳ, loại mới, tối tân hơn (ATC), đã đụng với Tiểu Ðoàn 263 D của Việt Cộng. Phải chăng đơn vị này của địch đã đụng với Hải Quân Việt Nam trước đó. Trận sau, dù địch có yếu tố tình cờ và địa thế đã chọn sẵn, địch cũng đã để lại 79 xác chết.

Một sự trùng hợp nữa rất lạ lùng, trận 29 tháng 9 năm 1965, Ðại Úy Davis đã chết. Trận sau, cũng có một sĩ quan Mỹ tham dự trận đánh, tên ông cũng la Davis (Wilbert). Ông ta sống. Và nơi diễn ra trận đánh đã được Mỹ đặt cho một cái tên ngộ nghĩnh là Snoopy's Nose. Với tôi, tôi đồng ý với Giang rằng, nếu trận năm 1965, vị chỉ huy Giang Ðoàn 21 Xung Phong, HQ Thiếu Tá Huỳnh Duy Thiệp có mặt, tình thế chắc sẽ khác hẳn. Và, Ðức Râu, vẫn rong ruổi bén nhậy trên cặp Fom, con ngựa Xích Thố của Giang Lực, Việt Cộng khó có khả năng khai hoả êm xuôi như vậy. Chính trận này, lần đầu tiên chúng dùng B 40 công phá đoàn tàu.

ÐỐI PHƯƠNG ÐÃ NÓI GÌ VỀ TRẬN BA RÀI

Trong tập tài liệu lưu hành nội bộ nhan đề “Những Trận Ðánh của Lực Lượng Võ Trang Ðồng Bằng Sông Cửu Long”, do nhà Xuất Bản Quân Ðội Nhân Dân, Hà Nội, năm 1997, trận Ba Rài đã được viết lại tỉ mỉ, và chiếm một số lượng trang từ 104 đến 126, người viết đề tên Trung Tá Nguyễn Thanh Sơn. Ðây là một bài viết công phu, từ những nhận định địa hình, thời tiết, tình hình lực lượng hai bên, tình hình dân chúng, những giả thuyết trận liệt, rồi diễn tiến trận đánh và cuối cùng là kết quả và ý nghĩa của trận này.
Từ đó ta biết rằng đơn vị đối đầu với ta tại Ba Rài ngày 29 rạng 30 tháng 9 năm 1965, là Tiểu Đoàn 261. Tiểu Ðoàn này đã được trang bị vũ khí nặng. Riêng “Ðại Ðội Bộ Binh 1” của Việt cộng, có nhiệm vụ “chận đánh tàu địch trên sông Ba Rài”, có 3 khẩu DKZ 57 ly, 2 khẩu 12 ly 7, và ba khẩu B 40. Trận đánh đã diễn ra ác liệt, phù hợp với những ghi nhậncủa phía HQVN ta. Có điểm kết quả trận đánh thì chúng khoác lác rất lạ, Việt Cộng viết nơi trang 119 rằng:

“Sau một ngày chiến đấu, ta đã tiêu diệt 500 tên địch. Bắn cháy và chìm tại chỗ 5 tàu chiến (có một tàu đầu hàng). Thu một cối 81 ly, 1 súng 12,7 ly, 2 đại liên, 8 các bin, 1 máy vô tuyến điện và nhiều quân trang quân dụng khác. Phá hủy một DKZ 5 ly, 1 súng 12,7 ly. Bắn rơi 5 máy bay.
Ta hy sinh 18 đồng chí (có 3 cán bộ Trung Đội).
Bị thương 32 đồng chí. Bị phá hỏng 1 B 40 và 4 súng tiểu liên”.
Thưa anh Nguyễn Thanh Sơn, không biết anh đã căn cứ vào đâu để có kết quả như trên. Nếu có thì giờ, anh hãy lục lại loạt bài nhan đề “Ðoàn Tàu Ði Vào Cõi Chết Ðể Tìm Ra Lối Sống”, đăng liên tục nhiều ngày khoảng đầu tháng mười năm 1965, trên nhật báo Tiền Tuyến, Sài Gòn, người viết đã ghi lại đầy đủ chi tiết về phía Quân Lực Việt Nam. Có đầy đủ các thiệt hại, và tên tuổi của người đã nằm xuống trong trận này. Ðó là một trận đánh quả có gây xúc động tới các giới chức cao cấp của chúng tôi, vì trận này sĩ quan Hải Quân chết nhiều nhất: Hai người là Trần Ngọc Bảo và Hoàng Hiền. Phía Mỹ, Ðại Úy Davis, vị tân cố vấn vừa đáo nhậm, đây cũng là lần đầu tiên các anh đã sử dụng B 40 đánh phá đoàn tàu. Một loại vũ khí mới và rất công hiệu. Và chúng tôi rất tiếc, “Con Ngựa Xích Thố của Giang Lực”, Trung Sĩ I Lê Phước Ðức, người mà phía các anh đã khiếp hãi, đã treo giải “ai giết được Ðức Râu thì sẽ được trọng thưởng…” Ðó là nỗi đau đớn, thiệt hại của chúng tôi. Quả các anh có bắn cháy và chìm 1 chiếc tàu, trên có Bảo, bạn tôi chỉ huy. Tàu chìm, rồi chúng tôi lại vớt lên, kéo về. Một chiếc khác bị thiệt hại nặng, trên đó có Giang điều động. Chiếc tàu đó có thủng, không chạy được, nhưng đã không chìm. Phía các anh đã nhiều phen vừa hô “xung phong” vừa ào lên định cướp tàu. Mỗi lần như thế, lại một lần phía các anh gục xuống. Chỉ riêng với chiếc tàu này, khách quan mà nói, con số 20 người chết về phía các anh, có lẽ là con số quá nhỏ. Làm gì có chiếc tàu nào hàng các anh đâu? Trong khi đó, như bài viết ở trang 113, các anh đã phải đối đầu với “7 tiểu đoàn bộ binh, 8 khẩu 105 và 155 ly trực tiếp chi viện. Trên sông có 12 chiếc tàu chiến. Ngoài ra còn có phi cơ các loại tập trung chi viện cho cuộc hành quân càn quét này.”
Thưa anh Sơn, có thể các anh đã ước định sai số quân bên phía chúng tôi. Xin hãy giả thử chỉ một nửa quân số nói trên, họ lại là một loại binh chủng mà các anh kêu là “ác ôn, lính thủy đánh bộ”, họ đâu có phải là hàng chuối ở vườn, đứng im cho các anh tới hạ. Nếu quả các anh có một may mắn nào đó, tiêu diệt được độ một trăm người, tôi nghĩ cũng đã là oanh liệt lắm. Chiến công ấy do ai chỉ huy, ai là những “xạ thủ ngoan cường” của các anh, sao không thấy các anh nhắc đến?
Những luận cứ vu vơ đó chỉ làm cho tập tài liệu của các anh trở thành một trò cười, không còn một chút khả tín nào nữa. Chỉ có “18 đồng chí hy sinh”, vậy thì 57 khẩu súng đủ loại bỏ rải rác hai bên bờ sông Ba Rài là của ai. Các vũng náu đen đặc, và những xác chết nổi lên không đếm được trên sông Ba rài, các xác đều mắc quần áo kaki Nam Ðịnh, là xác chết nào hở anh Sơn?

Thưa anh Sơn,

Khi cuộc chiến còn đang tiếp diễn, các anh cần thổi phồng chiến công để tuyên truyền, chúng tôi đọc đến nỗi phải phì cười nhưng vẫn còn thông cảm được. Nay cuộc chiến đã tàn. Cả khối Cộng Sản đã vỡ. Các anh đã phải mở cửa để long trọng đón kẻ thù cũ là “Ðế Quốc Mỹ” vào như một thượng khách. Sự thực về cuộc chiến đã được từ từ phơi bầy. Lẽ ra đây là lúc các anh phải thật khách quan, tìm hiểu, đối chiếu tường tận để trả sự thật cho sự thật. Ðó mới là thái độ trí thức của người viết sử. Anh đã không làm thế. Các anh đã không làm thế. Riêng anh, anh Sơn, anh viết bừa bãi, cẩu thả, đã đành. Trên anh còn có ông Phó Tiến Sĩ Phạm Gia Ðức, người chịu trách nhiệm xuất bản. Ông Ðức có lẽ đã không thèm nhìn lại bài viết của anh. Hoặc có đọc mà không có khả năng suy xét, nhận thức. Phải chăng ông ta là một ông tiến sĩ giấy? Học vị càng cao chỉ càng làm cho trò cười thêm lớn. Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, chính sự ngộ nghĩnh nghịch lý nói trên đã giúp phía chúng tôi ít phải mất thì giờ so sánh, biện bạch. Và bên cạnh đó, anh Sơn còn dẫn một câu (mà không nêu rõ danh tánh) rằng: “Trận đánh này chỉ huy Tiểu Đoàn bộ binh 261 đã xác định lực lượng nguy hiểm trực tiếp trước mắt là đoàn tàu chiến trên sông Ba Rài” (trang 123). Thế là đủ.

Tôi xin dừng ở đây nghe anh Sơn. Trước khi bài này được in và chuyển ngữ, chúng tôi sẵn sàng đón nhận ý kiến từ mọi phía, kể cả tác giả bài viết của nhà xuất bản Quân Ðội Nhân Dân, Hà Nội.
* * * * *

ÔI NHỮNG ANH LINH BÊN GIÒNG SÔNG CŨ

Bây giờ, tính từ năm 1967 đến nay, đã trên 30 năm. Cuộc chiến cũ đã nhạt nhoà. Người chiến binh Mỹ đã trở lại Việt Nam du lịch. Những con thuyền gỗ có mái che, chở các du khách lướt trên mặt nước đục ngầu Cửu Long Giang được in trên các báo Mỹ. Và tôi chắc, từ hải ngoại, có lẽ đã không thiếu bà con, bằng hữu chúng ta trở lại thăm thân nhân, chốn cũ. Có ai đã tới Mỹ Tho không? Trước khi đến Mỹ Tho, từ Sài Gòn đi xuống bằng Quốc Lộ 4, chúng ta gặp tỉnh lộ 29 xuôi Nam. Qua Mỹ Hạnh Trung, vào Tỉnh Lộ 20, tới Long Ðiền, rẽ trái vào Tỉnh Lộ 12 ta sẽ đi qua một vùng đau khổ cũ. Phía mặt là Cẩm Sơn, phía Nam là Hiệp Ðức, Xuân Sơn, ta sẽ gặp con rạch Ba Rài ở giữa đoạn đường này, tính từ Long Ðiền đến An Phú.

Nơi đây vườn cây xanh tốt. Mận ở vùng này nổi tiếng dòn, đỏ au như xác pháo hồng mùa Xuân. Con rạch Ba Rài ấy có các con thuyền đi lại. Các cô thiếu nữ má hồng trong áo bà ba tươi mát, quần Mỹ A óng ả. Dưới sông trẻ nhỏ bơi tắm nô đùa. Các cô gái và trẻ em này được sinh ra và lớn lên sau cuộc chiến đã tàn. Họ có biết đâu rằng, dưới lòng con rạch này, chắc còn có những nắm xương nằm từ bao năm cũ. Và hàng cây bên sông, cây già trăm tuổi, có còn nhớ một thời khói lửa đã bùng lên, và nếu ai tỉ mỉ, xem lại các thân cây, những vết đạn cũ, chắc có những đầu đạn sản xuất made in USA, và có cả những đầu đạn từ Nga Sô, Trung Cộng đem lại. Những người trai của cả hai bên trận tuyến, có khi là anh em một nhà, bạn bè một quận… đã phải ào ạt giết nhau. Những linh hồn oan khuất chắc còn lẩn khuất bên các gốc cây xưa.

Ôi những anh linh kẻ Nam Người Bắc
Chết là oan cho một cuộc tương tàn
Là quân nhân Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà, chúng ta đã làm tròn xứ mạng được trao cho. Thời cuộc đã gọi, ta nhập cuộc. Chúng ta đã anh dũng hành động. Bạn bè ta đã anh dũng hy sinh. Các bạn đích thực là những kẻ anh hùng. Tôi ao ước có một ngày về thăm chốn cũ. Tôi sẽ ngồi bên bờ con rạch Ba Rài, dưới bóng mát của các cây ăn trái, tôi sẽ cầu nguyện, sẽ đọc một thời kinh Giải Oan cho những người năm xuống tại nơi này. Hỡi Nguyễn Ngọc Bảo, hỡi Hoàng Hiền, hỡi Lê Phước Ðức, tức Ðức Râu, và bao nhiêu người nữa. Tôi ngưỡng mộ các anh. Xin các anh hãy lắng lòng nghe kinh mà siêu thoát. Tổ Quốc ghi công các bạn.

Phan Lạc Tiếp
Tháng 11/98 - 2/99

* Bài viết này được cô đọng qua các cuộc phỏng vấn bằng thư, bằng điện thoại giữa người viết và anh Nguyễn Ngọc Giang, Ðặng Diệm.



__._,_.___

Posted by: Batkhuat nguyen 

No comments:

Post a Comment

Featured post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-21/1/2025

My Blog List