VN 'nhạy bén hơn' khi
đàn áp bất đồng
Tiến
sỹ Zachary Abuza Gửi cho BBC
Tiếng Việt
- 23
tháng 9 2015
Trong
chuyến đi tới Washington DC hồi tháng Bảy, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng
định "Việt Nam rất coi trọng nhân quyền."
Trong lúc thừa nhận nhân quyền vẫn là điểm vướng mắc trong quan
hệ song phương với Hoa Kỳ, ông Trọng tỏ rõ rằng "không nên để nhân quyền
ảnh hưởng tới đà phát triển quan hệ song phương cũng như việc xây dựng niềm
tin giữa hai quốc gia."
Thách thức mà ông phải đối diện là làm sao để duy trì sự độc
quyền của Đảng Cộng sản nhưng vẫn không gây ra những bất đồng ngoại giao.
Các thành viên Quốc hội Hoa Kỳ, trong thời gian ông Trọng có
chuyến thăm Hoa Kỳ, đã gây sức ép lên Tổng thống Obama bằng việc khiếu nại về
tình trạng nhân quyền yếu kém của Việt Nam, cụ thể là về quyền tiếp cận thông
tin, phát triển xã hội dân sự, quyền thực thi tín ngưỡng, và những cải cách
nhằm chấm dứt tình trạng cảnh sát tra tấn, ngược đãi, bức cung.
Việt Nam vẫn còn con đường dài trước mắt cần phải đi. Nước này
vẫn là một trong những nơi đứng đầu thế giới về việc bỏ tù các phóng viên và
blogger, có nhiều văn bản pháp luật có lời lẽ mơ hồ về an ninh quốc gia. Ngay
chính ông Trọng cũng thừa nhận rằng có "những giới hạn" trong vấn đề
nhân quyền của Việt Nam.
Với việc Đảng Cộng sản nay muốn cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ,
chính phủ phải tìm những cách phù hợp để kiềm chế được tình trạng phản kháng
trong lúc phải đảm bảo giảm thiểu những phản ứng bất lợi.
Các lực lượng an ninh đang hoạt động với độ kiềm chế hoàn toàn
khác với mọi khi. Giải pháp hòa bình trong đợt biểu tình của người lao động
hồi tháng Ba và tháng Tư là chỉ dấu cho thấy tác động của những áp lực quốc tế
lên Hà Nội khi việc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương
(TPP) đang đi vào những giai đoạn cuối.
Tương tự, Việt Nam chỉ bắt hai nhà bất đồng chính kiến trong thời
gian 2015, thấp hơn hẳn so với 2014. Các lực lượng an ninh trở nên có chọn lựa
hơn và nhạy bén hơn trong lúc Hà Nội đang thắt chặt quan hệ kinh tế, an ninh
với phương tây.
Nhưng trước khi Đại hội Đảng lần thứ 12 diễn ra vào đầu năm 2016
tới đây, thái độ phản kháng lại ít được khoan nhượng. Chính phủ đang thực
hiện năm thứ nhằm dẹp hết những tiếng nói chỉ trích mà không gây ra những căng
thẳng ngoại giao.
Thứ nhất, họ nhắm vào các luật sư chuyên bảo vệ các tù
nhân chính trị. Trong lúc việc gần đây Trung Quốc bắt giữ hơn 100 luật sư
được nêu lên trong các bản tin thì Việt Nam đã làm điều đó từ nhiều năm qua
rồi.
Việc chính phủ bắt giam ông Lê Công Định, luật sư nổi tiếng nhất
Việt Nam, người đã từng thành công trong vụ thắng kiện Hoa Kỳ trước Tổ chức
Thương mại Quốc tế, cho thấy rõ nội dung câu chuyện. Ông Định bị bỏ tù từ
2009 tới 2013 chỉ vì đã bảo vệ quyền lợi cho các nhà bất đồng chính kiến khác.
Tuy nay đã được thả nhưng ông Định vẫn bị cấm hành nghề luật sư, một lời đe
cho các luật sư khác định tham gia các vụ án nhân quyền.
Những luật sư khác như Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Đài và Võ
An Đôn cũng người bị bắt giam, người bị cấm hành nghề do hoạt động liên quan
tới nhân quyền, khiến số luật sư có thể làm đại diện pháp lý cho những người khác
trở nên hiếm hoi.
Thứ nhì, chiến thuật được sử dụng là ra các cáo buộc
hình sự đối với các tù nhân chính trị để đánh lạc hướng những lời chỉ trích.
Luật sư Lê Quốc Quân mới được thả gần đây và blogger Nguyễn Văn Hải được trả
tự do hồi 2008 trước khi bị kết án tù trở lại với tội danh theo Điều 88 Bộ
luật Hình sự (tuyên truyền chống nhà nước) đều bị cáo buộc tội trốn thuế.
Tương tự, chính phủ đang bắt đầu dùng luật về tội phỉ báng để
dập tắt những lời chỉ trích.
Chẳng hạn như hồi tháng Bảy 2012, một tòa án kết tội ba nhà hoạt
động là đã phỉ báng Đảng Cộng sản. Một khi luật đã được công bố, chính phủ
có thể bắt chước Singapore và Malaysia trong việc dùng các vụ kiện về tội
phỉ báng để khiến cho phe đối lập chính trị phải tan nát.
Thứ ba, các vụ tấn công của cảnh sát chìm trở nên phổ
biến hơn so với việc dùng đến các cáo buộc chính thức. Hồi tháng Mười Một 2014,
một phóng viên tự do đã bị đánh gần chết ở ngoại vi Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong tháng Mười Hai 2014, một nhà hoạt động dân chủ đồng thời là một
blogger, chị Nguyễn Hoàng Vi, đã bị những người được cho là các nữ cảnh sát
đánh đập.
Không chỉ các blogger, hồi tháng Chín 2014, bốn phóng viên thuộc
truyền thông nhà nước đã bị tấn công khi đang điều tra tại tỉnh Quảng Ngãi. Theo
phúc trình của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Human Rights Watch thì trong 2014,
có 14 phóng viên bị đánh đập.
Tuy chính quyền Hà Nội không ngăn cản gì chiến dịch vận động
trên mạng của các nhóm phản đối việc chặt cây xanh trong thành phố, chẳng hạn
như nhóm "Vì Một Hà Nội Xanh" hay "6.700 người vì 6.700
cây", thậm chí còn cách chức một số quan chức liên quan, nhưng một số
người tổ chức các cuộc biểu tình phản đối đã bị đánh đập tàn nhẫn.
Gần đây nhất, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, được biết đến với tên Mẹ Nấm,
đã bị đánh dã man khi bị tạm giữ hồi tháng Bảy 2015 tuy không bị cáo buộc gì.
Thứ tư là chiến thuật tập trung kiểm soát hoạt động
trên mạng của những đối tượng cần chú ý. Đội quân kiểm soát trên mạng của Hà
Nội khó có thể bắt kịp được với 30 triệu tài khoản Facebook cùng các trang
blog và các mạng xã hội khác ngày càng xuất hiện nhiều trên các server đặt ở
nước ngoài. Tuy nhiên, giới chức đã dùng những thuật toán riêng để tìm manh
mối xem các nhóm mà mọi người tham gia là gì, những nội dung đăng tải nào là
được chia sẻ, được 'thích' hay bình luận nhiều nhất.
Cuối cùng, chính phủ tập trung sức mạnh của mình vào các
trang mạng đang muốn chuyển mình từ những trang blog cá nhân sang thành những
cổng thông tin đăng tải bài của nhiều tác giả và đăng tin tức có chọn lọc, vốn
là một dạng chuyển đổi quan trọng sang bước phát triển thành truyền thông độc
lập.
Đó là việc tổ chức sắp xếp tin tức chứ không phải là tường thuật
hay viết bài blog, nhưng nó lại khiến cho nhiều cá nhân rơi vào vòng lao lý
nhất.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nói các hoạt động của Mạng lưới Blogger
Việt Nam có sức mạnh lớn hơn là các bài viết thực sự của cô.
Cô nói đúng. Đất nước này đang bị ám ảnh về sự phát triển của
truyền thông độc lập, có tổ chức, và điều này được phản ánh qua các án tù
dành cho những đối tượng này.
Mức án trung bình cho 16 trong số 23 blogger và phóng viên bị bỏ
tù trong năm 2014 là 8,1 năm tù.
Mức án trung bình cho bốn blogger/phóng viên chủ yếu viết về các
vấn đề tôn giáo và các hoạt động tín ngưỡng là 11,3 năm tù.
Án tù cho ba người định tổ chức xã hội dân sự độc lập, gồm
những sáng lập viên của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, là 13,5 năm. Bất đồng chính
kiến là tội phạm, bất đồng có tổ chức là loại tội phạm còn nghiêm trọng hơn.
Trong bối cảnh đó, quyết định hồi tháng Năm của 15 cây viết trong
việc ra khỏi Hội Nhà văn Việt Nam và thành lập tổ chức riêng, độc lập của
mình - Văn đoàn Độc lập - là vô cùng dũng cảm. Sự phát triển của một tổ chức
dân sự độc lập và thẳng thắn là mối đe dọa to lớn nhất cho chế độ.
Bài viết tiếng Anh được gửi tới BBC Tiếng Việt,
thể hiện quan điểm riêng của tác giả, giám đốc công ty tư vấn Southeast Asia
Analytics.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment