On Wednesday, September 9, 2015 9:16 PM, Missaigon <th51bis@gmail.com> wrote:
Mời đọc, 1 người gởi mail này (từ Maryland)
Tưởng hay Mao thắng Nhật?
Ngô Nhân Dụng / August 25, 2015
Bắc Kinh sắp làm lễ kỷ niệm “70 năm chiến thắng Phát xít Nhật. Ðây
là lần đầu tiên được họ tổ chức một cuộc diễn binh cho ngày lễ này. Ngày 3
Tháng Chín sắp tới Tập Cận Bình sẽ chủ tọa một cuộc duyệt binh với 200 máy bay chiến
đấu và 12,000 quân, với những đơn vị đã có mặt từ thời “kháng Nhật” như Ðệ Bát
Lộ Quân (第八路军, Hồ Chí Minh đã phục vụ trong đó), Tân Ðệ tứ
quân (新第四军) và cả Ðội Du kích Hoa Nam (华南游击队)..
Ðây cũng là lần đầu tiên quân ngoại quốc được mời, báo trước sẽ có
10 nước gửi quân tới diễn hành. Mới biết sẽ có quân Nga, Mông Cổ, Kazakhstan.
Không biết Hà Nội có gửi quân sang dự hay không.
Ông Vladimir Putin hứa ngay sẽ tới dự; vì vào Tháng Năm ông Tập Cận
Bình đã qua Nga dự lễ mừng chiến thắng quân Ðức; trong lúc các nước Châu Âu và
Mỹ đều tẩy chay để phản đối Nga đang xâm chiếm Ukraine. Cuộc duyệt binh của Tập
Cận Bình cũng bị nhiều nước tẩy chay vì Trung Cộng đang xây đảo các nhân tạo
trong vùng Biển Ðông nước ta, đe dọa các nước Ðông Nam Á. Thủ Tướng Nhật Abe đã
từ chối lời mời. Bà tổng thống Nam Hàn chắc cũng không tới nhưng Kim Chính Ủn ở
Bắc Hàn khó lòng từ chối. Cũng vậy, Trương Tấn Sang sẽ đại diện cho Cộng Sản
Việt Nam, theo tin ở bên Tàu tiết lộ. Bắc Kinh gửi lời mời cả các nhà lãnh đạo
Ðài Loan, nhưng bị từ chối; tuy nhiên các công dân Ðài Loan được phép qua lục
địa tham dự.
Trung Cộng chọn ngày kỷ niệm này vì ngày 2 Tháng Chín năm 1945,
chính phủ Nhật chính thức ký hiệp ước đầu hàng Mỹ, gần một tháng sau khi quả
bom nguyên tử thả xuống đất Nhật khiến Thiên Hoàng Hirohito phải kêu gọi quân,
dân bỏ súng. Chính quyền Trung Cộng nhân dịp này sẽ quảng cáo rầm rộ vai trò
của Mao Trạch Ðông và đảng Cộng Sản Trung Hoa trong cuộc chiến tranh kháng
Nhật, từ 1937 đến 1945.
Từ trái: Mao trạch Đông - Tưỏng Giới Thạch
Nhưng thực ra trên chiến trường Trung Quốc ai đóng vai trò quyết
định chiến thắng quân Nhật? Trong tháng Sáu chính phủ Ðài Loan đã lên tiếng
khẳng định rằng “Chính Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai-shek, 蔣介石) và quân đội Quốc Dân Ðảng mới thực sự chiến đấu
và thắng quân Nhật.” Hơn ba triệu quân lính và sĩ quan Quốc Dân Ðảng đã chết
trong cuộc chiến, cùng hơn 20 triệu thường dân. Trong những năm kháng Nhật, quân
Cộng Sản không đụng độ với quân Nhật một trận đánh lớn nào, họ chỉ lợi dụng
thời gian quân chính phủ đánh Nhật để chiêu mộ đảng viên, củng cố các mật khu,
đánh du kích và chống lại quân chính phủ.
Quân Nhật Bản đã đầu hàng “các nước đồng minh” trong đó có chính
phủ Dân Quốc; mà Tổng Thống Tưởng Giới Thạch là người lãnh đạo, người đã ngồi
ngang hàng với Roosevelt và Churchill tại hội nghị Cairo, Ai Cập năm1943.
Tướng Tưỏng-giới-Thạch, Tổng thống HK Roosevelt và thủ tướng Anh Churchill tại Cairo ngày 25 tháng 11 năm 1943
Stalin không dự vì còn vướng bởi hiệp ước hòa bình ký với Nhật Bản
năm 1941, trong thời gian Tưởng Giới Thạch đang đánh Nhật! Sau đó Stalin mới gặp
Roosevelt và Churchill tại Teheran, Iran, để chấp thuận các quyết định tại
Cairo. Trong số các quyết định này có phần các nước đồng minh “trả lại cho
Trung Quốc cả vùng Mãn Châu, đảo Ðài Loan và quần đảo Pescadores giữa Ðài Loan
với lục địa.” Hội nghị Potsdam năm 1945 nhắc lại thỏa hiệp Cairo, sau đó bản
văn đầu hàng của Nhật Bản lấy các quyết định ở Potsdam làm căn cứ. Cho nên
chính ông Tưởng Giới Thạch đã giành lại lục địa và các đảo về cho Trung Quốc
chính quân Quốc Dân Ðảng tước khí giới quân Nhật!
Ðảng Cộng Sản Trung Quốc đã bóp méo lịch sử suốt 65 năm qua, tiêu biểu
là Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Kháng Nhật ở Bắc Kinh. Năm ngoái, một cựu thủ
tướng Ðài Loan là Hác Bá Thôn (Hau Pei-tsun, 郝柏村) đã qua lục địa đến thăm viện bảo tàng này. Vị
tướng bốn sao trong quân đội Trung Hoa Quốc gia lúc đã 95 tuổi. Ông tuyên bố
với báo chí và nhân viên tại chỗ rằng viện bảo tàng không trình bày đầy đủ sự
thật về cuộc chiến tranh kháng Nhật. Thí dụ, không hề thấy bản văn ngày 22
Tháng Bảy năm 1937 của Trung Ương Ðảng Cộng Sản kêu gọi cầu hòa với Quốc Dân
Ðảng. Cũng không thấy bản thỏa hiệp đoàn kết chống Nhật giữa hai bên, trong đó Trung
Cộng đã chấp nhận bỏ chủ nghĩa cộng sản để theo Tam Dân Chủ nghĩa (三民主義) của Tôn Dật Tiên (孫逸仙)! !
Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc ở Ðài Loan thừa kế Thống Chế Tưởng
Giới Thạch, đã bác bỏ những lời tuyên truyền của Trung Cộng bằng một cuộc hội
thảo về lịch sử chiến tranh, và một bài diễn văn của Tổng Thống Mã Anh Cửu đọc
trong một cuộc diễn binh mừng chiến thắng quân Nhật, vào Tháng Sáu ở Ðài Bắc.
Ông Mã Anh Cửu xác nhận: “Chính phủ Dân Quốc và Tổng Thống Tưởng Giới Thạch đã
chiến thắng quân đội Nhật; không ai có thể phủ nhận sự thật này.”
Tháng Tám năm 1945, Nga chỉ tuyên chiến với Nhật Bản sau khi
Hirosima đã bị bom nguyên tử. Tuyên chiến rồi, quân Nga tiến chiếm Mãn Châu,
mảnh đất đã được nhà Mãn Thanh nhập vào nước Tàu trước đó ba thế kỷ. Ðược quân
Nga mở đường, Mao Trạch Ðông mới cho Lâm Bưu dẫn quân lên Mãn Châu. Quân Nga
tiến tới đâu, quân cộng sản Trung Hoa theo tới đó, lập đảng bộ và tổ chức đấu
tố ở mỗi làng.
Tưởng Giới Thạch là tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, được các nước
thắng trận công nhận, kể cả nước Nga. Tưởng Giới Thạch đã đấu tranh ngoại giao với
Nga yêu cầu Stalin rút quân khỏi Mãn Châu và thành công. Stalin vẫn coi Mao
Trạch Ðông chỉ một thủ lãnh nông dân tầm thường, không hề làm công nhân bao
giờ, không đáng là đảng viên Cộng Sản! Tưởng Giới Thạch đưa những đạo quân thiện
chiến nhất từ mặt trận Tây Nam tiến lên Mãn Châu “tiễu trừ Cộng phỉ.” Ông có
thể thành công, cho tới khi ông ra lệnh ngưng tiến quân, trước áp lực của Tướng
Mỹ George Marshall, đại diện chính quyền Mỹ!
Trong trận Tứ Bình Nhai (四平街) vào Tháng Tư năm 1946 và kéo dài một tháng
trời, Lâm Bưu phải đưa cả 100 ngàn công nhân không hề được huấn luyện vào chiến
trường. Ngày 18 tháng Năm cộng quân bỏ chạy sau khi chết 40 ngàn, mất một nửa
số binh sĩ. Ngày 6 Tháng Sáu, Lâm Bưu được lệnh rút khỏi Harbin (Cáp Nhĩ Tân, 哈尔滨) là thủ đô của Mãn Châu quốc. Quân Quốc Gia đã sẵn sàng đánh chiếm
Harbin, bỗng nhiên nhận được lệnh ngưng tấn công. Vì ông Tướng Marshall muốn đóng
vai “sứ giả hòa bình” đứng ra hòa giải hai phe Quốc-Cộng!
Sau đó Cộng quân có thời giờ tổ chức lại quân đội, lại được quân
Nga trao cho những vũ khí nặng, trước khi rút về nước. Trong khi đó quân quốc gia
ở một chiến trường xa, không thể tiếp tế đầy đủ. Quân Quốc Dân Ðảng thất thế,
vừa rút đi vừa tan hàng, sau cùng để cửa ngỏ cho cộng quân tiến vào Bắc Kinh.
Năm 1949, Tưởng Giới Thạch cùng tàn quân chạy qua Ðài Loan, nhưng
suốt quãng đời còn lại ông vẫn tuyên bố sẽ “quang phục lục địa.” Giấc mộng đó ông
không thực hiện được, nhưng trong 65 năm qua sống dưới chính quyền Quốc Dân
Ðảng, Ðài Loan đã phát triển thành một quốc gia tân tiến và dân chủ tự do. Từ
1980 dân Ðài Loan đã “quang phục lục địa” bằng tiền vốn đầu tư. Cộng Sản Trung
Hoa cũng bắt đầu công nhận vai trò của Tưởng Giới Thạch trong việc thống nhất Trung
Quốc vào thập niên 1920. Năm 2009, trong một lần đi thăm thành phố Ðại Lý ở Vân
Nam, tôi đi qua một cửa tiệm tạp hóa nhỏ; nhìn vào bên trong thấy bày bán mấy
bức hình để treo tường. Ðó là hình Mao Trạch Ðông, Chu Ân Lai và Tưởng Giới
Thạch, ba bức chân dung lớn bằng nhau!
Chính quyền Trung Cộng đã bóp méo lịch sử khi làm lễ kỷ niệm “chiến
thắng Phát xít Nhật.” Ðây là chủ trương cổ động lòng yêu nước của dân Trung Hoa
do Tập Cận Bình thúc đẩy để tiến hành chương trình xâm chiếm các quần đảo trong
vùng Biển Ðông nước ta.
Hành động bóp méo lịch sử của Trung Cộng cũng không khác gì của
Việt Cộng. Chính quyền Việt Nam đầu tiên tuyên bố độc lập là chính phủ Trần Trọng
Kim chứ không phải chính quyền Cộng Sản. Cuộc biểu tình đầu tiên ở Hà Nội ngày
17 Tháng Tám năm 1945 sau khi Nhật đầu hàng là do các công chức Hà Nội tổ chức
để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim đã bị Cộng Sản cướp diễn đàn, treo cờ đỏ.
Sau đó hai ngày, một nhóm cán bộ Cộng Sản mới tổ chức “cướp chính quyền” trong khi
toàn bộ lãnh đạo đảng vẫn còn chưa biết tin tức. Cuốn Ðèn Cù của Trần Ðĩnh đã
tiết lộ chính những người trong đảng phái quốc gia đã vận động với quân Nhật để
bảo đảm an ninh cho nhóm quân Việt Minh đầu tiên đi qua cầu Long Biên vào Hà
Nội. Sử gia Vũ Ngự Chiêu đã công bố công trạng của chính phủ độc lập đầu tiên của
nước ta, trong vòng năm tháng trời đã thực hiện được việc thống nhất “ba kỳ,”
cải tổ toàn diện nền giáo dục, tổ chức việc cứu tế, phát động một phong trào
các tổ chức nhân dân tự nguyện và độc lập với nhà nước, xứng đáng gọi là một
“xã hội công dân” theo nghĩa bây giờ.
Ngày 19 Tháng Tám năm 2010, Nhạc sĩ Tô Hải đã viết một bài nói rõ
thêm một sự thật lịch sử vẫn bị Việt Cộng bóp méo. Ông Tô Hải thẳng thắn phủ định
một luận điều tuyên truyền nói rằng Việt Minh đã cướp chính quyền từ thực dân
Pháp và phát xít Nhật. Trong thực tế, Cộng Sản Việt Nam đã cướp chính quyền từ
tay chính phủ Trần Trọng Kim, chính phủ độc lập đầu tiên của nước Việt Nam.
Vì
lúc đó, “Nhật đã đầu hàng vô điều kiện, Pháp vẫn chưa ra khỏi các trại giam!” Chàng
thanh niên Tô Hải thời đó đã “bọn tớ, tay cầm cờ vàng ba sọc đỏ, miệng hát ‘Này
thanh niên ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng’ kéo nhau đi biểu tình ủng hộ chính
phủ Trần Trọng Kim...” hoàn toàn không biết gì đến nghị quyết của Việt Minh! Tô
Hải cũng ghi công chính phủ Trần Trọng Kim, “126 ngày nắm giữ một chính quyền
của một đất nước hoang tàn, chết đói đầy đường, không một đồng trong ngân quỹ,
95% người dân không biết chữ...;” và tinh thần của nhân dân Việt Nam lúc đó,
“tất cả các hoạt động thanh niên tiền tuyến, thanh niên khất thực, phụ nữ, nhi
đồng, công chức... đều được ‘tự giác’ tổ chức bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu,
suốt 126 ngày...”
Tóm lại, Cộng Sản Việt Nam đã chỉ thừa hưởng “'mâm cỗ độc lập
tự do' đã có chính phủ Trần Trọng Kim dọn sẵn, kể cả hàng loạt cuộc mít tinh,
biểu tình suốt từ ngày Nhật đầu hàng vô điều kiện cho đến ngày 19 Tháng Tám...
Nói trắng ra rằng, dân Việt Nam chẳng hề biết đến cái sự lãnh đạo tài tình nào
của Ðảng Cộng Sản trước cái ngày 19 Tháng Tám năm 1945 ấy!”
Theo Tô Hải, “Việt Minh... có cái ‘tài’... duy nhất là, khi vào
tiệc thì cầm cốc đứng lên hô to: ‘Nào! Mời các bạn cầm đũa!’ Cứ làm như bữa
tiệc ấy là chính mình bỏ tiền ra chiêu đãi toàn dân vậy!”
No comments:
Post a Comment