Việt Nam






Sunday, 9 June 2019

30 năm, ba thế hệ Hong Kong vẫn tưởng nhớ Thiên An Môn




30 năm, ba thế hệ Hong Kong vẫn tưởng nhớ Thiên An Môn

BBC có dịp trò chuyện với ba thế hệ người Hong Kong, những người vẫn tìm cách tưởng nhớ, lưu giữ ký ức về nạn nh...

30 năm, ba thế hệ Hong Kong vẫn tưởng nhớ Thiên An Môn

  • 30 phút trước
·  
Ánh sáng từ những ngọn nến của hàng chục ngàn người đến dự lễ tưởng niệm nạn nhân Thiên An Môn ở Công viên Victoria, Hong KongGetty Images
Ánh sáng từ những ngọn nến của hàng chục ngàn người đến dự lễ tưởng niệm nạn nhân Thiên An Môn ở Công viên Victoria, Hong Kong
Trước đây, cũng như một số người, tôi nghĩ có sự nhiều khác biệt lớn giữa Hong Kong và Trung Quốc. Ừ thì quả thực họ đã sống dưới chế độ thực dân Anh ngót nghét một thiên niên kỷ, nhưng họ vẫn là những người da vàng châu Á, viết chữ Hán và nói tiếng Quảng Đông.
Vì lẽ đó, cũng không có gì ngạc nhiên khi thấy người Hong Kong, tận dụng sự tự do và nền tự trị của mình để hằng năm tổ chức lễ tưởng niệm cho những nạn nhân cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989.
Nhưng sau khi nói chuyện với ba nhân vật, thuộc ba thế hệ người Hong Kong, tôi nhận thấy, có một niềm kiêu hãnh về những giá trị tự do dân chủ và một mong muốn khát khao khẳng định sự độc lập.
Vì vậy buổi lễ thắp nến tưởng niệm tháng 6 hàng năm càng trở nên có ý nghĩa.
Lễ thắp nến tưởng niệm tháng 6 không phải là nỗi đau của những người Trung Quốc dành cho đất nước và dân tộc Trung Quốc.
Đó là người HongKong đau nỗi đau của người Trung Quốc, giống như nỗi xót xa ta dành cho một người anh em họ, người kém may mắn, bất hạnh và đau khổ hơn.

Người Hong Kong đau nỗi đau Trung Quốc

Mùa hè 1989, Kit Chan đang học năm cuối đại học tại Anh, khi ở nửa bên kia thế giới, những sinh viên đồng trang lứa với cô đang quây kín Quảng trường Thiên An Môn.
Dù vậy Kit theo sát mọi diễn biến ở Trung Quốc qua chiếc màn hình TV nhỏ, từ lúc diễn ra lễ tang của Hồ Diệu Bang, đến lúc lễ tang trở thành một phong trào sinh viên lớn và cho đến lúc phong trào đó bị dập tắt trong máu và nước mắt.
"Tôi nhớ rất rõ, [sau khi biết tin] tôi đã cãi nhau rất to với một người bạn. Cậu ấy có vẻ có nhiều cảm tình với chính quyền Trung Quốc. Trước cuộc đàn áp, cậu ấy bảo đảm với tôi rằng chính quyền sẽ không dùng vũ lực, rằng hãy có chút lòng tin với chính quyền. Trước đó khi chúng tôi đã thảo luận nhiều về phong trào, cậu ấy hoàn toàn bênh vực chính quyền."
"Và khi họ bắt nổ súng, tôi đã rất tức giận với cậu ta. Chúng tôi đã cãi nhau rất dữ dội. Tôi đã rất tức giận… Tôi nói 'Tại sao cậu bảo rằng họ sẽ không làm gì? Cậu có thấy họ đang làm cái gì không?'
"Cậu ấy sau đó đã bị trầm cảm. Thời điểm đó chúng tôi phải thi. Tôi nghĩ cậu ấy đã quá đau buồn, và thậm chí gặp một chút vấn đề về tâm lý. Tất cả là vì lòng tin của cậu ấy…"
"Tôi vẫn nhớ rất rõ tôi đã xúc động như thế nào. Tôi đã khóc rất nhiều."
Nhiều người đặt hoa bên ngoài văn phòng Đại sứ quán Trung Quốc tại London, một ngày sau khi cuộc thảm sát 4/6/1989 xảy raGetty Images 
Nhiều người đặt hoa bên ngoài văn phòng Đại sứ quán Trung Quốc tại London, một ngày sau khi cuộc thảm sát Thiên An Môn hôm 4/6/1989
Kit Chan cùng một số sinh viên khác tháo những tấm ga giường để làm biểu ngữ, lấy cán chổi để dựng nó lên, rồi cùng vào trung tâm London phản đối những gì đã xảy ra vào ngày 4 tháng 6.
Sinh ra ở Hong Kong vào thập niên 70, Kit Chan được nuôi dạy trong thời điểm Hong Kong vẫn dưới quyền kiểm soát của Anh Quốc, được thụ hưởng lối giáo dục thực dân.
"Vì vậy tôi không có khái niệm cội nguồn với Trung Quốc. Tôi không cảm thấy mình là người Trung Quốc. Sự kiện ở Thiên An Môn không sốc tôi vì tôi là người Trung Quốc.
"Mà bởi vì tôi là một người Hong Kong, tôi hiểu rõ giá trị của sự tự do và dân chủ và ai cũng xứng đáng được hưởng những điều đó."

Ngày càng khó khăn để tổ chức tưởng niệm

Năm nay khoảng 180.000 người đã tập trung tại Công viên Victoria, theo Hong Kong Alliance, bên tổ chức sự kiện tưởng nhớ Thiên An Môn hàng năm.
Chou Hang Tung, phó chủ tịch Hong Kong Alliance cho BBC biết năm nay là một trong ba năm có số lượng người tham gia lễ tưởng niệm cao nhất, cùng với 2012 và 2014.
Chou mới 4 tuổi khi sự kiện Thiên An Môn xảy ra nhưng từ bé, cha mẹ cô vẫn hay đưa cô đến các buổi lễ tưởng niệm hằng năm. Chou gia nhập Hong Kong Alliance từ 2010 và đã giúp tổ chức các hoạt động tưởng niệm gần một thập niên qua.
Ban tổ chức nói khoảng 180.000 người đã tham gia lễ tưởng niệm hôm 4/6, tuy nhiên cảnh sát thì nói rằng con số chỉ ở khoảng 40.000 ngườiGetty Images
Ban tổ chức nói khoảng 180.000 người đã tham gia lễ tưởng niệm hôm 4/6 ở công viên Victoria, Hong Kong, tuy nhiên cảnh sát thì nói rằng con số chỉ ở khoảng 40.000 người
Chou cho biết buổi thắp nến tưởng niệm hôm 4/6 năm nay không có gì quá khác biệt so với những năm trước. Mọi người sẽ bắt đầu tập trung tại công viên từ 4 giờ, cùng nhau trao đổi về những vấn đề chính trị xã hội ở Hong Kong và Trung Quốc.
Đến 8 giờ lễ tưởng niệm chính thức bắt đầu, với một số diễn giả là những người đến từ đại lục, hay những nhân chứng cuộc thảm sát năm đó. Năm nay, chương trình chạy một đoạn video clip từ những người mẹ của những sinh viên đã mất năm 1989.
Mùa hè 1989, trong lúc phong trào sinh viên vẫn đang diễn ra, trước khi nó trở thành cuộc thảm sát đẫm máu, Hong Kong đã tổ chức một buổi ca nhạc lớn với rất nhiều ca sĩ nổi tiếng tham gia để ủng hộ. Nhưng sau đó mỗi năm, số lượng nghệ sĩ đến dự lễ tưởng niệm ngày càng ít dần.
"Họ không muốn mạo hiểm sự nghiệp của họ. Họ không muốn bị vào danh sách đen của ngành giải trí Trung Quốc. Họ vẫn muốn vào đại lục để trình diễn.
"Ngày hôm qua, chúng tôi chỉ có Anthony Wong, người duy nhất còn lại vẫn đến hát bài hát dành cho những nạn nhân của cuộc thảm sát."
Việc tổ chức tưởng niệm ngày càng trở nên khó khăn hơn, Chou nói.
Chou Hang Tung (nữ, đeo kính) cùng các nhà hoạt động dân chủ phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm hôm 4/6/2019Getty Images 
Chou Hang Tung (nữ, chính giữa) cùng các nhà hoạt động dân chủ phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm hôm 4/6/2019
Luôn có một nhóm vài chục người trung niên đến "làm trò" ở Bảo tàng Ngày 4 tháng 6 hay đến biểu tình phản đối buổi lễ tưởng niệm.
"Họ quấy rối và đe dọa chúng tôi buộc chúng tôi phải đóng cửa bảo tàng. Họ nói chúng tôi đang nói dối và bẻ cong sự thật. Không hiểu sao họ tìm ra số điện thoại chúng tôi và còn nhắn tin đe dọa. Tôi nghĩ họ đã được chính quyền trả tiền."
"Ngày càng khó khăn hơn để chúng tôi tìm kiếm đối tác tổ chức như tìm người làm thiết kế. Ngay cả người thợ sửa ống nước cũng không đến giúp vì có thể họ đã bị đe dọa."

'Ký ức tập thể chính là sức mạnh'

Năm nay đánh dấu 30 năm kể từ khi cuộc thảm sát xảy ra và nó có một ý nghĩa đặc biệt, Kit Chan nói.
"Thế hệ sinh viên năm 1989 giờ bước đã vào độ tuổi trung niên mà vẫn chưa một lần được minh oan, được công nhận và giành lại được công lý."
"Sự kiện tưởng niệm có ý nghĩa thực chất và cả tượng trưng về việc truyền lại sự thật và lịch sử. Đã đến lúc một thế hệ khác phải đứng lên và tiếp tục đấu tranh cho những giấc mơ dang dở về quyền lợi, tự do và nền dân chủ của đất nước."
Thách thức tiếp theo sẽ là làm thế nào để thế hệ trẻ, nhất là những người sinh sau 1989 quan tâm đến sự kiện này.
"Tất nhiên thế hệ trẻ hơn sẽ cảm thấy xa lạ hơn. Họ làm sao biết được chuyện gì đã xảy ra," Chou nói. "Vì vậy chúng tôi càng phải giúp họ hiểu rằng cuộc đấu tranh của nạn nhân Thiên An Môn, cũng là cuộc đấu tranh của chúng ta."
Kit và Chau cũng không quá lo lắng, vì ngày càng có nhiều thanh niên trẻ Hong Kong tham gia lễ tưởng niệm.
Một trong số đó là Jeffrey Ngo, thành viên Ủy ban Thường trực của Demosisto - một tổ chức đấu tranh cho dân chủ khác của lãnh đạo Phong trào Dù vàng, Joshua Wong.
"Việc tưởng nhớ những gì đã xảy ra là rất quan trọng. Nó cho thấy rõ bản chất tàn nhẫn của Đảng Cộng sản Trung Quốc," Jeffery nói.
Jeffrey Ngo, thành viên Ủy ban Thường trực của DemosistoTobias Leung
Jeffrey Ngo, thành viên Ủy ban Thường trực của Demosisto
"Chúng tôi lớn lên trong những năm 90s, nên ký ức về Trung Quốc gắn liền với việc Hong Kong bị hoàn trả về Trung Quốc. Chúng tôi nhận thấy sự tự do, và tự trị của Hong Kong ngày càng bị sói mòn."
Jeffrey nhắc đến việc Bắc Kinh đang tìm cách gây áp lực lên chính quyền Hong Kong để thông qua dự luật Dẫn độ, đe dọa dẫn đến tình trạng nhiều nhà hoạt động Hong Kong sẽ bị dẫn độ về đại lục để xét xử.
Jeffery tin rằng số lượng lớn người vẫn đến buổi lễ tưởng niệm này là một dấu hiệu tốt, cho thấy có thể sẽ có nhiều người tham gia cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ trong vài ngày tới.
Chính những sự kiện tưởng nhớ tội ác của chính quyền sẽ giúp thúc đẩy sự độc lập của Hong Kong.
"Có rất nhiều sự kiện khác tương tự Thiên An Môn, nhưng sau một vài năm chúng sẽ trôi vào quên lãng. Nhưng riêng sự kiện Thiên An Môn này, vẫn rất nhiều người đến dự mỗi năm," Choi nói.
"Hong Kong là nơi duy nhất vẫn tổ chức buổi lễ tưởng niệm ở quy mô thế này cho các nạn nhân của Thiên An Môn. Thực tế là sau 30 năm mà số lượng người tham gia vẫn không thay đổi là một điều rất quan trọng," Jeffrey nhấn mạnh.
"Chúng tôi phải chứng minh cho chính quyền thấy rằng ký ức tập thể chính là sức mạnh. Điều này sẽ khiến họ sợ. Đó là lý do chúng tôi tập trung tại Công viên Victoria mỗi năm," Kit Chan nói.
"Còn nếu chỉ để tưởng nhớ không thôi, thì tôi cũng có thể làm thế ở nhà hay ở nhà thờ cũng được."



Hong Kong: Hàng vạn người biểu tình

Hàng trăm ngàn người biểu tình tại Hong Kong, chống lại một luật mà giới chỉ trích nói có thể giúp Trung Quốc bắ...

Hong Kong: Hàng vạn người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ

  • 9 tháng 6 2019
·  
https://ichef.bbci.co.uk/images/ic/976x549/p07cp54z.jpg


Giới chỉ trích nói người dân Hong Kong sẽ bị nguy hiểm, càng làm sự độc lập tư pháp ở đây bị xói mòn.
Hàng trăm ngàn người biểu tình tại Hong Kong hôm Chủ nhật, chống lại một luật mà giới chỉ trích nói có thể giúp Trung Quốc bắt những nhà đối kháng ở Hong Kong.

Dự luật dẫn độ sẽ cho phép nghi phạm bị đưa sang đại lục xét xử.
Đợt biểu tình hôm Chủ nhật có vẻ là lớn nhất kể từ Phong trào Dù 2014.
Chính phủ Hong Kong nói dự luật có những bảo đảm cho người dân.
Lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam thúc đẩy để thay đổi được thông qua trước tháng Bảy.
Người ủng hộ bà Carrie Lam nói dự luật ngăn ngừa không để nghi phạm liên quan tội chính trị và tôn giáo bị đưa sang đại lục.
Nhưng giới chỉ trích nói người dân Hong Kong sẽ bị nguy hiểm, càng làm sự độc lập tư pháp ở đây bị xói mòn.
Theo Reuters, một ủy ban của các nhóm ủng hộ dân chủ ước tính đây có thể là cuộc biểu tình một ngày lớn nhất kể từ năm 2003, khi đông đảo người biểu tình buộc chính quyền phải từ bỏ luật siết chặt an ninh quốc gia.
hong kongReuters
Các sinh viên tự xích họ lại với nhau khi yêu cầu chính quyền hủy bỏ dự luật dẫn độ tại Hong Kong ngày 8/6
Cuộc biểu tình sẽ kết thúc tại Hội đồng Lập pháp, nơi các cuộc tranh luận bắt đầu vào hôm 12/6 để tiến hành sửa đổi các sắc lệnh về nghi phạm bỏ trốn. Dự luật dẫn độ dự kiến được thông qua vào cuối tháng này.
Sau nhiều tuần gia tăng sức ép của địa phương và quốc tế, cuộc biểu tình dự kiến ​​sẽ phản ánh phạm vi phản đối rộng rãi đối với dự luật. Nhiều người nói rằng họ chỉ đơn giản là không thể tin tưởng vào hệ thống tòa án hay bộ máy an ninh của đại lục.
https://ichef.bbci.co.uk/images/ic/832x468/p077b1bm.jpg


Nhà hoạt động Hong Kong không sợ vào tù' sau khi bị tòa kết án
Hệ thống pháp lý độc lập của Hong Kong được bảo đảm theo luật quản trị việc trung tâm tài chính này được Anh trao trả cho Trung Quốc 22 năm trước, và được các cộng đồng ngoại giao và kinh doanh xem là tài sản còn sót lại và chưa bị Bắc Kinh xâm phạm.

Mối lo ngại đã lan rộng từ các nhóm dân chủ và nhân quyền đến các học sinh trung học, các nhóm nhà thờ và các tổ chức truyền thông cũng như các luật sư của công ty và các doanh nhân vốn thường không muốn có mâu thuẫn với chính phủ.
Nhà lập pháp kỳ cựu của đảng Dân chủ James To nói với Reuters rằng ông tin rằng lượng người biểu tình đông đảo hôm 9/6 "có thể buộc chính quyền phải suy nghĩ lại một cách nghiêm túc về đạo luật và người dân cảm thấy đây là bước ngoặt đối với Hong Kong".

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Featured post

Bản Tin cuối ngày-16/11/2024

My Blog List