Việt Nam






Sunday, 13 May 2018

RICHARD PIPES :Chủ nghĩa cộng sản

 RICHARD PIPES :Chủ nghĩa cộng sản
 

“…Chủ nghĩa này đã thất bại hoàn toàn, ngay cả những người cộng sản thời hậu Xô Viết ở Nga cũng như ở nhiều nước khác, trong các chiến dịch tranh cử, đã phải thay nó bằng cương lĩnh dân chủ xã hội pha trộn thêm với màu sắc dân tộc chủ nghĩa…”
Điều làm người ta phấn chấn nhất trong chế độ Xô Viết là sự sụp đổ của nó. Nếu nó thành công… thì tôi đã biết rằng mức độ chịu đựng khủng bố và nô lệ của con người là vô giới hạn. Malcolm Muggeridge[1]
Lời nói đầu
communism01
Đây là cuốn sách nhập môn và đồng thời cũng là lời ai điếu cho chủ nghĩa cộng sản. Vì rõ ràng rằng, nếu một lúc nào đó trong tương lai, việc tìm kiếm một sự bình đẳng hoàn toàn - một tư tưởng có từ thời cổ đại, từng thúc đẩy các chiến sĩ đấu tranh vì chủ nghĩa cộng sản không tưởng - có được tái tục thì cơ sở của những sự tìm kiếm như thế sẽ không phải là chủ nghĩa Marx-Lenin nữa. Chủ nghĩa này đã thất bại hoàn toàn, ngay cả những người cộng sản thời hậu Xô Viết ở Nga cũng như ở nhiều nước khác, trong các chiến dịch tranh cử, đã phải thay nó bằng cương lĩnh dân chủ xã hội pha trộn thêm với màu sắc dân tộc chủ nghĩa. Vì thế, hôm nay chúng ta đã có đủ điều kiện tổng kết cái phong trào đã từng giữ thế thượng phong trong suốt thế kỷ XX và xác định xem liệu sự sụp đổ của nó có phải là hậu quả của những sai lầm của một số người nào đó hay đây là kết quả của những khiếm khuyết trong chính bản chất của nó. 
Từ chủ nghĩa cộng sản xuất hiện ở Paris trong những năm 1840, liên quan đến ba khái niệm khác nhau nhưng gắn bó mật thiết với nhau: lý tưởng, cương lĩnh hành động và chế độ nhận lãnh trách nhiệm biến lý tưởng thành hiện thực. 
Lý tưởng bình đẳng tuyệt đối (ví dụ, trong một số trước tác của Plato) đòi hỏi cá nhân phải tan biến vào cộng đồng. Vì bất bình đẳng về mặt xã hội và kinh tế có nguyên nhân chủ yếu từ sự bất bình đẳng về tài sản, muốn bình đẳng thì từng người phải từ bỏ “của tôi” và “của anh”, nói cách khác, từ bỏ tư hữu. Lý tưởng này có nguồn gốc lịch sử lâu đời và thỉnh thoảng lại tái xuất hiện trong lịch sử tư tưởng phương Tây, kể từ thế kỷ thứ VII trước công nguyên cho đến tận ngày nay. 
Cương lĩnh cộng sản xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ XIX và gắn bó trước hết với tên tuổi của Karl Marx và Friedrich Engels. Trong Tuyên ngôn cộng sản năm 1848, Marx và Engels viết: “những người cộng sản có thể tuyên bố học thuyết của mình bằng một câu thôi: bãi bỏ tư hữu”. Engels khẳng định rằng bạn ông đã đưa ra một lý thuyết khoa học chứng minh sự sụp đổ không thể nào tránh được của những xã hội dựa trên khác biệt về mặt giai cấp. 
Mặc dù trong lịch sử loài người, lý tưởng cộng sản cũng đã đôi ba lần được đưa vào thực tiễn, nhưng, sử dụng toàn bộ sức mạnh của nhà nước cho một thí nghiệm như thế chỉ được thực hiện lần đầu tiên ở nước Nga từ năm 1917 đến năm 1991. Vladimir Lenin, người sáng lập chế độ đó, cho rằng đấy là một xã hội bình đẳng, không còn tư hữu, sinh ra nhờ “chuyên chính vô sản”, một nền chuyên chính gánh trên vai trách nhiệm bãi bỏ tư hữu và đặt nền móng cho con đường tiến lên chủ nghĩa cộng sản.
Chúng ta sẽ theo dõi chủ nghĩa cộng sản theo đúng trình tự như thế vì làm thế là hợp logic và vì chủ nghĩa này cũng xuất hiện theo trình tự: đầu tiên là lý tưởng, sau đó là kế hoạch thực hiện và cuối cùng là biến lý thuyết thành hiện thực. Nhưng, chúng ta sẽ quan tâm chủ yếu vào việc thực hiện, bởi vì, tự bản thân lý tưởng và cương lĩnh là những thứ vô hại, trong khi việc thực hiện chúng, nếu lại sử dụng toàn bộ sức mạnh của nhà nước, có thể dẫn tới những hậu quả cực kỳ khủng khiếp. 
I. Lý thuyết và cương lĩnh của chủ nghĩa cộng sản
Tư tưởng về một xã hội phi giai cấp, hoàn toàn bình đẳng, xuất hiện lần đầu tiên tại Hy Lạp cổ đại. Hy Lạp cổ đại là nước đầu tiên trên thế giới công nhận quyền tư hữu ruộng đất và coi ruộng đất là hàng hoá, vì vậy, cũng là nơi đầu tiên đối mặt với sự bất bình đẳng xã hội có nguồn gốc từ quyền tư hữu. Hesiod, một người đương thời với Homer (thế kỷ thứ VII trước công nguyên), trong trường ca Lao động và ngày tháng đã ca ngợi “Thời đại hoàng kim” huyền thoại, khi con người chưa “nhiễm thói xấu là chạy theo đồng tiền”, khi của cải vẫn còn dư thừa và mọi người đều được quyền sử dụng như nhau, nhân loại sống trong một nền hoà bình vĩnh cửu. Đề tài “Thời đại hoàng kim” còn trở lại trong tác phẩm của hai thi sĩ người Rome là Vergil và Ovid; Ovid viết về những giai đoạn khi con người chưa biết đến các khái niệm như “cột mốc biên giới và hàng rào”. 
Lý tưởng cộng sản lần đầu tiên được Plato định danh về mặt lý luận trong các trước tác của mình. Trong tác phẩm Cộng hoà, thông qua Socrates, Platon khẳng định rằng bất hoà và chiến tranh có nguồn gốc từ sở hữu: 
Sự khác nhau như thế thường xảy ra do bất đồng về những từ như ‘của tôi’ và ‘không phải của tôi’, ‘của anh ta’ và ‘không phải của anh ta’… Chả lẽ nhà nước, trong đó đa số người cùng sử dụng những từ như ‘của tôi’ và ‘không phải của tôi’ đối với cùng một loại đồ vật không phải là nhà nước có kỉ cương nhất hay sao?
Trong các phẩm Luật Pháp, Platon còn dự báo một xã hội, trong đó, người ta sở hữu chung tất cả của cải, cũng như vợ con, mà còn: 
Riêng tư và tư hữu bị loại bỏ khỏi đời sống, và những thứ về bản chất là riêng, ví dụ, mắt, tai và tay cũng trở thành của chung và ở mức độ nào đó, người ta cùng nhìn, cùng nghe và cùng hành động, tất cả mọi người cùng ca tụng hay cùng lên án, cùng vui cùng buồn vì cùng những lý do như nhau. 
Aristotle, học trò của Plato, lại ngờ rằng cái Utopia [Không tưởng] cộng sản đó sẽ không đem lại hoà bình vì một lý do đơn giản: Khi cùng sở hữu thì người ta dễ sinh ra cãi cọ hơn là tư hữu. Hơn nữa, ông khẳng định rằng nguồn gốc của tranh chấp không nằm ở tư hữu mà ở ước muốn được sở hữu: “không cần cào bằng sở hữu mà phải san bằng ước muốn của con người”.
Nhiều người có quan niệm lầm lẫn rằng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản chỉ là kiến giải mang tính thế tục, hiện đại, của Thiên chúa giáo. Nhưng sự khác nhau, như triết gia người Nga, Vladimir Sovoliev đã chỉ rõ, nằm ở chỗ, nếu Chúa Giêsu chỉ kêu gọi các đồ đệ của Ngài từ bỏ sở hữu của chính họ, thì những người xã hội chủ nghĩa và cộng sản lại muốn tước đoạt sở hữu của người khác. Hơn nữa, Chúa Giêsu chưa bao giờ kêu gọi người ta phải sống trong nghèo đói, ông chỉ nói rằng người nghèo thì dễ được cứu chuộc hơn mà thôi. Câu nói nổi tiếng của Thánh Paul về tiền bạc cũng hay bị người ta trích dẫn sai: ông không nói rằng “tiền là nguồn gốc của tội lỗi” mà cho rằng nguồn gốc của tội lỗi là “tình yêu đối với tiền bạc”, nói cách khác, nguồn gốc của tội lỗi là lòng tham. Thánh Augustine từng hỏi: “Vàng là vật không tốt sao?” và ông trả lời: “Không, vàng là tốt. Nhưng kẻ ác dùng vàng để làm điều ác, còn người thiện thì dùng vàng vào việc thiện”. 
chunghia_congsan
Những người sáng lập nhà thờ Thiên chúa giáo và các nhà thần học sau này đều có quan điểm thực dụng đối với vấn đề sở hữu. Theo Thánh Augustine, xã hội không có sở hữu chỉ có thể tồn tại trên Thiên đường - chỉ tồn tại trong “Thời đại Hoàng kim”, nhưng do mắc tội tổ tông mà loài người đã đánh mất. Vì con người chưa hoàn thiện, cho nên, sở hữu là phù hợp với đạo lý, nếu người ta sử dụng nó một cách thông minh và cho những mục đích từ thiện. Nhà thờ Thiên chúa giáo không những không cổ xuý cho tình trạng nghèo đói mà còn khai trừ, thậm chí, săn đuổi những kẻ cố tình làm như thế. Những người sáng lập đạo Tin lành, đặc biệt là Calvin, coi của cải là hạnh phúc và biểu hiện của lòng nhân từ của Chúa. 
Nhưng quan niệm về “Thời đại Hoàng kim” luôn luôn hiện diện trong tâm trí người châu Âu. Các nhà hàng hải thời xa xưa khát khao tìm kiếm không chỉ Eldorado (Vùng đất thần tiên – ND) và các vùng đất huyền thoại khác, nơi vàng bạc nằm đầy dưới chân, chẳng khác gì bụi đất, mà còn khát khao tìm kiếm những hòn đảo thiên đường trên trái đất, truyền thuyết về những vùng đất như thế từng lưu hành ở châu Âu thời Trung cổ. Và, khi lần đầu tiên cập cảng châu Mỹ, nhìn thấy những người Da Đỏ trần truồng thì họ tin chắc rằng đã thành công: không có cảm giác xấu hổ không phải là dấu hiệu của cuộc sống trước khi phạm tội tổ tông ư? Nếu quả thật các thổ dân đó sống trong thiên đường thì nhất định họ không có khái niệm gì về sở hữu. Khi quay trở về, Columbus nói rằng thổ dân ở đấy là những người “chất phác” và “nếu hỏi xin, thì không bao giờ họ từ chối chia sẻ những thứ họ có; ngược lại, ai họ cũng mời”. Ông không rõ họ có khái niệm về tư hữu hay không, nhưng nhận xét thêm: “Một người có thì tất cả mọi người đều chia sẻ, nhất là thức ăn”. 
Những cảm giác ngây thơ đầu tiên về người da đỏ châu Mỹ mau chóng nhường chỗ cho những đánh giá thực tế hơn, nhưng, chúng đã kịp giúp tạo ra một nền văn chương không tưởng, một phần không thể tách rời của tư tưởng phương Tây từ đó đến nay. Vùng đất Utopia đặc trưng nhất được mô tả trong tác phẩm cùng tên của Thomas More, xuất bản năm 1516, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, chính là lấy cảm hứng từ báo cáo của Columbus và các nhà thám hiểm khác. Nhưng đấy không phải là vùng đất tốt đẹp như ngày nay ta quan niệm về Utopia, đấy là một xã hội rất nghiêm khắc và tuân theo những quy định rất khắt khe, tất cả mọi người đều mặc như nhau, đều sống trong những ngôi nhà giống nhau, không được đi đâu nếu chưa có giấy thông hành, thảo luận các vấn đề xã hội có thể bị tử hình. Tiền bị bãi bỏ, vàng bạc được dùng để làm ra những cái bô dùng vào ban đêm. Đề tài chung của những tác phẩm không tưởng sau này, cũng như của More, đều xoay quanh việc thiếu vắng của cải cá nhân, cũng như việc sử dụng bạo lực của xã hội đối với cá nhân con người: cả trong lý thuyết lẫn trên thực tế, Utopia nghĩa là, cá nhân phải khuất phục chính quyền, con người buộc phải làm cái mà nếu được tự do anh ta có thể không muốn làm. 
Cần phải nói rằng lý tưởng về một “Thời đại Hoàng kim”, không có tư hữu, chỉ là một huyền thoại, một sản phẩm của ước mơ chứ không phải là sản phẩm của trí nhớ vì các nhà sử học, các nhà khảo cổ học và các nhà nhân chủng học đã thống nhất rằng, chưa ở đâu và chưa bao giờ có chuyện tư liệu sản xuất từng là của chung. Tất cả các sinh vật sống, từ những thực thể đơn giản nhất cho đến những sinh vật phát triển nhất đều cần phải kiếm thức ăn, mà như thế, phải có quyền sở hữu không gian sinh tồn. Trong hàng ngàn năm, trước khi định cư và chuyển sang chăn nuôi và làm nông nghiệp, con người đã sống bằng săn bắn và hái lượm, các nhóm người gắn bó với nhau bằng quan hệ họ hàng đã khẳng định độc quyền chiếm hữu của mình trên những vùng đất nhất định, họ luôn luôn xua đuổi hoặc giết hại những kẻ xâm lấn. Yêu sách về sở hữu càng căng thẳng thêm khi người ta chuyển sang sản xuất nông nghiệp, tức là cách đây khoảng mười ngàn năm về trước, vì làm đất là một công việc nặng nhọc và không thể có kết quả tức thời. 
Trong những nền văn minh cổ đại, cách đây khoảng năm ngàn năm về trước, ở Ai Cập và Lưỡng Hà, ruộng đất là tài sản của triều đình hay nơi thờ tự. Chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng Israel cổ đại là nước đầu tiên có sở hữu tư nhân về ruộng đất. Chúa Trời trong Cựu Ước nguyền rủa bất cứ kẻ nào dám di chuyển các phiến đá ngăn cách những khoảnh ruộng với nhau (“Đáng rủa xả thay người nào dời mốc giới của kẻ lân cận mình!” Phục truyền luật lệ ký 27:17), trong Kinh Cựu Ước còn có mấy cuốn có những đoạn nói về các gia đình hoặc một số người có ruộng đất và bãi chăn thả riêng. Nhưng việc sở hữu ruộng đất ở Israel cổ đại còn bị hạn chế bởi một loạt quy ước về tôn giáo và chủng tộc. Chỉ ở Hy Lạp cổ đại là từ xa xưa đất đai đã là tài sản riêng. Nói cách khác, không có bằng chứng nào chứng tỏ rằng ở một thời rất xa nào đó đã từng có những xã hội không biết đến “cột mốc biên giới và hàng rào”, chưa từng có xã hội nào không công nhận “của tôi” và “của anh”. 
Bằng cách đưa ra quan niệm về bản chất của con người, các nhà tư tưởng thời Khai sáng đã có đóng góp to lớn vào lý thuyết của chủ nghĩa xã hội. Ở phương Tây, người ta thường quan niệm rằng con người gồm có hai phần là thể xác và linh hồn, do Chúa Trời sáng tạo nên; người ta tin rằng, linh hồn đã mang sẵn các tư tưởng và giá trị ngay từ khi lọt lòng mẹ. Đấy là quan điểm bảo thủ, vì nó khẳng định sự bất biến của bản chất con người: bản chất của một người đã và sẽ mãi mãi như thế. Nói cách khác, nếu một người nào đó có máu tham thì anh ta sẽ mãi mãi là một người tham lam. 
John Locke, triết gia người Anh đã phản đối quan điểm như thế; trong tác phẩm Essay Concerning Human Understanding (Luận về hiểu biết của con người - 1690), ông đã phủ nhận sự tồn tại của “các tư tưởng bẩm sinh”. Theo Locke, trí óc (hay tâm hồn) khi mới sinh ra vốn là một tờ giấy trắng: tất cả các tư tưởng và giá trị đều có nguồn gốc từ kinh nghiệm. Lý thuyết này cho rằng bản chất của con người là mềm dẻo chứ không cố định, vì vậy có thể giáo dục được, trong khuôn khổ mà tính thiện của họ - các nhà triết học công nhận rằng bản chất con người vốn là thiện – có thể lấn lướt được thói ích kỉ. Claude-Adrien Helvétius, một tư tưởng gia người Pháp thế kỷ XVIII, còn khẳng định rằng, giáo dục đúng cách và pháp luật không những có thể tạo điều kiện mà còn bắt buộc người ta đạt được phẩm hạnh hoàn hảo. Lý thuyết về tâm lý học cực kì đáng ngờ này đã trở thành di sản của chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản; các chủ nghĩa này, ở những mức độ khác nhau, đều dựa vào giáo dục và/hoặc bạo lực nhằm đạt được những mục đích đáng mong muốn. Ở một số khía cạnh nào đó, nhà nước cộng sản do Lenin thành lập ở nước Nga tháng 11 năm 1917 chính là một cuộc thí nghiệm vĩ đại trong việc giáo hoá xã hội, theo mô hình của Helvétius nhằm tạo ra con người hoàn toàn mới, con người đã giải thoát khỏi những thói hư tật xấu cũ, trong đó có ước muốn tìm kiếm của cải. 
Các nhà tư tưởng cấp tiến người Pháp thế kỷ XVIII là những người đầu tiên đưa ra cương lĩnh cộng sản, kêu gọi bãi bỏ tư hữu vì đấy là nguyên nhân của mọi tai hoạ trên đời. Morelly, trong tiểu luận có nhiều ảnh hưởng, nhan đề: Le Code de la Nature (Bộ luật của tự nhiên -1755), viết như sau: 
Thói xấu duy nhất ở trên đời mà tôi biết chính là lòng tham, tất cả những cái khác, dù có gọi là gì thì cũng chỉ là hình thức hoặc mức độ của nó mà thôi… Hãy phân tích thói háo danh, tính kiêu ngạo, giả dối, đạo đức giả, sự độc ác; hãy khảo sát phần lớn các đức tính phức tạp của chúng ta, hoá ra tất cả đều hoà tan trong cái bản năng qủy quyệt và tai hại, là khát vọng chiếm hữu.” 
Như vậy, luận điểm cho rằng tâm lý của con người được quyết định bởi các điều kiện kinh tế chính là nền tảng của tất cả các học thuyết xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. 
*****
Cho đến giữa thế kỷ XIX, lý tưởng bình đẳng vẫn chỉ là hoài bão, đôi khi cũng gây ra những vụ bạo lực, nhưng chưa hề có lý luận hay chiến lược gì. Ví dụ, thế kỷ XVII ở Anh có Winstanley, lãnh tụ của một nhóm cấp tiến lấy tên là Digger, kêu gọi những ngưởi ủng hộ mình chiếm công điền và biến chúng thành các khu chăn nuôi gia súc. Ông ta đưa ra lý luận tương tự như học thuyết cộng sản: bãi bỏ buôn bán đất đai và các sản phẩm của nó. Một thế kỷ rưỡi sau, trong thời Cách mạng Pháp, một nhà cách mạng cấp tiến, Franҫois-Noël Babeuf, đã thành lập một tổ chức gọi là “Âm mưu vì Công bằng”, kêu gọi tập thể hoá toàn bộ tài sản. Nhưng cả hai ông này đều không thể đưa ra được lý luận chứng tỏ cho người ta thấy cuộc cách mạng xã hội mà họ hướng tới sẽ được thực hiện như thế nào. Vào đầu thế kỷ XIX, những nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng khác, như Comte de Saint-Simon và Charles Fourier, hy vọng có thể thuyết phục được những người giàu có từ bỏ một phần tài sản của mình. 
Thỉnh thoảng ở phương Tây lại xuất hiện các công xã cộng sản tự nguyện. Một trong những công xã như thế là Công ty Virgin ở Jamestown, được thành lập vào năm 1607; năm 1825 Robert Owen thành lập một công xã lấy tên là “Sự hoà hợp mới” ở Indiana. Tất cả các thử nghiệm như thế trước sau gì cũng thất bại, vì không thể giải quyết được vấn đề “những kẻ ăn bám”, tức là những thành viên công xã chỉ muốn ăn mà không muốn làm. 
Đóng góp của Karl Marx và Friedrich Engels cho chủ nghĩa xã hội là lý thuyết chứng tỏ rằng thiên đường bình đẳng không những là đáng mong muốn và có thể xây dựng được; hơn nữa, còn là tất yếu. Để chứng minh, họ đã sử dụng các phương pháp của khoa học tự nhiên là những môn khoa học đã có uy tín rất cao trong xã hội lúc đó. 
Marx và Engels đưa ra học thuyết “chủ nghĩa xã hội khoa học”, nói rằng, lý tưởng về một xã hội bình đẳng không còn tư hữu không những có thể thực hiện được mà nhất định sẽ phải được thực hiện, đấy chỉ là kết quả của quá trình phát triển tự nhiên của nền kinh tế mà thôi. Quan điểm Marxist về tiến hoá xã hội xuất hiện dưới ảnh hưởng của học thuyết Darwin, được trình bày trong On the Origin of Species (Nguồn gốc các loài - 1859). Cuốn sách của Darwin giải thích sự xuất hiện của các loài sinh vật như là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên, chính quá trình chọn lọc tự nhiên này đã giúp cho các loài thích nghi với môi trường thù địch. Đây là một quá trình động, các loài phát triển từ thấp lên cao theo các quy luật đã được xác định. Các nhà nghiên cứu về hành vi của con người lập tức chớp lấy lý thuyết này, họ còn thành lập cả trường phái gọi là “Xã hội học tiến hoá”, mô tả lịch sử như là quá trình phát triển theo “giai đoạn”, từ thấp đến cao. Ảnh hưởng của Darwin đối với Marx và Engels cao đến nỗi Engels, trong đám tang bạn mình, đã nói: “Giống như Darwin phát minh ra quy luật phát triển của thế giới hữu cơ, Marx phát minh ra quy luật phát triển của lịch sử loài người”. 
Đưa tư duy về quá trình tiến hoá vào lý thuyết xã hội chủ nghĩa làm nảy sinh khái niệm không thể đảo ngược. Theo “chủ nghĩa xã hội khoa học”, hoạt động của con người chỉ góp phần thúc đẩy hay làm chậm lại sự tiến hoá của xã hội, nhưng không thể làm thay đổi được xu hướng, vì xu hướng tiến hoá phụ thuộc vào các nhân tố khách quan. Như thế, theo các nguyên nhân sẽ được trình bày dưới đây, chủ nghĩa tư bản nhất định phải nhường chỗ cho chủ nghĩa xã hội. Tác động về mặt tình cảm của niềm tin này cũng chẳng khác gì niềm tin vào ý Chúa, nó là nguồn động viên rất lớn đối với những người tin tưởng tuyệt đối rằng, dù có phải vượt qua biết bao nhiêu trở ngại, nhất định họ sẽ giành được thắng lợi cuối cùng. Lý thuyết này đã có một hấp lực rất mạnh đối với các nhà trí thức, vì nó hứa hẹn sắp xếp lại cuộc đời đầy lộn xộn này, biến đời sống thành ra có trật tự mà trí thức chính là những người thày, người hướng dẫn cho cái trật tự đáng mong ước đó. Marx đã giải thích điều đó bằng một câu nổi tiếng sau đây: “Các nhà triết học giải thích thế giới bằng những cách khác nhau, nhưng vấn đề là cải tạo nó”. Ai là người sẵn sàng cho việc cải tạo thế giới? Không phải trí thức thì còn ai nữa? 
Dù tuân theo phương pháp khoa học, nhưng, chủ nghĩa Marx đã vi phạm một yêu cầu căn bản của phương pháp này, đấy là không định kiến và sẵn sàng làm cho lý thuyết thích nghi với những nhân tố mới. (Theo Bertrand Russell, chủ nghĩa Bolshevik, con đẻ của chủ nghĩa Marx, là một “tôn giáo” vì “không được phép tranh luận, ngay cả khi nói về những vấn đề còn chưa rõ ràng về mặt khách quan”). Đây là một học thuyết cứng nhắc, không chấp nhận bất kỳ một quan điểm khác biệt nào. Marx không hề che giấu thái độ đối với những người bất đồng ý kiến với ông: phê bình, có lần ông đã viết “không phải là con dao mổ mà là vũ khí. Đối tượng của nó cũng là kẻ thù của nó, một đối tượng mà nó không muốn cải chính mà là muốn tiêu diệt”. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, chủ nghĩa Marx là một giáo điều mang mặt nạ khoa học. 
Làm cho chủ nghĩa Marx thích nghi với truyền thống khoa học chỉ là một trong những khía cạnh hấp dẫn của nó mà thôi. Khía cạnh khác, có liên quan đến những biến đổi của điều kiện xã hội, cũng diễn ra trong thời gian đó. Trước cuộc cách mạng công nghiệp, sản xuất nông nghiệp là cơ sở của nền kinh tế thế giới. Cho đến lúc đó, 80 cho đến 90% người châu Âu và Mỹ sống bằng canh tác nông nghiệp hoặc nhờ canh tác nông nghiệp: họ giàu là nhờ thu hoạch từ ruộng đất hoặc phát canh thu tô. Dĩ nhiên, công thương nghiệp đã từng tồn tại từ những ngày xa xưa, nhưng chỉ có vai trò thứ yếu trong nền kinh tế. Đất là tài sản chủ yếu, cho nên các phong trào đòi bình đẳng cũng dành nhiều sức lực cho đòi hỏi bãi bỏ quyền tư hữu ruộng đất. 
Quan điểm của các phong trào đòi bình đẳng đã thay đổi hoàn toàn kể từ khi xuất hiện nền sản xuất công nghiệp đại trà. Tiền từ công thương nghiệp, chứ không phải địa tô, đã trở thành tài sản chủ yếu. Nó tạo ra hình thức nghèo đói mới, vì quá trình cơ khí hoá làm hạ giá thành sản phẩm, các nghề sản xuất truyền thống trở nên lỗi thời, nhiều thợ thủ công thất nghiệp.
Công nghiệp hoá không chỉ tạo ra những xáo động đầy đau đớn trong xã hội mà còn làm thay thay đổi một cách căn bản và thường xuyên quan hệ giữa người sử dụng lao động và kẻ làm thuê. Điền chủ và tá điền là những người hàng xóm và theo một nghĩa nào đó thì họ chính là những đối tác của nhau. Mặc dù thỉnh thoảng tá điền vẫn bị đuổi hàng loạt, ví dụ như ở Anh thời kì có Luật hàng rào, nhưng nói chung, cuộc sống nông thôn tương đối ổn định, đặc biệt là những nước như Mỹ, nơi đa số nông dân cũng là chủ mảnh đất mà họ canh tác. 
Trong các xã hội kỹ nghệ, mối liên hệ giữa chủ tư sản và người làm thuê đã yếu hơn, lại không bền vững vì người chủ có thể cho công nhân thôi việc, khi nhu cầu giảm. Sự khác biệt về lối sống là thách thức đối với xã hội vì những người giàu mới nổi cố tình trưng ra tài sản của mình. 
Sự phát triển như thế đã làm phát sinh lòng căm thù đối với “chủ nghĩa tư bản”. Chủ nghĩa xã hội, cho đến lúc đó mới là một lý tưởng được giới trí thức chia sẻ, bắt đầu nhận được sự ủng hộ của những nhóm công nhân nhất định. 
Các trước tác của Marx và Engles, gồm hàng chục tập, riêng bộ Das Kapital (Tư bản luận) đã là một ngàn bốn trăm trang in, với rất nhiều thuật ngữ chuyên môn. Ít người đủ sức đọc hết những tác phẩm cực kì khó như thế, và vì vậy mà người ta phải lấy làm ngạc nhiên làm sao giải thích được ảnh hưởng to lớn đến như thế của nó. Câu trả lời là, các nguyên lý căn bản của học thuyết về “chủ nghĩa xã hội khoa học” có thể quy về một vài luận điểm tương đối đơn giản. 
Trong điếu văn đọc tại đám tang của Marx, Engles trình bày “quy luật của lịch sử nhân loại”, theo lời ông là được Marx phát minh như sau: 
Người ta trước hết phải ăn, uống, có nhà ở và quần áo mặc, trước khi có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo v.v…, nghĩa là sản xuất các tư liệu trực tiếp của đời sống và như vậy, mỗi một nấc phát triển kinh tế của một dân tộc hay một thời đại đều tạo ra hạ tầng cơ sở, trên đó, sẽ phát triển các cơ quan nhà nước, các quan điểm pháp lý, nghệ thuật và ngay cả các quan niệm tôn giáo của người dân, vì vậy, chúng phải được giải thích trên cơ sở đó chứ không phải ngược lại như người ta vẫn làm lâu nay.” 
Tóm lại kinh tế là hạ tầng cơ sở của một đời sống có tổ chức, tất cả những cái khác đều là “thượng tầng kiến trúc”. 
Từ tiền đề đó, Marx và Engels đưa ra lý thuyết về cách mạng xã hội, luận điểm cơ bản của lý thuyết này nói rằng, chính tư hữu tư liệu sản xuất đã dẫn đến việc hình thành các “giai cấp” xã hội. Khởi thuỷ, chưa có tư hữu tư liệu sản xuất: mọi người cùng nhau sở hữu ruộng đất. Nhưng cùng với thời gian, chế độ “cộng sản nguyên thuỷ” nhường chỗ cho sự phân chia giai cấp, một nhóm người đã giành được độc quyền đối với các nguồn tài nguyên quan trọng sống còn này và sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để bóc lột và áp bức nhân dân bằng cách xây dựng các thiết chế chính trị và pháp lý để bảo vệ những quyền lợi giai cấp của họ. Nhóm người này đã sử dụng văn hoá - tôn giáo, luân lý, văn học và nghệ thuật - cho cùng mục đích như thế. Các phương tiện này đã tạo điều kiện cho giai cấp cầm quyền bóc lột nhân dân. 
Dĩ nhiên là, các giai cấp hạ lưu không chấp nhận bị bóc lột; họ luôn đấu tranh chống lại, nhưng khi còn tư hữu thì thành quả của họ chỉ là thay một hình thức bóc lột này bằng hình thức bóc lột khác mà thôi. Vì vậy, nói theo Communist Manifesto (Tuyên ngôn Cộng sản), cho đến nay, lịch sử xã hội loài người là lịch sử của những cuộc đấu tranh giai cấp. 
Những suy tư như thế về quá khứ chỉ là khúc dạo đầu của vấn đề mà Marx quan tâm hơn cả, đấy là phân tích thế giới “tư bản” đương thời. Ông đã bỏ ra nhiều năm ròng để nghiên cứu lịch sử kinh tế nước Anh, nhằm tìm cách chứng minh rằng “chủ nghĩa tư bản” là giai đoạn cuối cùng của xã hội có giai cấp và chế độ này sẽ phải sụp đổ trong một cuộc cách mạng do những người công nhân công nghiệp đang bị bóc lột tiến hành. Đấy sẽ là cuộc cách mạng cuối cùng vì nó sẽ dẫn đến việc thành lập xã hội không còn giai cấp nữa. Và lịch sử sẽ hoàn toàn chấm dứt tại đây. 
Hệ thống tư bản đặt cơ sở trên chế độ bóc lột lao động làm thuê, theo nghĩa là nhà tư sản chiếm đoạt “giá trị thặng dư” của món hàng mà người công nhân sản xuất ra. Theo Engels, khái niệm “giá trị thặng dư” là phát hiện vĩ đại thứ hai của Marx, giúp ta hiểu được xã hội loài người. Toàn bộ giá trị đều do lao động mà ra. Nhưng, trong hệ thống tư bản, người sử dụng lao động chỉ trả cho công nhân một phần nhỏ giá trị mà người công nhân làm ra, chỉ đủ cho người lao động sống qua ngày mà thôi. Phần còn lại, tức là “thặng dư” thì người chủ đút vào túi mình. 
Cùng với quá trình phát triển của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, lợi nhuận của tư sản cũng như tiền lương trả cho công nhân sẽ liên tục giảm. Đấy là do trong điều kiện cạnh tranh gay gắt, tư sản phải chi tiêu nhiều hơn cho việc trang bị máy móc, nguyên liệu v.v.. và phải trả lương cho người lao động ít đi. Giá nhân công rẻ đi, tiền lương hạ xuống, mức sống sẽ thấp đi. Đồng thời, trong các cuộc khủng hoảng, xuất hiện thường xuyên do kết quả của sản xuất thừa, các xí nghiệp lớn sẽ nuốt chửng các xí nghiệp nhỏ hơn, năng lực sản xuất công nghiệp sẽ ngày càng tập trung vào tay một số ít người hơn. Như vậy nghĩa là, tư sản và người công nhân cùng ngồi trên một con thuyền: tư sản thì bị mất cơ nghiệp vào tay những kẻ giàu có hơn, còn công nhân thì trở thành nạn nhân của quá trình “bần cùng hoá”. Cùng với thời gian, tiến trình này nhất định sẽ dẫn đến cách mạng: 
Cùng với việc giảm liên tục số nhà đại tư bản… thì quần chúng nghèo khổ, bị áp bức, nô lệ, suy đồi, bị bóc lột lại tăng thêm, nhưng đồng thời cũng làm gia tăng thái độ bất mãn của giai cấp công nhân, một giai cấp đang ngày càng tăng về số lượng, họ sẽ học tập, sẽ liên kết lại và tham gia tổ chức theo đúng cơ chế của chính quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa. Độc quyền tư bản sẽ trở thành gông cùm đối với phương thức sản xuất đã từng phát triển từ bên trong và bên dưới nó… Việc tập trung phương tiện sản xuất và xã hội hoá lao động sẽ đạt đến mức mà tự chúng sẽ trở thành không còn phù hợp với vỏ bọc tư bản chủ nghĩa nữa. Nó sẽ nổ tung. Giờ cáo chung của sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa đã điểm. Những kẻ tước đoạt sẽ bị tước đoạt.” [2]
Những cuộc cải cách của chủ nghĩa tư bản cũng không có khả năng ngăn chặn cái kết cục ấy: sự cáo chung của chủ nghĩa tư bản là tất yếu. 
Kết quả cuối cùng của cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ là sự giải phóng hoàn toàn con người. “Tự do” trong quan niệm của Marx và Engels không có gì chung với quan điểm của chủ nghĩa tự do về quyền công dân và sự bảo vệ những quyền đó từ phía nhà nước: “Tự do chính trị là tự do ảo”, Engels viết, “là một dạng nô lệ thấp kém nhất; nó chỉ có vẻ tự do và vì vậy mà, trên thực tế, là nô lệ ”. [3]  Tương tự như Engels, Marx cũng coi các quyền tự do và quyền công dân là sự lừa mị vì chúng làm cho con người trở thành nô lệ của phúc lợi vật chất; tự do chân chính sẽ giải phóng con người khỏi tình trạng nô dịch như thế. George Lukacs, một lý thuyết gia Marxist, giải thích điều đó như sau: 
“Tự do” của những người đang sống hiện nay là tự do của các cá nhân, bị cách ly với nhau bởi sở hữu, là cái vừa vật chất hóa (reify) vừa được vật chất hóa*. Đấy là tự do của những cá nhân vis-à-vis (so với) những người khác. Tự do của một kẻ ích kỉ; tự do của một người tự tách mình khỏi những người khác”. [4]
* Vật chất hóa (reify) nghĩa là gán hiện thực cho cái trừu tượng. Marx, học theo Ludwig Feurbach, đưa ra ví dụ về xu hướng gán tất cả những điều mà họ cho là tốt đẹp và đáng mong ước cho cái không tồn tại (theo quan niệm của Marx) mà họ gọi là “Chúa Trời”. Ví dụ khác là lời tuyên bố “Lịch sữ sẽ phán xét” chứ không phải là “Các nhà sử học sẽ phán xét”.  
Vì vậy việc loại bỏ tư hữu chính là điều kiện tiên quyết cho quyền tự do chân chính. Phải giải thoát khỏi sự phụ thuộc đó thì nhân loại mới đạt đến sự tự thể hiện một cách đầy đủ. Phân công lao động sẽ biến mất và người ta có thể tự do chuyển từ công việc này sang công việc khác. Marx mơ mộng: 
Trong xã hội cộng sản, nơi không có ai bị giới hạn lĩnh vực hoạt động nhất định… xã hội điều tiết toàn bộ quá trình sản xuất và vì vậy, sẽ tạo điều kiện cho tôi hôm nay làm việc này, ngày mai làm việc khác, sáng đi săn, giữa trưa đi câu cá, chiều chăn gia súc, sau bữa ăn tối thì làm phê bình - tuỳ thích – và không vì thế mà biến tôi thành thợ săn, ngư dân, người chăn nuôi hay nhà phê bình.” [5]
Richard Pipes
Phạm Nguyên Trường dịch
phamnguyentruong.blogspot.com
Chủ nghĩa cộng sản - Phạm Nguyên Trường

[1] Kitty Muggeridge and Ruth Adam, Beatrcie Webb, (New York, 1968), trang 234. Viết năm 1934 hay 1935
[2] Karl Marx, Capital (Tư bản luận), Tập 1., Chương XXIV.
[3] K. Marx, F. Engels, Collected Works (Toàn tập), tập III, (New York, 1975), trang 393
[4] George Lukacs, History and Class Consciousness (Lịch sử và ý thức giai cấp). Cambridge, Mass, 1971, tr. 315
[5] German Ideology (Hệ tư tưởng Đức), trong K. Marx and F. Engels, Collected Works (Toàn tập), tập V, (New York, 1976), trang 47.

__._,_.___

Posted by: Truc Chi 

No comments:

Post a Comment

Featured post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

My Blog List