Việt Nam






Tuesday 17 April 2018

TRUNG VỚI AI VÀ HIẾU VỚI AI?


TRUNG VỚI AI VÀ HIẾU VỚI AI?
. Nguyễn Hữu Nghĩa

Trong khẩu hiệu của Quân đội nhân dân Việt Nam có một điểm sai lầm căn bản ngay ở vế đầu, và nhiều điểm cần suy nghĩ cặn kẽ ở vế cuối:


"Quân đội ta trung với Đảng
Hiếu với dân
Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành
Khó khăn nào cũng vượt qua
Kẻ thù nào cũng đánh thắng."

Khẩu hiệu này được kẻ trên tường, đăng trên báo, in trong sách, hô trên miệng, nó bao phủ lấy người lính, vây chặt tâm tư người lính, dính liền vào da thịt người lính nên lâu ngày chày tháng không ai bận tâm suy nghĩ, tìm hiểu, thắc mắc xem nó đúng hay sai, đúng chỗ nào và sai chỗ nào, và nếu sai thì sai làm sao, tại sao sai.

Điều sai lầm căn bản là “trung với Đảng”. Tại sao lại “trung với Đảng” mà không “trung với tổ quốc”? Đảng và tổ quốc, cái nào có trước? Đảng chưa được 100 năm trong khi tổ quốc đã thành hình hơn 4000 năm. Công lao của Đảng (nếu có) không thể sánh bằng công lao của tiền nhân lập quốc, kiến quốc và cứu quốc.

Năm 2879 trước tây lịch, khi cha Lạc Long Quân cưới mẹ Âu Cơ, sinh ra trăm Việt, rồi giao cho con cả lập nước Văn Lang. Lúc ấy chưa chưa có Đảng. Đảng không có công lập quốc, tại sao quân đội phải trung với Đảng?

Sau đó là Thục Phán (Âu-Lạc), Triệu Đà (Âu-Lạc và Nam-Hải), Trưng Vương khởi binh đánh Đông Hán, Lý Bôn đánh nhà Lương, Mai Thúc Loan đánh nhà Đường, Ngô Quyền đánh Nam Hán, Đinh Bộ Lĩnh dẹp 12 sứ quân, thống nhất giang sơn Đại Cồ Việt, Lê Hoàn đánh Tống, Lý Công Uẩn giữ yên bờ cõi, dời đô về Thăng Long, mở ra một kỷ nguyên tự chủ huy hoàng, nhà Trần bảo vệ An-Nam, ba lần đánh tan quân Mông Cổ, Lê Lợi đánh quân Minh, giữ yên Đại-Việt, Nguyễn Huệ đánh quân Thanh, Nguyễn Ánh thống nhất sơn hà. Trong suốt chiều dài lịch sử ấy, Đảng ở đâu mà quân đội phải trung với Đảng?

Mãi tới năm 1930, đảng Cộng sản Đông dương mới ra đời, đã nhúng tay vào bao nhiêu máu đồng bào, tiêu diệt các đảng phái quốc gia, tàn hại đất nước, luồn cúi ngoại bang, nhượng đất dâng biển, tại sao lại đưa “Đảng” vào lời thề mà loại bỏ “tổ quốc”?

Đó là điểm sai lầm căn bản, không phải chỉ trong khẩu hiệu của Quân đội nhân dân, mà phát xuất từ sự sai lầm căn bản của chủ nghĩa cộng sản: xóa bỏ ranh giới quốc gia, tiến tới thế giới đại đồng.

Liên sô muốn thế giới đại đồng dưới lá cờ búa liềm của điện Cẩm Linh, và đã tan vỡ ra thành mười mấy nước.

Trung Cộng muốn thế giới đại đồng dưới lá cờ năm sao, mà lãnh tụ là ngôi sao lớn nhất: Hán. Cái mà Mao và Đặng (Tiểu Bình) gọi là “thế giới đại đồng”, trong thâm sâu chỉ là một nước, và nước ấy bá chủ hoàn cầu: Trung quốc. Bởi vậy Bắc kinh không chấp nhận có một cái gọi là “tổ quốc Việt Nam” và không cho phép Quân đội nhân dân Việt Nam thề trung thành với tổ quốc.
Nhưng Mao và những người kế vị, đã sai. Việt Nam có truyền thống bất khuất. Dù trong trăm Việt nay chỉ còn Lạc Việt và Âu Việt tồn tại như một quốc gia cho đến ngày nay, những bộ tộc Việt khác đã phân hóa, sống lẫn lộn với Hán tộc ở Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây và Phúc Kiến, nhưng Âu-Lạc, tức Việt Nam hiện đại dù đã mất chữ viết (cũ) từ mấy ngàn năm, nhưng không mất tiếng nói, không mất lịch sử, không chịu đồng hóa và không xuôi tay cúi đầu cho ngoại bang thôn tính đất đai.

Người lính Việt Nam không hèn nhát để ai bảo sao nghe vậy, không ngu si để nhai mãi một khẩu hiệu vô nghĩa và không vọng tưởng về một thế giới đại đồng, không biên giới và treo cờ năm sao!

Tuyệt đại đa số quân nhân Việt nam hiện nay không phải là đảng viên, tại sao lại phải “trung với Đảng”? Từ nay trở đi, dù hô ra miệng thế nào đi nữa, các bạn phải nhẩm trong lòng: “TRUNG VỚI NƯỚC”. Chỉ trung với nước, nước Việt Nam.

Bây giờ bàn về vế cuối của khẩu hiệu: “kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Kẻ thù lớn nhất, nằm ngay trong mỗi con người. Đối với người lính, “kẻ thù” lớn nhất là sự hèn nhát. Đảng có thể hèn với giặc, ác với với dân, nhưng người lính không ác với dân, vì họ chính là người dân mặc áo lính. Khi mới chào đời, họ là dân. Khi lớn lên một chút, sống đời học sinh, sinh viên, họ là dân. Khi là nông dân, công nhân, thương nhân, viên chức nhà nước, họ là dân. Khi mặc áo lính -- chỉ trong một đoạn đời -- họ mới là lính. Tới khi giải ngũ, phục viên, họ trở lại làm dân. Trong mỗi kiếp người, đời dân dài hơn đời lính, dài hơn rất nhiều. Cho nên quân đội không bao giờ ác với dân. Quân đội sẽ đứng lên, quay họng súng hướng vào kẻ ác để bảo vệ dân. Lịch sử nhân loại từ Đông sang Tây đã nhiều lần chứng minh điều đó. Quân đội luôn luôn HIẾU VỚI DÂN, bảo vệ đồng bào.

Người lính không hèn với giặc, và phải đánh thắng sự yếu đuối, phân vân trong lòng mình. Đảng và nhà nước chủ trương bưng mắt, bịt tai người lính như người ta che bớt mắt ngựa để lái chúng đi đúng vào hướng đi của chủ. Nhưng người lính không phải là loài thú.

Người ta có thể bưng tai, bịt mắt người lính nhưng không trói nổi con tim, không xiềng nổi khối óc. Bằng chứng là sống bên cạnh anh “láng diềng khốn nạn” -- như những dòng trên một băng chữ tôi đã đọc thấy trong một cuộc biểu tình -- trải qua mấy ngàn năm, chúng ta vẫn hãy còn là Việt Nam.

Chúng ta sẽ vĩnh viễn là Việt Nam, vì quân và dân Việt Nam là một, và lòng dân chính là ý trời.

Nguyễn Hữu Nghĩa
__._,_.___

Posted by: =?UTF-8?Q?Vi-b=C3=A1o_v=C3=A0_nxb_L=C3=A0ng_

No comments:

Post a Comment

Featured post

Bản Tin buổi sáng22/4/2024

My Blog List