‘Phải mất thêm một thời gian mới bỏ hộ khẩu trên thực tế’
- 5
tháng 11 2017
Một luật sư ở Sài Gòn nói với BBC rằng "bản chất của Nghị
quyết 112 không phải là bỏ hộ khẩu mà chỉ thay thế hình thức hộ khẩu giấy sang
"hộ khẩu điện tử".
Hôm 30/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết 112
về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý
dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Theo đó, Chính phủ thông qua phương án của Bộ Công an về việc bỏ
các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để
thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.
'Hộ khẩu điện tử'
Trả lời BBC hôm 5/11, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty
Luật Thế Giới Luật Pháp, nói: "Đúng là Chính phủ không có quyền sửa đổi
luật, làm trái luật. Tuy nhiên, nếu chúng ta nghiên cứu kỹ Nghị quyết 112 thì
sẽ thấy rằng bản chất của nghị quyết này không phải là bỏ hộ khẩu mà chỉ thay
thế hình thức hộ khẩu giấy sang "hộ khẩu điện tử."
"Thay vì trước đây chúng ta làm thủ tục đăng ký thường trú và
được cơ quan công an cấp một quyển sổ hộ khẩu Công an quản lý nhân khẩu dựa vào
quyển hộ khẩu này. Nay nhu cầu quản lý nhân hộ khẩu của nhà nước vẫn còn đó
nhưng hình thức quản lý khác đi. Cụ thể là công an vẫn quản lý nhân hộ khẩu thông
qua mã định danh cá nhân và thủ tục đăng ký cập nhật nơi cư trú trên hệ thống
dữ liệu quốc gia"
"Số định danh cá nhân cho ta biết rõ nơi sinh, ngày tháng năm
sinh, giới tính, tỉnh thành cư trú … Do đó, xét về câu chữ thì rõ ràng Nghị
quyết 112 của Chính phủ trái Luật Cư trú nhưng xét về bản chất nó vẫn phù hợp
với Luật Cư trú."
Ông Sơn nói thêm: "Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp
luật năm 2015, Nghị quyết của Chính phủ không phải là một loại văn bản quy phạm
pháp luật. Do đó, Nghị quyết 112 chỉ có hiệu lực đối với các thành viên chính
phủ, tức các Bộ và các cơ quan ngang bộ."
"Trên cơ sở Nghị quyết của Chính phủ, các bộ ngành sẽ đề xuất
sửa đổi luật, nghị định và ban hành thông tư hướng dẫn… nhằm đáp ứng các yêu
cầu, mục tiêu mà Nghị quyết đề ra. Để Nghị quyết 112 này được thực thi trên
thực tế, tôi nghĩ phải mất thêm một thời gian nữa."
Cùng ngày, nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm, thành viên Mạng lưới
Blogger Việt Nam nói với BBC: "Lâu nay, việc kiểm tra tạm trú, tạm vắng,
hộ khẩu là một trong những điều mà những nhà hoạt động thường bị sách nhiễu, gây
khó khăn nhiều nhất. Dù đang ở khách sạn, nhà người thân hay nhà bạn bè thì
công an lấy lý do "kiểm tra tạm trú, tạm vắng, sổ hộ khẩu rồi họ vào gây
khó khăn nhiều thứ như: Đưa người hoạt động về trụ sở, đuổi đi hay phạt hành
chính... Mà việc "kiểm tra" này họ "sử dụng" bất cứ lúc nào,
dù là đêm hôm khuya khoắt. Và tất nhiên là cái mục đích kiểm tra thì khác với
lý do họ nêu ra."
Ông Lâm nói thêm: "Việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ loại bỏ sự bất đình
đẳng, phân biệt đối xử về quyền lợi giữa người có hộ khẩu thường trú và không
có như: Vay vốn, xác lập quyền tài sản, lắp đặt Internet, công tơ điện, nước...
Việc này sẽ tạo tiền đề cho sự cống hiến, đóng góp, phát triển của địa phương
cũng như của quốc gia."
Hồi tháng 6/2016, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho rằng hệ
thống quản lý hộ khẩu tạo ra bất bình đẳng về cơ hội ở Việt Nam. Nghiên cứu
nói "hệ thống hộ khẩu tạo ra bất bình đẳng cơ hội cho người dân Việt
Nam", theo lời ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới
tại Việt Nam.
"Cần có các cải cách hơn nữa để đảm bảo là người nhập cư có
được khả năng tiếp cận trường học, chăm sóc y tế và việc làm ở khu vực công như
những người khác. Điều này sẽ khuyến khích người dân di cư tới các thành phố và
sẽ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cũng như chuyển đổi cơ cấu của Việt
Nam."
Khuyến nghị của ông Fock được đưa ra sau khi Ngân hàng Thế giới
kết hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam làm khảo sát về dịch vụ
công và chế độ hộ khẩu đã có trên cả nước Việt Nam "từ 50 năm
qua".
Việt Nam bỏ chế độ «
hộ khẩu »
Trang bìa của một cuốn sổ hộ khẩu, sổ đăng ký
tạm trúẢnh chụp màn hình : kiemsat.vn
Theo báo chí trong nước ngày hôm qua, 04/11/2017, chế độ quản lý «
hộ khẩu » của Việt Nam chính thức chấm dứt, theo một nghị quyết của chính phủ.
Kể từ đầu tháng 11/2017, trên nguyên tắc, người dân Việt Nam sẽ
không còn phải đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú để được coi là cư trú hợp
pháp. Cùng với việc bỏ « sổ hộ khẩu », 13 thủ tục
liên quan, trong đó có « tách sổ hộ khẩu », «
gia hạn tạm trú », « đăng ký tạm trú trái pháp luật tại
Công an cấp xã »… đồng thời cũng được xóa bỏ.
Việc quản lý thông tin về nơi cư trú của công dân sẽ được thay thế
bằng việc cập nhật thông tin cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư,
thông qua « mã số định danh cá nhân »,
do bộ Công An phụ trách, thể theo Luật Cư trú sửa đổi.
Ra đời từ hơn nửa thế kỷ trước tại miền Bắc, chế độ hộ khẩu vẫn
tiếp tục được duy trì 30 năm qua, ngay cả sau khi đất nước đã mở cửa, hội nhập với
thế giới. Chế độ này liên tục bị giới bảo vệ nhân quyền lên án, như một xâm
phạm đối với quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam.
Chấm dứt chế độ hộ khẩu, nhằm bãi bỏ các loại giấy tờ nhiêu khê,
gây khó khăn cho cuộc sống của người dân, được nhiều người hoan nghênh là một biện
pháp « được lòng dân ». Cùng với việc chấm dứt chế
độ hộ khẩu, chính quyền Việt Nam cũng chính thức ngừng cấp « giấy
chứng minh nhân dân », thay vào đó là thẻ căn cước công dân.
Tuy nhiên, theo một số giới chức trong bộ máy chính quyền, thiện
chí nói trên của chính phủ Việt Nam sẽ chỉ có hiệu lực thực sự, một khi Cơ sở
dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn tất. Trong hiện tại, chính quyền Việt Nam
mới « thí điểm cấp mã số định danh cá nhân » ở 4
tỉnh, thành phố. Dự kiến đến năm 2019, bộ Công An mới hoàn tất thông tin của
hơn 90 triệu cư dân.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment