Việt Nam






Sunday, 29 November 2015

Nguyễn Văn Vĩnh và tờ Đăng-cổ tùng-báo


Nguyễn Văn Vĩnh và tờ Đăng-cổ tùng-báo

Sau khi hết hạn hợp đồng với chính quyền Đông Dương, tờ Đại-Nam đồng-văn nhật-báo trở thành một tờ báo tư nhân, với tên gọi mới là Đăng-cổ tùng-báo, song vẫn tiếp tục đánh số thứ tự theo tờ Đại-Nam đồng-văn nhật-báo (số đầu tiên là 793).

Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, từ thời điểm này, Đăng-cổ tùng-báo trở thành diễn đàn kêu gọi canh tân của biên tập viên trẻ Nguyễn Văn Vĩnh và cơ quan ngôn luận của hội “Đông Kinh Nghĩa Thục” (03-11/1907) với nhiều bài báo mang tính chính trị và chống Pháp.
Ban Việt Ngữ đài RFI có dịp phỏng vấn ông Nguyễn Lân Bình, cháu nội của Nguyễn Văn Vĩnh. Cha ông là Nguyễn Dực và là người con thứ bẩy của nhà báo. Thường người cháu đích tôn là người tiếp nối công việc nghiên cứu lịch sử hay gia phả dòng họ, song ông Nguyễn Lân Bình là người tiếp tục truyền thống này. Ông cũng là người thành lập website tannamtu.com để đăng những tài liệu, bài báo và bài viết của Nguyễn Văn Vĩnh hay liên quan tới nhà báo nổi tiếng đầu thế kỷ XX này.

RFI : Xin ông cho biết cụ Nguyễn Văn Vĩnh tham gia tờ Đăng-cổ tùng-báo trong bối cảnh nào?

Nguyễn Lân Bình : Nói về sự xuất hiện của tờ Đăng-cổ tùng-báo thì bao giờ cũng gắn liền với tên tuổi và vai trò của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh. Vào năm 1907, ở Việt Nam, người Việt vẫn còn sử dụng chữ Hán và chữ Nôm trong các văn bản, kể cả trong quan hệ hành chính lẫn trong sinh hoạt đời thường. Vì vậy, Đăng-cổ tùng-báo có một vai trò vô cùng đặc biệt và có thể nói rằng rất quan trọng.

Việc Đăng-cổ tùng-báo ra đời, theo hiểu biết của cá nhân tôi, là hệ quả của rất nhiều biến động xã hội, đặc biệt là trong chính sách cai trị của người Pháp vào cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX. Lúc này, chính người Pháp cũng không quyết định được là sử dụng ngôn ngữ nào trong quan hệ hành chính ở Việt Nam. Trong các văn bản của người Pháp lúc bấy giờ, có một số văn bản bằng chữ Hán, một số khác lại bằng tiếng Pháp, chứ chưa có văn bản bằng chữ Quốc ngữ.
Cuối thế kỷ XIX, tuy người Pháp có ra một số quyết định liên quan đến việc phải sử dụng chữ Quốc ngữ trong một số lĩnh vực. 

Nhưng điều đó chỉ xẩy ra ở Nam Kỳ, trong khi đó Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ là ba chế độ chính trị khác nhau. Chính vì sự khác biệt này nên việc sử dụng một ngôn ngữ thống nhất là điều rất cần thiết cho Việt Nam thời bấy giờ. Tờ Đăng-cổ tùng-báo ra đời vào đúng thời điểm người Pháp đang lúng túng lựa chọn một ngôn ngữ đặc trưng và đại diện cho đất nước An Nam.

Một điều quan trọng nữa, vào năm 1906, khi nhà yêu nước Phan Chu Chinh viết một bản kiến nghị gửi Toàn quyền Đông Dương ("Đầu Pháp Chính phủ thư") nói về việc phải cải cách xã hội, phải cải cách cuộc sống cho người dân An Nam để làm sao thay đổi và đạt tới sự tiến bộ trong quan hệ xã hội của người dân. Vì cụ Phan Chu Chinh viết bản kiến nghị đó bằng chữ Hán, mà gửi lên Toàn quyền Đông Dương là một người Pháp, thì rất là bất lợi.

Vì vậy, có một người đã xuất hiện để thực hiện công việc này, đó là Nguyễn Văn Vĩnh. Đó là vào năm 1906 và Nguyễn Văn Vĩnh mới có 24 tuổi. Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch toàn bộ bức thư đó từ chữ Hán sang tiếng Pháp. Việc dịch sang tiếng Pháp là một điều có thể nói là tác động đến tâm lý chung của người Việt lúc đó, rằng tại sao lại không thể dùng giữa tiếng Việt với tiếng Pháp mà phải dùng từ chữ Hán sang tiếng Pháp. Điều này cũng thể hiện một hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam về việc sử dụng ngôn ngữ.

Thứ hai, theo hiểu biết của tôi, ở đây xuất hiện một nhân vật cực kỳ quan trọng và rất quyết định, đó là ông Schneider. Đến đầu thế kỷ XX, khi phát hiện ra Nguyễn Văn Vĩnh, ông Schneider đã tìm đến và dưới tác động của ngài Henri Hauser là Đốc lý Hà Nội, một người rất hiểu Nguyễn Văn Vĩnh. Những ảnh hưởng và mối quan hệ đó đã đặt Nguyễn Văn Vĩnh vào vị trí mà bản thân Nguyễn Văn Vĩnh rất quan tâm.
Chúng tôi đã xem xét lại tất cả những suy nghĩ của cụ Vĩnh lúc bấy giờ thông qua thư từ, chữ viết khi cụ Vĩnh đi sang Marseille lần đầu tiên vào năm 1906 dự Đấu xảo Marseille. Nguyễn Văn Vĩnh viết bức thư tâm sự cho người em trai tên là Thọ và cho một người bạn thân tên là Phạm Duy Tốn, đồng thời cũng là người cùng làng với cụ Vĩnh, ở làng Phượng Dực, Thường Tín, Hà Đông thời xưa mà bây giờ gọi là Phú Xuyên, Hà Nội. Qua những bức thư đó, chúng ta thấy rằng Nguyễn Văn Vĩnh say sưa về ngôn ngữ, cùng với một tác động tâm lý rất mạnh của nước Pháp đối với nhận thức của Nguyễn Văn Vĩnh, đó là vấn đề báo chí mà ông được nhìn thấy tận mắt ở hội chợ đấu xảo đó.

Những diễn biến vừa nêu trên tạo thành một cơ sở để năm 1907 khi có phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, bản thân ông Schneider chủ trương phát triển ngành công nghiệp in ấn và phát hành báo chí, cộng với khát khao và thiết tha của Nguyễn Văn Vĩnh trong việc phát triển báo chí, cộng với khả năng ngôn ngữ của Nguyễn Văn Vĩnh lúc đó ở một mức độ rất cao, thì tờ báo Đăng-cổ tùng-báo ra đời.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của phong kiến Trung Quốc, cùng với gần 10 thế kỷ đô hộ của Trung Quốc, cho nên mong muốn sử dụng chữ Quốc ngữ vào trong báo chí, đặc biệt là ở phía bắc Việt Nam, thì những người chủ trương mới nhận thấy rằng, nếu ra luôn một tờ báo hoàn toàn bằng chữ Quốc ngữ thì e rằng dư luận xã hội không hưởng ứng, do đa phần vẫn sử dụng chữ Hán.

Chính vì lẽ đó, tờ Đại-Nam đồng-văn nhật-báo, khi được đổi thành Đăng-cổ tùng-báo (nói theo kiểu nôm na là "Khêu đèn giõng trống") thì được xuất bản bằng cả hai thứ tiếng, một bên là Hán văn và một bên là Quốc ngữ. Tuy nhiên, cả hai phần không có cùng một nội dung, không mang tính chất dịch nội dung này sang nội dung kia bằng ngôn ngữ khác, mà hai nội dung đó khác nhau. Đó là bản chất của Đăng-cổ tùng-báo.
RFI : Ông từng viết rằng cụ Nguyễn Văn Vĩnh dùng Đăng-cổ tùng-báo làm cơ quan ngôn luận của Đông Kinh Nghĩa Thục. Xin ông giải thích rõ hơn !
Nguyễn Lân Bình : Câu hỏi này cũng là một khía cạnh mà rất nhiều người đã đặt vấn đề, không hẳn là tranh cãi, nhưng theo tôi được biết thì đây là một chi tiết rất là quan trọng trong tiến trình tại Đông Kinh Nghĩa Thục vào đầu thế kỷ XX ở Việt Nam.
Để nói là Đăng-cổ tùng-báo được nhìn nhận như là một cơ quan ngôn luận của Đông Kinh Nghĩa Thục là một điều còn phải xem xét thêm rất nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên, ở góc độ của tôi, khi Đăng-cổ tùng-báo trở thành một nhu cầu của người đọc, đặc biệt là ở Đông Kinh (Hà Nội), thì nó chuyển hóa dần dần, đặc biệt trong nhiều bài viết, trong nội dung của các số báo Đăng-cổ tùng-báo.

Có một bài viết không hoàn toàn mang tính tranh luận, nhưng rõ ràng đó là một mâu thuẫn giữa ông Ernest Babut (chủ tờ Đại -Việt tân-báo) và chủ bút của Đăng-cổ tùng-báo là Nguyễn Văn Vĩnh, đặc biệt là từ khi Nguyễn Văn Vĩnh nghĩ ra việc thành lập Hội Dịch sách, với mục đích là để tạo một cơ sở văn hóa. Lúc đó, chúng ta chưa có nền văn học chữ Quốc ngữ, chưa có những tác phẩm bằng tiếng Việt thuần túy như sau này. Vì vậy, Nguyễn Văn Vĩnh hy vọng là với phương pháp nếu như có nhiều quan tâm tới dịch tác phẩm tiến bộ, những tác phẩm tinh hoa của nhân loại ra tiếng Việt, thì đấy là một cơ sở giúp người Việt, giúp cho văn hóa cũng như làm cơ sở cho công cuộc làm cách mạnh duy tân theo chủ trương của Đông Kinh Nghĩa Thục.

Lúc đó Đăng-cổ tùng-báo đã có nhiều chuyên mục hoàn toàn mang đúng bản chất của báo chí. Trong mục "Việc vặt ở Hà Nội", Đăng-cổ tùng-báo ngày 03/10/1907, có một bài do Nguyễn Văn Vĩnh viết với thái độ bất bình với quan điểm của ông Babut vì Babut đã cho đăng trên tờ báo của mình một bài viết không dám phê phán nhưng có tính giễu cợt Hội Dịch sách được thành lập lúc đó và Hội Trí Tri ở Hà Nội. Ông Babut không tin là người Việt Nam có thể dịch được văn học nước ngoài ra tiếng Việt. 

Chính vì vậy, Nguyễn Văn Vĩnh mới cảm thấy bị "động chạm" và viết như sau :
« Ở trong báo Đại-Việt kỳ trước có một bài không ký tên nhưng chúng tôi biết là của ông Babut viết ra bằng tiếng Pháp, rồi dịch ra chữ Quốc ngữ, bác Hội Dịch sách, nói rằng mấy người lập hội chẳng qua là chỉ để cầu danh cầu lợi ».
Chính vì vậy, Nguyễn Văn Vĩnh rất bất bình, cho nên thấy cần phải giải thích lý do thành lập Hội Dịch sách. Sau đó, ông kết luận : « Ai mà chê chúng tôi thì cũng nên lấy làm lạ, chứ ông chủ Đại-Việt tân-báo mà chê, thì là phải lắm ». Câu kết của bài báo chỉ có hai câu thôi cũng đủ chứng tỏ lúc đó có một sự cạnh tranh đã đành, nhưng quả thật, cũng có sự thiếu lòng tin, nhất là đối với một người Pháp có chuyên môn như ông Babut về việc phát hành báo chí.

Lúc đó, ngay cả khái niệm thế nào là một cơ quan ngôn luận đối với một tổ chức xã hội cũng là một điều gì đó rất xa lạ. Tuy nhiên, qua một thực tế là chúng ta có thể có cơ sở để nhìn nhận vấn đề này. Đó là trong số ngày 19/09/1907, trong mục "Việc vặt ở các tỉnh", Nguyễn Văn Vĩnh nêu một sự kiện hết sức chính trị, và việc nêu một sự kiện chính trị trên một tờ báo là một điều rất liều lĩnh. Đó là việc nhà cầm quyền bắt ông Ngô Đức Kế.

Đây là một vấn đề chính trị, nhưng để nêu lên trên mặt báo cùng với thái độ đòi hỏi nhà cầm quyền phải xem lại quyết định bắt của mình, thì là một quan điểm rõ ràng thể hiện tính chính trị trong một tờ báo. Nếu không phải là người đại diện phát ngôn cho Đông Kinh Nghĩa Thục, thì rõ ràng Nguyễn Văn Vĩnh không nhất thiết phải can dự đòi nhà cầm quyền xem lại lệnh bắt ông Ngô Đức Kế. Vì ông Ngô Đức Kế là một người có quan hệ gắn bó với cụ Phan Bội Châu, là một trong những người ủng hộ và muốn làm cách mạng duy tân. Vào năm 1907, sau khi bị bắt, ông Ngô Đức Kế bị đày ra đảo Côn Lôn cho tới năm 1921.

Như vậy, rõ ràng là việc nêu quan điểm chính trị về một sự việc cụ thể của Nguyễn Văn Vĩnh trên tờ Đăng-cổ tùng-báo, cùng với nhiều bài báo khác nữa nêu quan điểm chính trị, chủ trương canh tân, chủ trương kêu gọi đổi mới, chủ trương thúc đẩy người dân bài trừ những tệ nạn và đồng thời can dự cả vào những hoạt động của hội đồng hành chính các cấp thời bấy giờ trong hệ thống cai trị. Nếu không phải là người trong Đông Kinh Nghĩa Thục, nếu không phải là người có cùng chí hướng đối với những nhà yêu nước lúc đó, thì Nguyễn Văn Vĩnh có lẽ không vô cớ can dự sâu như vậy vào các hoạt động xã hội và chính trị.

Từ góc nhìn như vậy, chúng tôi nhận thức rằng vào hoàn cảnh khó khăn như thế, những quan điểm nêu trên một tờ báo bằng tiếng mẹ đẻ, thì đúng là nó phải mang tính đại diện rất lớn, thay mặt phong trào cách mạng lúc đó để canh tân đất nước và phản đối sự hà khắc của chế độ cai trị, cũng như là muốn bãi bỏ tất cả tệ nạn, những cái đã làm cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam không phát triển được.

RFI : Vậy xin ông cho biết Đăng-cổ tùng-báo đóng vai trò như thế nào trong bối cảnh giới trí thức lúc bấy giờ kêu goi canh tân và phổ biến tri thức mới ?
Nguyễn Lân Bình : Ngay tờ đầu tiên, ra ngày 28/03/1907, Đăng-cổ tùng-báo đã có một bài rất hay. Nó đặc trưng rất rõ đòi hỏi bức thiết của xã hội cần phải được cải cách, đó là bài "Trường kỹ nghệ Hà Nội". Nguyễn Văn Vĩnh nêu : Thế nào là kỹ nghệ ? Người Pháp đã nghĩ ra chuyện mở trường kỹ nghệ, nhưng tại sao lại không thu hút học sinh ?
Nguyễn Văn Vĩnh nêu rằng « việc buôn bán trong một nước mà rộng ra hay hẹp đi là ở bởi người có của. Mà trong nước Nam, những người có nhiều tiền bạc nhất là chỉ có những nhà quan ». Cụ Vĩnh giải thích rằng để có được nhiều người nhiều tiền và giầu có, thì phải có kỹ nghệ, khoa học và công nghiệp, chứ không phải nhờ vào những đồng tiền do làm quan mà có. Chỉ riêng bài này cũng cho thấy rằng mong muốn canh tân và thay đổi đất nước như thế nào.
Đồng thời, còn có hàng loạt đề mục mà Nguyễn Văn Vĩnh đã đưa vào trong Đăng-cổ tùng-báo. Trong giai đoạn đầu, tháng 03-04/1907, nội dung báo chưa có nhiều điều sâu sắc lắm, nhưng trong những tháng về sau, trong 16 trang của tờ báo, có cả nghị luận, tin tức các tỉnh ở Bắc Kỳ, tin tức toàn cầu, các bài viết về khoa học, thi ca, kể cả hộp thư tòa soạn và quảng cáo.
Những nội dung này là hoàn toàn mới với tri thức và mặt bằng hiểu biết của người Việt Nam lúc đó, vừa về vấn đề báo chí, vừa về cách nhìn xã hội một cách bao quát. Đăng-cổ tùng-báo đã làm được điều này.
P.V. Ông Nguyên Lân Bình 27.11.15 27/11/2015 Nghe

Cùng chủ đề

TẠP CHÍ VĂN HÓA

Đại-Nam đồng-văn nhật-báo, tờ báo chữ Hán đầu tiên tại Bắc Kỳ

TẠP CHÍ VĂN HÓA

François-Henri Schneider và tờ Lục-tỉnh Tân-văn

TẠP CHÍ VĂN HÓA

"Nông-cổ mín-đàm", tờ báo kinh tế đầu tiên của Việt Nam


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Featured post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

My Blog List